23/3/12

Châu Á chuyển hướng quan hệ với Trung Quốc


Austin BayReal Clear Politics
-
“Các quốc gia ASEAN, lại xem Trung Quốc như một đế quốc chuyên bắt nạt. Việt Nam đang đề xuất những hợp đồng khai thác dầu và khí đốt cho Ấn Độ. Người Philippine đang có lại sự tôn trọng mới đối với Hải quân Hoa Kỳ. Nhật và Hoa Kỳ hiện đang tích cực theo đuổi những chương trình phòng thủ tên lửa. Những cuộc chiến tranh cục bộ mà Trung Quốc muốn thắng đang ngày càng trở nên phức tạp, với việc Trung Quốc phải đối diện với những liên minh trong khu vực đang chiến đấu trên nhiều mặt trận.”
Khu vực láng giềng cứng rắn của Trung Quốc lại trở nên cứng rắn hơn về ngoại giao lẫn quân sự, và Bắc Kinh nên đổ lỗi cho thất bại chính trị của mình.

Hãy xem Việt Nam và Nam Hàn, hai láng giềng có tiềm năng quân sự cao. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, binh lính Nam Hàn từng giao chiến với quân Hà Nội. Ngày nay, hai quốc gia đều xem nó như là lịch sử lâu đời, và họ ngày càng hành động như những đồng minh không chính thức. Tuần này, Nam Hàn và Việt Nam đã thông báo rằng họ sẽ củng cố hợp tác quốc phòng song phương và tiến hành một “thảo luận chiến lược” về những vấn đề quốc phòng. Hợp tác quốc phòng bao gồm việc trao đổi đào tạo các sĩ quan cao cấp và hợp tác trong công nghiệp quốc phòng. Các chương trình trao đổi đào tạo sĩ quan cao cấp là một chính sách đầu trước khi dự thảo các kế hoạch quốc phòng chung.

Tại sao lại có hiện tượng liên kết khu vực này? Hãy bắt đầu với sự thấu hiểu mà các nhà lãnh đạo quốc phòng của Nam Hàn và Việt Nam thấy được trong việc ai và điều gì trong ý nghĩa “cục bộ” mà Trung Quốc nêu lên.

Hôm 5 tháng Ba, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khi phát biểu trước Quốc hội Nhân dân Trung Quốc, đã nhận xét rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của quân đội Trung Quốc là “chiến thắng những cuộc chiến tranh cục bộ trong hoàn cảnh Thời đại Thông tin.”

Ai đấy cần nhắc với Thủ tướng Ôn rằng thậm chí trong Thời đại Thông tin, phương ngôn địa ốc lâu đời (“địa điểm, địa điểm, địa điểm”) vẫn có hệ quả chiến lược. Câu nói “chiến thắng những cuộc chiến tranh cục bộ” đã in sâu vào đầu một số người tại Seoul và Hà Nội, đặc biệt là khi Bắc Kinh vừa tăng cường ngân sách quốc phòng của mình lên 11%.

Cuộc chiến tranh Triều Tiên đã — và đang — là một cuộc chiến tranh cục bộ của Trung Quốc. Trung Quốc đã tấn công vào cuối năm 1950, khi quân đội Hoa Kỳ tiến về hướng bắc gần biên giới Trung Quốc – Triều Tiên. Mối mâu thuẫn còn tồn đọng này có thể chỉ là di tích trong Thời đại Thông tin, nhưng người Nam Hàn biết rằng những vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn có thể đưa cả bán đảo về Thời đại Đồ đá. Tuy nhiên, Trung Quốc trên mặt ngoại giao vẫn tiếp tục bảo vệ chính thể Stalinist của Bắc Hàn.

Hãy tin rằng cả Trung Quốc và Việt Nam đều vẫn còn nhớ đến cuộc chiến cục bộ của họ vào năm 1979. Đặng Tiểu Bình từng tuyên bố rằng Trung Quốc khổng lồ sẽ dạy Việt Nam nhỏ bé một bài học. Cuộc tranh chấp biên giới này đã để lại 20 nghìn xác chết Trung Quốc. Chứng kiến sự vượt trội của Việt Nam trong lĩnh vực chiến thuật và vận hành quân sự, Đặng nhận ra rằng chính Trung Quốc cần phải học hỏi nhiều. Ông đã tăng cường nỗ lực hiện đại hoá quân đội Trung Quốc sau đó.

Tuy nhiên, cuộc giao tranh “cục bộ” giữa Trung Quốc và Việt Nam vào năm 1988 tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông có thể mang tính quan trọng cấp thời hơn, không chỉ đối với Việt Nam và những quốc gia dọc theo bờ Biển Đông, mà còn đối với Nhật Bản và Nam Hàn, vốn cũng có những tranh chấp về hải phận và đảo với Trung Quốc. Tháng Ba 1988, lực lượng Trung Quốc và Việt Nam đã giao tranh để giành quyền kiểm soát một số hòn đảo. Trung Quốc đã thắng trong cuộc chạm trán này, đánh bật Việt Nam và cho đến nay vẫn giữ quyền kiểm soát. Trận chiến này nhắc lại một cuộc tấn công của Trung Quốc năm 1974 vào quần đảo Hoàng Sa từng do chính quyền Nam Việt Nam kiểm soát.

Địa điểm, địa điểm, địa điểm. Những hòn đảo này nằm trên những vựa dầu hoả và khí đốt. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần 80% của biển Đông. Việt Nam, Philippine, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Đài Loan và thậm chí Cambodia cũng tuyên bố chủ quyền từng phần khu vực biển này. Trung Quốc đã thiết lập những cơ sở quân sự trên một số đảo và rặng san hô đang bị tranh chấp, bao gồm đảo Vành Khăn, vốn được Manila xem là trực thuộc Philippine.

Cho đến nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn tin rằng việc hùng hổ cục bộ thì đáng giá với phần thưởng về nguồn tài nguyên năng lượng địa phương. Bắc Kinh biết rằng giảm bớt sự dựa dẫm năng lượng vào khu vực Trung Đông thiếu ổn định là quyết định thông minh về kinh tế lẫn chính trị. Hơn nữa, đối thủ Ấn Độ với tiềm năng quân sự đang thống lĩnh những tuyến hàng hải trên Ấn Độ Dương, nơi các tàu vận tải miệt mài chuyên chở dầu từ Ả Rập, Iran và châu Phi đến Trung Quốc.

Chia để trị là một chiến lược sắc sảo, nhưng việc Trung Quốc thống trị ở biển Đông có thể giúp giảm bớt sự chia rẽ chính trị giữa những nước láng giềng. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã cố gắng ngăn cản khối ASEAN trở thành một liên minh quân sự. Họ đã tìm cách lợi dụng những bất đồng giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, giữa Philippine và Hoa Kỳ, nhằm giảm bớt ảnh hưởng của người Mỹ. Bắc Kinh đã tươi cười khi Hải quân Hoa Kỳ rời khỏi những căn cứ ở Philippine...

Tuy nhiên các quốc gia ASEAN lại xem Trung Quốc như một đế quốc chuyên bắt nạt. Việt Nam đang đề xuất những hợp đồng khai thác dầu và khí đốt cho Ấn Độ. Người Philippine đang có lại sự tôn trọng mới đối với Hải quân Hoa Kỳ. Nhật và Hoa Kỳ hiện đang tích cực theo đuổi những chương trình phòng thủ tên lửa. Những cuộc chiến tranh cục bộ mà Trung Quốc muốn thắng đang ngày càng trở nên phức tạp, với việc Trung Quốc phải đối diện với những liên minh trong khu vực đang chiến đấu trên nhiều mặt trận.

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More