LCST xin được giới thiệu cùng các bạn Cẩm Nang Luật cho Bạn và Tôi tập 4, dành cho Cư Dân Mạng, do Luật của Sự Thật hợp tác cùng với Luật sư Nguyễn Thành thực hiện và xuất bản. Cẩm Nang này được xuất bản nhân dịp hàng loạt các bloggers, facebookers bị trù dập, bắt bớ và bỏ tù chỉ vì họ dám lên tiếng bày tỏ chính kiến và lý tưởng yêu nước của mình qua những dòng chữ trên mạng. Với niềm hy vọng có thể giúp các bạn ít nhiều hiểu thêm được các quyền lợi của mình, mà chính Hiến Pháp và các Bộ Luật Việt Nam qui định, chúng tôi xin được trình bày một số vấn đề mà hiện nay dân cư mạng đang rất quan tâm, qua dạng hỏi đáp. Xin mời quý bạn đón xem.
CẨM NANG 4
DÀNH CHO CƯ DÂN MẠNG
Luật sư Nguyễn Thành
Trước khi đọc cẩm nang ngắn này, xin bạn lưu ý rằng nó được viết dựa trên những văn bản pháp luật đang có hiệu lực vào ngày 29-6-2013.
Câu 1. Tôi có một blog /
facebook cá nhân, vậy tôi có cần phải lưu ý những văn bản pháp luật nào có liên
quan không?
Trước hết, bạn cần lưu ý rằng một vấn đề pháp luật có thể được
điều chỉnh bởi một hệ thống các văn bản pháp luật từ Hiến pháp, cho tới luật,
nghị định, thông tư,... Tuy nhiên, khi có một số văn bản đặc thù quy định về vấn
đề đó, không có nghĩa là các văn bản khác không có liên quan. Ví dụ, chúng ta
có một nghị định quy định trực tiếp đến blog, nhưng bản thân việc bạn viết blog
còn liên quan đến quyền tự do ngôn luận của bạn được thừa nhận tại Hiến pháp.
Chúng tôi khuyến nghị bạn quan tâm đến một số văn bản sau đây:
1. Hiến pháp năm 1992, sửa đổi năm 2001.
2. Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 và Luật sửa đổi một số điều
của Bộ luật hình sự số 37/2009/QH12. Đặc biệt lưu ý các điều sau:
- Điều 87. Tội phá hoại chính sách đoàn kết
- Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam
- Điều 121: Tội làm nhục người khác
- Điều 122: Tội vu khống
- Điều 226: Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng
máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.
- Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi
ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân
3. Luật Công nghệ thông tin
4. Nghị định 97/2008/NĐ-CP về quản lý Internet và thông tin
điện tử
5. Nghị định 28/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính
trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên
Internet.
7. Nghị định số 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt
lưu ý các điều sau:
6. Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc.
7. Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 của
Liên hợp quốc.
|
Câu 2. Blog / facebook có phải là một tài sản không?
Có. Theo quy định tại Điều 163, Bộ luật Dân sự năm 2005, tài sản
bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Ở đây, tài sản của bạn
là quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu của blog và quyền sở hữu trí tuệ đối với
các nội dung bạn tải lên, kể cả mã nguồn blog (nếu mã nguồn đó là của bạn) và
cách bạn sắp xếp các dữ liệu đó. Nói một cách khác, bạn là chủ sở hữu của tài
khoản đăng nhập (username và password) và cơ sở dữ liệu của blog (database),
cùng với quyền được truy cập và thao tác trên cơ sở dữ liệu đó.
Vì vậy, việc bạn sử dụng blog / facebook của bạn như thế nào,
hoàn toàn là quyền của bạn, không ai được xâm phạm, trừ khi bạn cho phép họ làm
thế.
Câu 3. Tôi có một blog cá
nhân nhưng chạy trên tên miền riêng (www.abc.com). Liệu tôi có phải đăng ký với cơ quan nhà
nước nào không?
Trường hợp bạn sử dụng tên miền quốc gia .vn thì bạn không cần
quan tâm đến nội dung sau đây. Lý do là có thể là bạn đã phải khai báo đầy đủ
thông tin cá nhân khi đăng ký tên trên miền đó rồi.
Nhưng nếu bạn sử dụng hay dùng các miền khác như .com, .net,
.org, .asia,... thì bạn cần lưu ý đến một số quy định về thông báo tên miền.
Tại khoản 2, khoản 3 điều
23 Luật Công nghệ thông tin quy định như sau:
“2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam
".vn" khi thiết lập trang thông tin điện tử không cần thông báo với
Bộ Bưu chính, Viễn thông. Tổ chức, cá nhân khi thiết lập trang thông tin điện
tử không sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" phải thông báo
trên môi trường mạng với Bộ Bưu chính, Viễn thông những thông tin sau đây:
a) Tên tổ chức ghi trong quyết định thành lập, giấy phép hoạt
động, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép mở văn phòng đại diện;
tên cá nhân;
b) Số, ngày cấp, nơi cấp chứng minh thư nhân dân hoặc số, ngày
cấp, nơi cấp hộ chiếu của cá nhân;
c) Địa chỉ trụ sở chính của tổ chức hoặc nơi thường trú của
cá nhân;
d) Số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử;
đ) Các tên miền đã đăng ký.
3. Tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về
tính chính xác của các thông tin quy định tại khoản 2 Điều này, khi thay đổi
thông tin thì phải thông báo về sự thay đổi đó.”
|
Việc thông báo phải được tiến hành trên website
thongbaotenmien.vn của Trung tâm Internet Việt Nam.
Câu 4. Nếu tôi dùng tên miền quốc tế (.com, .net,...) cho blog của mình mà không thông báo với cơ quan nhà nước thì sao?
Bạn có thể sẽ bị xử phạt, với số tiền từ 2 - 5 triệu đồng.
Điều 11, Nghị định 28/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính
trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên
Internet quy định như sau:
“Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến
5.000.000 đồng đối với các hành vi sử dụng tên miền cấp cao khác tên miền
“.vn” mà không thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông; khai báo thông tin
không chính xác hoặc không cập nhật khi có thay đổi thông tin liên hệ đối với
cá nhân đăng ký, sử dụng tên miền “.vn”.”
|
Câu 5. Tôi có được quyền ghi âm, đăng hình trên blog của tôi không?
Pháp luật không cấm bạn ghi âm, ghi hình để đăng trên blog / facebook.
Tuy vậy, bạn cần lưu ý rằng ngoại trừ ở các địa điểm công cộng, việc ghi âm,
ghi hình của bạn cần tuân thủ các quy định về Bảo vệ bí mật nhà nước (xem câu
7), quyền cá nhân đối với hình ảnh (Điều 31 - Bộ luật Dân sự) và quyền bí mật đời
tư (Điều 38 - Bộ luật Dân sự). Ngoài ra, cá nhân và tổ chức có quyền thiết lập
các quy định riêng để bảo vệ các thông tin của mình (bao gồm cả âm thanh, hình ảnh,
dữ liệu khác,...), việc bạn xâm phạm khu vực thuộc sở hữu của họ để ghi âm, ghi
hình có thể khiến bạn phải bồi thường một khoản tiền lớn cùng với án tù nhiều
năm, tùy từng vụ việc cụ thể.
Rất tiếc, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về quyền
cá nhân đối với hình ảnh và quyền bí mật đời tư nên cách giải quyết phụ thuộc
vào quan điểm của tòa án đối với từng vụ việc.
Câu 6. Tôi ghi âm, ghi hình được một cảnh vi phạm pháp luật của nhân viên nhà nước khi họ đang thi hành công vụ, nếu đăng lên blog thì tôi có gặp vấn đề rắc rối pháp lý nào không?
Có thể có. Bạn cần lưu ý các quy định pháp luật đã nêu tại phần
trả lời câu hỏi số 5.
Trường hợp bạn ghi âm, ghi hình ở khu vực cấm có chứa bí mật
nhà nước, bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với hành vi “quay phim, chụp
ảnh, vẽ sơ đồ ở khu vực cấm” theo Điều 25, Nghị định số 73/2010/NĐ-CP của Chính
phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an
toàn xã hội. Số tiền bị xử phạt có thể từ 500.000 đ đến 2.000.000đ.
Tuy nhiên, nếu bạn ghi âm, ghi hình các hành vi vi phạm pháp luật
của công an, cán bộ, công chức nhà nước không nằm trong các khu vực cấm, ví dụ như
ở các địa điểm công cộng, ngoài đường hay cơ quan nhà nước thông thường,... thì
bạn hoàn toàn không phải chịu một rủi ro pháp lý nào cả. Trên thực tế, số lượng
các khu vực cấm rất ít, do đó, phạm vi để bạn thực hiện quyền ghi âm, ghi hình rất
rộng.
Câu 7. Tôi là sinh viên,
nếu tôi viết bài phê phán nhà trường hoặc chính quyền, tôi có thể bị đuổi học
không?
Không. Bạn chỉ bị đuổi học hoặc kỷ luật theo các văn bản về Quy
chế đào tạo đại học, cao đẳng sau đây:
1. Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ
thống tín chỉ, ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng
8năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Thông tư số 57/2012/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một
số điều của Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống
tín chỉ ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8năm
2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy, ban hành
kèm theo Quyết định số 25/2006/QĐ-BGDĐT ngày 26 tháng 6 năm 2006 của Bộ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. “Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa
học” ban hành kèm theo Quyết định số 36/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 28 tháng 6
năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
|
Theo đó, bạn chỉ bị đuổi học khi kết quả học tập của bạn không
đạt yêu cầu hoặc bạn vi phạm điều cấm về thi hộ - tức nhờ người khác thi hộ.
Không có điều gì liên quan đến việc bạn viết blog phê phán nhà trường hoặc
chính quyền.
Bên cạnh đó, hành vi viết blog của bạn là hành vi độc lập của
cá nhân, dựa trên quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp bảo vệ, nhà trường hoàn
toàn không được pháp luật trao quyền để hạn chế quyền tự do ngôn luận của bạn.
Nhà trường chỉ có thể can thiệp bằng cách khởi kiện bạn ra tòa
án dân sự khi họ cho rằng bài viết phê phán nhà trường của bạn đã gây thiệt hại
về uy tín hoặc vật chất cho nhà trường, theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Câu 8. Tôi là sinh viên,
nhà trường có quyền yêu cầu tôi gỡ bài viết trên blog / facebook của mình
không?
Không. Lý do tương tự như phần trả lời cho câu hỏi trên.
Câu 9. Tôi có được ghi
hình ở khu vực có cắm biển “Cấm quay phim, chụp ảnh” không?
Đối với vấn đề này, bạn cần quan tâm đến các văn bản sau đây:
1. Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH10 của Ủy ban Thường vụ Quốc
hội về Bảo vệ bí mật nhà nước.
2. Nghị định số 33/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.
3. Quyết định số 160/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về
việc xác định địa điểm cấm, khu vực cấm.
4. Thông tư số 12/2002/TT-BCA(A11) của Bộ Công an hướng dẫn
thực hiện Nghị định số 33/2002/NĐ-CP.
5. Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương về các địa điểm cấm cụ thể trên địa bàn.
|
Theo đó, các cơ quan nhà nước chỉ có quyền đặt biển cấm tại các
cơ sở, địa điểm chứa bí mật nhà nước, bao gồm các cơ sở quốc phòng, an ninh,
khu vực biên giới, kho dự trữ chiến lược quốc gia và một số địa điểm khác (bao
gồm cả một số địa điểm tạm thời trong tình huống nghiêm trọng). Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền ra quyết định về
các khu vực cấm cụ thể, nhưng không được trái với quy định của các văn bản có
hiệu lực cao hơn.
Do vậy, có mấy vấn đề cần lưu ý:
●
Khu vực cấm cụ thể phải nằm trong quyết định của cấp có
thẩm quyền nhưng không trái với danh sách các khu vực cấm trong Quyết định 160
của Thủ tướng Chính phủ. Không ai được quyền cắm biển cấm ngoài các khu vực
trong danh sách này.
●
Khu vực cấm, dù đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phải
đặt biển cấm theo quy định của Thông tư 12 của Bộ Công an. Nếu không có biển cấm
thì người dân không có nghĩa vụ phải chấp hành.
●
Tuy vậy, các quy định này chỉ có phạm vi áp dụng đối với
các cơ sở chứa bí mật nhà nước và các địa điểm công cộng trong tình huống
nghiêm trọng. Đối với các cơ sở thuộc sở hữu tư nhân, sở hữu của pháp nhân,...
thì họ có toàn quyền đặt ra quy định cấm trong phạm vi khu vực mà họ sở hữu. Kiến
trúc cảnh quan của các cơ sở này thuộc về cảnh quan công cộng, nên bất kỳ ai
cũng có quyền ghi hình từ bên ngoài diện tích của các cơ sở đó.
Trường hợp bạn ghi hình tại khu vực cấm, bạn có thể bị xử phạt
vi phạm hành chính (xem thêm Câu 6).
Câu 10. Công an có quyền
tịch thu máy ảnh và máy vi tính của tôi không?
Không ai có quyền tịch thu tài sản của bạn, trừ trường hợp bạn
dùng nó để thực hiện các hành vi vi phạm hành chính hoặc phạm tội hình sự.
Điều 4, Nghị định 73/2010/NĐ-CP quy định rõ tịch thu tang vật,
phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính là hình thức xử phạt bổ sung,
ngoài hai hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền.
Điều 76, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định rõ công cụ,
phương tiện phạm tội thì bị tịch thu, sung quỹ nhà nước hoặc bị tiêu hủy.
Như vậy, khi bạn không dùng máy ảnh, máy vi tính vào các hành
vi vi phạm hành chính hoặc hành vi phạm tội (dù rằng các hành vi này có thể bất
hợp lý và vi phạm quyền con người) thì không ai có quyền tịch thu của bạn.
Câu 11. Tôi có thể đến
tòa án để đưa tin không?
Có. Trừ một số trường hợp đặc biệt, về cơ bản các vụ án đều phải
xét xử công khai và mọi người đều có quyền tham dự, kể cả cho mục đích đưa tin.
Trước khi đưa vụ án ra xét xử, tòa án thụ lý phải nói rõ việc xét xử là công khai
hay xử kín.
Điều 18. Xét xử công
khai (Bộ luật Tố tụng hình sự 2003)
Việc xét xử của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều
có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.
Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong
mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của
họ thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai.
Điều 15. Xét xử công
khai (Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004)
1. Việc xét xử vụ án dân sự của Toà án được tiến hành công
khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.
2. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn
thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí
mật đời tư của cá nhân theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Toà án xét xử
kín, nhưng phải tuyên án công khai.
Điều 17. Xét xử công
khai (Luật Tố tụng hành chính 2010)
Việc xét xử vụ án hành chính được tiến hành công khai. Trường
hợp cần giữ bí mật nhà nước hoặc giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính
đáng của họ thì Toà án xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
|
Câu 12. Tôi có quyền giữ bí mật danh tính, tài khoản đăng nhập và nguồn tin của mình khi viết bài trên blog / facebook không?
Có. Danh tính (hay thông tin nhân thân của bạn) là quyền nhân
thân của bạn được quy định trong Bộ luật Dân sự. Bạn có toàn quyền quyết định
việc sử dụng nó ra sao khi viết blog. Nguồn tin của bạn và tài khoản đăng nhập
là thông tin riêng của bạn, quyền của bạn đối với thông tin này là một quyền
tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, không ai có quyền buộc bạn phải cung
cấp tài sản của bạn cho người khác.
Bạn không có nghĩa vụ phải khai báo với bất kỳ ai (kể cả cơ
quan công an) về việc bạn có phải là chủ sở hữu blog hay là tác giả của bất kỳ
bài viết nào hay có liên quan đến bất kỳ nguồn tin nào. Trong mọi trường hợp,
những người đưa ra cáo buộc có nghĩa vụ phải chứng minh sự liên quan của bạn đối
với blog, chứ bạn không có nghĩa vụ phải chứng minh là mình vô tội hoặc không
có liên quan.
Câu 13. Nếu tôi bị bắt,
công an có quyền bắt tôi khai báo mật khẩu của các tài khoản online của tôi
không?
Bất kỳ ai, kể cả công an, cũng chỉ có quyền đề nghị bạn khai
báo mật khẩu các tài khoản của bạn chứ không có quyền bắt ép bạn phải khai báo.
Việc bạn đồng ý hay không là quyền của bạn. Mời bạn xem thêm câu 10.
Câu 14. Tôi có phải chịu
trách nhiệm về những bình luận (comment) của người khác trên blog / facebook của
tôi không?
Pháp luật Việt Nam chưa từng có quy định cụ thể nào về trường hợp
này. Tuy vậy, nội dung bình luận của người khác thuộc về quyền tự do ngôn luận
của người bình luận theo quy định tại điều 69 của Hiến pháp 1992 và họ phải chịu
trách nhiệm về việc thực hiện quyền này của mình. Chủ sở hữu blog / facebook
không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về phát ngôn của người khác, ngay cả
khi phát ngôn đó được đăng trên blog của mình.
Để có một so sánh gần gũi, chúng ta có thể coi blog là nhà
mình, và người bình luận là khách. Bạn mở cửa cho khách ra vào tự do ở nhà mình
không có nghĩa là bạn phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn của họ trong nhà
của bạn.
Câu 15. Nếu tôi viết bài
phê bình nhà nước, tôi có thể bị cáo buộc những hành vi nào?
Hành vi phê phán chính quyền nằm trong quyền tự do ngôn luận của
bạn được quy định tại điều 69 Hiến pháp 1992:
Công dân có quyền tự do ngôn luận,
tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình
theo quy định của pháp luật.
|
Quyền tự do ngôn luận của bạn cũng được thừa nhận tại Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 và các điều ước quốc tế khác về nhân quyền mà Việt Nam tham gia.
Điều 19 - Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966
1. Mọi người đều có quyền giữ quan
điểm của mình mà không bị ai can thiệp.
2. Mọi người có quyền tự do ngôn
luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông
tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng
bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện
thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.
3. Việc thực hiện những quyền quy
định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do
đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn
chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:
a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín
của người khác,
b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật
tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội.
|
Do vậy, xét về mặt Hiến pháp quốc gia và pháp luật quốc tế, bạn có quyền được tự do phát biểu về mọi vấn đề, với mọi thái độ, miễn là phát biểu của bạn không xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội. Đây là quy định mang tính phổ quát trên toàn thế giới và được chính Việt Nam, với tư cách là một thành viên Liên hợp quốc - tham gia và ký kết. Theo đó, phê phán chính quyền không nằm trong phạm vi hạn chế quyền tự do ngôn luận. Nếu bạn xâm phạm đến quyền hoặc lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác, tất cả rủi ro bạn phải chấp nhận là nguy cơ bị cá nhân, tổ chức đó khởi kiện ra tòa án dân sự để yêu cầu bạn xin lỗi và bồi thường cho họ.
Tuy vậy, ở Việt Nam, bạn có thể chịu nhiều rủi ro hơn. Bạn có
thể bị khép vào các tội được nêu trong câu hỏi số 1 của cẩm nang này, đặc biệt
là hai điều sau của Bộ luật Hình sự:
●
Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam.
●
Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm
lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Hoặc bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại
Nghị định số 73/2010/NĐ-CP:
●
Điểm i, khoản 3, điều 7. Lợi dụng quyền tự do dân chủ,
tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước,
quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Mức phạt dao động từ 1.000.000
đ đến 2.000.000 đ.
Đây là những cáo buộc mà chính quyền Việt Nam hiện nay thường
khép cho những người bày tỏ ý kiến bất đồng với nhà nước, bao gồm cả các
bloggers. Hình phạt có thể lên đến 20 năm tù cho điều 88 và 7 năm tù cho điều
258 Bộ luật Hình sự. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông qua các vụ án Cù Huy Hà Vũ,
Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), Lê Nguyễn Hương Trà (tức blogger Cô Gái Đồ
Long) hay mới đây nhất Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha.
