29/6/13

Hoàng Công Minh: Những Điều Luật phi pháp


Các chế độ độc tài vốn vẫn thường sử dụng những đạo luật phản động để cai trị đất nước. Đó là những đạo luật phi dân chủ, đi ngược lại tinh thần nhân bản, nhằm chủ trương bảo vệ chế độ độc tài phi pháp. Các điều luật được quy định bằng ý chí chủ quan tùy tiện của kẻ cầm quyền và một quy trình lập pháp phản dân chủ. Điều kiện để hợp thức hóa cho những luật lệ ngược đời đó là một Quốc Hội bù nhìn do chế độ độc tài dựng nên. Thứ luật lệ đó giữ vững quyền lực cho kẻ cầm quyền và gây nên tiếng kêu gào thảm thiết của những người dân lương thiện nơi chốn ngục tù.




Một đạo luật được làm ra bởi Quốc Hội bù nhìn thì không có sự khả tín, nó vốn không phải là ý chí của nhân dân, vì thế không thể đại diện cho công lý và đại chúng. Do đó, việc căn cứ vào những luật này sẽ bất lợi cho người dân, vì nó không bảo vệ quyền con người mà chỉ đề cao vai trò của kẻ cầm quyền. Trong những đạo luật phi lý ắt hẳn sẽ có những điều khoản phi lý, đó là điều không thể tránh khỏi. Đây là những mắt xích quan trọng dệt nên tấm lưới bùng nhùng, nhằm siết chặt quyền tự do dân chủ của con người.

Trong một xã hội tự do, thì những người có quan điểm khác với nhà nước thì không thể bị ngồi tù, vì đơn giản đó không phải là tội phạm. Tự do tư tưởng và quan điểm là quyền căn bản của con người đã được công ước quốc tế thừa nhận. Những người có quan điểm chính trị hoặc tôn giáo khác với nhà cầm quyền ở Việt Nam đã bị coi là những tội phạm hình sự và bị bỏ tù. Nhà nước cho rằng họ là những đối tượng đe dọa đến nền an ninh quốc gia. Phần lớn những tù nhân lương tâm này bị gán ghép vào những điều khoản phản động khét tiếng trong “Bộ Luật Hình sự” của nhà nước Việt Nam.

Rất nhiều những người hoạt động yêu nước và bảo vệ quyền tự do dân chủ đã bị ngồi tù với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” tại điều 79. Đơn giản là những người này đã thực thi quyền lập hội của mình. Nhưng điều 79 này lại quy định rằng:

“Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;

2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.”.

Rõ ràng đây là điều khoản cực kỳ phản động, nó vi phạm nghiêm trọng quyền tự do lập hội, lập đảng của người dân. Mục tiêu của điều khoản này là để bảo vệ một chế độ độc tài đang mạo danh là “chính quyền nhân dân”.

Một điều luật khét tiếng nữa mà người dân vẫn ví nó như hai chiếc còng số 8, khóa cả tay chân con người, đó là điều 88 Bộ Luật Hình sự. Điều này trói buộc tư tưởng con người, cấm đoán quyền tự do ngôn luận. Nhà nước Cộng Sản gọi đó là “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ý nghĩa của điều luật này là mọi người dân Việt Nam, dù có miệng không được nói, biết chữ cũng không được viết những gì trái với quan điểm của nhà nước. Nguyên văn điều luật như sau:

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

A) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

B) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;

C) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.”.

Mới nghe qua thì chúng ta liên tưởng ngay tới tội “Phạm thượng” trong xã hội phong kiến xưa. Bây giờ là thế kỷ 21, xin miễn bình luận thêm.

Và một điều luật nữa mới nghe qua có vẻ là nhân đạo, nhưng thực tế vô cùng phản động, xin trích nguyên văn:

“Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Những điều luật phi pháp này được sinh ra là để bảo vệ chế độ độc tài toàn trị, đàn áp các quyền tự do dân chủ của nhân dân.

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More