19/3/12

Huyền Thoại Một Nhà Thơ


Một ngày sau năm 1975, sau khi hai miền Nam Bắc “được” giao thông, một ông già tóc râm đang thả bộ trên đường phố Sài Gòn bỗng nghe lời ca tiếng nhạc phát ra từ một người đàn ông cụt chân với cái đàn guitar cũ kỹ hát xin tiền

Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
khi còn tóc buối vai
Mấy lúc xong pha ngoài trận tuyến ai hẹn được ngày về
rồi một chiều mây bay
Từ nơi chiến trường đông bắc đó lần ghé về thăm xóm
hoàng hôn tắt sau đồi
Lời ca nghe sao quen quá! Ông lão mới mon men đến hỏi. Thì ra là bài “Những Đồi Hoa Sim” và đó lần đầu tiên ông được nghe. Ông yêu cầu người hành khất hát lại một lần nữa. Nghe hát xong, ông vét sạch tiền trong túi bỏ vào chiếc ca nhựa và nói: “Tôi là tác giả bài thơ được phổ nhạc” rồi bước đi với đôi mắt ngấn lệ …
Ông lão già tóc râm đó là Hữu Loan.
Nhắc đến nhà thơ Hữu Loan là chúng ta nhắc đến bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” đã làm say lòng không biết bao nhiêu thế hệ yêu thơ. Bài thơ chân thực và xúc động ấy có một sức sống kỳ lạ. Bài thơ kể lại mối tình của chính nhà thơ với người phụ nữ đầu tiên trong đời đầy bi kịch. Bài thơ được làm để khóc người vợ mà nhà thơ hằng yêu quý vừa bị chết thảm.
Nỗi đau vợ chết thảm ông phải giấu kín trong lòng, không được cho đồng đội biết để tránh ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của họ. Ông như một cái xác không hồn. Càng đè nén thì nỗi đau càng dữ dội hơn. Một buổi trưa năm 1949, trong thời kỳ theo kháng chiến, lúc đang đóng quân ở Nghệ An, cơn đau trong lòng ông được bung ra, ông ngồi lặng đi ở đầu làng, hai mắt ông đẫm ướt, ông lấy bút ra ghi chép. Không cần phải suy nghĩ nhiều, những câu những chữ mộc mạc cứ trào ra:
Tự chiến khu xa
nhớ về ái ngại
Lấy chồng đời chiến binh
mấy người đi trở lại !
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ bé bỏng chiều quê
*
Nhưng không chết
Người trai khói lửa
Mà chết
Người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
Không gặp nàng
Mẹ tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương
Tàn lạnh vây quanh…
Viết bài thơ vào cái quạt giấy để lại cho người bạn, người bạn này đã chép lại và truyền tay nhau trong suốt những năm chiến tranh. Bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” ra đời như vậy đó. Người vợ hiền của nhà thơ mất đi, đứa con tinh thần này của nhà thơ ra đời.
Tuy không ấn hành, nhưng bài thơ đã được truyền miệng rộng rãi và sau đó được Nguyễn Bính đăng trên tờ “Trăm Hoa”. Rồi bi kịch chiến tranh trong bài thơ đã góp phần trở thành bi kịch của đời nhà thơ.
“Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho tôi là phản động. Tôi phản động ở chỗ nào? Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được khóc? Bọn họ xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của tôi đối với người vợ mà tôi hằng yêu quý, cho nên vào năm 1956, tôi bỏ đảng, bỏ cơ quan, về nhà để đi cày. Họ không cho bỏ, bắt tôi phải làm đơn xin. Tôi không xin, tôi muốn bỏ là bỏ, không ai bắt được! Tôi bỏ tôi về”. Đó là lời ông tự thuật. Năm 1988, khi có sự “Đổi mới”, ông đã viết bài “Lời Tự Thuật” gửi cho báo Lao động Chủ nhật nhưng không được đăng. 19 năm sau, nhà thơ lúc ấy đã 91 tuổi, đồng ý để Talawas công bố bài trên.
“Mất nàng, mất tất cả, tôi chán đời, chán kháng chiến, bỏ đồng đội, từ giã văn đàn về quê làm ruộng, một phần cũng vì tính tôi' hay cãi, thích chống đối, không thể làm gì trái với suy nghĩ của tôi'. Bọn họ chê tôi ủy mị, hoạch hoẹ đủ điều, không chấp nhận đơn từ bỏ kháng chiến của tôi. Mặc kệ! Tôi thương tôi, tôi nhớ hoa sim của tôi quá ! với lại tôi cũng chán ngấy bọn họ quá rồi!”. Đó cũng là tâm tình của ông trong “Lời Tự Thuật”.
Những năm 1955-1956, phong trào văn nghệ sĩ miền Bắc bùng lên với sự xuất hiện của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chống chính sách độc tài, đồng thời chống những bồi bút cam tâm lừa thầy phản bạn, ca ngợi này kia để kiếm chút cơm thừa canh cặn. Làm thơ lúc bấy giờ là phải ca tụng, trong khi đó thì ông lại đề cao tình yêu, khóc vợ, bị cho là tình cảm tiểu tư sản, phản động. Bất mãn, Hữu Loan bỏ đảng, bỏ cơ quan, bỏ về quê để trút bỏ mọi phiền muộn, làm công việc của một người thồ đá, nặng nề về thể xác nhưng thanh thản cho đầu óc. 
Về quê cũng không yên, “bọn họ” (từ ông dùng) tịch thâu xe của ông, ông phải đi xe cút kít, loại xe bằng gỗ, có một bánh xe cũng bằng gỗ ở phía trước và 2 cái càng ở phía sau để đủn hay kéo. Xe cút kít họ cũng không cho, nên ông phải gánh bộ. Gánh bằng vai, ông cũng cứ gánh, không chịu khuất phục. Họ theo dõi, ngăn cản. Đi đến đâu cũng có công an theo dõi, cho người hại ông. Nhưng lúc nào cũng có người cứu ông. Thơ của ông đã có lần cứu sống ông. Có một tên công an mật được giao nhiệm vụ theo dõi để ám sát ông, nhưng tên ấy đã tìm gặp và nói với ông rằng, hắn sinh ở Yên Mô, rất thích bài thơ Yên Mô của ông viết về tỉnh Yên Bình quê hắn. Hắn thường đem bài thơ Yên Mô của ông ra đọc cho đỡ nhớ, và mỗi lần định giết ông, hắn lại nhớ đến quê mình nên lại thôi, không nỡ giết ông, từ bỏ ý định ám sát.
Lúc còn là chính trị viên của tiểu đoàn, chứng kiến tận mắt những chuyện đấu tố, ông đâm ra chán nản, không còn hăng hái kháng chiến nữa. Kháng chiến khiến chán. Ông thú thật, lúc đó ông thất vọng vô cùng.
Ông thuật lại chuyện một trường hợp một địa chủ bị đấu tố có liên quan trực tiếp đến đời ông như sau:

Lúc ấy, trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, gần nơi ông ở, có một gia đình địa chủ rất giàu. Ông địa chủ đó rất giàu lòng nhân đạo và rất yêu nước. Ông địa chủ thấy bộ đội sư đoàn 304 của Hữu Loan thiếu ăn, nên ông thường cho tá điền gánh gạo đến chỗ đóng quân để ủng hộ. Lúc đó Hữu Loan là trưởng phòng tuyên huấn và chính trị viên của tiểu đoàn nên phải đại diện cám ơn tấm lòng tốt của ông, đồng thời đề nghị lên sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen để vinh danh ông. Thế rồi, một hôm, Hữu Loan được tin gia đình ông địa chủ bị đấu tố. Hai vợ chồng ông địa chủ bị đem ra đình làng cho dân xỉ vả, rồi chôn xuống đất, chỉ để lòi ra hai cái đầu, xong họ cho trâu kéo bừa qua bừa lại hai cái đầu, cho đến chết. Gia đình ông bà địa chủ bị xử tử hết, chỉ có một cô con gái 17 tuổi được tha chết nhưng bị đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ rách. Tàn nhẫn hơn nữa, họ còn ra lệnh cấm không cho ai được liên hệ, nuôi nấng hoặc thuê cô ta làm công. Thời đó, dân chúng còn bị cấm đoán cả việc lấy con cái địa chủ làm vợ làm chồng.
Biết chuyện thảm thương của gia đình ông bà địa chủ, biết cô bé lúc còn nhỏ, Hữu Loan trở về xã để xem tình trạng cô con gái của họ sinh sống ra sao. Ông về bắt gặp cô ta áo quần rách rưới, mặt mày lem luốc, đang lom khom nhặt những củ khoai mà dân bỏ sót, nhét vào túi áo, chùi vội một củ rồi đưa lên miệng gặm, ăn khoai sống cho đỡ đói. Quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra, ông đến gần hỏi thăm và được cô kể lại rành rọt hôm bị đấu tố cha mẹ cô bị chết ra sao. Cô khóc nức nở và cho biết ai cũng xua đuổi, không dám gần gũi cô. Cô cho hay hằng ngày cô đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong miếu hoang. Hữu Loan mủi lòng, bất chấp lệnh cấm, lấy cô làm vợ.
Đó là bà Phạm Thị Nhu, sống cùng ông từ đó cho đến ngày ông qua đời, có với nhau 10 người con: 6 trai, 4 gái và hơn 30 cháu nội ngoại.
Cuộc đời ông trải qua quá nhiều thăng trầm. Trong mấy chục năm dài, ông về quê an phận thủ thường, chẳng màng đến thế sự, vậy mà “bọn họ” vẫn trù dập, không chịu để ông yên. Ông chỉ còn biết đổ đau thương lên đá. Ông tưới rượu lên mặt đá và thề sẽ bám đá mà sống. Ngày ngày, ông nạy từng khối đá đưa lên chiếc xe cút kít thô sơ đem đi bán ở các nơi làm vật liệu xây dựng. Bán cả chục xe đá mới kiếm đủ ngày hai bữa cơm dưa muối cho đàn con. Nhiều khi ế ẩm, đá chất đầy vườn, cả tháng không ai hỏi mua. Thời gian trôi qua, Hữu Loan trở thành người thợ đá da đen đúa, chân tay chai sần, rắn rỏi, tua tủa tóc rễ tre, đi đứng nói năng mạnh mẽ hơn xưa. Cặm cụi vật lộn với núi đá, ông nuôi cả mười đứa con khôn lớn. Hơn mười năm sau cùng, tuổi đã lớn, Hữu Loan thôi không còn sức để bám núi đá nữa. Ông lui về nhà, trải chiếu trên thềm, ngày ngày ngồi nhâm nhi rượu và ngóng đợi con cháu về thăm, ngóng đợi những chuyển động đổi thay phận mình, đổi thay cho gia đình, cho làng xóm, cho nước nhà.
