UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vừa họp bàn giải pháp khắc phục tình trạng hết chỗ chôn rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Tại cuộc họp, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh đề xuất phương án đắp bờ bao tại một phần diện tích đã chôn lấp rác tại xã Tốc Tiên, huyện Tân Thành để làm khu vực tập kết rác tạm thời (rác đổ lộ thiên) trong thời gian chờ đàm phán, ký hợp đồng với Công ty Kbec Vina chôn rác với mức giá khoảng 13 USD/ tấn. Nhiều ý kiến cho rằng, như vậy tình trạng ô nhiễm tại bãi chôn lấp rác tạm Tóc Tiên sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhất là khi mùa mưa đang đến gần.
Vì sao hết đất để chôn rác?
Mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phát sinh khoảng 800 tấn rác thải sinh hoạt, phần lớn trong số đó được chôn lấp tại bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tạm thời rộng 15 ha thuộc xã Tóc Tiên. Việc chôn lấp rác tạm, không hợp vệ sinh tại khu vực này, đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là vào mùa mưa.
Theo lộ trình đã được phê duyệt, giai đoạn 2011 đến 2015, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu lựa chọn quy trình chôn lấp kín, hợp vệ sinh nhằm giảm chi phí đầu tư, chi phí vận hành, để đến giai đoạn 2016- 2020 sẽ chuyển toàn bộ sang quy trình đốt, kết hợp phát điện và khí thải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Và để nhanh chóng chuyển từ quy trình chôn lấp không hợp vệ sinh sang chôn lấp kín, hợp vệ sinh, tháng 11/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa -Vũng Tàu đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh cho phép đầu tư bãi chôn lấp chất thải rắn đô thị theo quy trình hợp vệ sinh. Dự án được chia làm hai giai đoạn, với tổng mức đầu tư khoảng 140 tỷ đồng, đơn giá xử lý khoảng 72 nghìn đồng/tấn rác. Trong giai đoạn chưa đủ khả năng xây dựng một nhà máy xử lý rác hiện đại, việc đầu tư một bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh được xem là giải pháp tối ưu nhất hiện nay, đáp ứng được các yêu cầu về vốn đầu tư, bảo đảm vệ sinh môi trường, tránh ô nhiễm. Theo đúng tiến độ, đến năm 2012, dự án này sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, với lý do phải cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 của Chính phủ và tình trạng ô nhiễm trường đã lên mức báo động, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên-Môi trường Bà Rịa -Vũng Tàu đề xuất giao cho Công ty TNHH KBEC Vina xử lý chôn rác sinh hoạt chung với bãi xử lý rác công nghiệp mà công ty này đã có trước đó tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên.
'Bán đắt' mới được... ưu tiên?
Với mức giá mà tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu phải trả cho KBEC Vina để chôn rác thải sinh hoạt khoảng 13 USD/tấn, thì ngay từ năm đầu tiên ngân sách tỉnh đã phải trả cho công ty này khoảng 80 tỷ đồng. Nếu so với chi phí trả cho dự án bãi chôn lấp chất thải rắn đô thị theo quy trình hợp vệ sinh là 21 tỷ đồng, thì ngân sách địa phương phải trả thêm gần 60 tỷ đồng. Nếu tính đến năm 2015, năm cuối cùng theo quy hoạch Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ chấm dứt tình trạng chôn lấp rác thải sinh hoạt để chuyển sang công nghệ đốt, ngân sách tỉnh chi trả thêm hàng trăm tỷ đồng cho KBEC Vina.
Và vì sao Bà Rịa - Vũng Tàu lại tự đặt mình vào thế bất lợi khi đàm phán với đối tác nước ngoài khi địa phương không còn đất để chôn rác? Chưa kể tới việc để KBEC Vina chôn rác thải sinh hoạt với rác thải rắn công nghiệp sẽ khiến quy hoạch đã được xác lập của Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên bị phá vỡ, ảnh hưởng không nhỏ tới công năng, hiệu quả của cả khu xử lý.
Và vì sao Bà Rịa - Vũng Tàu lại tự đặt mình vào thế bất lợi khi đàm phán với đối tác nước ngoài khi địa phương không còn đất để chôn rác? Chưa kể tới việc để KBEC Vina chôn rác thải sinh hoạt với rác thải rắn công nghiệp sẽ khiến quy hoạch đã được xác lập của Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên bị phá vỡ, ảnh hưởng không nhỏ tới công năng, hiệu quả của cả khu xử lý.
Trên thực tế, hậu quả của tình trạng chôn lấp rác tạm thời, không hợp vệ sinh và nhất là tình trạng hết đất để chôn rác, phải đổ rác lộ thiên gây ô nhiễm môi trường như hiện nay đã được cảnh báo từ lâu. Bởi ngay từ tháng 5-2011, Công ty Môi trường (đơn vị quản lý Bãi chôn lấp rác thải tạm tại Tóc Tiên), đã cảnh báo: “việc chôn lấp rác tạm thời như hiện nay không những gây ô nhiễm môi trường mà còn lãng phí rất lớn về diện tích đất sử dụng (gấp từ 7 đến 8 lần chôn lấp rác hợp vệ sinh). Với quy trình chôn lấp rác tạm thời, hố chôn rác chỉ đào được ở độ sâu 4-5m, với khối lượng rác xử lý hằng ngày như hiện nay một năm cần phải sử dụng một diện tích đất 5-6ha cho việc chôn lấp. Hiện diện tích đất cho việc chôn lấp trong bãi Tóc Tiên còn lại khoảng 2,5ha, theo tính toán đến tháng 2/2012 đã hết đất dành cho chôn lấp rác”.
Bài, ảnh: Duy Quang
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét