30/5/12

Chống tham nhũng và kê khai tài sản



Courstesy Anhbasam. Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội
Mặc Lâm biên tập viên, RFA, Bangkok
2012-05-29
Vấn đề kê khai tài sản của cán bộ nhà nước tuy đã được thực hiện nhưng vẫn còn nhiều khe hở cho phép man khai một cách hợp pháp những tài sản bất minh qua việc đứng tên của con cái cán bộ đảng viên như đã và đang xảy ra trên khắp nước.

Mặc Lâm phỏng vấn luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội để có thêm chi tiết trong vấn đề chống tham nhũng hiện nay của chính phủ, mời quý vị theo dõi sau đây:

Mặc Lâm: Thưa luật sư, là người từng đảm nhiệm trọng trách Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, luật sư nhận xét thế nào về nổ lực chống tham nhũng hiện nay của chính phủ, đang hơn lúc nào hết được dư luận cả nước kể cả Quốc hội chú ý một cách nghiêm khắc nhất so với từ trước tới nay thưa ông?

LS.Trần Quốc Thuận: Tôi nghĩ rằng hiện giờ đang tiến hành thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 chống tham nhũng, và nghị quyết này rất là quyết liệt nếu không thì sự tồn tại của đảng cộng sản Việt Nam, vai trò lãnh đạo của đảng đối với đất nước sẽ có nguy cơ mất đi vì người ta không còn tín nhiệm nữa.
Tôi nghĩ rằng hiện giờ đang tiến hành thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 chống tham nhũng, và nghị quyết này rất là quyết liệt nếu không thì sự tồn tại của đảng cộng sản Việt Nam, vai trò lãnh đạo của đảng đối với đất nước sẽ có nguy cơ mất đi vì người ta không còn tín nhiệm nữa LS.Trần Quốc Thuận

Cuộc kiểm điểm đó là từ trên xuống nên chờ kiểm điểm của Bộ Chính trị và mọi người đang nín thở để chờ. Rồi tiếp theo đó là các Ủy viên Trung ương rồi các Bộ trưởng, các Bí thư của các tỉnh.

Tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng trách nhiệm, trước nhất là Ủy ban Kiểm tra về đảng, có khi nhà nước phải cho thanh tra, chẳng hạn con một ông đứng đầu hàng tỉnh có số tiền, tài sản trên một vùng đất nông nghiệp như thế thì số tiền này có nguồn gốc ở đâu?

Những con chuột lớn



Mặc Lâm: Qua kinh nghiệm khi làm việc tại quốc hội ông có thể cho biết điển hình một vụ tham nhũng lớn nào trong quá khứ được quốc hội đem ra nghị trường nhưng không giải quyết được thưa ông?

LS.Trần Quốc Thuận: Ở Việt Nam có câu “để lâu cứt trâu hóa bùn”. Rất nhiều vụ án trước đây như vụ Lã Thị Kim Oanh có liên quan đến con của một ông đứng đầu đất nước này, mua một tài sản rất lớn nhưng vụ án đó cuối cùng rồi cũng chìm xuồng. Thứ hai, gần đây nhất là vụ Vinashin. Vụ này chưa kết luận thanh tra, chưa xử thì mấy ông lớn nhất đất nước này tuyên bố rằng không ai bị kỷ luật! Những cách làm như vậy là không bình thường. Chính sự không bình thường này là cái bóng che cho những kẻ tham nhũng, lạm quyền. Những kẻ thiếu trách nhiệm.

Mặc Lâm: Dư luận báo chí đang hết sức theo dõi vụ căn nhà hàng trăm tỷ được cho là của ông Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Quyến nhưng lại được con trai của ông ta đứng tên. Đây là sự che đậy tài sản quen thuộc nhất của tệ trạng tham nhũng. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?

LS.Trần Quốc Thuận: Vụ Hải Dương này tôi nghĩ rằng có lẽ là một trong những điển hình cần phải bóc tách để tìm hiểu xem tiền của ở đâu mà xây nhà? Có người nói, tôi cũng thông qua tin trên báo trên mạng, số tiền lên tới cả trăm tỷ. Bây giờ trên đất nước này cũng có những ông lãnh đạo của tôi khi nghĩ hưu anh em ở ngoài Hà Nội vô báo cho biết ông ấy mua cái nhà tới 89 tỷ! Chỉ mới vừa nghỉ hưu có mấy ngày thôi đã mua cái nhà như vậy rồi thì đó cũng là một câu chuyện đáng bàn.

