Lãnh đạo Cục y tế thăm bệnh nhân
nhiễm bệnh lạ ở Ba Tơ, Quảng Ngãi
Việt Hà
“Các trường hợp phát hiện bệnh là là không nên chờ cho đến khi tìm ra nguyên nhân bệnh mới có phản ứng mà phải phản ứng ngay khi phát hiện bệnh.” – Dr. Takeshi Kasai
Căn bệnh lạ ở tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục làm người dân địa phương lo lắng vì mặc dù đã xuất hiện được ba năm nhưng cho đến lúc này giới chức Y tế Việt Nam vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Trong khi đó, đã có những lời kêu gọi từ địa phương mong được tổ chức y tế thế giới tham gia giúp đỡ. Vậy quan điểm của WHO về căn bệnh này ra sao? Việt Hà có cuộc nói chuyện với bác sĩ Takeshi Kasai, Giám đốc tổ chức y tế thế giới tại Việt nam về vấn đề này.
Cần phản ứng nhanh
Việt Hà: Thưa ông, WHO có theo dõi về căn bệnh lạ phát hiện ở Quảng Ngãi thời gian gần đây hay không và WHO có dự định giúp đỡ Việt nam thế nào để đối phó với căn bệnh này?
“Các trường hợp phát hiện bệnh là là không nên chờ cho đến khi tìm ra nguyên nhân bệnh mới có phản ứng mà phải phản ứng ngay khi phát hiện bệnh.”Dr. Takeshi Kasai
Dr. Takeshi Kasai: Tổ chức Y tế thế giới vẫn thường xuyên liên lạc chặt chẽ với Bộ Y tế Việt nam và chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam về mặt kỹ thuật khi cần thiết. Nhưng cho đến lúc này chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ yêu cầu trợ giúp chính thức nào từ chính phủ Việt nam. Tuy nhiên như tôi đã nói thì hai bên vẫn thường xuyên trao đổi thông tin. Bộ Y tế cũng đã mời chúng tôi tham gia một buổi họp báo gần đây về bệnh này. Cho nên chúng tôi cũng có những thông tin mà họ có về bệnh và đã công khai trên báo chí.
Việt Hà: Xin ông cho biết giúp đỡ về kỹ thuật cụ thể là gì?
Dr. Takeshi Kasai: Trước hết, chúng tôi có thể cung cấp các trợ giúp kỹ thuật trong việc phân tích các dữ liệu dịch tễ, sau đó nếu có các mãu thì chúng tôi cũng có thể giúp phân tích các mẫu đó.
Việt Hà: Thưa ông, WHO đã có những kinh nghiệm gì trong việc đối phó với các căn bệnh lạ trên thế giới và có thể áp dụng thế nào vào trường hợp của Việt Nam nếu như chính phủ Việt Nam yêu cầu WHO giúp đỡ?
Dr. Takeshi Kasai: Bản thân tôi và WHO đã tham gia nghiên cứu các bệnh lạ nhiều lần.
Điều quan trọng trong các trường hợp phát hiện bệnh là là không nên chờ cho đến khi tìm ra nguyên nhân bệnh mới có phản ứng mà phải phản ứng ngay khi phát hiện bệnh. Các phản ứng này bao gồm việc chẩn đoán điều trị kịp thời đối với bệnh nhân, và tìm cách ngăn chặn sự lây lan bệnh dịch trong cộng đồng. Xét theo khía cạnh này thì tôi thấy Bộ Y tế Việt nam đã có phản ứng tốt.
Bác sĩ Takeshi Kasai, Giám đốc tổ chức y tế thế giới tại Việt nam, ảnh chụp trước đây. WHO photo.
WHO sẽ can thiệp bắt buộc?
Việt Hà: Với những thông tin mà bộ Y tế cung cấp cho WHO thì ông có thấy các triệu chứng này tương tự những trường hợp bệnh nào mà WHO đã phải đối phó trước đây hay chưa?
Dr. Takeshi Kasai: Thông tin mà bộ Y tế thu thập và cung cấp cho chúng tôi không giống lắm với các bệnh mà chúng tôi đã biết.
Việt Hà: Vậy bệnh này theo ông có nguy hiểm?
Dr. Takeshi Kasai: Theo tôi hiểu thì bệnh mới này chỉ tập trung chủ yếu ở 5 xã cho nên trước tiên mới đe dọa của căn bệnh đối với cả nước Việt nam nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung là không lớn. Đối với người dân trong vùng bệnh thì đã có những đối phó từ chính phủ tại đó. Tôi hy vọng là những đối phó mà chính phủ đang thực hiện sẽ có hiệu quả ngăn chặn những trường hợp trong tương lai.
Nếu bộ y tế hay địa phương không có phản ứng tốt và căn bệnh có nguy cơ đe dọa quốc gia hoặc thế giới, thì chúng tôi chắc chắn sẽ can thiệp.
Dr. Takeshi Kasai
Đây là một bệnh lạ và đã có những thống kê chính thức về bệnh nhân nên Tổ chức Y tế thế giới chắc chắn sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến. Chúng tôi không muốn người dân có suy nghĩ rằng chúng tôi không quan tâm theo dõi. Tôi hiểu tâm trạng của những người bệnh trong vùng vì nguyên nhân căn bệnh vẫn chưa được tìm ra. Nhưng việc tìm nguyên nhân bệnh lạ thường là không dễ dàng và điều này cũng đã xảy ra ở các nơi khác trên thế giới.
Việt Hà: Xin ông cho biết là trong trường hợp nào thì Tổ chức Y tế thế giới bắt buộc phải can thiệp khi một bệnh lạ bùng phát?
Dr. Takeshi Kasai: Nếu bộ y tế hay địa phương không có phản ứng tốt và căn bệnh có nguy cơ đe dọa quốc gia hoặc thế giới, thì chúng tôi chắc chắn sẽ can thiệp. Chúng tôi chỉ can thiệp bắt buộc khi trường hợp thật cần thiết. Hiện WHO có một cơ chế gọi là Điều luật Y tế Quốc tế. Cơ chế này cho phép WHO được phép can thiệp khi cần thiết. Cần thiết ở đây được quy định là căn bệnh nguy hiểm trong phạm vi quốc gia và quốc tế hoặc chính phủ nước sở tại không có các phản ứng tốt để đối phó với bệnh dịch. Điều luật này được xây dựng dựa trên bài học kinh nghiệm mà chúng tôi có được từ bệnh dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng). Khi SARS xảy ra thì chúng tôi chưa có khung quy chế này và khi đó chúng tôi chỉ được phép tham gia khi có sự đồng ý từ chính phủ nước sở tại. Nhưng bây giờ, nếu trường hợp thật cần thiết thì chúng tôi sẽ tham gia ngay kể cả khi không có sự đồng ý của chính phủ. WHO chưa bao giờ phải vận dụng đến Điều luật này để can thiệp vào các nước tính đến thời điểm hiện nay.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét