Giới Thiệu

Blog Luật của Sự Thật là một trang blog đăng tải các tin tức bài vỡ liên quan đến những sự kiện bất công, lạm dụng luật pháp hiện đang xảy ra tại Việt Nam.

Cẩm nang Luật cho bạn và tôi: Tập 1

Xin nhấn vào đây để đọc tập 1 về quyền biểu tình.

Chân dung ông Nguyễn Đức Kiên

Chỉ trong một thời gian ngắn chưa đầy nửa năm, Sacombank đã nằm gọn trong tay của nhóm “bố già” Nguyễn Đức Kiên.

Cẩm nang Luật cho bạn và tôi: Tập 2

Xin nhấn vào đây để đọc tập 2 về quyền hội họp, lập hội, lập đảng.

Cẩm nang Luật cho bạn và tôi: Tập 3

Xin nhấn vào đây để đọc tập 3 về quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin.

29/6/13

Cẩm Nang Luật 4 cho Bạn và Tôi - Dành cho Cư Dân Mạng

LCST xin được giới thiệu cùng các bạn Cẩm Nang Luật cho Bạn và Tôi tập 4, dành cho Cư Dân Mạng, do Luật của Sự Thật hợp tác cùng với Luật sư Nguyễn Thành thực hiện và xuất bản. Cẩm Nang này được xuất bản nhân dịp hàng loạt các bloggers, facebookers bị trù dập, bắt bớ và bỏ tù chỉ vì họ dám lên tiếng bày tỏ chính kiến và lý tưởng yêu nước của mình qua những dòng chữ trên mạng. Với niềm hy vọng có thể giúp các bạn ít nhiều hiểu thêm được các quyền lợi của mình, mà chính Hiến Pháp và các Bộ Luật Việt Nam qui định, chúng tôi xin được trình bày một số vấn đề mà hiện nay dân cư mạng đang rất quan tâm, qua dạng hỏi đáp. Xin mời quý bạn đón xem.
 
CẨM NANG 4
DÀNH CHO CƯ DÂN MẠNG

Luật sư Nguyễn Thành

Trước khi đọc cẩm nang ngắn này, xin bạn lưu ý rằng nó được viết dựa trên những văn bản pháp luật đang có hiệu lực vào ngày 29-6-2013.
Câu 1. Tôi có một blog / facebook cá nhân, vậy tôi có cần phải lưu ý những văn bản pháp luật nào có liên quan không?
Trước hết, bạn cần lưu ý rằng một vấn đề pháp luật có thể được điều chỉnh bởi một hệ thống các văn bản pháp luật từ Hiến pháp, cho tới luật, nghị định, thông tư,... Tuy nhiên, khi có một số văn bản đặc thù quy định về vấn đề đó, không có nghĩa là các văn bản khác không có liên quan. Ví dụ, chúng ta có một nghị định quy định trực tiếp đến blog, nhưng bản thân việc bạn viết blog còn liên quan đến quyền tự do ngôn luận của bạn được thừa nhận tại Hiến pháp.
Chúng tôi khuyến nghị bạn quan tâm đến một số văn bản sau đây:
1. Hiến pháp năm 1992, sửa đổi năm 2001.
2. Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10 và Luật sửa đổi một số điều của Bộ luật hình sự số 37/2009/QH12. Đặc biệt lưu ý các điều sau:
- Điều 87. Tội phá hoại chính sách đoàn kết
- Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Điều 121: Tội làm nhục người khác
- Điều 122: Tội vu khống
- Điều 226: Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.
- Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân
3. Luật Công nghệ thông tin
4. Nghị định 97/2008/NĐ-CP về quản lý Internet và thông tin điện tử
5. Nghị định 28/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet.
7. Nghị định số 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt lưu ý các điều sau:
6. Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc.
7. Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Liên hợp quốc.

Câu 2. Blog / facebook có phải là một tài sản không?
Có. Theo quy định tại Điều 163, Bộ luật Dân sự năm 2005, tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Ở đây, tài sản của bạn là quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu của blog và quyền sở hữu trí tuệ đối với các nội dung bạn tải lên, kể cả mã nguồn blog (nếu mã nguồn đó là của bạn) và cách bạn sắp xếp các dữ liệu đó. Nói một cách khác, bạn là chủ sở hữu của tài khoản đăng nhập (username và password) và cơ sở dữ liệu của blog (database), cùng với quyền được truy cập và thao tác trên cơ sở dữ liệu đó.
Vì vậy, việc bạn sử dụng blog / facebook của bạn như thế nào, hoàn toàn là quyền của bạn, không ai được xâm phạm, trừ khi bạn cho phép họ làm thế.
Câu 3. Tôi có một blog cá nhân nhưng chạy trên tên miền riêng (www.abc.com). Liệu tôi có phải đăng ký với cơ quan nhà nước nào không?
Trường hợp bạn sử dụng tên miền quốc gia .vn thì bạn không cần quan tâm đến nội dung sau đây. Lý do là có thể là bạn đã phải khai báo đầy đủ thông tin cá nhân khi đăng ký tên trên miền đó rồi.
Nhưng nếu bạn sử dụng hay dùng các miền khác như .com, .net, .org, .asia,... thì bạn cần lưu ý đến một số quy định về thông báo tên miền.
Tại khoản 2, khoản 3 điều 23 Luật Công nghệ thông tin quy định như sau:
“2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" khi thiết lập trang thông tin điện tử không cần thông báo với Bộ Bưu chính, Viễn thông. Tổ chức, cá nhân khi thiết lập trang thông tin điện tử không sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" phải thông báo trên môi trường mạng với Bộ Bưu chính, Viễn thông những thông tin sau đây:
a) Tên tổ chức ghi trong quyết định thành lập, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép mở văn phòng đại diện; tên cá nhân;
b) Số, ngày cấp, nơi cấp chứng minh thư nhân dân hoặc số, ngày cấp, nơi cấp hộ chiếu của cá nhân;
c) Địa chỉ trụ sở chính của tổ chức hoặc nơi thường trú của cá nhân;
d) Số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử;
đ) Các tên miền đã đăng ký.
3. Tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các thông tin quy định tại khoản 2 Điều này, khi thay đổi thông tin thì phải thông báo về sự thay đổi đó.”
Việc thông báo phải được tiến hành trên website thongbaotenmien.vn của Trung tâm Internet Việt Nam.

Câu 4. Nếu tôi dùng tên miền quốc tế (.com, .net,...) cho blog của mình mà không thông báo với cơ quan nhà nước thì sao?
Bạn có thể sẽ bị xử phạt, với số tiền từ 2 - 5 triệu đồng.
Điều 11, Nghị định 28/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet quy định như sau:
“Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi sử dụng tên miền cấp cao khác tên miền “.vn” mà không thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông; khai báo thông tin không chính xác hoặc không cập nhật khi có thay đổi thông tin liên hệ đối với cá nhân đăng ký, sử dụng tên miền “.vn”.”

Câu 5. Tôi có được quyền ghi âm, đăng hình trên blog của tôi không?
Pháp luật không cấm bạn ghi âm, ghi hình để đăng trên blog / facebook. Tuy vậy, bạn cần lưu ý rằng ngoại trừ ở các địa điểm công cộng, việc ghi âm, ghi hình của bạn cần tuân thủ các quy định về Bảo vệ bí mật nhà nước (xem câu 7), quyền cá nhân đối với hình ảnh (Điều 31 - Bộ luật Dân sự) và quyền bí mật đời tư (Điều 38 - Bộ luật Dân sự). Ngoài ra, cá nhân và tổ chức có quyền thiết lập các quy định riêng để bảo vệ các thông tin của mình (bao gồm cả âm thanh, hình ảnh, dữ liệu khác,...), việc bạn xâm phạm khu vực thuộc sở hữu của họ để ghi âm, ghi hình có thể khiến bạn phải bồi thường một khoản tiền lớn cùng với án tù nhiều năm, tùy từng vụ việc cụ thể.
Rất tiếc, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về quyền cá nhân đối với hình ảnh và quyền bí mật đời tư nên cách giải quyết phụ thuộc vào quan điểm của tòa án đối với từng vụ việc.

Câu 6. Tôi ghi âm, ghi hình được một cảnh vi phạm pháp luật của nhân viên nhà nước khi họ đang thi hành công vụ, nếu đăng lên blog thì tôi có gặp vấn đề rắc rối pháp lý nào không?
Có thể có. Bạn cần lưu ý các quy định pháp luật đã nêu tại phần trả lời câu hỏi số 5.
Trường hợp bạn ghi âm, ghi hình ở khu vực cấm có chứa bí mật nhà nước, bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với hành vi “quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ ở khu vực cấm” theo Điều 25, Nghị định số 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Số tiền bị xử phạt có thể từ 500.000 đ đến 2.000.000đ.
Tuy nhiên, nếu bạn ghi âm, ghi hình các hành vi vi phạm pháp luật của công an, cán bộ, công chức nhà nước không nằm trong các khu vực cấm, ví dụ như ở các địa điểm công cộng, ngoài đường hay cơ quan nhà nước thông thường,... thì bạn hoàn toàn không phải chịu một rủi ro pháp lý nào cả. Trên thực tế, số lượng các khu vực cấm rất ít, do đó, phạm vi để bạn thực hiện quyền ghi âm, ghi hình rất rộng.
Câu 7. Tôi là sinh viên, nếu tôi viết bài phê phán nhà trường hoặc chính quyền, tôi có thể bị đuổi học không?
Không. Bạn chỉ bị đuổi học hoặc kỷ luật theo các văn bản về Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng sau đây:
1. Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Thông tư số 57/2012/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy, ban hành kèm theo Quyết định số 25/2006/QĐ-BGDĐT ngày 26 tháng 6 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. “Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học” ban hành kèm theo Quyết định số 36/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 28 tháng 6 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, bạn chỉ bị đuổi học khi kết quả học tập của bạn không đạt yêu cầu hoặc bạn vi phạm điều cấm về thi hộ - tức nhờ người khác thi hộ. Không có điều gì liên quan đến việc bạn viết blog phê phán nhà trường hoặc chính quyền.
Bên cạnh đó, hành vi viết blog của bạn là hành vi độc lập của cá nhân, dựa trên quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp bảo vệ, nhà trường hoàn toàn không được pháp luật trao quyền để hạn chế quyền tự do ngôn luận của bạn.
Nhà trường chỉ có thể can thiệp bằng cách khởi kiện bạn ra tòa án dân sự khi họ cho rằng bài viết phê phán nhà trường của bạn đã gây thiệt hại về uy tín hoặc vật chất cho nhà trường, theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Câu 8. Tôi là sinh viên, nhà trường có quyền yêu cầu tôi gỡ bài viết trên blog / facebook của mình không?
Không. Lý do tương tự như phần trả lời cho câu hỏi trên.
 
Câu 9. Tôi có được ghi hình ở khu vực có cắm biển “Cấm quay phim, chụp ảnh” không?
Đối với vấn đề này, bạn cần quan tâm đến các văn bản sau đây:
1. Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Bảo vệ bí mật nhà nước.
2. Nghị định số 33/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.
3. Quyết định số 160/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xác định địa điểm cấm, khu vực cấm.
4. Thông tư số 12/2002/TT-BCA(A11) của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số 33/2002/NĐ-CP.
5. Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về các địa điểm cấm cụ thể trên địa bàn.
Theo đó, các cơ quan nhà nước chỉ có quyền đặt biển cấm tại các cơ sở, địa điểm chứa bí mật nhà nước, bao gồm các cơ sở quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, kho dự trữ chiến lược quốc gia và một số địa điểm khác (bao gồm cả một số địa điểm tạm thời trong tình huống nghiêm trọng). Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền ra quyết định về các khu vực cấm cụ thể, nhưng không được trái với quy định của các văn bản có hiệu lực cao hơn.
Do vậy, có mấy vấn đề cần lưu ý:
      Khu vực cấm cụ thể phải nằm trong quyết định của cấp có thẩm quyền nhưng không trái với danh sách các khu vực cấm trong Quyết định 160 của Thủ tướng Chính phủ. Không ai được quyền cắm biển cấm ngoài các khu vực trong danh sách này.
      Khu vực cấm, dù đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phải đặt biển cấm theo quy định của Thông tư 12 của Bộ Công an. Nếu không có biển cấm thì người dân không có nghĩa vụ phải chấp hành.
      Tuy vậy, các quy định này chỉ có phạm vi áp dụng đối với các cơ sở chứa bí mật nhà nước và các địa điểm công cộng trong tình huống nghiêm trọng. Đối với các cơ sở thuộc sở hữu tư nhân, sở hữu của pháp nhân,... thì họ có toàn quyền đặt ra quy định cấm trong phạm vi khu vực mà họ sở hữu. Kiến trúc cảnh quan của các cơ sở này thuộc về cảnh quan công cộng, nên bất kỳ ai cũng có quyền ghi hình từ bên ngoài diện tích của các cơ sở đó.
Trường hợp bạn ghi hình tại khu vực cấm, bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính (xem thêm Câu 6).
Câu 10. Công an có quyền tịch thu máy ảnh và máy vi tính của tôi không?
Không ai có quyền tịch thu tài sản của bạn, trừ trường hợp bạn dùng nó để thực hiện các hành vi vi phạm hành chính hoặc phạm tội hình sự.
Điều 4, Nghị định 73/2010/NĐ-CP quy định rõ tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính là hình thức xử phạt bổ sung, ngoài hai hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền.
Điều 76, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định rõ công cụ, phương tiện phạm tội thì bị tịch thu, sung quỹ nhà nước hoặc bị tiêu hủy.
Như vậy, khi bạn không dùng máy ảnh, máy vi tính vào các hành vi vi phạm hành chính hoặc hành vi phạm tội (dù rằng các hành vi này có thể bất hợp lý và vi phạm quyền con người) thì không ai có quyền tịch thu của bạn.
Câu 11. Tôi có thể đến tòa án để đưa tin không?
Có. Trừ một số trường hợp đặc biệt, về cơ bản các vụ án đều phải xét xử công khai và mọi người đều có quyền tham dự, kể cả cho mục đích đưa tin. Trước khi đưa vụ án ra xét xử, tòa án thụ lý phải nói rõ việc xét xử là công khai hay xử kín.
Điều 18. Xét xử công khai (Bộ luật Tố tụng hình sự 2003)
Việc xét xử của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.
Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai.
Điều 15. Xét xử công khai (Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004)
1. Việc xét xử vụ án dân sự của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.
2. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai.
Điều 17. Xét xử công khai (Luật Tố tụng hành chính 2010)
Việc xét xử vụ án hành chính được tiến hành công khai. Trường hợp cần giữ bí mật nhà nước hoặc giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Toà án xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

Câu 12. Tôi có quyền giữ bí mật danh tính, tài khoản đăng nhập và nguồn tin của mình khi viết bài trên blog / facebook không?
Có. Danh tính (hay thông tin nhân thân của bạn) là quyền nhân thân của bạn được quy định trong Bộ luật Dân sự. Bạn có toàn quyền quyết định việc sử dụng nó ra sao khi viết blog. Nguồn tin của bạn và tài khoản đăng nhập là thông tin riêng của bạn, quyền của bạn đối với thông tin này là một quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, không ai có quyền buộc bạn phải cung cấp tài sản của bạn cho người khác.
Bạn không có nghĩa vụ phải khai báo với bất kỳ ai (kể cả cơ quan công an) về việc bạn có phải là chủ sở hữu blog hay là tác giả của bất kỳ bài viết nào hay có liên quan đến bất kỳ nguồn tin nào. Trong mọi trường hợp, những người đưa ra cáo buộc có nghĩa vụ phải chứng minh sự liên quan của bạn đối với blog, chứ bạn không có nghĩa vụ phải chứng minh là mình vô tội hoặc không có liên quan.
Câu 13. Nếu tôi bị bắt, công an có quyền bắt tôi khai báo mật khẩu của các tài khoản online của tôi không? 
Bất kỳ ai, kể cả công an, cũng chỉ có quyền đề nghị bạn khai báo mật khẩu các tài khoản của bạn chứ không có quyền bắt ép bạn phải khai báo. Việc bạn đồng ý hay không là quyền của bạn. Mời bạn xem thêm câu 10.
Câu 14. Tôi có phải chịu trách nhiệm về những bình luận (comment) của người khác trên blog / facebook của tôi không?
Pháp luật Việt Nam chưa từng có quy định cụ thể nào về trường hợp này. Tuy vậy, nội dung bình luận của người khác thuộc về quyền tự do ngôn luận của người bình luận theo quy định tại điều 69 của Hiến pháp 1992 và họ phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền này của mình. Chủ sở hữu blog / facebook không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về phát ngôn của người khác, ngay cả khi phát ngôn đó được đăng trên blog của mình.
Để có một so sánh gần gũi, chúng ta có thể coi blog là nhà mình, và người bình luận là khách. Bạn mở cửa cho khách ra vào tự do ở nhà mình không có nghĩa là bạn phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn của họ trong nhà của bạn.
Câu 15. Nếu tôi viết bài phê bình nhà nước, tôi có thể bị cáo buộc những hành vi nào?
Hành vi phê phán chính quyền nằm trong quyền tự do ngôn luận của bạn được quy định tại điều 69 Hiến pháp 1992:
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.

Quyền tự do ngôn luận của bạn cũng được thừa nhận tại Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 và các điều ước quốc tế khác về nhân quyền mà Việt Nam tham gia.
Điều 19 - Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966
1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp.
2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.
3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:
a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,
b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội.

Do vậy, xét về mặt Hiến pháp quốc gia và pháp luật quốc tế, bạn có quyền được tự do phát biểu về mọi vấn đề, với mọi thái độ, miễn là phát biểu của bạn không xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội. Đây là quy định mang tính phổ quát trên toàn thế giới và được chính Việt Nam, với tư cách là một thành viên Liên hợp quốc - tham gia và ký kết. Theo đó, phê phán chính quyền không nằm trong phạm vi hạn chế quyền tự do ngôn luận. Nếu bạn xâm phạm đến quyền hoặc lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác, tất cả rủi ro bạn phải chấp nhận là nguy cơ bị cá nhân, tổ chức đó khởi kiện ra tòa án dân sự để yêu cầu bạn xin lỗi và bồi thường cho họ.
Tuy vậy, ở Việt Nam, bạn có thể chịu nhiều rủi ro hơn. Bạn có thể bị khép vào các tội được nêu trong câu hỏi số 1 của cẩm nang này, đặc biệt là hai điều sau của Bộ luật Hình sự:
      Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
      Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Hoặc bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 73/2010/NĐ-CP:
      Điểm i, khoản 3, điều 7. Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Mức phạt dao động từ 1.000.000 đ đến 2.000.000 đ.
Đây là những cáo buộc mà chính quyền Việt Nam hiện nay thường khép cho những người bày tỏ ý kiến bất đồng với nhà nước, bao gồm cả các bloggers. Hình phạt có thể lên đến 20 năm tù cho điều 88 và 7 năm tù cho điều 258 Bộ luật Hình sự. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông qua các vụ án Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), Lê Nguyễn Hương Trà (tức blogger Cô Gái Đồ Long) hay mới đây nhất Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha.

Câu 16. Nếu tôi viết bài phê bình một cá nhân khác, tôi có thể gặp phải những rủi ro pháp lý nào?
Bạn cần lưu ý phê phán cá nhân nhưng dừng lại ở mức độ nhất định để không vướng phải những rủi ro pháp lý. Nếu không, bạn có thể cùng lúc phải chịu hai loại trách nhiệm pháp lý: trách nhiệm hành chính/hình sự và trách nhiệm dân sự.
Về mặt hành chính, bạn có thể bị xử phạt từ 100.000 đ - 200.000 đ với hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” tại điều 7, Nghị định số 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Về mặt hình sự, bạn có thể bị khép vào tội làm nhục người khác tại Điều 121 (với mức án lên tới 3 năm tù) hoặc tội vu khống tại Điều 122 Bộ luật hình sự (với mức án lên tới 7 năm tù).
Về mặt dân sự, nếu người bị hại có yêu cầu, bạn có thể phải công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho họ vì đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của họ, vốn được bảo vệ bởi điều 37 Bộ luật Dân sự.
Điều 37. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín
Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Có ba khoản mà bạn có thể phải bồi thường theo quy định tại điều 611 Bộ luật Dân sự.
Điều 611. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Câu 17. Nếu tôi phê bình một người khác trên blog nhưng đổi tên của người đó rồi, tôi có gặp rủi ro pháp lý nào nữa không?
Có thể có. Nếu những thông tin bạn nêu ra trong bài viết đủ để khiến người đọc cho rằng bạn đang ám chỉ đến một cá nhân, tổ chức nào đó (không cần thiết phải trùng khớp với cá nhân, tổ chức mà bạn đang nhắm đến) và gây ra thiệt hại cho cá nhân, tổ chức đó, bên bị hại có thể khởi kiện bạn ra tòa yêu cầu bạn xin lỗi và bồi thường, tương tự như trường hợp bạn không đổi tên của họ trong bài viết.
Đây là thực tế đã xảy ra với trang tin kenh14.vn, liên quan đến một bài viết họ ám chỉ ca sĩ, diễn viên Lê Ngân Khánh.

Câu 18. Vượt tường lửa để vào các trang mạng bị chặn có vi phạm pháp luật không?
Chỉ khi nào nhà nước ban hành và công bố một văn bản quy định người dân không được phép truy cập vào một trạng mạng nào đó, thì việc bạn cố truy cập mới trở thành vi phạm pháp luật. Hiện nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam không có một văn bản như vậy, do vậy việc bạn truy cập vào bất kỳ trang mạng nào (dù là vượt tường lửa hay không), đều không phải là vi phạm pháp luật.

Câu 19. Các công ty nước ngoài như Google, Facebook, Wordpress có bắt buộc phải cung cấp dữ liệu cá nhân của tôi cho nhà nước không?
Pháp luật Việt Nam không chi phối được tới các công ty có quốc tịch nước ngoài, trừ khi họ cung cấp dịch vụ cho bạn thông qua chi nhánh ở Việt Nam. Trường hợp một công ty nước ngoài có chi nhánh ở Việt Nam nhưng chi nhánh này không liên quan đến dịch vụ bạn sử dụng, hoặc có liên quan đến dịch vụ bạn sử dụng nhưng không quản lý dữ liệu cá nhân của bạn, thì pháp luật Việt Nam cũng không thể điều chỉnh tới. Do vậy, họ không bị bắt buộc phải cung cấp dữ liệu cá nhân của bạn cho nhà nước.

Tuyên Bố Phản Đối Bản Dự Thảo Sửa Đổi Hiến Pháp Đang Trình Quốc Hội



PHẢN ĐỐI DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP
TRÌNH QUỐC HỘI KHÓA XIII TẠI KỲ HỌP THỨ 5

Ngày 3/6/2013 những người soạn thảo và ký bản Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mang chữ ký của 72 người (thường gọi tắt là Kiến nghị 72) đã gửi cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và một số Đại biểu Quốc hội bản Phản đối Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 5. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Bauxite Việt Nam

Chúng tôi, những người soạn thảo và ký bản Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mang chữ ký trực tiếp của 72 người (thường gọi tắt là Kiến nghị 72) đã được trao tận tay Uỷ ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp (UBDTSDHP) ngày 4-2-2013, cùng với những người đã nêu những ý kiến khác với bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được Quốc hội công bố để lấy ý kiến của nhân dân từ ngày 2-1-2013, kiên quyết phản đối bản Dự thảo Hiến pháp ngày 17-5-2013 (DTHP) do UBDTSĐHP trình tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, vì những lý do sau đây:

1- Về nội dung, trong khi nhân dân mong đợi một sự đổi mới thể chế chính trị theo hướng thật sự dân chủ, tạo sức mạnh cho sự nghiệp phát triển và bảo vệ đất nước, thì bản DTHP mới này hầu như không thay đổi so với Dự thảo lần đầu đưa ra lấy ý kiến nhân dân, mà còn có điểm kém hơn, thậm chí thụt lùi rõ nét so với Dự thảo đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 4-2013.

DTHP vẫn khăng khăng bám giữ thể chế toàn trị của một đảng gắn với ý thức hệ và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác-Lênin, một học thuyết tuy đã có vai trò lịch sử nhất định trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc nhưng nay đã bị thực tế chứng minh rõ là không tưởng và có nhiều sai lầm được coi là nguyên lý xây dựng xã hội mới, dẫn tới sự sụp đổ chế độ chính trị-xã hội ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa cách đây hơn hai mươi năm, và vì vậy đã bị loài người tiến bộ bác bỏ.

Việc hiến định sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đối với xã hội và nhà nước là biểu hiện rõ nét nhất của tinh thần phản dân chủ; tự nó đã khiến cho những điều ghi trong DTHP về quyền lực của nhân dân và của các tổ chức do dân bầu cũng như các quyền cơ bản của con người và của công dân chỉ là cái vỏ, không có thực chất, như đã thể hiện rõ trong thực tế nước ta nhiều năm qua.

Duy trì sự độc quyền toàn trị của giới cầm quyền nhân danh ĐCSVN chi phối toàn bộ quyền lực nhà nước và hệ thống chính trị là nguyên nhân cơ bản khiến cho đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện và đang bị thách thức trầm trọng về nhiều mặt như hiện nay. Sự độc quyền toàn trị cũng là nguyên nhân gốc hủy hoại vai trò lãnh đạo của ĐCSVN.

DTHP đi ngược lại xu thế tiến bộ của loài người về những quan điểm cơ bản của thể chế chính trị trong thời đại ngày nay như quyền lập hiến thuộc về nhân dân, nhà nước tam quyền phân lập, đa sở hữu tư liệu sản xuất kể cả đất đai… Việc giải trình DTHP nhằm phản bác những quan điểm ấy đều theo lối mòn, dựa vào những lập luận giáo điều, khoác cái áo gọi là sự đồng thuận của đông đảo nhân dân.

Trải qua nhiều thập kỷ không nề hy sinh, gian khổ đấu tranh giành độc lập, thống nhất để xây dựng xã hội tự do, dân chủ, dân tộc ta không thể chấp nhận một Hiến pháp phản khoa học, phản tiến bộ và phản dân chủ như vậy.

2- Quá trình tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, như UBDTSDHP trình bày trước Quốc hội, được đánh giá “thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị; đã có hơn 26.091.000 lượt ý kiến góp ý của nhân dân với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức; ý kiến của nhân dân đã được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực”. Nhưng trong thực tế, ai cũng thấy cuộc sinh hoạt chính trị kiểu này mang nặng tính hình thức, áp đặt và quá tốn kém. Mọi ý kiến về những điều cốt yếu khác với quan điểm hoặc ý muốn của cơ quan lãnh đạo đều không được chấp nhận, thậm chí không được công bố và thảo luận công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà chỉ bị phê phán, quy kết một chiều. Không những các ý kiến hợp lý mang tính xây dựng của các tầng lớp nhân dân, mà cả một số quan điểm sát thực tế, hợp lòng dân từ phía Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đều bị bỏ qua.

Tóm lại có thể nói rằng: Sự bảo thủ đến ngoan cố của một bộ phận trong giới lãnh đạo đang biến công việc hệ trọng về sửa đổi Hiến pháp thành một màn kịch chính trị.

Chúng tôi mong các đại biểu Quốc hội thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về những điều quan trọng của Hiến pháp đang còn ý kiến khác nhau, yêu cầu UBDTSĐHP và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng với lãnh đạo ĐCSVN và Chính phủ tôn trọng các ý kiến khác với Dự thảo, thẳng thắn công bố các ý kiến ấy trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức thảo luận thật sự dân chủ, bình đẳng, công khai trên các diễn đàn, qua tranh luận mà xác định chân lý và tạo sự đồng thuận, từ bỏ cách lấy ý kiến theo kiểu áp đặt tư duy, quy kết tùy tiện.

Chúng tôi đề nghị Quốc hội làm mọi việc cần thiết tạo ra sự đồng thuận lớn nhất trong nhân dân theo tinh thần dân chủ về những vấn đề trọng đại cần phải đạt được trong Hiến pháp sửa đổi lần này và sớm quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về những vấn đề cốt lõi của Hiến pháp để có thời gian chuẩn bị và làm tốt công việc quan trọng và mới mẻ này. Đất nước đang rất cần một hiến pháp dân chủ để sớm thoát khỏi tình trạng bế tắc đầy nguy hiểm hiện nay, mở ra một thời kỳ phát triển mới vì một Việt Nam độc lập – tự do – hạnh phúc. Vì thế không nên câu thúc về thời gian, mà cần bảo đảm thật sự quyền quyết định của nhân dân đối với Hiến pháp. Nếu làm vội chỉ cốt thông qua DTHP như đã trình Quốc hội thì sẽ là tai họa cho đất nước. Nhân dân trông đợi các đại biểu Quốc hội hãy đại diện cho nguyện vọng của cử tri, nói lên tiếng nói của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp.

Chúng tôi tin tưởng đồng bào trong và ngoài nước nhận rõ việc sửa đổi Hiến pháp lần này là cơ hội thuận lợi để cải cách thể chế chính trị, đòi hỏi phải kiên trì đấu tranh để từng bước dân chủ hóa xã hội, xây dựng một nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân, vì dân, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Quá trình đấu tranh này cũng là quá trình hòa giải, hoà hợp dân tộc, khép lại quá khứ, vượt qua mọi định kiến, hướng tới tương lai của đất nước và dân tộc. Mỗi người chúng ta, tùy theo cương vị và hoàn cảnh của mình hãy góp sức một cách thiết thực và hiệu quả vào quá trình vận động dân chủ bằng các hình thức đấu tranh ôn hòa, công khai, minh bạch.

Chúng tôi mong đợi mọi người có lương tri trong hệ thống chính trị hiện nay nhận rõ sự thật, đứng về phía nhân dân, ủng hộ nhân dân trong sự nghiệp vinh quang và khó khăn này.

DANH SÁCH NHỮNG NGƯỜI KÝ TÊN
Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện IDS, Hà Nội
Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức yêu nước TP Hồ Chí Minh, TP HCM
Nguyễn Huệ Chi, GS, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Văn học, Hà Nội
Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập báo Lao động, TP HCM
Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
Hoàng Dũng, PGS TS, Trường Đại học Sư phạm TP HCM
Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, đại biểu Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh khóa 4, 5, TP HCM
Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu, TP HCM
Phan Hồng Giang, TSKH, nhà nghiên cứu văn hoá, Hà Nội
Lê Công Giàu, nguyên Phó Bí thư thường trực Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó Giám đốc Tổng công ty Du lịch Thành phố (Saigontourist), TP HCM
Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
Phạm Duy Hiển, GS, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh
Hà Thúc Huy, PGS TS, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM
Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Viện IDS, TP HCM
Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, nguyên Phó Viện trưởng Viện IDS, Hà Nội
Cao Lập, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Giám đốc Làng Du lịch Bình Quới, TP HCM
Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hà Nội
Nguyễn Văn Ly (Tư Kết), nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Sở Văn hóa Thông tin TPHCM, TP HCVM
Huỳnh Tấn Mẫm, bác sĩ, Đại biểu Quốc hội khóa 6, nguyên Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn trước 1975, TP HCM
Huỳnh Công Minh, linh mục Giáo phận Sài Gòn, TP HCM
Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, TP HCM
Nguyên Ngọc, nhà văn, nguyên thành viên Viện IDS, Hội An
Hạ Đình Nguyên, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành động thuộc Tổng hội sinh viên Sài Gòn trước 1975, TP HCM
Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
Hồ Ngọc Nhuận, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc chính trị nhật báo Tin sáng, TP HCM
Hoàng Xuân Phú, GS TS, Viện Toán học, Hà Nội
Đào Xuân Sâm, nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, Hà Nội
Tô Lê Sơn, kỹ sư, TP HCM
Nguyễn Quốc Thái, nhà báo, TP HCM
Trần Quốc Thuận, luật sư, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TP HCM
Phạm Toàn, nhà giáo, Hà Nội
Nguyễn Thị Khánh Trâm, nghiên cứu viên văn hóa, TP HCM
Nguyễn Trung, nguyên trợ lý Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
Vũ Quốc Tuấn, nguyên trợ lý Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, Hà Nội
Hoàng Tuỵ, GS, Viện Toán học, nguyên Chủ tịch Viện IDS, Hà Nội
Nguyễn Hữu Vinh (anhbasam), luật sư, doanh nhân, Hà Nội
Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tướng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Hà Nội
Lưu Trọng Văn, nhà báo, TP HCM
Tô Nhuận Vỹ, nhà văn, Huế

Thị trường vàng trong nước liên tục chao đảo



Thị trường vàng trong nước liên tục chao đảo giá từng ngày, từng giờ trong những ngày qua.
Các tường thuật trong nước nói sáng 28/6, giá vàng SJC tụt xuống mốc 34 triệu đồng một lượng, nhưng tới chiều tăng mạnh, lên gần 37 triệu đồng.

Trong ngày, Ngân hàng Nhà nước đã bán đấu thầu vàng miếng với mức giá trúng thầu cao nhất là 35,5 triệu, thấp nhất 35,05 triệu đồng.
Hồi đầu tháng Năm, giá vàng có lúc lên tới khoảng 42,5 triệu đồng một lượng, trong lúc tỷ giá hối đoái giữa tiền Việt Nam với đồng đô la Mỹ khi đó là 20.828 đồng một đô la.
Báo tuoitre, bản online, dẫn lời ông Phan Dũng Khánh, một chuyên gia phân tích đầu tư của công ty Maybank Kimeng VN, nói giá vàng trong nước giảm là do áp lực mạnh từ giá vàng thế giới giảm, trong lúc chênh lệch giá giữa trong nước và thế giới thời gian qua quá lớn.

Phá giá tiền đồng

Trong lúc giá vàng liên tục biến động, Việt Nam hôm thứ Sáu đã phá giá tiền đồng ở mức 1% trong nỗ lực thúc đẩy quỹ dự trữ ngoại hối và xuất khẩu.
Tuyên bố đăng trên trang mạng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói rằng đô la Mỹ nay được mua ở mức 21.036 đồng một đô la, tăng 1% so với tỷ giá chính thức trước đó, 20.828 đồng, hãng tin AP tường thuật.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình nằm trong danh sách người có nhiều phiếu "tín nhiệm thấp".
Đây là lần phá giá tiền đồng của Việt Nam đầu tiên kể từ tháng 11/2011.
Tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước nói việc phá giá là một phần trong kế hoạch của chính phủ nhằm "cải thiện cán cân giữa thanh toán và dự trữ ngoại hối".
Mức thay đổi này, là thay đổi lớn nhất kể từ mức cắt kỷ lục 8,5% hồi tháng 2/2011, được đưa ra sau tuyên bố ngày hôm qua của chính phủ theo đó nói nhập khẩu đã vượt xuất khẩu 1,4 tỷ đô la trong nửa đầu năm nay.
Các số liệu chính thức cho thấy nền kinh tế tăng trưởng 4,9% trong sáu tháng đầu năm so với một năm trước, và mục tiêu tăng trưởng cả năm 5,5% của chính phủ "sẽ rất khó đạt được", hãng tin tài chính Bloomberg dẫn lời Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức nói tại Hà Nội ngày hôm qua.
Một số phân tích gia nói đồng tiền của Việt Nam đang được định giá cao quá giá trị thực trong lúc hệ thống tài chính của Việt Nam vẫn chưa phát triển đủ mức để có thể hoạt động tự do mà không làm tổn hại tới nền kinh tế.
Các ngân hàng thương mại tại Việt Nam được phép kinh doanh tiền tệ với biên độ dao động 1% so với tỷ giá do ngân hàng trung ương đưa ra.
Sự phát triển của kinh tế Việt Nam đã bị hụt hơi trong thời gian một thập niên qua.
Từng được coi là một trong những nền kinh tế đang lên nhiều triển vọng nhất tại Á châu, kinh tế Việt Nam gần đây bị ảnh hưởng do lạm phát cao và mức tăng trưởng chậm, trong lúc chính phủ đang phải vật lộn trong việc cắt bỏ tính thiếu hiệu quả của các công ty quốc doanh.
Cựu cố vấn kinh tế chính phủ, bà Phạm Chi Lan, nói rằng việc phá giá sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu của đất nước và đưa đồng tiền Việt Nam tới sát giá trị thực trên thị trường.

Nguồn:  BBC

Hoàng Công Minh: Những Điều Luật phi pháp


Các chế độ độc tài vốn vẫn thường sử dụng những đạo luật phản động để cai trị đất nước. Đó là những đạo luật phi dân chủ, đi ngược lại tinh thần nhân bản, nhằm chủ trương bảo vệ chế độ độc tài phi pháp. Các điều luật được quy định bằng ý chí chủ quan tùy tiện của kẻ cầm quyền và một quy trình lập pháp phản dân chủ. Điều kiện để hợp thức hóa cho những luật lệ ngược đời đó là một Quốc Hội bù nhìn do chế độ độc tài dựng nên. Thứ luật lệ đó giữ vững quyền lực cho kẻ cầm quyền và gây nên tiếng kêu gào thảm thiết của những người dân lương thiện nơi chốn ngục tù.




Một đạo luật được làm ra bởi Quốc Hội bù nhìn thì không có sự khả tín, nó vốn không phải là ý chí của nhân dân, vì thế không thể đại diện cho công lý và đại chúng. Do đó, việc căn cứ vào những luật này sẽ bất lợi cho người dân, vì nó không bảo vệ quyền con người mà chỉ đề cao vai trò của kẻ cầm quyền. Trong những đạo luật phi lý ắt hẳn sẽ có những điều khoản phi lý, đó là điều không thể tránh khỏi. Đây là những mắt xích quan trọng dệt nên tấm lưới bùng nhùng, nhằm siết chặt quyền tự do dân chủ của con người.

Trong một xã hội tự do, thì những người có quan điểm khác với nhà nước thì không thể bị ngồi tù, vì đơn giản đó không phải là tội phạm. Tự do tư tưởng và quan điểm là quyền căn bản của con người đã được công ước quốc tế thừa nhận. Những người có quan điểm chính trị hoặc tôn giáo khác với nhà cầm quyền ở Việt Nam đã bị coi là những tội phạm hình sự và bị bỏ tù. Nhà nước cho rằng họ là những đối tượng đe dọa đến nền an ninh quốc gia. Phần lớn những tù nhân lương tâm này bị gán ghép vào những điều khoản phản động khét tiếng trong “Bộ Luật Hình sự” của nhà nước Việt Nam.

Rất nhiều những người hoạt động yêu nước và bảo vệ quyền tự do dân chủ đã bị ngồi tù với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” tại điều 79. Đơn giản là những người này đã thực thi quyền lập hội của mình. Nhưng điều 79 này lại quy định rằng:

“Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;

2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.”.

Rõ ràng đây là điều khoản cực kỳ phản động, nó vi phạm nghiêm trọng quyền tự do lập hội, lập đảng của người dân. Mục tiêu của điều khoản này là để bảo vệ một chế độ độc tài đang mạo danh là “chính quyền nhân dân”.

Một điều luật khét tiếng nữa mà người dân vẫn ví nó như hai chiếc còng số 8, khóa cả tay chân con người, đó là điều 88 Bộ Luật Hình sự. Điều này trói buộc tư tưởng con người, cấm đoán quyền tự do ngôn luận. Nhà nước Cộng Sản gọi đó là “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ý nghĩa của điều luật này là mọi người dân Việt Nam, dù có miệng không được nói, biết chữ cũng không được viết những gì trái với quan điểm của nhà nước. Nguyên văn điều luật như sau:

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

A) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

B) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;

C) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.”.

Mới nghe qua thì chúng ta liên tưởng ngay tới tội “Phạm thượng” trong xã hội phong kiến xưa. Bây giờ là thế kỷ 21, xin miễn bình luận thêm.

Và một điều luật nữa mới nghe qua có vẻ là nhân đạo, nhưng thực tế vô cùng phản động, xin trích nguyên văn:

“Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Những điều luật phi pháp này được sinh ra là để bảo vệ chế độ độc tài toàn trị, đàn áp các quyền tự do dân chủ của nhân dân.

23/6/13

Tin Buồn: Thương Tiếc Vĩnh Biệt Nguyễn Vũ Vỹ (FB Quê Thuốc Lào)




Thơ Tuyệt mệnh

(đăng trên FB Quê Thuốc Lào của Nguyễn Vũ Vỹ ngày 18.6.2013)

Sống là khách qua đường.
Chết là về cố hương.
Trời đất là quán trọ.
Bụi muôn đời xót thương.
Phú quý vinh hoa như mộng ảo.
Sắc tài danh lợi tựa phù du.
Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng.
Được mất bại thành bỗng chốc hóa hư không.







TIN BUỒN

ANH EM BÈ BẠN - THÂN HỮU  
VÔ CÙNG ĐAU ĐỚN BÁO TIN 

Anh NGUYỄN VŨ VỸ
sinh năm 1974, tại Hải Phòng  
đã từ trần do bị sát hại tại Hà Nội 

Lễ viếng từ 07h00 đến 09h00 
Chủ nhật ngày 23 tháng 6 năm 2013  tại quê nhà:
Đường 17A, xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng

Lễ truy điệu cử hành hồi 10h00 cùng ngày
Hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ Ninh Hải, 

Thành phố Hải Phòng




Một người bạn đã mãi ra đi 

Đoàn Xuân Cao

Anh Vỹ ơi, vậy là từ nay, mọi người sẽ không còn được thấy những status hóm hỉnh, trào phúng, châm biếm sâu cay, hiện thực của anh nữa, không được thấy những bức ảnh đẹp do anh chụp nữa. Mọi người chỉ còn thấy trong lòng nỗi xót xa, thương tiếc anh - một con người tài hoa, thông minh, thân thiện!
Trong những mùa hè đỏ lửa, những ngày hừng hực khí thế chống giặc xâm lược sẽ thiếu vắng đi anh, sẽ không còn một lão Quê Thuốc Lào - quần jean, áo phông lăn lộn, ngược xuôi chụp những tấm hình, ghi lại những khoảnh khắc hào hùng, trang nghiêm, xả thân nữa.
Anh ghét sự giả dối, anh sống thật với con người của mình - mọi người quý trọng anh từ những điều tưởng chừng như giản đơn nhưng mà khó vượt qua như thế!
Người mẹ già của anh ở quê chắc hẳn sẽ đau đớn, quạnh quẽ biết chừng nào khi hay tin anh đã mãi mãi ra đi???
Anh Vỹ ơi, những trầm luân của một kiếp người đã khép lại với anh. Còn với những người ở lại, những bạn bè, anh em của anh thì sự ra đi của anh là sự mất mát, đau xót khôn nguôi!
Chiều nay, bạn bè, anh em đến ngõ nhà anh ngóng đợi từng tin nhỏ từ hiện trường khi nhận được hung tin về anh , mọi người xót xa, quặn đau trước tin anh bị sát hại. Mong rằng uẩn khuất trong sự ra đi của anh sớm được đưa ra ánh sáng pháp luật - công lý!

Yên nghỉ nhé anh!

Hình ảnh lễ tang Nguyễn Vũ Vỹ tại quê nhà:
Xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng









'Ông Hà Vũ có quyền kiện vụ clip VTV'

Phóng sự của VTV về ông Cù Huy Hà Vũ
Phóng sự của VTV về ông Cù Huy Hà Vũ
gây tranh cãi về khía cạnh pháp lý và đạo đức
Phóng sự của VTV về ông Cù Huy Hà Vũ gây tranh cãi về khía cạnh pháp lý và đạo đức
Một tuần sau khi truyền hình Việt Nam, VTV, phát phóng sự gây tranh cãi về Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, luật sư và vợ của ông, bà Nguyễn Thị Dương Hà lên tiếng nói gia đình nhất trí với quan điểm sẽ tìm lại công lý cho ông Hà Vũ vào một thời điểm thích hợp tới đây.

Hôm Chủ Nhật, ngày 23/6, bà Dương Hà nói với BBC, bà hoàn toàn nhất trí với ý kiến của các luật sư đồng nghiệp, trong đó có luật sư Nguyễn Văn Đài, cho rằng ông Vũ có cơ sở để khởi kiện cuốn clip của VTV loan tải hôm 15/6 với lý do clip này đã bôi nhọ ông và xâm phạm quyền được bảo vệ hình ảnh cá nhân của ông trước công chúng. Bà Dương Hà nói:

"Cái việc họ đưa ti-vi vào quay trộm ông Vũ thì rõ ràng đấy là vi phạm pháp luật rồi, không còn phải bàn cãi gì nữa..." Bà khẳng định:

"Những thước phim quay trộm không bao giờ là chính danh cả.
"Và tất cả những người yêu chuộng tự do và công lý, cũng như những người hiểu biết về pháp lý, về quyền con người, thì người ta đều hiểu rằng việc làm như thế này là không chính danh."

Luật sư Dương Hà khẳng định thêm với BBC rằng ông Hà Vũ không biết ông bị quay phim, ghi hình.
Bình luận về việc truyền hình quốc gia có "đúng đắn" và "xứng tầm" hay không khi thực hiện và truyền bá phóng sự được bà cho là "quay trộm", "quay lén" với ông Hà Vũ, bà nói:"Dù là (truyền hình) cấp nào cũng không được bởi vì như thế nó đã là vi phạm pháp luật,

"Nó là vi phạm pháp luật rồi thì dù ở cấp nào, kể cả cá nhân cũng là vi phạm pháp luật chứ không nói đến cấp tỉnh hay cấp huyện hay cấp xã, hay cấp thành phố, hay là cấp nhà nước."

'Vi phạm nghiêm trọng'

Hôm thứ Bảy, 22/6, luật sư Nguyễn Văn Đài từ Hà Nội nói với BBC cho rằng phóng sự của VTV có tính chất bôi nhọ danh dự đối với ông Hà Vũ.

Ông cho rằng nếu phóng sự được dựng và truyền bá mà không được ông Hà Vũ đồng ý, thì ông Vũ hoàn toàn có quyền kiện, hoặc ủy quyền cho luật sư của mình kiện Đài Truyền hình Việt Nam.

Ông Đài lưu ý một tù nhân như ông Vũ có thể chỉ bị tước đi một số quyền chính trị và tự do cơ bản, nhưng vẫn được pháp luật bảo hộ nhiều quyền thuộc về nhân quyền cơ bản khác, trong đó có quyền bảo vệ hình ảnh riêng tư.

"Việc sử dụng hình ảnh và quay một cách không chính thức như vậy không được sự cho phép của một người, mặc dù là đang trong hoàn cảnh tù đầy, như vậy cũng là vi phạm quyền nhân thân cơ bản nhất của người ta"

Luật sư Nguyễn Văn Đài

Luật sư Đài nói:

"Tôi khẳng định rằng băng video đó tung lên nhằm bôi nhọ Tiến sỹ Vũ, cũng như gia đình của ông, và đó là mội sự phỉ báng hết sức vô lý..."

"Một người ở trong trại giam rất khó thực hiện những quyền khiếu nại, tố cáo của mình, nhưng người đó có thể ủy quyền cho thân nhân của mình hoặc cho luật sư của mình để thực hiện quyền đó,
"Việc sử dụng hình ảnh và quay một cách không chính thức như vậy không được sự cho phép của một người, mặc dù là đang trong hoàn cảnh tù đầy, như vậy cũng là vi phạm quyền nhân thân cơ bản nhất của người ta."

Luật sư Đài khẳng định:

"Người ta chỉ bị tước một số quyền về chính trị, một số quyền tự do cá nhân, nhưng quyền bảo vệ hình ảnh riêng tư của họ thì vẫn được pháp luật bảo vệ,

"Cho nên việc Đài truyền hình Việt Nam làm như vậy là họ vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng," ông nói.

'Hoàn toàn nhất trí'

Bình luận về quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Dương Hà cho hay:
"Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của luật sư Đài, và chúng tôi, tất cả các luật sư của anh Cù Huy Hà Vũ, cũng đều nhận định như vậy.

"Chúng tôi sẽ làm một cái gì đó để đòi lại công lý cho anh Vũ và danh dự của anh Vũ cũng như danh dự của gia đình chúng tôi.

 "Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của luật sư Đài, và chúng tôi, tất cả các luật sư của anh Cù Huy Hà Vũ, cũng đều nhận định như vậy. Chúng tôi sẽ làm một cái gì đó để đòi lại công lý cho anh Vũ và danh dự của anh Vũ cũng như danh dự của gia đình chúng tôi"

Luật sư Dương Hà

"Nhưng thời điểm mà chúng tôi làm thì chúng tôi sẽ xem xét."
Hôm thứ Bảy tuần trước, VTV phát một phóng sự đặc biệt do truyền hình công an thực hiện, phát sóng trên chương trình thời sự lức 19h00 vốn được coi là 'giờ vàng' có nhiều khán giả theo dõi.
Trong clip này, Công an Việt Nam bác bỏ các thông tin lề trái về sức khỏe của Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ ở trong trại giam, trong thời gian ba tuần lễ ông tuyệt thực tính tới khi đó, và nói ông Vũ 'béo khỏe' song 'chấp hành kém'.

Chương trình truyền hình của công an trên VTV hôm 15/6 phát đi những hình ảnh được cho là tạo ra tranh cãi về tính chân thực, đạo đức báo chí và động cơ chính trị, với những hình ảnh dường như được quay lén để chứng minh ông Hà Vũ "còn khỏe mạnh hơn cả người bình thường."

Trong phóng sự, truyền hình nhà nước cho hay các hình ảnh được thực hiện ngay trong thời điểm diễn ra cuộc tuyệt thực của ông Vũ tại trại giam số 5 của Bộ Công an tại Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trên mạng xã hội đặt vấn đề các hình ảnh, đoạn đối thoại, ngoài việc 'được quay lén' còn có thể sử dụng nhiều tiểu sảo cố tình cắt, cúp, ghép với những không gian và thời gian không thống nhất mà họ nói là 'quay trước, quay lén và quy trộm' để tạo dựng ấn tượng của một clip được quay với sự đồng ý của ông Vũ và tại thời điểm thật mà ông đang tuyệt thực.

Hiện Tiến sỹ Hà Vũ đã tuyên bố chấm dứt cuộc tuyệt thực mà gia đình cho hay đã diễn ra liên tục suốt 25 ngày vốn thu hút sự chú ý của nhiều tổ chức, cá nhân và dư luận trong và ngoài nước.

22/6/13

TIN ĐẶC BIỆT: TS. CÙ HUY HÀ VŨ DỪNG TUYỆT THỰC



14h00 (21.6.2013):
Thư cảm ơn của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ

 

Sáng nay 21/6/2013, bà Nguyễn Thị Dương Hà đã gặp được chồng mình, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, tại Trại giam số 5, Thanh Hóa. Bà Dương Hà cho biết do Trại giam số 5 Bộ Công an cuối cùng đã phải ra văn bản giải quyết đơn của anh nên từ 9 giờ sáng hôm nay anh đã kết thúc tuyệt thực. Từ nhà tù, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ gửi thư cảm ơn đến tất cả mọi người đã ủng hộ cuộc đấu tranh của anh.

Bauxite Việt Nam


Tôi là Ts luật Cù Huy Hà Vũ
Thường trú tại 24 Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội

Bị Toà án Tối cao nước CHXHCN Việt Nam kết án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế kể từ ngày 05/11/2010 vì "Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" theo điểm c khoản 1 Điều 88 Bộ luật Hình sự. Tôi luôn khẳng định tôi hoàn toàn vô tội vì tôi luôn đấu tranh vì Công lý, Dân chủ và Nhân quyền ở Việt Nam, vì độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bị giam tại B11, phân trại K3, Trại giam số 5-Bộ Công an, nhờ vợ tôi là Nguyễn Thị Dương Hà, kính báo với toàn thể mọi người như sau.

Ngày 27/5/2013, tôi bắt đầu tuyệt thực để phản đối Giám thị Trại giam số 5 Bộ Công an, Lường Văn Tuyến đã bất chấp Hiến pháp, Luật Tố cáo và Luật Thi hành án hình sự cố ý không giải quyết Đơn tố cáo Lê Văn Chiến, cán bộ Trại giam số 5 cố ý giết công dân Cù Huy Hà Vũ mặc dù trong văn bản Yêu cầu giải quyết Đơn Tố cáo Lê Văn Chiến, cán bộ Trại giam số 5 cố ý giết công dân Cù Huy Hà Vũ mà tôi đã gửi Giám thi Lường Văn Tuyến ngày 12/5/2013 tôi đã cảnh báo là tôi sẽ tuyệt thực nếu không giải quyết Đơn Tố cáo của tôi. Sáng 15/6/2013 khi được Đài Truyền hình Việt Nam và một số báo chí khác của Việt Nam hỏi về tình hình tuyệt thực của tôi ngay tại buồng giam tôi, anh Nguyễn Đình Dặm, người bị giam cùng phòng với tôi đã chỉ vào ảnh của các cháu nội của anh Dặm treo tại buồng giam và nói: "Tôi lấy tính mạng của vợ tôi, của các con tôi và của các cháu tôi ra thề rằng anh Cù Huy Hà Vũ đã không ăn bất cứ miếng nào, không dùng bất kỳ chất dinh dưỡng, chất đạm và thuốc bổ nào ngoài thuốc điều trị bệnh tim và cao huyết áp trong cuộc tuyệt thực hiện nay của anh Cù Huy Hà Vũ. Ngoài ra, nếu tôi nói dối, tôi sẵn sàng chấp nhận bản án 7 năm tù mà tôi đang chấp hành tăng gấp đôi".

Việc Giám thị Trại giam số 5 Bộ Công an Lường Văn Tuyến cuối cùng đã phải ra văn bản giải quyết đơn của tôi sau khi tôi tuyệt thực 25 ngày là thắng lợi của Công lý, là thắng lợi bước đầu của việc đấu tranh của tôi và của toàn thể người Việt Nam trong và ngoài nước vì Công lý, Dân chủ và Nhân quyền và đó cũng là Thắng lợi của toàn thể người Viêt Nam trong và ngoai nước, của chính phủ Hoa Kỳ, chính phủ của 27 nước thuộc liên minh Châu Âu, chính phủ Australia, chính phủ Canada, chính phủ Neuziland và chính phủ các nước khác và của các tổ chức Quốc tế và mọi cá nhân đã ủng hộ tôi quyết liệt, của những người đã tuyệt thực để đồng hành với tôi trong cuộc đấu tranh chính nghĩa này của tôi và của toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung trong cuộc tuyệt thực vừa qua của tôi tại Trại giam số 5 Bộ Công an nói riêng.

Một lần nữa, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất của tôi đến toàn thể nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước đến tất cả các Chính phủ, các tổ chức quốc tế và cá nhân trên thế giới đã ủng hộ tôi quyết liệt và đến những người đã tuyệt thực để đoàn kết với tôi trong cuộc tuyệt thực vừa qua của tôi và tôi hoàn toàn tin tưởng rằng tôi, Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ quyết liệt và chí tình ấy trong cuộc đấu tranh của tôi và toàn thể nhân dân Việt Nam vì Công lý, Dân chủ và Nhân quyền ở Việt Nam vì cuộc đấu tranh này còn phải tiếp tục cho đến thắng lợi cuối cùng./.
______________________________________

Họa sĩ Cù Huy Hà Vũ (Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam), vẽ ký họa người bạn tù Nguyễn Đình Dặm đang ngồi khâu cho Vũ. Bức tranh có dòng chữ: "Nguyễn Đình Dặm đang vá quần đùi cho Cù Huy Hà Vũ tại B11 - K3 - Trại giam số 5, Bộ Công an (Yên Định - Thanh Hóa), chữ ký của cả hai người: Cù Huy Hà Vũ - Nguyễn Đình Dặm. 17.6.2012


TTX VH BA Sàm vừa cho biết:

Sáng nay, từ Trại 5, Thanh Hóa, LS Dương Hà sẽ bước vào buổi làm việc thứ ba, cùng người đại diện của Trại và ông Cù Huy Hà Vũ, để đi tới quyết định ông Vũ có tiếp tục tuyệt thực nữa hay không. Đã có những tín hiệu vui từ cuối chiều qua, tuy nhiên, chúng tôi xin phép chưa công bố, để tránh ảnh hưởng tới cuộc thương thuyết sáng nay. Một khẳng định chắc chắn qua 2 buổi làm việc, là TS CHHV đã rất kiên quyết tuyệt thực hoàn toàn trong suốt hơn 3 tuần qua.

Chúng tôi sẽ cập nhật kịp thời thông tin ngay khi nhận được. - Theo Ba Sàm.

Tin liên quan:
Học giả quốc tế quan ngại về tình trạng của ông Cù Huy Hà Vũ (RFI). - Một bức thư nói sai sự thật(QĐND). “Sự thật về tinh thần và sức khỏe của Cù Huy Hà Vũ chả có gì phải giấu giếm. Vậy mà không hiểu vì động cơ gì, bức thư của 33 chuyên gia, học giả kể trên lại đưa thông tin sai sự thật như vậy! Mà theo như BBC thì, trong số họ, ‘nhiều người đang giảng dạy hoặc nghiên cứu ở các trường đại học tại nhiều nước như Harvard, Yale, Đại học California, Berkeley…’.”  

Động cơ gì à? Các học giả nước ngoài không tin truyền thông trong nước. Vì sao? Hãy xem video clip phân tích sự bất hợp lý trong các đoạn phóng sự mà các nhà đài “lề phải” đã phát về vụ tuyệt thực của Cù Huy Hà Vũ. “Đoạn 1: ông CHHV mặc một chiếc áo trắng. Đoạn 2: ông CHHV cởi trần.  Điều này cho thấy, bản dựng video và bản dựng âm thanh là hai bản khác nhau. Bản dựng âm thanh được ghép vào bản video dẫn đến xảy ra điều mâu thuẫn trên”.

