18/3/12

Đi chợ ngày hôm nay

Người Buôn Gió

Chiều nay đi chợ, mua một cái móng giò thui. Em bán hàng tính 56 nghìn, mình hỏi lại lần nữa cho chắc. Đúng là 56 nghìn cái móng giò, chỉ cái móng không thôi. Cách đây gần năm gì đó mình nhớ mua 3 cái móng hết có ngần ấy tiền. Món giả cầy cần phải có móng giò để ninh nó tiết ra nhựa dẻo quánh, quay ra mua nửa con ngan giá 90 ngàn. Trời ơi, mới lúc nào đó mình mua cả con ngan hết có 90 nghìn. Chị bán hàng cười, xưa rồi em ơi, giờ giá lên hàng ngày.

Riềng mẻ, mắm tôm, nghệ, lá chè xanh hết 20 nghìn. Mấy thứ phụ gia vớ vẩn mà cũng ngần ấy tiền.
Lá chè xanh để kho với cá bể, mấy con cá bể cũng 60 nghìn.

Móng giò, ngan chặt ướp gia vị riềng mẻ,mắm tôm, nghệ. Nửa tiếng sau khi ướp cho vào nồi áp suất đổ xâm xấp nước đun. Lá chè xanh lót dưới đáy nồi, đặt cá lên trên cho mắm muối, nước cũng xâm xấp cá đun nhỏ lửa đến khi cạn, cháy lớp lá chè phía dưới, cá khô rắn chắc là xong. Để nguội cho vào hộp nhựa, giờ mới thấy chả được bao nhiêu cá, và giả cầy.

Hai món đó đóng hộp mai gửi đi xa cho một người phụ nữ.


Phim, kịch Việt Nam chưa có cảnh nào một người đàn ông đi chợ, lụi cụi nấu món ăn, vừa nấu vừa rớm nước mắt nghĩ đến người ăn. Những món ăn đó để dành cho một người phụ nữ vốn dĩ chị ấy nấu ăn rất khéo và kỹ tính.

Sáng tinh mơ đi đón một phụ nữ ở xa về Hà Nội để gửi đồ tiếp tế cho anh trai trong trại giam. Hai anh em ngồi vạ vật hàng nước chờ mãi đến giờ gửi quà. Đến khi cô em giở quà cho cán bộ kiểm tra, mình mới nhìn thấy chục gói mỳ tôm, mấy cuốn sách, ít thịt rang. Lúc cán bộ tiếp nhận tiền lưu ký hỏi có gửi tiền lưu ký cho phạm nhân không. Cô gái ngần ngừ rồi lấy tiền ra, tất cả có ba trăm mấy chục ngàn. Cô bặm môi bỏ ba trăm gửi lưu ký, lúc đó mình nhớ lần trước cô hết tiền về phải đi xe chịu về đến Vinh nhờ người ra đón trả. Mình bảo thôi em cầm lại đi, để anh gửi tiền lưu ký cho.

Giá cả leo thang, khiến những người trong tù đương nhiên cũng gánh chịu theo. Mình thấy ông xếp trại giam đi vào phòng gửi quà xem xét, ông ấy mặc dân thường nên người nhà không ai nhận ra. Mình thì tất nhiên nhận ra vì cái trại này mình ở đó rồi, mình hỏi.

- Anh ơi, giờ lạm phát, cho gửi lưu ký tăng thêm chút anh à ?

Ông xếp trại giam nói.

- Thì tăng đó rồi, còn tăng chút so với quy định của bộ, chúng tôi cũng cố gắng giúp phạm nhân trong mức độ có thể. Lúc chưa có quyết định tăng lưu ký, chúng tôi đã cho tăng nhận quà từ 7 kg châm chước lên 10 kg để bù mà.

Tranh thủ mình hỏi thêm.

- Anh à, em thấy một số người ở xa, ruột thịt không có ai ngoài này. Giờ khó khăn, họ đi lại tốn kém, mà ở nông thôn cũng nghèo, tiền đi lại lẽ ra bù vào tiền quà gửi thì tốt. Chẳng hạn có bạn bè ngoài này ủy quyền gửi được không anh.

Ông xếp trại giam ngần ngừ.

- Cũng tùy trường hợp xem xét.

Mình không hỏi nữa, mình biết trường hợp xem xét là thế nào. Tất nhiên có những trường hợp ông ấy không thể quyết định mà phải có ý kiến của cơ quan an ninh điều tra. Ông ấy đã làm những gì có thể tốt nhất cho phạm nhân trong quyền hạn của ông ấy. Với trại giam khác thì không nói, nhưng cán bộ ở cái trại giam B14 này thì tương đối khá hơn trại giam khác nhiều.

Cơ quan an ninh điều tra vốn tài tình, lẽ nào không xác minh được đối tượng bạn bè nào đơn thuần là bạn bè, họ hàng xa với phạm nhân, để cho họ giúp gia đình thân nhân ở xa gửi quà, vừa tiết kiệm tiền và công sức đi lại. Người trong tù dù thế nào đi nữa cũng khiến người thân của họ đau đớn, chả lẽ có điều kiện giảm bớt khó khăn, nỗi đau cho người nhà phạm nhân là việc không đáng làm hay không thuộc trách nhiệm phải làm sao. Cứ buộc phải ruột thịt mới được trực tiếp gửi quà thì xơ cứng, vô tình quá. Làm nghề an ninh, cảnh sát vốn dĩ đã khô cứng do bản chất nghề nghiệp, nhưng có khả năng tạo được chút nhân ái nào thì nên làm như những cán bộ trại giam B14 thì cũng nên làm cho cuộc đời chút ấm áp giữa lúc lạm phát phi mã như thế này.

Theo: Blog NBG

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More