30/5/12

Liệu quyền tư hữu có giải quyết được tranh chấp đất đai tại Việt Nam?


GS. John Gillespie - East Asia Forum
-
Một điều trước đây không tưởng tượng được tại Việt Nam đang diễn ra trong vài năm gần đây: các cán bộ lão thành về hưu, các đại biểu quốc hội cùng các bloggers đồng thanh lên tiếng cho quyền sở hữu đất đai như là phương cách giải quyết vấn nạn tranh chấp đất đai.


Giống như Trung Quốc, những khu công nghiệp, hệ thống đường sá và tiến trình đô thị hóa đang bủa vây đất canh tác và tạo nên những tranh chấp mỗi ngày một quyết liệt với người nông dân. Những lời kêu gọi về quyền tư hữu để người nông dân có quyền sở hữu trên mảnh đất của mình là một thách thức lớn đối với hệ luỵ “bảo vệ thành quả cách mạng ruộng đất” còn rơi rớt lại của xã hội chủ nghĩa.
Các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam biện minh cho cuộc đấu tranh chống lại người Pháp bằng chủ trương tập thể hoá ruộng đất. Mặc dầu cải cách ruộng đất tại miền Bắc bắt đầu từ thập kỷ 1950 nhưng mãi đến thập kỷ 1980 chính quyền mới quốc hữu hoá thông qua hiến pháp hậu thống nhất. Lúc ấy một vài thành viên trong giới lãnh đạo cho rằng cần phải duy trì quyền tư hữu đất đai nhằm làm dịu bớt những căng thẳng tại miền Nam. Nhưng những người chủ trương chủ nghĩa xã hội chính thống có ảnh huởng mạnh hơn và đòi Việt Nam phải theo mô hình của Liên Sô về quyền sở hữu toàn dân và quyền quản trị đất đai của chính quyền. 

Những tranh chấp đất đai mỗi ngày một quyết liệt do hệ thống quản lý đất đai theo mô hình Liên Sô thiếu đồng nhất và quá phức tạp. Những người sử dụng đất được “quyền sử dụng” đất lâu dài đối với đất gia cư và 20 năm đối với đất canh tác. Một vấn đề nữa là quyền “quản lý nhà nước”  vốn tồn tại từ thời kinh tế chỉ huy hiện cho các viên chức quyền hành quá rộng trong các vấn đề sở hữu. Mặc dù Luật Đất Đai năm 1993 vào 2003 đã dự tính làm rõ nội hàm của khái niệm “quyền sử dụng đất”  cũng như giới hạn quyền hạn của các viên chức,  nhưng não trạng “quản lý nhà nước” vẫn còn y nguyên. Vì thế cho đến hôm nay, cán bộ nhà nước nắm quyền hành đáng kể trong việc cưỡng chế đất canh tác cũng như việc định ra các khoản bồi thường.

Các nghiên cứu gần đây của Ngân Hàng Thế Giới cho thấy quyền “quản lý nhà nước” đã vượt quá lợi ích chung, và trong nhiều trường hợp, vô hình chung thúc đẩy tệ nạn tham nhũng phát triển. Luật Đất Đai năm 2003 cho các quan chức quyền cưỡng chế ruộng đất vì lợi ích chung như xây xa lộ và nhà thương, tương tự như các quy định về trưng thu đất đai trong hệ thống quản trị đất đai của phương Tây. Nhưng, thêm vào đó, luật đất đai năm 2003 còn cho phép các quan chức quyền cưỡng chế thu hồi đất để xây dựng các khu công nghiệp hay các dự án có “ý nghĩa quốc gia”. Chính việc sử dụng các quyền hành này đã khuấy lên những tranh chấp gần đây tại Việt Nam.

Cuộc đối đầu khá quyết liệt giữa nông dân và nhà dự án xảy ra tại Văn Giang, một ngôi làng nằm về đông Hà Nội là một điển hình. Ngày 24 tháng 4, 2012, chính quyền cho phép công an chống bạo loạn đến chiếm giữ khu vực nằm trong kế hoạch xây dựng khu gia cư sang trọng. Theo Huy Đức, tác giả của blog Osin nổi tiếng, thì nông dân sẽ không bao giờ phản đối việc lấy đất nếu dự án rõ ràng là một công trình có lợi ích quốc gia như làm đường hay xây trường. Ngược lại, người dân không hài lòng với một kế hoạch phát triển của dự án tư nhân, đòi hỏi người nông dân phải hi sinh thay vì được chia sẻ quyền lợi với các nhà dự án tư nhân đó.

Với hững yếu tố khác như quyền sử dụng ngắn hạn cùng với quyền mua bán đất bị kiểm soát chặt chẽ, giá đất nông trang vẫn rẻ mạt. Do vậy mà người dân khi bị lấy đất chỉ được một khoản tiền bồi thường quá tượng trưng đến nỗi nó không thể giúp họ gây dựng cuộc sống mới trong một nền kinh tế công nghiệp. Cùng với vấn đề đó, nông dân không mấy khi nhận được số tiền bồi thường đúng mức theo thủ tục hành chánh hoặc qua sự tài phán của tòa án.

Bộ Tài Nguyên và Môi Truờng, cơ quan phụ trách việc quản lý đất đai, thì cho rằng các cuộc tranh chấp đất đai có thể được giải quyết bằng cách chuyển sang hệ thống cho thuê đất dài hạn. Theo bộ này thì làm như vậy sẽ bảo đảm quyền sử dụng đất cho nông dân và gia tăng được giá thị trường cùng tiền bồi thường cho miếng đất. Nhiều người chỉ trích chủ trương vừa nói, rằng cho dù cải cách này có thể tránh được một vấn đề chính trị nhạy cảm là tư hữu ruộng đất, việc cho thuê dài hạn không giải quyết tận gốc rễ của vấn đề, đặc biệt là não trạng “nhà nước quản lý”. Những chỉ trích này nêu rõ rằng chỉ có quyền tư hữu vĩnh viễn mới loại bỏ được cái ý thức hệ theo mô hình Sô Viết đã quá lỗi thời và cần phải được thay thế bằng một cách tiếp cận đặt quyền của người dân làm trung tâm. 

Những tranh chấp về đất đai mỗi ngày một gia tăng theo mức độ phức tạp và quyết liệt hơn, lời kêu gọi về quyền tư hữu ruộng đất có vẻ được ủng hộ. Chẳng hạn, một ủy ban chịu trách nhiệm tổng kết hiến pháp, dự trù được sửa đổi vào năm 2013, gần đây đã báo cáo rằng hầu hết các chính quyền các tỉnh ủng hộ quyền tư hữu ruộng đất. Tuy nhiên chính quyền trung ương dường như không muốn thay thế “quyền sở hữu toàn dân’ bằng quyền sở hữu tư nhân, ít nhất trong thời gian sắp đến, vì lo ngại như thế sẽ làm lung lay lý tưởng xã hội chủ nghĩa, và đe doạ quyền kiểm soát của đảng đối với loại tài nguyên sống còn này. 

Trong khi đó, một nhóm nhỏ các nhà bình luận xã hội thì vẫn nghi ngờ quyền tư hữu có thể giải quyết mọi vấn đề, và tìm kiếm một một hình thức trung gian giữa luật pháp và các phương pháp giải quyết tranh chấp đất đai của cộng đồng. Theo họ, quy ước xã hội và tình cảm cộng đồng là chìa khóa để phối hợp tìm ra giải pháp lâu dài cho các tranh chấp về đất đai, và họ kêu gọi tìm kiếm những hình thái quyền sở hữu hỗn hợp và sáng tạo. Những hình thức sáng tạo hỗn hợp sẽ phản ảnh giá trị cộng đồng về đất đai, và tránh việc phải chọn lựa giữa hai thái cực: công hữu hoặc tư hữu.

John Gillespie là Giáo sư và Trưởng Nhóm Nghiên Cứu Điều Lệ Thương Nghiệp Châu Á Thái Bình Dương tại Đại Học Monash.

Duy Nguyên chuyển ngữ, CTV Phía Trước

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More