Khi biết câu chuyện đó tôi đã gặp những người lớn nhất của đất nước này và nói rằng không biết mấy anh chống tham nhũng ở đâu chứ gần kề mấy anh, có người mới vừa nghỉ hưu một hai tháng thì đã mua cái nhà 89 tỷ, như vậy thì tiền ở đâu? Có điều tra không? Thì mấy ông ấy nói “để xem! để xem!”

Bây giờ tôi cũng là cán bộ đảng viên đây tôi sẽ chờ xem! Nhưng người ta đã nói việc chờ xem này mà không đến nơi đến chốn thì sự tồn vong của đảng có vấn đề.
Ở Việt Nam có câu “để lâu cứt trâu hóa bùn”. Rất nhiều vụ án trước đây như vụ Lã Thị Kim Oanh có liên quan đến con của một ông đứng đầu đất nước này, mua một tài sản rất lớn nhưng vụ án đó cuối cùng rồi cũng chìm xuồng. Thứ hai, gần đây nhất là vụ Vinashin. Vụ này chưa kết luận thanh tra, chưa xử thì mấy ông lớn nhất đất nước này tuyên bố rằng không ai bị kỷ luật! LS.Trần Quốc Thuận

Con cái đứng tên: cách che đậy coi thường dư luận



Mặc Lâm: Vấn đề con cái đứng tên cho cha mẹ trong các giấy tờ sở hữu tài sản để che đậy đồng tiền thu nhập bất chính tuy rất thô thiển, nhưng vẫn không bị pháp luật Việt Nam chế tài triệt để, phải chăng do ý kiến của các nhân vật có vai vế cao nhất nước nhằm bao bọc cho khối tài sản bất minh của họ qua việc kê khai tài sản mà chính phủ đã và đang thực hiện một cách rất chiếu lệ thưa ông?

LS.Trần Quốc Thuận: Tôi biết những người tham nhũng đó họ cũng lý sự lắm. Họ bảo Việt Nam không có luật truy cứu nguồn gốc tài sản cho nên khối người trong đó con của những ông to hơn có hàng ngàn tỷ! Chủ tịch Hội đồng Quản trị này, ngân hàng này ngân hàng nọ…có hàng mấy ngàn tỷ nhưng chưa thấy ai nói truy tìm xem ở đâu mà tiền nhiều thế? Vấn đề này có lẽ chính là bóng che cho tham nhũng hiện nay.

Mặc Lâm: Thông qua vụ Hải Dương lần này ông có nghĩ đây là cơ hội để nhà nước sửa sai hay không?

LS.Trần Quốc Thuận: Đây cũng là một sự kiện, một dịp, một cơ hội tốt để vấn đề đặt ra là kê khai tài sản phải công khai minh bạch và phải làm như các nước phương Tây. Như Hàn Quốc, Nhật hay ngay cả bên Mỹ thì việc kê khai không phải chỉ kê khai tài sản của cá nhân, vợ chồng mà kể cả con cái, thân thuộc cũng phải kê khai một cách công khai. Trong thời gian làm nhiệm vụ thì vấn đề tăng hay giảm tài sản cũng phải kê khai.

Ở Việt Nam việc kê khai tài sản chỉ làm cho lấy có rồi sau đó đút vào hộc bàn coi như tài liệu riêng mà nếu lộ ra thì xem như lộ bí mật tài liệu có thể bị ở tù. Cho nên việc con ông bí thư tỉnh ủy Hải Dương cũng chính là vấn đề đặt ra cho thấy hiện nay con của nhiều lãnh đạo cao nhất của đất nước này rất giàu có. Vì vậy phải đặt câu hỏi là tại sao giàu có như thế. Đặt ra như vậy để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.

Ecopark, tại sao cần làm rõ?


Mặc Lâm: Trước đây trong vụ Tiên Lãng chính Thủ tướng đã ra lệnh giải quyết một cách rốt ráo và dư luận tạm yên trong một thời gian. Tuy nhiên sau đó thì vụ Văn Giang lại nổi lên nghiêm trọng hơn vụ trước bởi tính chất đông người và rồi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại tiếp tục ra lệnh xem xét giải quyết. Luật sư có chia sẻ gì về động thái này?

