Việc áp dụng trần lãi suất cho vay là cần thiết trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, song cần linh hoạt hơn trong việc áp dụng các biện pháp hành chính.
Thực tế cho thấy, việc áp trần lãi suất đối với tiền gửi được xem là một giải pháp tốt để ổn định mặt bằng lãi suất và thị trường trong thời gian qua. Đây là một trong những biện pháp hành chính để kịp thời chấn chỉnh thị trường, xử lý tình trạng chạy đua lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, lẽ ra, khi áp trần đối với lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần áp luôn cả trần đối với lãi suất cho vay.
Trong khi đó, đến thời điểm này, trần lãi suất mới được áp dụng đối với hoạt động cho vay. Việc làm này được xem là sẽ có tác động tốt cho doanh nghiệp, song đã quá muộn so với kỳ vọng của những người cần sử dụng vốn vay. Thời gian qua, lãi suất cho vay được thực hiện theo cơ chế thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng. Chính điều này đã khiến lãi suất cho vay khó có thể giảm nhanh như mong đợi.
Lãi suất cho vay ở mức khá cao khiến doanh nghiệp chưa thể sử dụng vốn ngân hàng để đầu tư, triển khai mới các kế hoạch sản xuất, kinh doanh. So với đầu năm 2012, mặt bằng lãi suất cho vay hiện đã giảm, song với mức 17 – 18%/năm, lãi vay đang áp dụng vẫn vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Đáng chú ý, khi thị trường có khó khăn, sức tiêu thụ hàng hóa giảm và hàng tồn kho tăng, nhu cầu vốn vay của doanh nghiệp giảm theo và họ không mặn mà với việc mở rộng đầu tư mới.
Thanh khoản của ngân hàng đã dần được cải thiện, lãi suất điều chỉnh giảm thêm với kỳ vọng khai thông vốn. Thế nhưng, các ngân hàng vẫn khó có thể đẩy mạnh hoạt động cho vay. Nhiều nhà băng lớn dôi dư vốn khả dụng muốn cho vay ra cũng rất khó. Tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn ngành 3 tháng đầu năm nay âm hơn 2% đã chứng minh điều đó. Vì thế, trần lãi suất cho vay 15%/năm lẽ ra phải được áp dụng sớm hơn.
Với mức trần lãi suất cho vay 15%/năm hiện nay, các ngân hàng vẫn kiếm được lợi nhuận từ mức chênh lệch 3%/năm. Tuy nhiên, trước diễn biến của thị trường hiện nay, khi trần lãi suất huy động tiếp tục duy trì ở mức 12%/năm thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải chấp nhận lãi suất cho vay còn ở mức tương đối cao.
Nhưng lãi suất chắc chắn sẽ giảm dần trong thời gian tới, bởi tỷ lệ lạm phát trong năm nay sẽ được kiểm soát ở mức 9% vào cuối năm. Nhiều khả năng, lãi suất huy động sẽ chỉ còn cao nhất khoảng 10%/năm vào cuối năm 2012. Chúng ta cũng nên nhớ rằng, lãi suất của Việt Nam được điều hành trên cơ sở lạm phát năm nay được kiểm soát ở mức 9%, chứ không như ở các nước lạm phát chỉ ở mức 2 – 3%.
Vì vậy, lãi suất cho vay trong thời gian tới sẽ giảm thêm, nhưng mức thấp nhất có thể kỳ vọng vào cuối năm 2012 là khoảng 13%/năm. Mức lãi suất này sẽ phần nào giải quyết được khó khăn cho các đối tượng có nhu cầu về vốn, nhất là các doanh nghiệp.
Hiện nay, bên cạnh nỗ lực đưa ra các giải pháp giảm dần lãi suất cho vay của NHNN, Chính phủ còn có thêm nhiều giải pháp khác để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chẳng hạn như gói giải pháp hỗ trợ DN về chính sách thuế trị giá 29.000 tỷ đồng. Nhưng để có thể kích thích được tăng trưởng dư nợ, khơi thông được dòng vốn tín dụng, bên cạnh việc giảm lãi suất, hệ thống ngân hàng phải giải quyết được vấn đề nợ xấu. Khi nợ xấu được giải quyết thì tăng trưởng tín dụng mới có thể cải thiện. Còn không, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% trong năm nay sẽ khó đạt.
Nền kinh tế khó hấp thụ vốn khi lãi suất còn cao, nên việc hạ trần lãi suất là cần thiết, nhất là khi điều kiện lạm phát đang thuận lợi, có thể chỉ còn 1 con số trong năm nay. Tuy nhiên, lãi suất chỉ có thể giảm dần và có lộ trình chứ không thể giảm một cách ồ ạt. Nếu tỷ lệ lạm phát năm nay được kiểm soát ở mức 9% thì lãi suất huy động cuối năm cũng phải ở mức 10%/năm. Do vậy, để đạt được mức lãi suất kỳ vọng 10 -11%/năm đối với tiền gửi tiết kiệm, phải đợi đến thời điểm cuối năm nay chứ không thể sớm hơn.
Lãi suất cho vay phải được tính trên nền tảng của tốc độ tăng CPI cộng với 2 - 3%/năm lãi suất tiết kiệm dương và 3-4%/năm chi phí của ngân hàng. Do vậy, lãi suất cho vay trước mắt chỉ có thể giảm xuống 15-16%/năm chứ chưa thể giảm nhanh hơn. Chúng ta cũng không thể so sánh lãi suất cho vay của Việt Nam với lãi suất của các nước trên thế giới. Bởi lạm phát ở các nước trên thế giới chỉ 1-2%, trong khi đó, lạm phát ở Việt Nam có giảm mạnh cũng khó thấp hơn 9 - 10%. Tuy nhiên, lạm phát sẽ dần được kiểm soát và mục tiêu 9% vào cuối năm 2012 chắc chắn có thể thực hiện được.
Theo TS Trần Du Lịch
Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
Posted in:
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét