12/6/13

Hình Thư: Về Nhà nước Pháp Quyền


“Nhà nước Pháp Quyền” là khái niệm chính trị hợp pháp duy nhất trong thế giới tiến bộ ngày nay. Nhưng đó cũng là danh từ mà các quốc gia độc tài vẫn thường sử dụng để đánh lừa dư luận, hòng biện minh cho sự tồn tại phi lý của mình. Việc gần đây các đại biểu Quốc hội bù nhìn tiếp tục bàn tán rôm rả chủ đề này lại một lần nữa chứng minh điều đó. Họ hả hê phân tích và khẳng định về khái niệm “Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa” như là một lẽ đương nhiên để lừa bịp nhân dân mình. Không nên để sự dối trá nhầm lẫn này tồn tại thêm nữa, chúng ta cần có sự hiểu biết đúng đắn và thông suốt khái niệm cơ bản quan trọng này.
Khi nói về “Nhà nước Pháp quyền”, là nói tới một mô hình nhà nước tôn trọng trật tự thứ bậc của các quy phạm pháp luật, tôn trọng sự phân chia quyền lực và các quyền cơ bản của công dân. Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà nơi mà những người được ủy nhiệm trọng trách quản lý đất nước thông qua phiếu bầu, họ phải có trách nhiệm với chức vụ và chịu sự ràng buộc của luật pháp.
Theo Montesquieu thì nền tảng quyền lực được phân chia thành 3 nhánh, gọi là tam quyền (Lập Pháp, Hành pháp và Tư pháp). Ba nhánh quyền lực nãy hỗ tương đồng thời giám sát và kìm chế lẫn nhau, để tránh dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền lực. Như vậy thì Chính phủ không thể tự do hành động theo ý thích của mình mà phải luôn có sự đồng ý hậu thuẫn của Nghị viện, nơi thể hiện ý chí và nguyện vọng của dân chúng. Tương tự, ngành Tư pháp tạo ra sự đối trọng đối với một số quyết định của Chính phủ. Như vậy, nhà nước Pháp quyền đối lập với các thể chế quân chủ tuyệt đối trước đây hay độc tài toàn trị ngày nay. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, khái niệm “Nhà nước Pháp quyền” chỉ tồn tại trong một thể chế chính trị dân chủ.
Theo định nghĩa cổ xưa nhất thì Nhà nước Pháp quyền là “Một hệ thống thể chế nơi quyền lực công phục tùng Pháp luật”. Các quy phạm pháp luật được sắp xếp có trật tự sao cho quyền lực phải chịu sự giới hạn. Sự tồn tại một trật tự quy phạm pháp luật có thứ bậc này tạo nên một trong những đảm bảo quan trọng nhất của Nhà nước Pháp quyền. Theo đó thì thẩm quyền của các cơ quan nhà nước phải được xác định một cách rõ ràng trong hệ thống quy phạm pháp luật, mà cao nhất là Hiến Pháp.
Đối với mô hình Nhà nước Pháp quyền thì không có cá nhân hay tổ chức nào đứng trên hay ngoài luật, tất cả mọi người đều phải tuân theo pháp luật. Nguyên tắc này bắt nguồn một cách logic từ ý tưởng cho rằng, sự thật cũng như luật pháp đều dựa trên những nguyên tắc căn bản có thể được phát hiện ra nhưng không thể được tạo ra theo ý muốn. Chính quyền chỉ được thực thi quyền hành một cách hợp pháp theo pháp luật. Những luật đó phải được thông qua theo đúng trình tự và thủ tục pháp lý dân chủ. Điều này nhằm mục đích ngăn ngừa sự cai trị độc đoán từ phía cá nhân hay tập thể lãnh đạo. Chính vì lẽ đó, pháp quyền chống lại cả chế độ độc tài lẫn tình trạng vô chính phủ.
Pháp quyền có quan hệ mật thiết với tam quyền phân lập. Nó đề cao vai trò của luật pháp và sự bình đẳng của mọi người trước pháp luật.
Muốn có Nhà nước Pháp quyền thì phải có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh gồm các Bộ luật và đạo luật, sau đó là các văn bản quy phạm dưới luật. Quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp phải độc lập nhưng kiềm chế được nhau. Hệ thống tòa án phải độc lập, có sức mạnh để buộc các cơ quan và nhân viên nhà nước phải chấp hành pháp luật. Chúng ta có thể nêu ra những điều kiện cụ thể hơn:
- Luật phải dễ hiểu và khiến người dân tiếp cận được.
- Vấn đề pháp lý và trách nhiệm pháp lý phải được giải quyết bằng luật mà không thể tùy tiện áp dụng.
- Các địa phương phải áp dụng đồng bộ hệ thống pháp luật chung.
- Pháp luật phải bảo vệ được các quyền cơ bản của con người.
- Cán bộ và quan chức các cấp phải thực thi quyền lực theo quy định của pháp luật, không được vượt quá quyền hạn của mình.
- Thủ tục xét xử phải công bằng và theo đúng trình tự.
- Nhà nước thực thi bổn phận của mình, đồng thời tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tóm lại, nhà nước pháp quyền là hình thức Cộng hòa mà trong đó hệ thống pháp luật dân chủ được làm ra để quản lý xã hội, nhà nước phải được đặt dưới pháp luật. Mọi cơ quan nhà nước đều phải hoạt động theo khuôn khổ quy định của pháp luật. Công dân tuân thủ, thi hành và sử dụng pháp luật. Quyền công dân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Điều kiện để có một Nhà nước Pháp quyền là phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, phù hợp và kịp thời.
 Nhà nước Pháp quyền dựa trên nguyên tắc dân chủ. Dân chủ là nền tảng để hoàn chỉnh pháp luật. Pháp luật là công cụ để bảo vệ quyền công dân.

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More