LS.Trần Quốc Thuận: Hôm nay tôi nghe trên đài nói rằng Thủ tướng đã ra lệnh vụ Văn Giang, Hưng Yên phải điều tra, thanh tra và công khai trên mạng của chính phủ. Tôi rằng cho điều này rất là tốt. Bởi vì người ta nghi ngờ Ecopark có liên quan đến ông lãnh đạo rất to cho nên câu chuyện đó phải công khai để coi thử các nhóm lợi ích các thế lực tiêu cực mà ngày nay người ta gọi là mafia nó lộng hành ở chỗ nào? Nếu không bóc gỡ cái đó thì ung nhọt tham nhũng của Việt Nam sẽ rất ghê gớm. Tham nhũng tại Việt Nam bây giờ người ta nói không những nó ăn mòn ruột gan, phổi phèo mà nó đã lên tới não rồi, suy thoái tư tưởng rồi. Suy thoái tư tưởng tức là não rồi còn gì?

Suy thoái tư tưởng lớn nhất không phải là những lời nói chuyện này, chuyện kia mà suy thoái lớn nhất chính là chuyện chi tiêu ngân quỹ, ngân sách mà thật tế là tiền của nhân dân. Chính điều đó là suy thoái lớn nhất. Trong khi y tế và giáo dục xuống cấp rất dữ. Người ta lên án Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Giáo dục. Chuyện chủ trương này kia là chuyện khác, nhưng tội nghiệt là người bệnh phải nằm ba tới năm người một giường thì tiền đâu Bộ trưởng Y tế bù vào? Trong khi ông Bộ trưởng Giao thông Vận tải tính xây dựng trụ sở của ông ta tới 10 nghìn tỷ. Tiền bạc xài một cách phung phí như vậy.
...Nếu không bóc gỡ cái đó thì ung nhọt tham nhũng của Việt Nam sẽ rất ghê gớm. Tham nhũng tại Việt Nam bây giờ người ta nói không những nó ăn mòn ruột gan, phổi phèo mà nó đã lên tới não rồi, suy thoái tư tưởng rồi. Suy thoái tư tưởng tức là não rồi còn gì LS.Trần Quốc Thuận

Vinalines: phần thưởng khó trôi


Mặc Lâm: Có lẽ vụ Vinalines sẽ còn chiếm sự quan tâm của dư luận rất lâu, nhất là cho tới khi nào ông Dương Chí Dũng chưa bị bắt. Theo luật sư sở dĩ ông Dũng trốn khỏi lưới pháp luật là do sơ hở của cơ quan điều tra hay vì lý do nào khác?

LS.Trần Quốc Thuận: Cái vụ Vinalines cho thấy tại sao ông Dương Chí Dũng lại bỏ chạy như thế được? Có người cho rằng ông Vinalines được trả công vì ổng đã gánh nợ cho Vinashin. Số nợ ấy lên rất lớn cho nên được chia như chia lửa. Người ta trả công cho ông ấy bằng cái cách cho phép ổng chạy khỏi cuộc điều tra. Khi một đối tượng như thế, một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như thế thì thường thường cơ quan chức năng mà cụ thể là cơ quan điều tra phải giám sát 24/24. Như vậy thì cơ quan đang tiến hành điều tra lộ bí mật công tác để cho nghi phạm biết vì theo thông tin thì ông này đã bị lôi lên hỏi đi hỏi lại nên ông ta biết chuyện đã tới nơi rồi!

Như vậy thì chức năng giám sát của cơ quan điểu tra giám sát tới đâu thì cơ quan ấy phải chịu trách nhiệm. Thay vì người ta cứ nói lòng vòng về ông Bộ trưởng thì cái đó tính sau, nhưng mà để cho một tội phạm đặc biệt như vậy trốn chạy thì phải truy cứu trách nhiệm. Việc giám sát nghi phạm, giám sát những hành vi vi phạm ở Việt Nam từ thấp lên cao đều chưa làm tới nơi tới chốn, chưa làm triệt để. Đó là một điểm rất đáng tiếc nhưng bây giờ đòi hỏi phải làm.Nếu không làm thì hậu quả như Nghị quyết Trung ương 4 đã đề ra tức là sự tồn vong của đảng sẽ xảy ra trước mắt.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More