Cột đá thề cũ |
- Thưa ông, chúng tôi được biết ông là người biết được nhiều bí mật nhất về chuyện hòn đá thề trên đỉnh núi Đền Hùng bỗng dưng biến mất, việc này về mặt tâm linh theo ông sẽ có ảnh hưởng thế nào?
Đầu tiên tôi muốn nhắc tới việc hòn đá thiêng, đá thề ngàn năm, trường tồn cũng lịch sử, mang linh khí của trời đất Việt, tích tụ tâm nguyện của nhiều đời Vua hiền tại của đất nước, bỗng nhiên biến mất, bị “phế truất” một cách vô lý vì một mục đích nào đó không thể hiểu được và không thể chấp nhận được, thay thế vào đố là một hòn đá khác kích thước to cao hơn, bóng bẩy hơn, hoành tráng hơn, đắt tiền hơn. Mạch nguồn năng lượng nghìn năm bị chặt đứt, phá bỏ một cách vô ý thức, vô trách nhiệm, tùy tiện, vậy liệu có ai đặt vấn đề hậu quả của việc này ra sao, ai phải chịu trách nhiệm này trước lịch sử và công luận.
Vốn là kiến trúc sư có đôi chút kiến thức về phục hồi di tích cổ, khi còn công tác tại trung tâm tu sửa phục hồi di tích Bộ văn hóa và thực tập kiến trúc cổ tại Ba Lan, tôi cứ phân vân suốt mấy tháng trời có nên viết ra sự thật này không, liệu có lợi gì và có hại gì cho cái chung, nhất là trong giai đoạn Unesco đang xem xét để công nhận lễ hội và di tích Đền Hùng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đến nay khi niềm vui đón nhận danh hiệu đã tạm lắng xuống, Tiến sĩ Vũ Thế Khanh Tổng giám đốc liên hiệp khoa học UIA và một vị nguyên là phó chủ tịch tỉnh Phú Thọ khuyến khích, động viên tôi hãy nói ra sự thật cho mọi người biết và để cảnh tỉnh, rút kinh nghiệm cho những ai thiếu hiểu biết, can thiệp tùy tiện, làm mất đi giá trị lịch sử và tâm linh của di tích.
Câu chuyện được bắt đầu từ năm 2007 khi tôi được bác Quế nguyên Tổng giám đốc nhà máy giấy Bãi Bằng và bác Thái cán bộ đã nghỉ hưu của nhà máy mời về dạy một lớp Thái cực quyền cho câu lạc bộ dưỡng sinh sức khỏe của nhà máy giấy Bãi Bằng. Lớp học kết thúc tốt đẹp sau hai tháng rèn luyện. Sau buổi tổng kết long trọng bác Quế có mời đoàn Hà Nội giao lưu cùng câu lạc bộ và dã ngoại hành hương lên lễ Đền Hùng. Đoàn chúng tôi khoảng năm mươi người leo dốc đá lên đến Đền Thượng thì nghỉ chân để chuẩn bị vào lễ. Đang ngồi nghỉ tôi cảm thấy như có lực hút rất mạnh ở phía sau lưng ( cũng xin nói thêm tôi là người luyện tập võ thuật,khí công, thiền khoảng ngót ba mươi năm và là giám đốc trưởng môn dưỡng sinh tổng hợp cổ truyền Tâm Khí Việt thuộc liên hiệp khoa học UIA). Tôi phát hiện lực hút này từ một tảng đá cao chừng 1.6 mét , ở phía trước tảng đá có bệ thờ đặt bát hương.
Tôi gặp vị thủ từ hỏi nguồn gốc hòn đá. Ông nói đó là hòn đá thiêng, đá thề có từ xưa, tục truyền từ thời vua Hùng, các vị vua hàng năm đều tới đứng trước hòn đá thiêng này cầu cho quốc thái dân an và thề với trời đất nguyện dốc lòng xây dựng đất nước phồn vinh. Tôi thực sự ngưỡng mộ và cảm nhận năng lượng linh thiêng của tảng đá tiếp nối khí thiêng của trời đất Việt, chứng kiến biết bao thăng trầm qua hàng ngàn năm lịch sử. Tôi chợt nghĩ hòn đá này mang dương khí trên đỉnh núi, tích chứa năng lượng sung mãn của trời đất có thể chữa được các bệnh nên đã nói với mọi người trong đoàn :
- Hôm nay chúng ta có duyên ngày lành tháng tốt ai có bệnh gì nhất là những bệnh hàn lạnh, trầm uất, trệ khí thì xin mọi người đứng trước tảng đá này tôi sẽ dùng khí công nối với năng lượng của tảng đá mang nhiều dương khí để cân bằng âm dương cho cơ thể giúp người đó có thể chữa được bệnh.
Lần lượt cả đoàn cứ hai người một tiến tới áp tay vào tảng đá và kỳ diệu thay mọi người đều cảm thấy nhận được khí, dễ chịu, thoải mái, hết mệt mỏi…Trong số đó có bác Khánh người ở phố Hà Trung- Hà Nội đang bị viêm xoang cấp tính sổ mũi và sổ cả máu, thế mà sau năm phút bác thấy khỏi đau, khô mũi, cảm giác như không còn bệnh xoang ( sau này về Hà Nội khoảng bốn tháng sau tôi gặp lại bác Khánh, bác có nói : Kỳ diệu thật tôi chữa mãi không khỏi bệnh xoang lâu năm rồi thế mà sau chuyến đi đó tôi khỏi hẳn không thấy bị lại)
Mọi người đều tỏ thái độ cung kinh, ngưỡng mộ trước hòn đá thiêng trên đỉnh núi Đền Thượng. Coi đó là biểu tượng, là thông điệp, là năng lượng của người xưa gửi gắm đến con cháu mai sau tiếp nối xây dựng tổ quốc vững bền, dân giàu, nước mạnh như ý chí của các vua Hùng.
Thế rồi bẵng đi gần sáu năm sau, cuối năm 2012 tôi mới có dịp quay trở lại Đền Hùng với trạng thái háo hức phấn khích muốn giới thiệu với mấy người bạn thân về năng lượng kỳ diệu của hòn đá thề thiêng này. Thế nhưng thật hụt hẫng khi leo đến đỉnh Đền Thượng, nhìn vào vị trí hòn đá thiêng xưa, nay đã sừng sững một hòn đá hoa cương, màu sẫm được mãi nhẵn bóng lộn cao khoảng ba mét, hòn đá mang chất liệu và màu sắc chẳng liên quan, ăn nhập gì với toàn cảnh và núi đá xung quanh, trông phô trương, lạc lõng, vô vị. Tôi áp bàn tay vào tảng đá cảm nhận thấy năng lượng yếu ớt, lãnh lẽo. Tôi tìm người giữ đền cũ nhưng không gặp, hỏi một nhân viên khu di tích thì được biết là hòn đá cũ đã bị dời đi thay thế bằng hòn đá mới này, tôi vội hỏi:
- Vậy hòn đá cũ đâu rồi?
Thì anh ấy trả lời:
- Hình như được đưa vào bảo tàng dưới chân núi.
Tôi xuống bảo tàng dưới chân núi hỏi thì họ bảo : Không biết. Chúng tôi ra về trong trạng thái thất vọng, buồn phiền và bứt rứt không yên.
Phục dựng "Cột đá thề" mới bằng mã não, dạng phong thủy |
Về Hà Nội tôi có kể chuyện này với một số người bạn và học trò với tâm trạng rất phiền não, thật may có một học viên là cô Tố Tâm chuyên viên cao cấp của Bộ ngoại giao, cô Tâm hỏi cặn kẽ về sự việc và lập tức gọi điện cho ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trường Bộ ngoại giao, người đang chỉ đạo việc lập hồ sơ giai đoạn cuối để Unesco công nhận di tích và lễ hội Đền Hùng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ông Sơn đã gọi điện ngay cho Ủy bản nhân dân (UBND) tỉnh Phú Thọ, họ nói đã tiếp nhận thông tin của tôi và họ mời tôi lên để xem xét xử lý việc này. Tôi mừng quá hẹn cùng đi với đoàn Bộ ngoại giao do ông Sơn trực tiếp làm trưởng đoàn. Cô Tố Tâm còn mời cả một nhà ngoại cảm là “ Thầy Cường” ở Cầu Diễn cùng đi.
Chúng tôi đến UBND tỉnh Phú Thọ tại thành phố Việt Trì vào buổi chiều, các anh lãnh đạo tỉnh tiếp đón và mời chúng tôi ăn tối trước rồi lên Đền Hùng. Nhưng tôi và thầy Cường đề nghị đi làm việc luôn vì rất sốt ruột. Khi lên đến Đền Thượng chúng tôi thấy trước tảng đá hoa cương bóng lộn họ đã chuẩn bị một đàn lễ long trọng. Chờ một lúc thì đông đủ cả, từ vị chủ tịch tỉnh,các vị phó chủ tịch đến chánh văn phòng, cùng một số cản bộ ủy ban, cả bà phó chủ tịch tỉnh phụ trách Văn xã vừa mới về hưu cũng có mặt, đoàn Bộ ngoại giao có thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn và các cán bộ chuyên viên thuộc Unesco Việt Nam.
Nhưng một lần nữa chúng tôi hoàn toàn thất vọng vì các vị lãnh đạo tỉnh Phú Thọ nói rằng :
- Chúng tôi mời các thầy lên đây cùng làm lễ với một vị “pháp sư” của Phú Thọ là “Thầy Minh Thông”.
Và giới thiệu “Thầy” rất giỏi về phong thủy, trấn yểm năng lượng… Họ hỏi tôi có biết “Thầy Thông” không, tôi trả lời : Không biết ông ấy là ai và năng lực thế nào, mặc dù tôi là phó Tổng giám đốc liên hiệp khoa học UIA, nơi có nhiều trung tâm nghiên cứu ứng dụng các bộ môn khoa học về phong thủy, năng lượng cảm xạ, cảm ứng, dưỡng sinh, tâm linh ngoại cảm, nhưng tôi chưa nghe thấy “ Thầy Minh Thông” và công trình nghiên cứu khoa học tâm linh của ông bao giờ.