Câu 16. Nếu tôi viết bài phê bình một cá nhân khác, tôi có thể gặp phải những rủi ro pháp lý nào?
Bạn cần lưu ý phê phán cá nhân nhưng dừng lại ở mức độ nhất định
để không vướng phải những rủi ro pháp lý. Nếu không, bạn có thể cùng lúc phải
chịu hai loại trách nhiệm pháp lý: trách nhiệm hành chính/hình sự và trách nhiệm
dân sự.
Về mặt hành chính, bạn có thể bị xử phạt từ 100.000 đ - 200.000
đ với hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm
danh dự, nhân phẩm của người khác” tại điều 7, Nghị định số 73/2010/NĐ-CP của
Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự,
an toàn xã hội.
Về mặt hình sự, bạn có thể bị khép vào tội làm nhục người khác
tại Điều 121 (với mức án lên tới 3 năm tù) hoặc tội vu khống tại Điều 122 Bộ luật
hình sự (với mức án lên tới 7 năm tù).
Về mặt dân sự, nếu người bị hại có yêu cầu, bạn có thể phải
công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho họ vì đã xâm phạm đến danh dự,
nhân phẩm, uy tín của họ, vốn được bảo vệ bởi điều 37 Bộ luật Dân sự.
Điều 37. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín
Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá
nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
|
Có ba khoản mà bạn có thể phải bồi thường theo quy định tại điều 611 Bộ luật Dân sự.
Điều 611. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm,
uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân,
chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc
phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị
giảm sút.
2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm,
uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều
này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh
chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu
không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu
do Nhà nước quy định.
|
Câu 17. Nếu tôi phê bình một người khác trên blog nhưng đổi tên của người đó rồi, tôi có gặp rủi ro pháp lý nào nữa không?
Có thể có. Nếu những thông tin bạn nêu ra trong bài viết đủ để
khiến người đọc cho rằng bạn đang ám chỉ đến một cá nhân, tổ chức nào đó (không
cần thiết phải trùng khớp với cá nhân, tổ chức mà bạn đang nhắm đến) và gây ra
thiệt hại cho cá nhân, tổ chức đó, bên bị hại có thể khởi kiện bạn ra tòa yêu cầu
bạn xin lỗi và bồi thường, tương tự như trường hợp bạn không đổi tên của họ
trong bài viết.
Đây là thực tế đã xảy ra với trang tin kenh14.vn, liên quan đến
một bài viết họ ám chỉ ca sĩ, diễn viên Lê Ngân Khánh.
Câu 18. Vượt tường lửa để vào các trang mạng bị chặn có vi phạm pháp luật không?
Chỉ khi nào nhà nước ban hành và công bố một văn bản quy định
người dân không được phép truy cập vào một trạng mạng nào đó, thì việc bạn cố
truy cập mới trở thành vi phạm pháp luật. Hiện nay trong hệ thống pháp luật Việt
Nam không có một văn bản như vậy, do vậy việc bạn truy cập vào bất kỳ trang mạng
nào (dù là vượt tường lửa hay không), đều không phải là vi phạm pháp luật.
Câu 19. Các công ty nước ngoài như Google, Facebook, Wordpress có bắt buộc phải cung cấp dữ liệu cá nhân của tôi cho nhà nước không?
Pháp luật Việt Nam không chi phối được tới các công ty có quốc
tịch nước ngoài, trừ khi họ cung cấp dịch vụ cho bạn thông qua chi nhánh ở Việt
Nam. Trường hợp một công ty nước ngoài có chi nhánh ở Việt Nam nhưng chi nhánh
này không liên quan đến dịch vụ bạn sử dụng, hoặc có liên quan đến dịch vụ bạn
sử dụng nhưng không quản lý dữ liệu cá nhân của bạn, thì pháp luật Việt Nam
cũng không thể điều chỉnh tới. Do vậy, họ không bị bắt buộc phải cung cấp dữ liệu
cá nhân của bạn cho nhà nước.