Hình Thư: Về Nhà nước Pháp Quyền

Luật sư Lê Quốc Quân
Luật sư Lê Quốc Quân sắp ra tòa với cáo buộc 'trốn thuế' ngày 9/7
“Nhà nước Pháp Quyền” là khái niệm chính trị hợp pháp duy nhất trong thế giới tiến bộ ngày nay. Nhưng đó cũng là danh từ mà các quốc gia độc tài vẫn thường sử dụng để đánh lừa dư luận, hòng biện minh cho sự tồn tại phi lý của mình. Việc gần đây các đại biểu Quốc hội bù nhìn tiếp tục bàn tán rôm rả chủ đề này lại một lần nữa chứng minh điều đó. Họ hả hê phân tích và khẳng định về khái niệm “Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa” như là một lẽ đương nhiên để lừa bịp nhân dân mình. Không nên để sự dối trá nhầm lẫn này tồn tại thêm nữa, chúng ta cần có sự hiểu biết đúng đắn và thông suốt khái niệm cơ bản quan trọng này.
Khi nói về “Nhà nước Pháp quyền”, là nói tới một mô hình nhà nước tôn trọng trật tự thứ bậc của các quy phạm pháp luật, tôn trọng sự phân chia quyền lực và các quyền cơ bản của công dân. Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà nơi mà những người được ủy nhiệm trọng trách quản lý đất nước thông qua phiếu bầu, họ phải có trách nhiệm với chức vụ và chịu sự ràng buộc của luật pháp.
Theo Montesquieu thì nền tảng quyền lực được phân chia thành 3 nhánh, gọi là tam quyền (Lập Pháp, Hành pháp và Tư pháp). Ba nhánh quyền lực nãy hỗ tương đồng thời giám sát và kìm chế lẫn nhau, để tránh dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền lực. Như vậy thì Chính phủ không thể tự do hành động theo ý thích của mình mà phải luôn có sự đồng ý hậu thuẫn của Nghị viện, nơi thể hiện ý chí và nguyện vọng của dân chúng. Tương tự, ngành Tư pháp tạo ra sự đối trọng đối với một số quyết định của Chính phủ. Như vậy, nhà nước Pháp quyền đối lập với các thể chế quân chủ tuyệt đối trước đây hay độc tài toàn trị ngày nay. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, khái niệm “Nhà nước Pháp quyền” chỉ tồn tại trong một thể chế chính trị dân chủ.
Theo định nghĩa cổ xưa nhất thì Nhà nước Pháp quyền là “Một hệ thống thể chế nơi quyền lực công phục tùng Pháp luật”. Các quy phạm pháp luật được sắp xếp có trật tự sao cho quyền lực phải chịu sự giới hạn. Sự tồn tại một trật tự quy phạm pháp luật có thứ bậc này tạo nên một trong những đảm bảo quan trọng nhất của Nhà nước Pháp quyền. Theo đó thì thẩm quyền của các cơ quan nhà nước phải được xác định một cách rõ ràng trong hệ thống quy phạm pháp luật, mà cao nhất là Hiến Pháp.
Đối với mô hình Nhà nước Pháp quyền thì không có cá nhân hay tổ chức nào đứng trên hay ngoài luật, tất cả mọi người đều phải tuân theo pháp luật. Nguyên tắc này bắt nguồn một cách logic từ ý tưởng cho rằng, sự thật cũng như luật pháp đều dựa trên những nguyên tắc căn bản có thể được phát hiện ra nhưng không thể được tạo ra theo ý muốn. Chính quyền chỉ được thực thi quyền hành một cách hợp pháp theo pháp luật. Những luật đó phải được thông qua theo đúng trình tự và thủ tục pháp lý dân chủ. Điều này nhằm mục đích ngăn ngừa sự cai trị độc đoán từ phía cá nhân hay tập thể lãnh đạo. Chính vì lẽ đó, pháp quyền chống lại cả chế độ độc tài lẫn tình trạng vô chính phủ.
Pháp quyền có quan hệ mật thiết với tam quyền phân lập. Nó đề cao vai trò của luật pháp và sự bình đẳng của mọi người trước pháp luật.
Muốn có Nhà nước Pháp quyền thì phải có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh gồm các Bộ luật và đạo luật, sau đó là các văn bản quy phạm dưới luật. Quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp phải độc lập nhưng kiềm chế được nhau. Hệ thống tòa án phải độc lập, có sức mạnh để buộc các cơ quan và nhân viên nhà nước phải chấp hành pháp luật. Chúng ta có thể nêu ra những điều kiện cụ thể hơn:
- Luật phải dễ hiểu và khiến người dân tiếp cận được.
- Vấn đề pháp lý và trách nhiệm pháp lý phải được giải quyết bằng luật mà không thể tùy tiện áp dụng.
- Các địa phương phải áp dụng đồng bộ hệ thống pháp luật chung.
- Pháp luật phải bảo vệ được các quyền cơ bản của con người.
- Cán bộ và quan chức các cấp phải thực thi quyền lực theo quy định của pháp luật, không được vượt quá quyền hạn của mình.
- Thủ tục xét xử phải công bằng và theo đúng trình tự.
- Nhà nước thực thi bổn phận của mình, đồng thời tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tóm lại, nhà nước pháp quyền là hình thức Cộng hòa mà trong đó hệ thống pháp luật dân chủ được làm ra để quản lý xã hội, nhà nước phải được đặt dưới pháp luật. Mọi cơ quan nhà nước đều phải hoạt động theo khuôn khổ quy định của pháp luật. Công dân tuân thủ, thi hành và sử dụng pháp luật. Quyền công dân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Điều kiện để có một Nhà nước Pháp quyền là phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, phù hợp và kịp thời.
 Nhà nước Pháp quyền dựa trên nguyên tắc dân chủ. Dân chủ là nền tảng để hoàn chỉnh pháp luật. Pháp luật là công cụ để bảo vệ quyền công dân.
                                                                                                       

BBC: Thêm chi tiết chuyến đi của Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ


Hai ông Martin Dempsey và Đỗ Bá Tỵ


Đại tướng Martin Dempsey và Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đã có hội đàm hôm 20/6

Vào ngày Tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, kết thúc chuyến thăm Mỹ của mình, các nguồn tin hai bên cho biết thêm chi tiết về chuyến đi.

Ông Tỵ ở Mỹ sáu ngày từ 17/6-22/6, trong đó ông có chuyến thăm lần đâu tiên tới Lầu Năm Góc.

Tại trụ sở Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Đỗ Bá Tỵ đã có cuộc gặp với Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, vào sáng ngày thứ Năm 20/6.

Hai đoàn đã có cuộc hội đàm, trong đó "ngoài các vấn đề khu vực [châu Á-Thái Bình Dương], hai ông Dempsey và Đỗ Bá Tỵ còn thảo luận về chính sách chuyển dịch trọng tâm về khu vực của chính quyền Obama", theo thông cáo từ phía Mỹ.

Báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam thì tường thuật rằng "hai bên đã trao đổi về một số tình hình thế giới, khu vực cùng quan tâm".

Ông Đỗ Bá Tỵ, người cũng giữ chức thứ trường Quốc phòng, khẳng định: "Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ toàn diện với Hoa Kỳ, trong đó có quan hệ về quốc phòng".

Theo ông Tỵ, chuyến đi của ông "là dịp để tăng cường quan hệ hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa quân đội hai nước, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng lên một bước mới".

Ông bày tỏ hy vọng hai bên tiếp tục triển khai bản Thỏa thuận thúc đẩy hợp tác quốc phòng đã ký kết.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ khẳng định Việt Nam "sẽ làm hết sức mình" để thúc đẩy quan hệ Asean-Mỹ.

Tăng cường phối hợp

Tuy không có chi tiết nào đột phá nhưng một điểm đáng chú ý, là thứ trưởng quốc phòng Việt Nam đề nghị hai nước "tăng cường phối hợp trên các diễn đàn đa phương" để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, "trước hết trong cơ chế hợp tác giữa các nước Asean và các nước đối tác", trong có Trung Quốc.

Về phần mình, Đại tướng Martin Dempsey bày tỏ ủng hộ giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển 1982.

Ông cũng nói Mỹ mong muốn Asean và Trung Quốc sớm xây dựng được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Đoàn của Tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam có các tướng lĩnh cao cấp như Trung tướng Phương Minh Hòa, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân; Trung tướng Phạm Ngọc Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng; Chuẩn Đô đốc Nguyễn Văn Ninh, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân; Thiếu tướng Phạm Hữu Mạnh, Chánh văn phòng Bộ Tổng Tham mưu; và Thiếu tướng Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đối ngoại.

Báo Quân đội Nhân dân cho hay trong thời gian ở Mỹ đoàn đã đến thăm Đại học Quốc phòng, Bộ tư lệnh Hạm đội 3, Cảnh sát biển thành phố San Diego, Đơn vị tìm kiếm cứu nạn và Bộ Tư lệnh Quân đoàn I.

Tin từ Bộ Tư lệnh Quân đoàn I Hoa Kỳ nói Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đã tới thăm căn cứ liên quân Lewis-McChord, bang Washington, hôm 18/6.

Tại đó, ông đã được Trung tướng Robert Brown, Chỉ huy trưởng Quân đoàn I, đón tiếp và nghe trình bày về chiến lược chuyển dịch trọng tâm sang châu Á-Thái Bình Dương của quân đội Mỹ.

Tướng Tỵ cùng đoàn tháp tùng đã tham quan cơ sở tại căn cứ Lewis-McChord.
Chuyển hướng sang Đông Nam Á

Trong cuộc gặp, Tướng Brown nói với phía Việt Nam: “Chúng tôi muốn chuyển dịch sang Đông Nam Á".

"Đây là nơi chúng tôi chưa có điều kiện có mặt vì tham gia vào các nơi khác trên thế giới."

Ông Robert Brown khẳng định: "Chính sách chuyển hướng của quân đội sẽ là tăng cường lực lượng ở Đông Nam Á để hợp tác với các đối tác tuyệt vời như quý vị".

Tướng Brown cho đoàn Việt Nam xem một bản đồ có gắn bảy ngôi sao, là nơi diễn ra các cuộc tập trận chung lớn có mặt quân đội Mỹ: Trung tâm Huấn luyện Yakima ở bang Washington, Australia, Thái Lan, Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines, và Hawaii.

Ông nói: “Nếu thêm được một ngôi sao nữa ở đây, ở Việt Nam, thì thật là tuyệt vời".

Theo vị chỉ huy Quân đoàn I, điểm quan trọng trong tương lai sẽ là cơ hội tập luyện chung với nhau, ở Mỹ hay ở Việt Nam hoặc ở cả hai nơi.

Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố không liên minh quân sự với nước nào và chưa có ý định tham gia tập trận chung.

Một chi tiết gây tò mò trong Bấm bản tin đăng trên website của Bộ Lục quân Mỹ là ông Đỗ Bá Tỵ hỏi ông Brown liệu phía Mỹ có tìm cách gây ảnh hưởng tới chuyện nội bộ các nước hay không.

Tướng Brown giải thích rằng mục tiêu của chiến lược chuyển trọng tâm không phải là can thiệp hay gây ảnh hưởng với chuyện nội bộ trong khu vực, mà là hoạt động thuần túy về phương diện quân sự, nhắm tới xây dựng quan hệ thân cận để ngăn ngừa xung đột.

“Không có gì các nước không giải quyết được khi hợp tác với nhau," ông nói, hàm ý nhắc tới các đe dọa như cướp biển, khủng bố và thiên tai.

Tuy trước mắt Việt Mỹ chưa có kế hoạch tập trận chung, hai bên có thể cùng tham gia huấn luyện gìn giữ hòa bình và quân y.

(BBC)

Facebook Twitter Stumbleupon More