Lúc này Thầy Cường đề nghị sẽ dùng khả năng cảm xạ để nói chuyện với các Vua Hùng xem ý kiến của các vị thế nào và yêu cầu chỉ có bốn vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn và tôi được vào hậu cung chứng kiến.
Sau khi thỉnh chuông làm lễ thầy Cường truyền đạt lại ý kiến của Vua Hùng vương thứ 6, đại ý là:
- Hòn đá thiêng, đá thề nghìn năm đã bị đập vỡ, nó mang năng lượng ngàn xưa, nay thay vào hòn đá hoa cương, tuy đẹp và đắt giá nhưng chẳng có năng lượng gì. Và vì phá vỡ hòn đá thiêng nên đứt mạch, mấy năm qua đất nước và tỉnh nhà có nhiều chuyện xảy ra.(cho phép tôi không nói rõ cụ thể xảy ra việc gì vì không cần thiết nói ở đây)
Làm lễ xong chúng tôi ra ngoài, tôi hỏi thẳng cách giải quyết của lãnh đạo tỉnh về việc này, vị phó chủ tịch phụ trách văn xã mới về hưu thanh minh rằng:
- Hòn đá mới thay thế là hòn đá hoa cương mang nhiều năng lượng hơn đã được “Thầy Thông” kiểm chứng, vả lại hòn đá cũ cũng chưa chắc là từ nghìn xưa, hình như trước đây mấy chục năm ai đó mới đặt lên thờ mà thôi, mặt khác đây là dự án của Trung ương do Bộ văn hóa chỉ đạo, thứ trưởng Bộ văn hóa Lưu Trần Tiêu trực tiếp là chủ tịch hội đồng khóa học chủ trì, nên bây giờ muốn thay lại hòn đá cũ cũng không được. UBND tỉnh không có quyền hạn, phải hội đồng khoa học Bộ văn hóa mới có quyền.
Thấy cách trả lời loanh quanh và không thuyết phục như vậy, tôi quay sang nói với thầy Cường :
- Thôi chúng ta đi về, có nói cũng không giải quyết được việc gì. Nếu ở lại tham dự lễ với “pháp sư” Minh Thông thì mặc nhiên chúng ta đồng lõa, công nhận việc làm này là đúng.
Sau đó chúng tôi về Hà Nội luôn không kịp cả ăn tối.
Sự việc trên xảy ra thực sự làm cho tôi cảm thấy bị sốc, thất vọng và mất niềm tin, không hiểu những người có trách nhiệm suy nghĩ gì khi triển khai xử lý công việc một cách tùy tiện như vậy, đặc biệt là với một di tích lịch sử nổi tiếng và linh thiêng của đất nước như Đền Hùng. Tôi cũng liên tưởng tới nhiều việc gần đây vì lý do nào đó, động cơ nào đó người ta không ngần ngại xúc phạm tới các di tích lịch sử như việc chính quyền địa phương cho phép tháo dỡ chùa Trăm gian cổ xưa và tùy tiện xây dựng chùa Trăm gian mới bất chấp giá trị kiến trúc, giá trị lịch sử của di tích đã được xếp hạng Quốc gia.
Đối với sự việc hòn đá thiêng ở Đền Hùng tôi mong muốn rằng các nhà chức trách trả lời cho công luận được biết:
Hòn đá thề thiêng liêng nay ở đâu? Có còn trong bảo tàng hay đã bị phá vỡ nát rồi.
Ai phê duyệt chủ trương thay thế hòn đá hoa cương mới vào vị trí của hòn đá thề và lý do tại sao.
Phương án giải quyết cụ thể : Nên thay trả lại hòn đá cũ( nếu còn) hay giữ nguyên hòn đá mới. Nếu để hòn đá mới thì phải ghi rõ văn bia đây là hòn đá mới thay thế vào vị trí cũ của hòn đã thiêng đá thề xưa và lý do tại sao thay thế.
Thiết nghĩ cần phải làm nghiêm chỉnh và rõ rằng sự việc này để làm gương cho mọi người, cần tôn trọng di tích lịch sử và truyền thống văn hóa.
Thông qua vụ việc này chúng tôi còn muốn mọi người phải cảnh tỉnh với tình trạng xây dựng, tôn tạo các công trình tín ngưỡng một cách tùy tiện, qui mô hoành tráng thái quá, phí phạm tiền của của nhân dân một cách vô ích trong khi cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó còn vấn đề các địa phương thi nhau tổ chức các lễ hội rất tốn kém, kêu gọi đóng góp công đức của người dân vào những việc không thiết thực cho đời sống dân sinh và văn hóa.
Đó là những vấn đề mà mỗi chúng ta nên tham gia đóng góp ý kiến để làm trong sạch môi trường văn hóa tâm linh của đất nước.
- Vâng xin cám ơn ông.
Trưởng môn Nguyễn Ngọc Dũng
Học viện dưỡng sinh tổng hợp Tâm Khí Việt
(tamkhiviet.com)
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét