Tập 2



 Cẩm Nang Luật Tập 2

Quyền tự do hội họp, lập hội, lập đảng là các quyền con người về chính trị đã được Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ ghi nhận và đã được các văn bản luật cụ thể hóa. Đồng thời hàng năm các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường long trọng tuyên bố với các nhà lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới, các tổ chức Quốc tế và trên các diễn đàn của Liên hiệp quốc rằng ở Việt Nam các quyền con người về chính trị được ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật và được tôn trọng cũng như thực thi trong thực tế. Để bảo vệ cũng như để thực thi các quyền con người về chính trị của mình thì mọi người dân cần được trang bị những kiến thức pháp lý. Trong tập 2 của cuốn Cẩm Nang Luật cho Bạn và Tôi này, chúng tôi xin giới thiệu với quí vị những kiến thức pháp lý về quyền tự do hội họp, quyền lập hội và lập đảng.

1. Bạn và những người cùng chính kiến hay quan điểm chính trị có quyền hội họp hay không? Có cần phải xin phép trước hay không?

Quyền hội họp của công dân Việt Nam được qui định tại Điều 69 Hiến pháp Việt Nam năm 1992. Nhưng trước đó quyền tự do hội họp của công dân đã được qui định tại Điều 10 Hiến pháp Việt Nam năm 1946. Sau đó quyền tự do hội họp đã được cụ thể hóa trong Luật qui định quyền tự do hội họp. Luật này đã được ông Hồ Chí Minh ký ban hành theo Luật số 101/SL-L-003 ngày 20 tháng 5 năm 1957. Và ngày 14 tháng 6 năm 1957, ông Phạm Văn Đồng bấy giờ là Thủ Tướng đã ký ban hành Nghị định số 257-TTg qui định chi tiết thi hành luật số 101-SL/L003 ngày 20-5-1957 về quyền tự do hội họp.

Hiện nay Luật số 101/SL-L-003 ngày 20 tháng 5 năm 1957 và Nghị định số 257-TTg ngày 14 tháng 6 năm 1957 vẫn còn nguyên giá trị pháp lý. Theo qui định tại Điều 1 Luật số 101/SL/L/003 thì: “ Quyền tự do hội họp của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do hội họp.”

Điều 2 qui định những cuộc hội họp không phải xin phép trước như:
“- Các cuộc hội họp có tính chất gia đình, giữa thân thuộc, bè bạn;

- Các buổi sinh hoạt của các hội hợp pháp, tổ chức trong trụ sở của hội, các cuộc hành lễ thường lệ của các tôn giáo tổ chức trong những nơi thờ cúng;

- Các buổi sinh hoạt của các đoàn thể trong Mặt trân thống nhất, và các cuộc hội họp công cộng do các đoàn thể này tổ chức.”

Nghị định số 257-TTg qui định thêm rằng nếu các cuộc họp nêu trên có trên 20 người tham dự thì không phải xin phép nhưng phải thông báo cho Ủy ban hành chính (nay là UB nhân dân) địa phương nơi hội họp chậm nhất là 24 giờ trước giờ hội họp bằng giấy tờ hoặc bằng báo miệng.

Tại Điều 6 Luật số 101/SL-L-003 ngày 20 tháng 5 năm 1957 qui định: “ Người nào ngăn cản hoặc phá hoại các cuộc hội họp hợp pháp của người khác, ép buộc người khác tham gia dự vào các cuộc hội họp bất hợp pháp, bằng bất cứ cách nào, có thể bị cảnh cáo hoặc truy tố trước tòa án và bị xử phạt tù từ một tháng đến một năm.”

Khi bạn hội họp thì cần lưu ý các điều bị cấm được qui định trong Điều 7 Luật số 101/SL-L-003 ngày 20 tháng 5 năm 1957:
“Người nào lợi dụng quyền tự do hội họp để hoạt động trái pháp luật, chống lại chế độ, chống lại chính quyền dân chủ nhân dân, chia rẽ dân tộc, phá hoại tình hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước, tuyên truyền chiến tranh, âm ưu phá hoại sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ, hành động có phương hại đến trật tự an ninh chung, hoặc đến thuần phong mỹ tục, sẽ bị truy tố trước tòa án và xử phạt theo luật lệ hiện hành, và cuộc hội họp sẽ bị cấm hoặc bị giải tán.”

Như vậy bạn và những người thân quen có cùng chính kiến, quan điểm chính trị hoặc bạn và những người trong cùng một tổ chức, đảng phái đã được thành lập hợp pháp có quyền tự do hội họp mà không cần phải xin phép.

2. Sự giống và khác nhau giữa hội và đảng phái chính trị như thế nào?

Tại Điều 2 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, ngày 21/4/2010 của Chính phủ qui định về tổ chức hoạt động và quản lý hội. Định nghĩa về hội như sau: “Hội được quy định trong Nghị định này được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;

Hội có các tên gọi khác nhau: hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân và các tên gọi khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là hội).”

Đảng phái chính trị là một hình thức hội đặc biệt. Nhưng hội và đảng phái chính trị chỉ khác nhau về tên gọi còn về tất cả phạm vi hoạt động, nguyên tắc tổ chức hoạt động, điều kiện thành lập, thủ tục thành lập, quyền lợi và nghĩa vụ đều giống nhau.

3. Trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Việt Nam, có điều nào cấm người dân không được quyền thành lập một Đảng phái để bày tỏ chính kiến của họ trong hòa bình hay không?

Trong các bản Hiến pháp của Việt Nam từ Hiếp pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, và hiện nay Hiến pháp 1992 và cũng như trong hệ thống toàn bộ các văn bản pháp luật không có điều nào cấm công dân Việt Nam thành lập một đảng phái chính trị để bảy tỏ chính kiến của họ trong hòa bình. Hiến pháp 1992 đã qui định quyền lập hội tức quyền lập đảng tại Điều 69.

Trong khi đó quyền lập hội tức quyền lập đảng đã cụ thể hóa trong luật qui định quyền lập hội đã được ông Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 102/SL-L004 ngày 20 tháng 5 năm 1957 để công bố (luật này hiện nay vẫn còn hiệu lực pháp luật). Trong Điều 1 và Điều 2 của luật qui định quyền lập hội nêu rõ:
“Quyền lập hội của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Lập hội phải có mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích nhân dân, có tác dụng đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân của nước ta.
Mọi người đều có quyền lập hội, trừ những người mất quyền công dân hoặc đang bị truy tố trước pháp luật.  Mọi người có quyền tự do vào hội thành lập hợp pháp và có quyền tự do ra hội.  Không ai được xâm phạm quyền lập hội và quyền tự do vào hội, ra hội của người khác.”

Như vậy công dân Việt Nam có quyền lập hội, lập đảng.

4. Vào năm 1945, chính phủ đầu tiên của Việt Nam là một chính phủ đa đảng, trong đó có sự hiện diện và tham dự của nhiều đảng phái khác ngoài đảng Cộng Sản Việt Nam, ví dụ như đảng Xã Hội, đảng Dân Chủ và Quốc Dân đảng. Vậy thì tại sao ngày hôm nay các đảng phái khác lại không được cho phép hoạt động?

Chính phủ đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập là một chính phủ đa đảng vào năm 1945, lúc đó có sự tham của đảng Cộng sản, Quốc dân đảng, đảng Dân chủ và đảng Xã hội. Hệ thống chính trị có sự tham gia của các đảng phái chính trị khác nhau tồn tại cho đến năm 1988 khi mà đảng Xã hội và đảng Dân chủ tự tuyên bố giải tán với lý do hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Các đảng Dân chủ hay đảng Xã hội không bị giải thể theo bản án hay quyết định hành chính. Và từ năm 1988 đến nay không có một văn bản pháp luật nào cấm các đảng phái khác thành lập hay hoạt động tại Việt Nam.

