Dân làng đối mặt với cảnh sát chống bạo động ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, ngày 24/4/2012
Ban Chấp hành Trung ương đảng CS khóa XI họp lần thứ năm từ sáng 7/5 để bàn về sửa đổi hiến pháp hiện hành.
Trong lời khai mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ việc sửa đổi và bổ sung hiến pháp lần này chỉ liên quan đến «những vấn đề thực sự cần thiết, được thực tế chứng minh là đúng đắn, có đủ cơ sở và sự thống nhất cao, khi thời điểm đã chín muồi» Ông cũng rào trước là sẽ không bàn đến việc 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tách rời nhau theo nguyên tắc «tam quyền phân lập», nghĩa là kiên quyết giữ nguyên chế độ độc quyền toàn trị của đảng CS, ôm chặt cả 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, không có ai kiểm soát và thay thế được. Đây là chế độ độc đoán phi dân chủ chỉ còn rải rác ở một số nước đếm được trên đầu ngón tay. Trên thế giới hiện không còn có ai cho rằng một nước theo chế độ độc đảng lại có thể là một nước dân chủ.
Vậy, trên thực tế, những vấn đề nào là cần thiết nhất?
Ngay vấn đề danh xưng, tên nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng đã đến lúc cần thay đổi. Vì thế nào là chế độ XHCN vẫn còn là vấn đề cần được thảo luận, chưa định hình được cho rõ ràng. Các nước XHCN ở Đông Âu, Trung Âu đã tan vỡ. Ngay như Trung Quốc mà nhóm lãnh đạo hiện nay ở Hà Nội coi là mẫu mực cũng chỉ mang danh là nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; Bắc Triều Tiên cũng chỉ được gọi là nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên; và Cuba cũng chỉ mang tên nước Cộng hòa Cuba.
Cũng cần nhắc lại nước Libya của Gadhafi đã từng tự gọi là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Libya; hay Miến Điện, từng được gọi là nước Xã hội Chủ nghĩa Miến Điện, cũng đã thay đổi quốc hiệu bằng cách bỏ hẵn cụm từ XHCN không còn thích hợp, vô duyên, mơ hồ. Chỉ còn có Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới vẫn tiếp tục giữ danh xưng XHCN lạc lõng, trơ trọi, phản khoa học vì không có nội dung thích hợp.
Vấn đề cấp bách, thiết thực hơn cần giải quyết ngay tại cuộc họp Trung ương lần này là vấn đề công nhận quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất của nông dân vốn có tự ngàn xưa, bỗng nhiên bị đảng CS xóa bỏ bằng cách «sáng tạo» ra khái niệm «sở hữu toàn dân».Ruộng đất, ao hồ … là thuộc quyền sở hữu của toàn dân. Vậy toàn dân là ai? Trên thế giới, không ở đâu có cái khái niệm toàn dân cả. Toàn dân là ai? Là ông hay là bà? Là cô hay là cậu? Sinh ra ngày tháng nào? Có họ gì, tên gì? Địa chỉ ở đâu? Làm nghề gì? Có danh nghĩa pháp nhân hay không?
Ngày xưa bên cạnh ruộng của tư nhân có một số rất ít ruộng «công», ruộng của chung, cho lợi ích công cộng, do chính quyền xã quản lý, hay ruộng của dòng họ, của hội tư nhân, có tên người đứng ra quản lý. Đó còn là ruộng công do hội đồng xã cai quản, nhằm tạo quỹ công, để sửa chữa đường xá, xây trường học, dự trữ lương thực khi đói kém, thuê người canh giữ ruộng đồng, có nhiều nơi có «tự điền», «học điền» nhằm chăm lo việc cúng bái ở các nhà thờ họ, cung cấp học bổng cho học sinh nghèo và học sinh giỏi; nhà chùa cũng có «tự điền», «hiến điền» do tư nhân có hảo tâm cúng hiến trước khi chết, nhằm chăm lo việc cúng bái, làm từ thiện, cứu trợ cô nhi quả phụ.
