6/6/13

Minh Văn: Chuyện thường ngày

Tôi là người không ưa và thường phê phán chế độ Cộng Sản, có nhiều người biết và hiểu rõ quan điểm này của tôi. Tuy có đồng tình, nhưng ít người tin rằng sẽ có sự thay đổi cho xã hội Việt Nam. Cô gái trẻ mà tôi thường gặp và quý mến một hôm khuyên tôi rằng: “Xã hội này bất công, điều đó em hiểu và cũng không ưa gì nó. Tuy nhiên em nghĩ mình hãy sống an phận vì không thay đổi được gì đâu”. Tuy ngạc nhiên nhưng tôi không bất ngờ với lời nói của cô, vì đó là suy nghĩ và tâm trạng chung của nhiều người Việt Nam. Nó cho thấy sự cam chịu và bất lực của họ trong việc thay đổi và cải tạo cái xã hội Cộng Sản đầy bất công, thối nát. Vì rằng chế độ độc tài này đã phát triển thành một lực lượng toàn trị, kiểm soát mọi hoạt động của đời sống xã hội. Tôi bình thản trả lời cô gái: “Cảm ơn em đã có lời khuyên. Tuy nhiên xưa cũng như nay, xã hội tiến lên được là nhờ ở những con người cho  rằng họ thay đổi được chứ không cam chịu chấp nhận hiện tại”.

“Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”, đó là nhan đề một bộ sách nổi tiếng gồm 6 tập của tác giả Andrew Matthews, được giới trẻ ngày nay háo hức tìm đọc. Nội dung khẳng định một chân lý rằng: Con người chỉ thay đổi khi họ thực sự muốn thay đổi. Và cuộc đời sẽ thực sự thay đổi khi chúng ta nhìn nhận nó với một nhãn quan mới, chứ không phải bằng ánh mắt u ám của sự thất vọng hiện tại.
Do đó mà chúng ta không nên giữ một cái nhìn thiển cận đối với cuộc đời, không bị những nguyên lý cũ mèm của cái xã hội sai trái mà chúng ta đang sống trói buộc và kìm kẹp. Chỉ có như vậy thì những ý thức hệ mới mẽ và tốt đẹp mới có cơ hội vươn lên những mầm xanh tươi tốt, để rồi nở hoa kết trái dâng đời.

Ngày nay, chế độ độc tài với một bộ máy quyền lực toàn trị đang trói buộc và khống chế xã hội Việt Nam ta. Nó dung túng và bảo vệ những giá trị sai trái và cũ mèm của ý thức hệ Cộng Sản, cấm đoán tư tưởng dân chủ tốt đẹp. Một hệ thống các tổ chức xã hội – chính trị do nhà nước lập ra cũng tích cực tham gia vào quá trình đi ngược với quy luật đó. Những giá trị dân chủ chân chính, vốn là quyền lợi cơ bản của người dân đã bị ngập chìm trong mớ bòng bong giả tạo. Khiến cho người dân không còn phân biệt được sự thật, khi mà người ta cố tình tạo ra một xã hội với những chuẩn mực dối trá hiện hữu. Vì thế mà nói, nếu không có một thiên hướng cao quý, không có một nhận thức và bản lĩnh sống vững vàng, thì người dân dễ sa vào sự sợ hãi và bất lực. Từ đó mà có tư tưởng phó mặc và cam chịu số phận, tùy nghi cho cái ác thống trị hoành hành.

Trong lần nói chuyện khác, một anh bạn nói:

- Nực cười cho kiểu dối trá của người Cộng Sản. Họ tham nhũng và vơ vét người dân kiệt quệ, nhưng lại tuyên bố là không tơ hào đến cái kim sợi chỉ của dân...

Dừng lại một phút để nuốt cái cục tức đang ứ lên đầy cổ, anh đỏ mặt nói tiếp:

- Phải rồi, cái kim sợi chỉ của dân thì họ đụng đến làm gì. Chủ yếu là ăn cướp tài nguyên đất nước, đất đai, tài sản và mồ hôi công sức của nhân dân thôi.

Như thế mới là ăn cướp chứ, vậy là vừa được tiếng vừa có miếng. Vừa tham nhũng vơ vét nhưng lại được tiếng tốt thanh liêm. Hay nói cách khác là “Vừa ăn cướp vừa la làng”. Đảng ăn cướp của dân, nhưng bắt dân phải biết ơn và ca ngợi. Thế mới là cao tay và tàn nhẫn chứ, có lẽ chỉ có người Cộng sản mới làm được như vậy, không có kẻ thứ hai trên đời. Vì vậy mà việc đấu tranh để xóa bỏ sự bất công giả dối đó là trách nhiệm của toàn dân, để xã hội được công bằng hạnh phúc.

Văng vẳng trên cao cái cột điện, loa phường lại đang phát bài “Người Mông ơn Đảng”, nghe xúc động và đầy sự ban phát. Đám dân đen bên dưới nhìn nhau cười khẩy mà rằng “Người Kinh nó đã coi ra gì, huống gì là người Mông?”. Xin được giải thích ngay, người Kinh tức là dân tộc Việt chiếm đa phần dân số Việt Nam ta hiện nay. Mà có riêng gì người Mông, mà người Tày, người Mường... họ đều bắt phải biết ơn Đảng cả, nói chung là cả dân tộc phải biết ơn đảng. Sự giả dối vì thế đã trở nên phổ cập và lan tràn, trở thành những giá trị sống dưới thời Cộng Sản.

Người dân vì thấy sự giả dối và sự ác tràn ngập mà thấy nản chí. Nhưng họ quên mất một điều quan trọng là xã hội có độc tài toàn trị, thì chúng ta mới cần phải đấu tranh để giành lại quyền tự do dân chủ về mình. Cái xấu cái ác có ngự trị thì chúng ta mới phải thay đổi để cái tốt đẹp được thay thế và hiện hữu. Niềm tin đó ở trong mỗi con tim và khối óc chúng ta, hãy thay đổi bản thân để đổi thay xã hội.

Hãy tin rằng chúng ta làm được, và sự thật là lịch sử bao giờ cũng làm được. Đó là quá trình tồn tại và phát triển mang tính quy luật của xã hội loài người. Đừng vì những khó khăn trở ngại, đừng để sự sai trái vây bọc và điều khiển suy nghĩ chúng ta. Hãy luôn là bản thân mình, bởi mỗi cá nhân chúng ta là một thực thể tự do cả về thể xác lẫn tâm hồn. Tạo hóa ban cho chúng ta điều đó, các giá trị của thời đại cũng bảo vệ chân lý đó.

Hãy vững tin vào chân lý, và đó là khởi nguồn cho sự thay đổi tốt đẹp của xã hội chúng ta.
                                                                                

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More