Vậy tại sao ngày hôm nay không có đảng phái chính trị khác hoạt động công khai ở Việt Nam?

Tại Điều 8 luật số 102/SL-L004 ngày 20 tháng 5 năm 1957 có qui định: “Người nào lợi dụng quyền lập hội để hoạt động nguy hại đến nước nhà, lợi ích nhân dân như là chống lại pháp luật, chống lại chế độ, chống lại chính quyền dân chủ nhân dân, chia rẽ dân tộc, hại đến thuần phong mỹ tục, phá hoại sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của Tổ quốc, phá hoại tình hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước, tuyên truyền chiến tranh, sẽ bị truy tố trước tòa án và bị xử phạt theo luật hiện hành, hội có thể bị giải tán và tài sản của hội có thể bị tịch thu.”

Tại Điều 79 Bộ luật hình sự có qui định về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Việc thay đổi một chế độ chính trị, thay đổi đảng cầm quyền không nên là mục đích, cương lĩnh hoạt động của một đảng chính trị trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam. Việc thay đổi đó phải do nhân dân thực hiện thông qua một cuộc bầu tự do, dân chủ và công bằng. Hoặc việc thay đổi đó phải do một cuộc cách mạng dân chủ do chính nhân dân thực hiện.

Đảng Cộng sản vì muốn duy trì quyền lực tuyệt đối và họ không muốn có các đảng phái chính trị khác ra đời và hoạt động ở Việt Nam. Điều này thì hoàn toàn không phù hợp với Hiến pháp và tiến trình phát triển của xã hội Việt Nam. Cơ quan an ninh của đảng Cộng sản luôn dò xét trong mục đích và cương lĩnh hoạt động của các đảng phái xem có nội dung chống lại họ hay không? Nếu có thì họ sử dụng Điều 79 Bộ luật hình sự để bắt giữ, truy tố và xét xử các thành viên của các đảng phái đó. Do vậy các đảng phái chính trị khác nên nghiên cứu mục tiêu, cương lĩnh hoạt động của mình sao cho phù hợp để tránh bị tổn thất và giảm thiểu những lý cớ mà chính quyền có thể qui chụp.

5. Dựa vào đâu mà nhà nước Việt Nam cản trở không cho một đảng phái khác ngoài Đảng Cộng Sản Việt Nam hoạt động?

Chính quyền của đảng Cộng sản Việt Nam đang dựa vào Điều 4 Hiến pháp 1992 qui định về quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội của đảng Cộng sản Việt Nam.

Bất kỳ đảng phái chính trị nào có mục đích và cương lĩnh hoạt động nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của đảng Cộng sản theo Điều 4 Hiến pháp 1992, thay đổi chế độ chính trị thì sẽ bị qui kết phạm vào Điều 79 Bộ luật hình sự. Ngôn ngữ tiếng Việt rất phong phú do vậy có rất nhiều hình thức  sử dụng ngôn ngữ cho các đảng phái chính trị lựa chọn trong mục đích và cương lĩnh chính trị của mình. Sự lựa chọn phù hợp sẽ không chỉ đem đến thành công cho đảng phái chính trị đó mà còn đem đến sự thành công trong công cuộc dân chủ hóa đất nước. Sự lựa chọn phù hợp sẽ tránh cho các thành viên của đảng bị bắt và bị cầm tù.

6. Trong những năm gần đây, có rất nhiều công dân Việt Nam bị bắt và xử án tù rất nặng vì họ đã có ý thành lập một Đảng riêng của họ hoặc tham gia một Đảng phái khác – vậy thì dựa vào luật pháp Việt Nam, việc một công dân thành lập hoặc tham gia vào một Đảng phái ngoài Đảng Cộng Sản Việt Nam thì có phạm luật hay không?

Theo Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam, công dân Việt Nam có quyền thành lập đảng, có quyền tự do vào đảng hay ra đảng. Nhưng khi thành lập đảng phải làm sao khi đặt ra mục đích, cương lĩnh của đảng phải phù với những qui định của Hiến pháp và luật pháp hiện hành. Một đảng chính trị khi đã có đông đảo nhân dân ủng hộ, có nhiều thành viên thì khi đó có thể thay đổi mục đích, mục tiêu và cương lĩnh của đảng.

Mỗi công dân Việt Nam khi có ý định gia nhập vào một đảng phái nào đó, trước hết hay xem xét kỹ mục đích và cương lĩnh của đảng đó có phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành của Việt Nam hay không. Điều này liên quan đến sinh mệnh chính trị của chính bản thân họ. Sự lựa chọn đúng khi tham gia một đảng phái chính trị sẽ giúp cho họ có những sự đóng góp tích cực cho nhân dân và đất nước.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng chính quyền trong nhiều năm qua đã lạm dùng điều 79 Bộ luật hình sự để qui kết và xử án tù nhiều công dân Việt Nam, nhưng trên thực chất thì những người này chỉ nói lên tiếng nói yêu nước hoặc phản ảnh một số phê bình trên một số chính sách của chính phủ. Việc xử dụng luật pháp một cách tùy tiện để bắt bớ hoặc cấm người dân thực thi quyền bày tỏ chính kiến của mình qua việc thành lập đảng là vi hiến và vi phạm pháp luật Việt Nam.

7. Có điều nào trong Hiến Pháp Việt Nam qui định rằng đất nước Việt Nam chỉ được phép có một Đảng duy nhất tồn tại và hoạt động không?

Trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, sau đó là Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, và hiện nay là Hiến pháp 1992 không có điều nào qui định rằng ở Việt Nam chỉ cho phép một đảng Cộng sản được tồn tại và hoạt động.

8. Nếu muốn thành lập Đảng thì phải làm sao? Nên có những bước cụ thể như thế nào?

Theo qui định tại Điều 3 Luật số 102/SL-L004 ngày 20 tháng 5 năm 1957 thì công dân Việt Nam muốn thành lập đảng phải xin phép.

Điều kiện và thủ tục thành lập hội, thành lập đảng được qui định tại chương II, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ qui định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
“Điều 5. Điều kiện thành lập hội
1. Có mục đích hoạt động không trái với pháp luật; không trùng lặp về tên gọi và lĩnh vực hoạt động chính với hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trên cùng địa bàn lãnh thổ.
2. Có điều lệ;
3. Có trụ sở;
4. Có số lượng công dân, tổ chức Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội:
a) Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh có ít nhất một trăm công dân, tổ chức ở nhiều tỉnh có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;…..
Đối với hội nghề nghiệp có tính đặc thù chuyên môn, số lượng công dân và tổ chức tự nguyện đăng ký tham gia thành lập hội do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của Nghị định này xem xét quyết định từng trường hợp cụ thể.

Điều 6. Ban vận động thành lập hội
1. Muốn thành lập hội, những người sáng lập phải thành lập ban vận động thành lập hội. Ban vận động thành lập hội được cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động công nhận.

2. Người đứng đầu ban vận động thành lập hội là công dân Việt Nam, sống thường trú tại Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có sức khoẻ và có uy tín trong lĩnh vực hội dự kiến hoạt động.\

3. Số thành viên trong ban vận động thành lập hội được quy định như sau:
a) Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh có ít nhất mười thành viên;….

4. Hồ sơ đề nghị công nhận ban vận động thành lập hội lập thành hai bộ, hồ sơ gồm:
a) Đơn xin công nhận ban vận động thành lập hội, trong đơn nêu rõ tên hội, tôn chỉ, mục đích của hội, lĩnh vực mà hội dự kiến hoạt động, phạm vi hoạt động, dự kiến thời gian trù bị thành lập hội và nơi tạm thời làm địa điểm hội họp;
b) Danh sách và trích ngang của những người dự kiến trong ban vận động thành lập hội: họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; trú quán; trình độ văn hóa; trình độ chuyên môn.

5. Công nhận ban vận động thành lập hội:
a) Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dựkiến hoạt động quyết định công nhận ban  vận động thành lập hội có  phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh;

b) Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại các điểm a, b và c khoản 5 Điều này có trách nhiệm xem xét, quyết định công nhận ban vận động thành lập hội; trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

6. Nhiệm vụ của ban vận động thành lập hội sau khi được công nhận:
a) Vận động công dân, tổ chức đăng ký tham gia hội;

b) Hoàn chỉnh hồ sơ xin phép thành lập hội theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này. Sau khi đã hoàn tất việc trù bị thành lập hội, ban vận động thành lập hội lập thành hai bộ hồ sơ gửi đến: Bộ Nội vụ đối với hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh;…
Ban vận động thành lập hội tự giải thể khi đại hội bầu ra ban lãnh đạo của hội.

Điều 7. Hồ sơ xin phép thành lập hội
1. Đơn xin phép thành lập hội.
2. Dự thảo điều lệ.
3. Dự kiến phương hướng hoạt động.
4. Danh sách những người trong ban vận động thành lập hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
5. Lý lịch tư pháp người đứng đầu ban vận động thành lập hội.
6. Văn bản xác nhận nơi dự kiến đặt trụ sở của hội.
7. Bản kê khai tài sản do các sáng lập viên tự nguyện đóng góp (nếu có).
Điều 8. Nội dung chính của Điều lệ hội
1. Tên gọi của hội.
2. Tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực và phạm vi hoạt động của hội.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của hội.
4. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội.
5. Thể thức vào hội, ra hội, thẩm quyền kết nạp, khai trừ hội viên.
6. Tiêu chuẩn hội viên.
7. Quyền, nghĩa vụ của hội viên.
8. Cơ cấu, tổ chức, thể thức bầu và miễn nhiệm; nhiệm vụ, quyền hạn của ban lãnh đạo, ban kiểm tra, các chức vụ lãnh đạo khác của hội; nguyên tắc, hình thức biểu quyết.
9. Tài sản, tài chính và phương thức quản lý tài sản, tài chính của hội.
10. Điều kiện giải thể và thanh quyết toán tài sản, tài chính.
11. Khen thưởng, kỷ luật; khiếu nại, giải quyết khiếu nại trong nội bộ hội.
12. Thể thức sửa đổi, bổ sung điều lệ.
13. Hiệu lực thi hành.

Điều 9. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hội khi nhận hồ sơ xin phép thành lập hộiCơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của Nghị định này khi nhận hồ sơ xin phép thành lập hội phải có giấy biên nhận. Trong thời hạn sáu mươi ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, quyết định cho phép thành lập hội; trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Điều 10. Thời gian tiến hành đại hội thành lập hội
1. Trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày quyết định cho phép thành lập hội có hiệu lực, ban vận động thành lập hội phải tổ chức đại hội.

2. Nếu quá thời hạn trên không tổ chức đại hội, thì trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày hết thời hạn tổ chức đại hội theo quy định tại khoản 1 Điều này, ban vận động thành lập hội có văn bản gửi cơ quan nhà nước đã quyết định cho phép thành lập hội đề nghị gia hạn. Thời gian gia hạn không quá ba mươi ngày, nếu quá thời gian được gia hạn mà không tổ chức đại hội thì quyết định cho phép thành lập hội hết hiệu lực.

Điều 11. Nội dung chủ yếu trong đại hội thành lập hội
1. Công bố quyết định cho phép thành lập hội.
2. Thảo luận và biểu quyết điều lệ.
3. Bầu ban lãnh đạo và ban kiểm tra.
4. Thông qua chương trình hoạt động của hội.
5. Thông qua nghị quyết đại hội.
Điều 12. Báo cáo kết quả đại hội

Trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày đại hội, ban lãnh đạo hội gửi tài liệu đại hội đến cơ quan nhà nước đã quyết định cho phép thành lập hội, gồm:
1. Điều lệ và biên bản thông qua điều lệ hội;
2. Biên bản bầu ban lãnh đạo, ban kiểm tra (có danh sách kèm theo) và lý lịchngười đứng đầu hội;
3. Chương trình hoạt động của hội;
4. Nghị quyết đại hội.

Điều 13. Phê duyệt điều lệ hội và hiệu lực của điều lệ hội
1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của Nghị định này quyết định phê duyệt điều lệ hội khi điều lệ hội đã được đại hội thông qua. Trường hợp quy định của điều lệ hội trái với pháp luật thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ chối phê duyệt và yêu cầu hội sửa đổi.

2. Điều lệ hội có hiệu lực kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phê duyệt.
Điều 14. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể, đổi tên và phê duyệt điều lệ hội

1. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác.”

9. Những Đảng phái đã từng tham gia chính quyền trong quá khứ hoặc đã có công đóng góp dành độc lập cho đất nước Việt Nam, tức là những hoạt động của họ đã từng được công nhận như Đảng Dân Chủ, Đảng Xã Hội, Quốc Dân Đảng,…những Đảng phái này có quyền phục hoạt hoặc tái hoạt động hay không?

Theo Hiến pháp và luật pháp hiện hành của Việt Nam thì không có qui định nào cấm các đảng phái chính trị đã tự tuyên bố giải thể nhưng nay muốn phục hoạt trở lại. Đặc biệt là những đảng phái đã được thành lập trước đây ở Việt Nam, đồng thời đã từng tham gia trong chính quyền. Sau đó đã tự nguyện giải thể, nay các đảng phái chính trị này hoàn toàn có quyền phục hoạt hoặc tái hoạt động. Họ chỉ cần gửi thông báo đến cơ quan có thẩm quyền mà thôi.

10. Nếu như các quyền công dân được ấn định trong Hiến Pháp và Luật Pháp Việt Nam bị xâm phạm, thì người công dân đó có quyền khởi kiện không? và hiện nay Việt Nam có một cơ quan tài phán độc lập nào để giải quyết các tranh chấp mà không bị tác động hoặc ràng buộc bởi nhà nước hay không?

Điều 7 luật số 102/SL-L004 ngày 20 tháng 5 năm 1957 qui định về quyền lập hội như sau: “Người nào xâm phạm đến quyền lập hội hoặc đến quyền tự do vào hội, ra hội của người khác có thể bị cảnh cáo hoặc bị truy tố trước tòa án và …”

Điều 6 luật số 101/SL-L003 ngày 20 tháng 5 năm 1957 qui định về quyền tự do hội họp như sau: “Người nào ngăn cản hoặc phá hoại các cuộc hội họp hợp pháp của người khác, ép buộc người khác vào các cuộc hội họp bất hợp pháp, bằng bất cứ cách nào, có thể bị phạt cảnh cáo hoặc bị truy tố trước tòa án và …”
Như vậy theo qui định của pháp luật, những công dân Việt Nam khi bị người khác xâm phạm đến các quyền con người của mình thì có quyền kiện những người vi phạm đó ra tòa án.

Ở Việt Nam hiện nay tất cả các cơ quan tư pháp đều dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản cầm quyền. Do vậy sự độc lập của các cơ quan tài phán là một sự sa sỉ. Mục tiêu đấu tranh dân chủ hóa đất nước trong đó đã bao gồm việc xây dựng một hệ thống các cơ quan tài phán độc lập.

11. Nếu một đất nước có dân chủ với thể chế chính trị đa đảng thì có lợi hay có hại cho sự phát triển và tồn vong của quốc gia đó?

Chúng ta đều nhận thấy rằng trên thế giới những quốc gia giàu có, hùng mạnh và văn minh đều là những nước có thể chế chính trị dân chủ đa đảng. Nền chính trị dân chủ sẽ là cơ sở quan trọng nhất, tạo cho mỗi công dân của quốc gia đó có cơ hội về chính trị một cách bình đẳng trong việc tham gia xây dựng đất nước. Sự cạnh tranh giữa các đảng phái chính trị trong việc đưa ra những chiến lược phát triển quốc gia sẽ đem lại cho nhân dân có quyền quyết định và lựa chọn con đường tốt nhất cho quốc gia của mình. Trong các quốc gia độc đảng phi dân chủ, thì đảng cầm quyền áp đặt đường lối, chính sách và người dân chỉ có nghĩa vụ thực hiện mà không có quyền chọn lựa.

Trong một thế giới đầy biến động, các quốc gia có cùng chung lợi ích tìm mọi cách để liên minh, liên kết với nhau để bổ sung sức mạnh cho nhau về kinh tế, chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh. Không một quốc gia nào có thể đứng độc lập để phát triển kinh tế cũng như tự bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chúng ta cũng nhận thấy rằng chỉ những quốc gia cùng có chung thể chế chính trị dân chủ đa đảng thì họ dễ dàng xây dựng mối quan hệ đồng minh. Các quốc gia có chế độ chính trị độc đảng phi dân chủ thì gần như không thể hội nhập toàn diện trong một mối liên kết khu vực, chưa nói gì đến việc xây dựng mối quan hệ đồng minh với các quốc gia dân chủ.

Với Việt Nam của chúng ta, dân chủ hóa xã hội hiện nay là nguyện vọng của tất cả mội người dân Việt Nam. Thực hiện dân chủ hóa tức là đảng Cộng sản Việt Nam tôn trọng các quyền con người về chính trị của nhân dân Việt Nam, như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do làm báo chí tư nhân, quyền tự do hội họp, tự do lập hội, lập đảng, quyền biểu tình.

Thực hiện dân chủ hóa là xóa bỏ đi sự khác biệt về chính trị giữa Việt Nam với thế giới, đặc biệt là các cường quốc dân chủ. Việt Nam sẽ có cơ hội để xây dựng quan hệ đồng minh về kinh tế, chính trị, quân sự với các quốc gia dân chủ. Điều này sẽ giúp cho chúng ta có được sự giúp đỡ để phát triển kinh tế, thương mại. Chúng ta cũng sẽ nhận được sự giúp đỡ về quân sự, an ninh và điều này sẽ làm giảm nhẹ gánh nặng chi phí quốc phòng cho nhân dân.

Khi đó chúng ta không chỉ có sức mạnh của quốc gia mà chúng ta còn có sức mạnh của các đồng minh trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.

12. Trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam trong việc xây dựng chế độ xã hội dân chủ?

Việc xây dựng một chế độ xã hội dân chủ phải xuất phát từ hai phía chính quyền và người dân. Trong khi đảng cầm quyền luôn muốn duy trì sự cai trị độc đoán của mình thì sự nghiệp dân chủ hóa đất nước trở thành trách nhiệm của mỗi một công dân.

Hiện nay, đại đa số nhân dân đều có mong ước, khát khao về một xã hội dân chủ, nhưng lại có quá ít công dân dám thực hiện các quyền con người về chính trị của mình để đạt được những mong ước, khát khao đó. Việc có quá ít người thực thi các quyền chính trị của mình làm cho chính quyền coi thường điều đó và dẫn đến những hành động sách nhiễu, đàn áp, bắt giữ và giam cầm những công dân yêu nước.

Thực hiện các quyền con người về chính trị là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm cao cả của mỗi công dân Việt Nam. Đó còn là biểu hiện của lòng yêu nước, thể hiện trách nhiệm không chỉ đối với các thế hệ người Việt Nam ngày hôm nay mà cả các thế hệ mai sau. Thực hiện các quyền con người về chính trị cũng là thực hiện việc đấu tranh cho dân chủ hóa đất nước. Đó là con đường chính nghĩa, phù hợp với sự vận động, phát triển tất yếu của xã hội và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More