2/6/12

Tham nhũng: Phòng hay Chống?




Trần Huy Thuận
-
Bàn về tham nhũng, lâu nay người ta cứ băn khoăn nên đặt vấn đề chống trước hay phòng trước, tức có nghĩa là nên coi trọng chống hay coi trọng phòng? Ngay khi thảo luận xây dựng luật ở Quốc hội (khóa XI), người ta cũng bàn cãi mãi để cuối cùng thỏa hiệp bằng cụm từ khá êm tai, vừa lòng nhiều người: “Luật phòng chống tham nhũng”.


Chúng ta quên rằng, sinh thời Bác Hồ, hầu như chỉ dùng từ chống tham nhũng, chứ ít dùng từ phòng, mặc dù thời ấy, nạn tham nhũng chưa đến nỗi tệ hại và nguy hiểm như ngày nay. Người nhận định: ““Vì những người và cơ quan mắc bệnh quan liêu nên có mắt mà không thấy suốt, có tai mà mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém, tha hồ tham ô lãng phí” (Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, T6. Tr 490).  Và:”Tham ô, lãng phí, quan liêu là bạn đồng minh của thực dân phong kiến, nó là kẻ thù của chúng ta, một loại kẻ thù không mang gươm súng nhưng rất nguy hiểm. Vì vậy, chống tham ô, lãng phí và quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc ngoài mặt trận”( Hồ Chí minh, thực hành tiết kiệm và chống thanm ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu, Nxb sự thật, Hà Nội 1981, tr 4.) –
Lưu ý là, không phải sau này mà ngay thời ấy Bác đã coi tham nhũng như giặc, đánh tham nhũng như đánh giặc và là “GIẶC NGOÀI MẶT TRẬN”, chứ không phải giặc chung chung. Đã là ngoài mặt trận thì “ta không giết nó, nó sẽ giết ta”. Gần đây ta mới gọi tham nhũng là GIẶC NỘI XÂM. Nếu so với cách nói của Bác, thì nhẹ hơn nhiều. Và Bác còn nói: “Đảng ta luôn luôn kêu gọi toàn thể cán bộ, Đảng viên, đoàn viên Thanh niên và nhân dân ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và chống tham, ô lãng phí, quan liêu…cho nên từ nay, chúng ta bắt đầu mở cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”( Sđd).

Kiên quyết không chỉ trong cách NHÌN NHẬN vấn đề, Người còn kiên quyết cả trong BIỆN PHÁP hành xử: Ngay khi dành được chính quyền chưa bao lâu, ngày 23/11/1946 Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh số 64 về việc thành lập Ban thanh tra đặc biệt, sắc lệnh này quy định Ban có quyền “đình chỉ, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong UBND hay của Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng chính phủ hay tòa án đặc biệt xét xử”. Không chỉ kiên quyết trong biện pháp, Người còn kiên quyết trong HÀNH ĐỘNG: Vụ án Trần Dụ Châu trong Kháng chiến là một ví dụ.

Rất tiếc rằng, chính thời chúng ta đang sống đây, mới hữu khuynh cả trong nhận định lẫn biện pháp và cách làm khi không chỉ ra được mục tiêu quyết liệt lúc này, lúc mà “Tình trạng tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên đang cản trở việc thực hiện đường lối chủ trương chính sách của Đảng, gây bất bình, làm giảm lòng tin trong nhân dân”( Văn kiện đại hội lần thứ VIII của Đảng Nxb CTQG, Hà Nội 2001)”; lúc mà nạn tham nhũng đã làm suy yếu lòng tin của Dân đối với Đảng, đối với Chế độ, đe dọa sự tồn vong của Chế độ (báo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII) – Nạn tham nhũng không còn là chuyện PHÒNG nữa bởi nó đã hiển hiện rõ mồn một ở tất cả mọi ngóc ngách cuộc sống, có mặt ở khắp mọi hoạt động kinh tế, xã hội…         như GIẶC ĐÃ TRÀN QUA BIÊN GIỚI chứ không chỉ dòm ngó ngoài biên cương TỔ QuỐC. Cho nên vấn đề lúc này phải là CHỐNG, lấy chống làm biện pháp hàng đầu chứ không phải là phòng. CHỐNG quyết liệt như chống giặc ngoại xâm, như việc đánh giặc ngoài mặt trận (Lời HCM), đúng như nội dung các nghị quyết của Đảng!

Vâng! Để nghị quyết TW 5 phát huy hiệu quả, thiết nghĩ, cần sớm thay cụm từ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG bằng cụm từ CHỐNG THAM NHŨNG, trong ngôn từ cũng như trong văn bản pháp quy. Đấy cũng chính là trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập đạo đức Hồ Chí Minh.

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More