Đảng CS đã «tịch thu» tất cả các loại ruộng công và ruộng của tập thể trên đây, để nhân danh nhà nước nắm giữ hết, theo công thức «Ruộng đất là thuộc sở hữu của toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý». Toàn dân là ai? Không là ai cả, toàn dân không có họ tên, tiếng nói, địa chỉ nên đảng CS đã cướp chính quyền và tự cho quyền thay mặt toàn dân để sở hữu tất cả. Từ đó họ bày ra các khái niệm «thu hồi, đền bù, cưỡng chế», không hề có ở bất kỳ nước nào khác, để xóa bỏ triệt để quyền sở hữu ruộng đất của tư nhân, xóa luôn cả các loại ruộng công, ruộng của các dòng họ, của chùa, nhà thờ, các loại tự điền, học điền, công điền… phá hoại cuộc sống tư nhân và cộng đồng nhỏ ở nông thôn.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đảng CS rất thưa thớt, xuân thu nhị kỳ, mỗi năm chỉ họp 2 hay 3 lần. Do đó cần bàn đến những vấn đề cần kíp nhất, cấp bách nhất. Sửa đổi hiến Pháp là vấn đề cấp bách, nhưng không thể chỉ sửa những điều thứ yếu, bộ phận, hình thức.
Vấn đề sở hữu rộng đất, trả lại quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất cũng như các loại ruộng công, ruộng của tập thể dòng họ, nhà chùa, nhà thờ… là vấn đề nóng bỏng, chính đáng nhất.
Hiện đang có gần 40 ngàn vụ khiếu kiện về ruộng đất chưa được giải quyết, nông thôn tiêu điều, nông dân cảm thấy bị đảng CS phản bội, do đó không thể sửa chữa kiểu bộ phận, như 5 lần thay đổi Luật về đất đai trước đây.
Đi cùng với vấn đề then chốt trên đây, việc từ bỏ Điều 4 của Hiến pháp - cóp nhặt của hiến pháp Liên Xô - cũng hết sức cấp bách để thực hiện nền dân chủ đa nguyên, dựa trên quyền tự do lập hội. Xin nhớ Liên Xô sụp đổ chính là do cái Điều 4 khẳng định vị trí độc quyền của đảng CS.
Đảng CS Việt Nam đã đến lúc cần nghe rõ mong muốn nóng bỏng của đông đảo nhân dân là thiết lập một nền dân chủ đa nguyên hiện đại, điều kiện tiên quyết để hòa nhập hoàn toàn với thế giới dân chủ hiện đại. Lúc này đã là quá chậm. Không thể làm mất thêm thời gian của nhân dân, của dân tộc. Hãy chuẩn bị một cuộc họp Quốc hội lịch sử theo hướng ấy. Cũng cần tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề cực kỳ hệ trọng này.
Đảng CS sẽ được lợi, là khi có đảng anh em, bình đẳng để ganh đua, cạnh tranh nhau phục vụ nhân dân, lấy cử tri làm trọng tài, đảng CS sẽ có thể khắc phục sự suy thoái thảm hại hiện nay.
Đảng CS không thể một mặt cao ngạo tự cho mình là đúng đắn duy nhất không ai cạnh tranh thay thế được, mặt khác lại ươn hèn tự ty không dám đọ sức với một tổ chức nào khác, để lẩn thẩn nghĩ rằng công nhận đa nguyên là tự sát.
Còn vài ngày nữa Hội nghị Trung ương 5 sẽ kết thúc. Nếu bỏ qua việc bàn đến việc trả lại quyền tư hữu ruộng đất cho nông dân và bỏ điều 4 trong Hiến pháp, đi ngược với dân tộc và thời đại, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng sẽ kiên trì một thái độ sai lầm tệ hại, tự dấn sâu vào con đường xa rời nhân dân, phản bội nông dân, như thế là khiêu khích toàn dân và sẽ không tránh khỏi sự chống đối rộng khắp của mọi tầng lớp đồng bào ta đang thức tỉnh.
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét