20/5/12

Chống vi hiến, cần có thiết chế bảo hiến


PGS Phạm Duy Nghĩa
(Chủ nhiệm khoa Luật, ĐH Kinh tế TPHCM)
-
PGS Phạm Duy Nghĩa (Chủ nhiệm khoa Luật, ĐH Kinh tế TPHCM) học ĐH và làm tiến sĩ ở ĐH Leipzig, CHDC Đức, sau đó là học giả Fulbright, Harvard LawSchool và đã tham gia nghiên cứu, thảo luận nhiều về đề tài bảo hiến. Với câu hỏi về vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước và cơ chế bảo hiến ở Việt Nam, TS Phạm Duy Nghĩa phân tích:

- Trước hết, cần lưu ý hiến pháp là một khế ước của nhân dân lập ra để kiểm soát quyền lực nhà nước. Hiến pháp viết ra để ràng buộc chính quyền chứ không phải ban quyền cho người dân. Nhưng ở một số quốc gia, hiến pháp đã không được hiểu với ý nghĩa đó. Một số quốc gia sử dụng hiến pháp như cương lĩnh của nhà nước, của những người lãnh đạo, còn những quốc gia dân chủ, hiến pháp viết ra để trói buộc nhà cầm quyền. Bởi lẽ, người có khả năng vi phạm hiến pháp thường không phải nhân dân, mà là các cơ quan có thể sử dụng quyền lực công. Các cơ quan giữ quyền lực công là chính phủ, tòa án, quốc hội. Một đạo luật do quốc hội ban hành có thể vi phạm hiến pháp, chính vì vậy phải có thiết chế bảo hiến.

Sự tồn tại của thiết chế bảo hiến không phải tự thân sự ra đời của nó. Ý nghĩa của chữ “sống” ở đây là cơ quan bảo hiến đóng vai trò đáng kể trong đời sống chính trị, nhân dân có thể đặt niềm tin và sự kính trọng vào cơ quan đó. Không phải chỉ riêng VN mà bất cứ quốc gia nào cũng cần có quá trình trưởng thành, hay nói cách khác là hội đủ các điều kiện để có được một thiết chế bảo hiến thực chất. Hàn Quốc du nhập thiết chế bảo hiến từ năm 1945, nhưng thực sự đến năm 1980 mới hoạt động có hiệu quả. Đức tuyên bố có tư duy bảo hiến từ Hiến pháp Weimar những năm 1918, nhưng trên thực tế, mãi đến sau 1949, cơ quan bảo hiến của Đức mới có hình hài rõ rệt. Thái Lan vay mượn thiết chế bảo hiến của Đức, song thành công còn hạn chế.

Ông có đề cập đến sự nhận biết của người dân, vấn đề này được hiểu như thế nào?

- Dư âm của tâm lý thần dân đã tồn tại ở VN cả ngàn năm nay không thể một sớm một chiều mà tan biến được. Cần phải có quá trình và thời gian để người dân nhận biết đầy đủ về quyền công dân của mình, hiểu rằng quyền được nói, được biết, được tự do hội họp, biểu tình của công dân là những quyền đương nhiên họ được hưởng. Khi tinh thần công dân tăng lên mới xuất hiện nhu cầu đòi các quyền đó phải được tôn trọng.

Theo ông, chế ước quyền lực nhà nước sẽ thiết kế ra sao khi VN không đi theo chủ thuyết tam quyền phân lập? 


- Trong cấu trúc quyền lực VN, quyền lực thực tế dồn vào Chính phủ và UBND các địa phương. Hệ thống tòa án cần nỗ lực để có thêm niềm tin và sự kính trọng cao trong xã hội. Quốc hội với 3/4 đại biểu kiêm nhiệm nên chưa thể chuyên nghiệp. Vì hai thiết chế đó còn yếu nên quyền lực tập trung vào lực lượng hành pháp. Nếu phân bổ lại quyền lực, cần phân nhiệm để có đối trọng và kiểm soát quyền lực. Quốc hội thực sự mạnh khi đại biểu Quốc hội thực sự nói lên tiếng nói cử tri của mình. Muốn làm được điều đó đại biểu phải chuyên nghiệp, là một nghề có thù lao xứng đáng, có đầy đủ phương tiện và điều kiện hỗ trợ phục vụ cho hoạt động. Muốn tòa án mạnh, nhiệm kỳ của thẩm phán phải đủ dài, không hạn chế 5 năm như hiện nay. Tổ chức tòa án phải độc lập, tách ra khỏi ảnh hưởng của lực lượng hành pháp mà tòa án khu vực có thể là một mô hình.

- Xin cảm ơn ông!
Lê Thanh Phong thực hiện

Theo: laodong.vn

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More