11/5/12

Tội phạm chứng khoán: Luật chưa rõ, chưa “xử”?


Thị trường chứng khóan Việt Nam còn quá non trẻ, không nên áp dụng luật gắt quá dễ làm cho giới đầu tư sợ hãi, không đầu tư nữa thì tất cả một hệ thống chứng khoán trở thành ..."thất bại". Cả nước Việt Nam cũng chưa có luật lệ gì công bằng, những luật đặt ra nhằm bảo vệ quyền lực của đảng Cộng sản và bộ máy cai trị nhà nước, huống hồ thị trường chứng khoán có chơi theo "luật rừng"... cũng "chả sao".....LCST


Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi, bổ sung (năm 2009) đã quy định 3 tội phạm về chứng khoán, tuy nhiên, cho đến nay chỉ có một vụ án duy nhất được điều tra, xử lý hình sự. Lý giải điều này, nhiều ý kiến cho rằng chính do BLHS thiếu những hướng dẫn cụ thể nên việc điều tra, truy tố, xét xử gặp nhiều khó khăn.
Thảo luận tại Hội thảo xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự về các tội  phạm trong lĩnh vực chứng khoán
Thảo luận tại Hội thảo xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán

Luật “bó tay” cơ quan tố tụng



Tại Hội thảo xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán do Bộ Tư pháp phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức hôm qua 10/5, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên chỉ rõ: quá trình thi hành BLHS, việc xác định như thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” và “thu lời bất chính lớn, rất lớn, đặc biệt lớn” chưa có hướng dẫn nên cơ quan tiến hành tố tụng gặp rất nhiều khó khăn.
Trên thực tế, sau nhiều năm áp dụng BLHS đến nay chỉ có vụ án Lê Văn Dũng cùng đồng bọn thao túng giá chứng khoán do Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an thụ lý, khởi tố, được xét xử phúc thẩm ngày 20/4/2012 vừa qua là vụ án đầu tiên và duy nhất được đưa ra xử lý hình sự.
Mặc dù đã xét xử vụ việc này, nhưng khi nói đến những bất cập của pháp luật, ông Trần Thanh, Phó trưởng phòng, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã cho rằng: cách tính toán và chứng minh như thế nào xác định được số tiền thu lời bất chính cũng như tính ra số liệu để xác định gây hậu quả nghiêm trọng trên lĩnh vực chứng khoán là rất khó.
Trong vụ án Lê Văn Dũng, dù có tới 13 nhà đầu tư gửi đơn tố cáo họ đã bị thiệt hại tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng do hành vi thao túng của Lê Văn Dũng và đồng bọn gây ra, Cơ quan An ninh điều tra và VKSNDTC cũng đã nhiều lần đặt vấn đề xem xét, điều tra con số gây thiệt hại của các bị can… nhưng đều thấy rất khó chứng minh
Nhiều ý kiến đồng tình với ông Thanh, cho rằng với quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan tố tụng đang bị “bó tay”, trong khi nhiều hành vi vi phạm đang diễn ra trong lĩnh vực này đang khá phổ biến mà không xử lý được. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, không nên “hình sự hóa” làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường chứng khoán.
200 triệu đồng thu lợi bất chính là phạm tội?
Dự thảo Thông tư liên tịch được đưa ra tại Hội thảo nói trên đã quy định rõ các yếu tố định tội, định khung hình phạt. Theo đó gây hậu quả nghiêm trọng trong tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 181a BLHS) được xác định là số tiền từ 1 tỷ đến dưới 2 tỷ đồng, rất nghiêm trọng từ 2 tỷ đồng trở lên. Mức tiền này cũng được quy định đối với tội thao túng giá chứng khoán (Điều 181c BLHS)
Đặc biệt, đối với tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 181b BLHS) hiện còn nhiều ý kiến khác nhau nên Dự thảo Thông tư đưa ra hai phương án. Thứ nhất, nếu là thu lợi bất chính lớn sẽ có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; thu lời bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn sẽ có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên. Gây hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp thiệt hại có thể tính được bằng tiền sẽ là 1 tỷ đến dưới 2 tỷ đồng.
Phương án hai được đưa ra khác xa với phương án 1, đó là thu lợi bất chính lớn sẽ có giá trị từ 1 tỷ đến dưới 2 tỷ đồng; thu lời bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn sẽ có giá trị trên 2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đại diện đến từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, nếu quy định mức tối thiểu 200 triệu nêu trên thì bản thân cơ quan này sẽ “không thể kiểm soát nổi vì mỗi ngày giao dịch khoảng 1 ngàn tỷ đồng”, còn cơ quan pháp luật thì “quá tải”. Đại diện này đề nghị mức thấp nhất là 1 tỷ đồng.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý, cần phân biệt rõ danh giới giữa hành chính và hình sự. Quy định ở mức thấp quá sẽ dẫn đến hình sự hóa, dễ làm cho “người ta sợ” trong khi thị trường chứng khoán của ta còn đang rất non trẻ.
Nhiều đại diện đến từ các công ty chứng khoán đồng tình với các ý kiến nói trên và cho rằng, mức quy định như của dự thảo Thông tư là thấp. Đành rằng, vi phạm pháp luật thì cần phải xử lý nhưng xử lý đến mức độ nào, với số tiền bao nhiêu là phù hợp với một lĩnh vực đặc thù như chứng khoán thì phải cân nhắc kỹ.
Thu Hằng

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More