19/5/12

Lời than “không đủ sống” của các vị thứ trưởng lương chỉ 10 triệu

Đào Tuấn
-
Tăng lương cần bắt đầu từ việc giảm giá, bởi tăng lương mà không kìm được tăng giá thì lương chỉ nhiều lên chứ không mua được nhiều hơn.
Suốt tuần qua, dư luận nóng ran xung quanh chuyện lương. Tháng này được lĩnh “lương mới”. Nhưng quan trọng hơn, câu chuyện “lương đủ sống” được coi là một trong 4 vấn đề trọng tâm tại Hội nghị TƯ 5.
Dám cá là 100 công chức, thì 90 người thực sự không biết lương mình bao nhiêu. Nhưng cả 100 đều biết mức lương hiện tại là “không đủ sống”. Chuyện này đã là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhưng mà rồi dư luận vẫn “sốc” khi nghe lời than của nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc rằng: Lương thứ trưởng 10 triệu vẫn không đủ sống.

Một vị thứ trưởng khác, cũng của Bộ Nội vụ, đang đương nhiệm, ông Nguyễn Duy Thăng còn công bố một sự thật còn trần trụi hơn: “Tôi nhẩm tính lương của chủ tịch HĐQT một số tập đoàn tương đương 73 lần mức lương tối thiểu, trong khi lương của Tổng Bí thư chỉ khoảng 13 lần lương tối thiểu”. Thật là bất công khi lương một vị thứ trưởng cũng chỉ hơn kém chút đỉnh so với lương công nhân ngành điện. Thật là chua chát khi lương của một vị quan chức cấp cao lại không bằng lương của một ông giám đốc doanh nghiệp. Thật vô lý khi muốn phấn đấu từ mức lương khởi điểm đến bậc cao nhất, mỗi công chức phải mất 76 năm công tác trong khi người ta chỉ đủ sức và chỉ được đi làm trong 30 năm.
Nhưng những người làm công ăn lương đau khổ không phải vì sự bất công, cũng không phải vì sự chua chát. Đau khổ là bởi lương thứ trưởng còn không đủ sống thì thử hỏi công chức quèn sống bằng gì? Vả lại các vị thứ trưởng Bộ Nội vụ, với quyền “cải cách tiền lương” trong tay mà chỉ ngồi đó kêu vô lý, bảo “lương không đủ sống” thì thử hỏi giới làm công ăn lương biết trông cậy vào ai?!
Cải cách tiền lương, đảm bảo lương đủ sống đã được nói tới cách đây chẵn 10 năm, cũng bắt đầu từ kết luận của một hội nghị TƯ (Hội nghị Trung ương 8 khóa IX). Từ năm 2004, đồng lương đã được bổ sung một khoản quan trọng khi “tiền nhà” được tiền tệ hóa vào lương. Nhưng từ đó đến nay, dù lương tối thiểu đã tăng gấp 4 lần, nó vẫn “bèo” đến mức chỉ đủ cho người hưởng lương không đói. Còn “tiền nhà ư”. Đúng là giấc mơ hoang đường. Cái sự “3 cọc 3 đồng” vẫn đeo đẳng suốt từ thời bao cấp. Cho đến hôm qua, Hội nghị TƯ 5 vẫn xác nhận tình trạng: “Mức lương tối thiểu hiện nay vẫn chưa bảo đảm nhu cầu tối thiểu”.
Đây là sự thật mà bất cứ người hưởng lương nào cũng biết. Thậm chí mức lương tối thiểu mới 1.050.000 đồng/tháng, vừa được áp dụng từ đầu tháng, theo đánh giá của Bộ LĐ-TB và XH, mới bằng khoảng 78% mức sống tối thiểu.
Thế thì người hưởng lương sống bằng gì và làm gì để sống?
Nguyên Thứ trưởng Thang Văn Phúc vừa rồi đã nhắc đến “Hội chứng tước đoạt để bù đắp” khi mà lương công chức không đủ sống. “Nhiều công chức lợi dụng chức vụ của mình để nhũng nhiễu, tham ô, nhận hối lộ. Có khi vì lương thấp đã làm hỏng cả một chủ trương, chính sách đúng của nhà nước, làm hỏng cả một đội ngũ… Chẳng hạn như hiện tượng phong bao phong bì đang phổ biến trong các bệnh viện công hiện nay cũng xuất phát từ thực tế lương của các y bác sỹ quá thấp đã làm xói mòn cả y đức…”
“Giám đốc một doanh nghiệp Nhà nước nhận lương 35-40 triệu đồng, trong khi cán bộ cấp vụ trưởng chỉ hưởng lương 5,6 triệu đồng”- nguyên Thứ trưởng Thang Văn Phúc phàn nàn. Và ông cho rằng chính khoảng cách quá lớn về thu nhập cùng với tình trạng lương “không đủ sống”, chính là yếu tố làm cháy máu chất xám, không tương quan với trình độ và đóng góp, không tạo động lực, không khuyến khích và làm đảo lộn các giá trị thứ bậc của nền hành chính. Đồng lương “3 cọc 3 đồng”, khoản tiền dưới mức tối thiểu của tối thiểu trong thực tế cũng làm nản lòng những người “ăn lương”.
Hôm qua, những người làm công ăn lương vừa mừng vừa lo trước những quyết sách quyết liệt của BCH TƯ xung quanh chính sách tiền lương với quan điểm chi tiền lương là chi cho đầu tư phát triển, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ và minh bạch hóa các quan hệ xã hội. Mừng vì Trung ương yêu cầu ngay trong năm 2012 – 2013, những bất hợp lý nổi cộm sẽ phải khắc phục ngay. Chênh lệch trời biển về lương sẽ được thu hẹp. Và tất nhiên, không ai đánh thuế giấc mơ “lương đủ sống”. Nhưng không lo cũng không được bởi nói đến chuyện cải cách thế nào để “lương đủ sống”, để bớt đi những lời than vãn từ thậm chí các vị thứ trưởng, thì không thể không nói đến việc “cải cách” những người hưởng lương.
Nhớ lại tuần trước, ông Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp rất thật thà trên Tuổi trẻ: Hiện có 30% cán bộ, công chức làm việc tốt, 30% làm việc cầm chừng và 30% có mặt chỉ để lãnh lương, nếu không có họ cũng không ảnh hưởng gì tới công việc cơ quan đó”. Đây không phải là chuyện cá biệt ở một địa phương, một đơn vị, một bộ ngành bởi con số 30% công chức “không làm gì cả” đã được đưa ra chất vấn trước Quốc hội.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng hôm qua đã nhấn mạnh yêu cầu “Tiến hành đồng bộ cải cách tiền lương với cải cách hành chính, tinh giản bộ máy tổ chức, biên chế, tái cấu trúc nền tài chính công…”.
Trúng quá, nhưng không phải là dễ để thực hiện. Bởi thực tế dù 30% làm việc cầm chừng, 30% có mặt chỉ để lãnh lương thì trong các cuộc bầu xét cuối năm, hầu hết các cơ quan đơn vị vẫn đủ “chỉ tiêu” 100% là hoàn thành nhiệm vụ. Thực tế cũng cho thấy rất hiếm có công chức bị sa thải, tinh giản với lý do “hai năm không hoàn thành nhiệm vụ” như quy định trong luật. Cái khó còn là bởi sau 4 năm thực hiện tinh giản biên chế (2007-2011) bộ máy hành chính không những không giảm mà còn lên đến 260.000 người, tăng 25% so với hồi chưa tinh giản.
Chính TƯ đã nhận định nguyên nhân của những đồng lương “3 cọc 3 đồng” là vì “Tốc độ tăng trưởng kinh tế không theo kịp sự tăng lên của các đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách”. Vì thế, nếu biên chế vẫn cứ tinh giản theo chiều hướng ngày càng đông thêm như hiện nay thì rõ ràng miếng bánh “tăng trưởng kinh tế” không bao giờ là đủ để đồng lương có thể “mua” được một mức sống tối thiểu.
Những người ăn lương không lo không được khi chính Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Phạm Minh Huân có lần đã bảo: “Vấn đề lương và giá luôn là mối quan hệ biện chứng, liên tục đuổi bắt nhau và không thể tách rời nhau. Dù là vòng luẩn quẩn thì khi giá tăng lương vẫn phải tăng”. Nhưng nói thế là xúc phạm đến giá. Giá có bao giờ chạy sau lương. Bởi tăng lương bản chất là đuổi theo giá, còn giá thì lại dùng tăng lương làm nhiên liệu chạy vượt rào. Bởi cứ mỗi lần tăng lương, giá cả lại trượt băng băng vì… lương tăng và …giá tăng.
Nỗi lo này chẳng có gì là nỗi lo con bò trắng răng, bởi tăng lương cần bắt đầu từ việc giảm giá, bởi tăng lương mà không kìm được tăng giá thì lương chỉ nhiều lên chứ không mua được nhiều hơn.
Lương thế, giá vậy, thử hỏi sao lại không thông cảm cho lời than “không đủ sống”, “phải trông vào vợ con” của các vị thứ trưởng lương chỉ 10 triệu.

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More