Vào tuổi gần đất xa trời, cuối năm 2004, công ty ViTek VTB đột nhiên đề nghị mua bản quyền bài “Màu Tím Hoa Sim” của ông với gía 100 triệu đồng VN. Đây là một sự kiện được coi chưa từng xảy ra. Từ trước tới nay chưa có bài thơ nào được mua tác quyền với giá cao đến như vậy. Vì sao một doanh nghiệp thương mãi lại đi mua bản quyền một bài thơ? Có nguồn tin cho rằng đây là một sự sắp xếp, mua chuộc, để đền bù những mất mát thiệt thòi trong mấy chục năm của ông. 100 triệu đồng đủ để ông trang trải cuộc sống, bớt đi những khó khăn về vật chất trong những năm cuối đời, và mong ông “tái xuất giang hồ”. 100 triệu đồng trừ thuế còn 90 triệu, ông chia cho 10 người con hết 60 triệu, trích một ít để in tập thơ khoảng 40 bài mang tên Thơ Hữu Loan và ông giữ lại 30 triệu phòng đau ốm lúc tuổi gìa. Sau đó cũng có một số công ty khác xin ký hợp đồng mua mấy bài thơ khác nhưng ông từ chối “Thơ tôi làm ra không phải để bán!”
Đó là con người và bản tính bất khuất của một nhà thơ nổi tiếng của văn học Việt Nam.
Màu Tím Hoa Sim là màu tang thương của một tình yêu định mệnh, một tình vợ chồng ngắn ngủi. Màu Tím Hoa Sim còn là một nỗi ám ảnh khôn nguôi của cả dân tộc về chiến tranh, về những bi kịch trong chiến tranh. Điều đó giải thích vì sao bài “Màu Tím Hoa Sim” ngay từ khi đất nước còn bị chia cắt đã được độc giả cả hai miền Bắc-Nam cùng yêu thích.
Bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, như “Những đồi hoa sim” của Dzũng Chinh, “Áo anh sứt chỉ đường tà” của Phạm Duy và “Chuyện hoa sim” của Anh Bằng. Mỗi ca khúc một vẻ, tất cả đều đều tôn vinh thi phẩm.
Hữu Loan đi qua chín năm kháng chiến với mười bài thơ. Đó là toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông. Thơ của ông có niềm khát khao cháy bỏng cho một đất nước được tự do.
Thi sĩ Hữu Loan ra đi vào ngày 18 tháng 3 năm 2010, cách đây đúng 2 năm, nhưng bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” và khí phách của ông còn ở lại mãi mãi với chúng ta và sẽ còn tím mãi màu hoa sim trên dương thế. Sau 95 năm tồn tại nhọc nhằn nhưng rắn rỏi giữa cuộc đời, Hữu Loan đã nằm xuống, nhẹ nhàng và thanh thản, để lại cho đời một pho chuyện kể, thật nhưng lạ kỳ như huyền thoại, để lại cho hậu thế không chỉ di sản thơ ca mà cả một nhân cách sống. Huyền thoại một nhà thơ bất khuất.
18 tháng 3 năm 2012

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More