21/5/12

Sai “một ly“ trong tố tụng hình sự, oan cả... số phận

 
Thực tiễn tố tụng hình sự (TTHS), tạm giam là biện pháp ngăn chặn có lợi cho cả cơ quan tiến hành tố tụng và những người liên quan. Song việc áp dụng tràn lan biện pháp này đang nguy cơ gây oan sai trong TTHS nếu những “cơ hội tùy tiện áp dụng” không được kịp thời ngăn chặn bằng các qui định của Bộ luật TTHS. 
hình minh họa
hình minh họa
Lạm dụng “tạm giam để điều tra”
 
Tạm giam hiện nay đang trở thành một biện pháp hữu hiệu được tận dụng để “giữ chân nghi can, không cho nghi can cơ hội gây khó dễ cho cơ quan điều tra và cũng là thời gian để “đàn áp tinh thần” khiến nghi can “chiều” theo hướng điều tra, giúp nhanh chóng kết thúc điều tra”. 
 
Thực trạng lạm dụng “tạm giam để điều tra” đã gây ra không ít oan sai trong TTHS như trường hợp của cô giáo Bùi Thị Đức đã bị tạm giam 23 ngày chỉ vì các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Sơn La phiến diện khi điều tra vụ án “cưỡng đoạt tài sản” năm 2010; anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1967, ngụ xã Suối Cát, H.Xuân Lộc) bị tạm giam oan sai hơn 3 năm 6 tháng tù do các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Đồng Nai "hình sự hóa” một vụ án dân sự năm 2009; anh Trần Minh Hoà (tổ 4, khối Tân Thịnh, phường Cẩm An, TP. Hội An, Quảng Nam) bị tạm giam oan 143 ngày khiến bị bại liệt và mù mắt vì “vác dao rượt đuổi những người đập phá để bảo vệ tài sản của mình”...
 
Cho dù họ đều được VKSND chính thức công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại theo qui định, song những bức xúc, mất niềm tin vào hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng qua những vụ việc này là “vết chàm” khó tẩy sạch trong nhận thức của xã hội.
 
Một cán bộ trong ngành Công an từng “tếu táo” rằng: “Không cần qui định quyền im lặng trong TTHS vì 9/10 người bị bắt đã lập tức... kêu oan”. Có lẽ đây phản xạ tự nhiên để tự vệ của mỗi người, nhất là khi thực trạng “cứ bị bắt là đồng nghĩa với có tội” vốn không xa lạ trong nhận thức xã hội và cả trong hoạt động TTHS hiện nay ở nước ta.
 
Nguyên tắc Hiến định “suy đoán vô tội” đã được cụ thể hóa tại Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS) đảm bảo “một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật”. Luật là vậy, song thực tế, ít người “chờ” được đến lúc có bản án của TA có hiệu lực pháp luật, mà thường mặc nhiên coi những người được các cơ quan tố tụng “sờ gáy” theo quyết định bắt, tạm giam là tội phạm. Nhưng suy cho cùng, chính qui định của pháp luật về tạm giam cũng góp phần không nhỏ hình thành nên quan niệm đó.
 
Một KSV cho rằng: theo quan điểm “người phạm tội chưa phải là người có tội (theo bản án của TA) thì  người đó cũng không thể được đối xử như công dân bình thường” nên cần đề cao biện pháp tạm giam, thậm chí, coi đây là “giai đoạn giáo dục” đối với nghi can.
 
 Nhưng phần lớn các LS đều thống nhất, biện pháp tạm giam chỉ nên được áp dụng trong những trường hợp hạn chế với điều kiện chặt chẽ để đảm bảo quyền công dân, góp phần làm sáng tỏ sự thật và ngăn chặn những nguy cơ có thể nảy sinh. Vì thế, “không được lạm dụng “bắt để điều tra” là kiến nghị của nhiều LS “gửi” đến các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là cơ quan điều tra. 
 
Tạm giam... “vô thời hạn”
 
Sự thật “tréo ngoe” với qui định của Bộ luật TTHS về thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam này vẫn đang nghiễm nhiên tồn tại, nhất là khi hồ sơ vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra lại, điều tra bổ sung, qui trình tạm giam lại được bắt đầu từ đầu, đồng nghĩa với việc bắt đầu lại qui trình điều tra là một cá nhân sẽ bị hạn chế quyền công dân một thời gian dài, cho dù chưa thể khẳng định công dân đó có phạm tội hay không, có phải chịu trách nhiệm hình sự trước hành vi của mình không.
 
Trong những vụ án “chấn động” hoạt động TTHS như vụ án "vườn điều", kỳ án “đốt nhà giết người” tại TP.HCM, vụ án "vườn mít" ở Bình Phước... đều có những cá nhân như bà Nguyễn Thị Lâm, bà Phạm Thị Út, ông Lê Bá Mai... bị tạm giam oan sai “năm này qua năm khác” phản ánh một thực tế rằng, việc áp dụng biện pháp tạm giam đang “vượt ra ngoài Bộ luật TTHS, tiến tới điểm “vô cực” về thời hạn” và kéo theo năm tháng là những nỗi oan không dễ bù đắp dù có Luật Trách nhiệm Bồi thường Nhà nước.
 
“Hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng quá hạn tạm giam, tạm giữ” là “mong muốn” của các cơ quan chức năng khi khảo sát thực trạng tạm giam, tạm giữ ở các địa phương, nhưng làm thế nào để hạn chế thì có lẽ đành “bó tay”. Theo báo cáo của các cơ quan tố tụng TƯ, hàng năm vẫn có gần 7% số người bị tạm giam, tạm giữ cuối cùng chỉ bị xử lý hành chính. Như vậy, chỉ cần tạm giam đúng thời hạn luật định thì đa số người bị áp dụng biện pháp này cũng đang bị vi phạm nghiêm trọng quyền công dân, quyền con người. 
 
Vi phạm tố tụng là một trong những căn cứ cần được xem xét khi định lượng, định hình trong TTHS, nhưng vi phạm về thời hạn tạm giam hầu như không bao giờ được quan tâm. Luật cũng đã qui định các biện pháp ngăn chặn khác như cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lãnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo... song trong điều kiện hiện nay, những biện pháp này khó “kiểm soát” được nghi can khiến cơ quan điều tra không “mặn mà”. Và để thuận tiện khi cần, không “nhọc sức kiểm tra”, tốt nhất là “tạm giam”.
 
Và như để “đền bù”, một số bản án của Tòa án đã tuyên mức án bằng đúng thời gian bị cáo đã bị tạm giam. Trong những trường hợp đó, “bị cáo không cần phải “ngồi tù” sau phiên tòa đơn giản vì đã “đi tù” (bị tạm giam – PV) đủ thời gian từ trước đó”. Vậy là “huề cả làng”, kết thúc quá trình tố tụng, cơ quan tố tụng không lo trách nhiệm bồi thường, còn bị cáo “rưng rưng xúc động” vì được về nhà ngay dù có tội, thậm chí quên cả băn khoăn nếu mình không có tội thì thời gian “ngồi tù” trước đây phải giải quyết như thế nào.
 
Nhưng “đau” hơn cả là qua những bản án với mức án “lẻ” đến... 1 ngày và “vô tình” khớp với thời gian bị cáo đã bị tạm giam. Rõ ràng tính chuẩn mực của phán quyết cũng như sự công tâm của những người “cầm cân nảy mực” đã bị lu mờ khi cố tình “bao che” khuyết điểm cho “đồng minh” trong hoạt động tố tụng.
 
Mọi sai lầm đều có hậu quả, song oan, sai trong TTHS thì hậu quả khôn lường khi có thể làm thay đổi cả số phận không chỉ một con người. Thực tế đã cho thấy, những thiệt hại về tài sản, vật chất do bị tạm giam oan, sai thì có thể được bù đắp 1 phần theo pháp luật, nhưng người bị tạm giam oan, sai sẽ phải chịu những thiệt hại về tinh thần do chính sự “tắc trách và tùy tiện” của cơ quan tiến hành tố tụng trong suốt phần đời còn lại...
 
Hương Giang

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More