Trần Trung Đạo Tháng trước tôi đi thăm Ấn Độ, nơi tiếng Anh chế ngự trong hầu hết các sinh hoạt của đời sống và môi trường chuyên nghiệp. Khi vừa về lại nhà đọc tin Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam vừa công bố một dự thảo đưa tiếng Hoa vào bậc tiểu học và trung học với lượng thời gian bốn tiết mỗi tuần. Tôi ngạc nhiên tự hỏi tại sao lại có một chính sách giáo dục đi ngược đà tiến của thế giới đến như vậy. Nhưng sau đó, một thông cáo khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích là “học sinh dân tộc Hoa ở Việt Nam”.
Dù chỉ dành cho học sinh các "dân tộc thiểu số” thôi, tôi vẫn nghĩ đó là một chủ trương sai. Ngoại ngữ là phương tiện để hội nhập vào thế giới. Học ngoại ngữ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước. Với thời gian và nguồn năng lực giới hạn, học sinh Việt Nam nói chung chỉ nên tập trung vào một hay hai ngoại ngữ, trong đó Anh ngữ phải được xếp quan trọng hàng đầu.
Hai trong số những ưu thế của Ấn Độ là dân chủ và Anh ngữ, nhưng có dịp trực tiếp làm việc vài tuần ở đó tôi mới hiểu rõ hơn về sức mạnh của dân chủ và sự tiện dụng của tiếng Anh trong đời sống tại quốc gia này. Tôi xin trích vài đoạn trong ký sự về chuyến đi thăm Ấn Độ của tôi có liên quan đến việc học tiếng nước nào tốt nhất qua mối giao tình với một anh tài xế tắc xi và đời sống của các chuyên viên kỹ thuật ở Ấn.
Cuối tháng Hai, sau hai tuần đi vài nơi trên miền bắc, chúng tôi từ New Delhi trở lại Bangalore, thành phố lớn nhất ở miền nam và được xem như “Silicon Valley” của Ấn Độ. Càng đi về phía nam như Chennai, Mandurai, chúng ta sẽ gặp người dân Ấn có màu da đen hơn. Theo lịch sử văn minh Ấn, người miền bắc gốc Aryans da trắng và miền nam gốc Dravidians da đen. Các cuộc di dân giữa hai miền qua suốt chiều dài lịch sử đã làm cho màu da ngày càng bảo hòa dần nhưng vẫn còn khá rõ giữa dân Ấn hai miền nam bắc. Giống như người Việt, người Ấn hay nhấn mạnh về lịch sử bảy ngàn năm của họ. Đúng ra, các nhà văn minh học chỉ công nhận năm ngàn năm lịch sử Ấn, còn hai ngàn năm kia dựa vào các huyền sử hơn là các khám phá khoa học.
Đón gia đình tôi ở phi trường cũng là VJ. Tôi sẽ gọi tên anh như vậy trong bài này. VJ là người tài xế đầu tiên đã đón tôi ở Bangalore hai tuần trước. Gặp lại nhau ở Bangalore, anh rất mừng. Tôi kể anh nghe chuyện đi từ bắc xuống nam. Nhiều nơi tôi đến như Varanasi, Sarnath anh chưa từng qua. Trong bốn tài xế đã đưa đón chúng tôi trong thời gian làm việc và thăm viếng ở Ấn, VJ xuất sắc trong nhiều lãnh vực. Anh học đại học nhưng vì lý do gia đình nên không hoàn tất. Ba anh mất sớm, anh phải đi làm để nuôi mẹ, rồi mẹ cưới vợ cho anh và vợ chồng anh có con đầu lòng. Bây giờ trở lại trường rất khó. Anh được tuyển dụng làm tài xế xe tắc xi cho một công ty du lịch hợp đồng đưa đón khách cho bộ phận Ấn Độ của công ty tôi đang làm việc. Nhờ khả năng tiếng Anh, đức tính tốt và tinh thần làm việc tận tụy, hãng thường yêu cầu anh đón đưa các khách từ Mỹ sang. Trình độ tiếng Anh giúp cho anh VJ có một đời sống khá đầy đủ trong lúc các tài xế khác cùng công ty vất vả hơn nhiều. Khách Mỹ sang thăm Ấn thường tặng tiền thưởng rộng rãi vì ngoài thói quen cho tiền “típ” và tỉ giá cao của đô la so với Rupee, tiền thưởng chẳng phải tiền từ túi riêng của họ. Về Mỹ họ sẽ khai chi phí chuyến đi và được hoàn trả lại đầy đủ. Tiếng Anh không những giúp VJ có được các tiện nghi của đời sống nhưng quan trọng hơn là kiến thức và những giá trị tinh thần khác làm phong phú thêm đời sống con người anh. Những đồng nghiệp người Mỹ của tôi đã từng được anh đưa đón đều nói về anh với lòng kính trọng.
VJ giới thiệu với tôi về sức mạnh tâm linh của người dân Ấn. Dưới vó ngựa của các đoàn quân viễn chinh Hồi Giáo tràn sang lục địa Ấn từ cuối thế kỷ 11, nếu không có một bức tường tâm linh dày và mạnh, Ấn Độ có thể đã trở thành một quốc gia Hồi Giáo như nhiều quốc gia ở vùng Trung Á. Tôi đồng ý nhưng cho rằng sức mạnh đó chưa đủ, bằng chứng Ấn Độ đã bị các lãnh chúa Hồi Giáo cai trị một cách sắc máu suốt mấy trăm năm và nếu không có thực dân Anh, có thể ngày nay vẫn còn bị cai trị. Tôi chia sẻ quan điểm của anh đối về thành phần Hồi Giáo cực đoan tại Ấn nhưng đồng thời cũng phê bình ảnh hưởng tiêu cực tôn giáo còn tồn đọng trong xã hội Ấn. Sau tuần đầu đón đưa tôi mỗi ngày mấy bận, thảo luận và cả tranh luận trong lúc kẹt xe, chúng tôi mến nhau.
Tôi không còn xem anh là tài xế và anh cũng hết xem tôi như khách. Chúng tôi cùng ăn cơm một bàn, cùng uống cà phê một tiệm, trước khi gia đình tôi sang nghỉ hè, chúng tôi cùng lang thang trong những chiều nhộn nhịp sau giờ làm việc. Những chuyện đó được xem là bình thường ở Mỹ nhưng không xảy ra ở Ấn Độ. Theo lời VJ kể, anh chưa bao giờ ăn cơm chung hay ngồi nhâm nhi cà phê với khách, dù khách Ấn hay khách nước ngoài. Khi có các đồng nghiệp Ấn ăn cơm với tôi, VJ thường tránh đi chỗ khác. Tôi để ý các đồng nghiệp Ấn Độ thường lên giọng với những người cấp dưới và tỏ vẻ không vui khi nghe tôi kể chuyện tôi và VJ đi ăn cơm chung. VJ đồng ý việc phân biệt đẳng cấp còn nhiều nhưng chỉ ở các vùng quê xa xôi, tại các đô thị lớn vị trí được quy định bằng quyền lợi kinh tế và quyền lực chính trị. Anh cho biết chuyện anh không ngồi chung bàn ăn với tôi khi có đồng nghiệp Ấn chỉ vì lý do nghề nghiệp quy định chứ không phải do đẳng cấp xã hội.
VJ nói về tương lai của con anh bằng niềm hãnh diện và hy vọng. Anh tin chế độ dân chủ tự do sẽ giúp cho đất nước Ấn vượt qua những hàng rào tiêu cực trong xã hội, xóa bỏ các tàn tích, các phân biệt, định kiến từ xưa để lại. Khi con người có quyền tự do phát biểu theo luật định và được bảo vệ bởi hiến pháp, các hàng rào tập quán tiêu cực sẽ dần dần được thay đổi. Theo anh, Ấn Độ đã thay đổi rất nhiều và đang trên đường hiện đại hóa. Hệ thống xe điện tại Bangalore vừa khánh thành trước ngày tôi qua vài tháng đã giúp rất nhiều trong việc đi lại của dân nghèo. Dĩ nhiên, với một quốc gia có 1.2 tỉ dân, hàng trăm thứ tiếng, khoảng cách giữa giàu và nghèo còn dài hơn cả cầu Kanpur 23 kilomet, mọi cải cách đều phải có thời gian.
Vai trò và ảnh hưởng của truyền thông tại nhiều thành phố lớn của Ấn không thua kém gì các nước dân chủ phát triển. Trong thời gian tôi ở đó vào đầu tháng Hai, một ông tướng Ấn khai man lý lịch và bị đưa lên tận Tối cao Pháp viện để xử. Mỗi khi mở CNN India là nghe chuyện ông tướng Ấn này. Tôi đem hỏi VJ và anh chàng giải thích, năm sinh của ông tướng Ấn này công bố trong hai tài liệu không giống nhau. Tài liệu thứ nhất ông tướng khai ông sinh 1952 và tài liệu công bố sau ông tướng khai ông sinh 1953. Báo chí đưa vấn đề ra trước dư luận. Tòa phán quyết ông sinh 1952 chứ không phải 1953 như ông cải chính. Cuối cùng, vì khai khác biệt chỉ một năm thôi, ông tướng đã phải từ chức. Tôi nói với VJ, các bạn thật may mắn, tại Việt Nam, nhân dân nhiều khi không biết ngay cả tên thật của những người lãnh đạo đừng nói chi là ngày sinh tháng đẻ. VJ biết khá nhiều về Việt Nam và anh hy vọng Việt Nam cũng sớm có một ngày trở nên một nước tự do dân chủ như Ấn Độ.
Vì lý do nghề nghiệp tôi có dịp đi khá nhiều nhưng Ấn Độ để lại trong lòng nhiều kỹ niệm đẹp về văn hóa, lịch sử và nhất là con người. Không giống như cách đối xử với các anh tài xế ở Chennai, Varanasi, New Dheli, tiền thưởng dành cho VJ tôi để trong một bì thơ và kín đáo tặng cho anh ngay đêm đó. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi như hai người bạn bịn rịn tiễn đưa nhau ở một góc phi trường. Chúng tôi từng người bắt tay tạm biệt anh. VJ chúc con gái út tôi học giỏi và mong gặp vợ con tôi. Nhóm làm việc của tôi phần lớn nằm ở Chennai, nên việc trở lại Bangalore , nhất là vợ con tôi, chắc là rất khó. Lần đầu tiên tôi bước xuống xe tắc xi mà nghe lòng quyến luyến với anh tài xế. Và anh có thể cũng vậy, ít khi đổ một người khách xuống mà không muốn chia tay.Tình người quả thật vô cùng kỳ diệu.
Ngoài VJ, thành phần thứ hai tôi tiếp xúc nhiều nhất là các đồng nghiệp trong ngành kỹ thuật thông tin như tôi ở Bangalore.
Trong số những thành phố tôi đi qua, Bangalore là thành phố hiện đại nhất, không chỉ điều kiện giao thông, thiết kế đô thị nhưng cả trong sinh hoạt hàng ngày của dân chúng. Bangalore có 8 triệu dân, là thủ phủ của tiểu bang Karmataka. Với mức tăng trưởng kinh tế 10.3% mỗi năm, Bangalore là một trong những tiểu bang phát triển nhanh nhất của Ấn Độ. Hiện nay, Bangalore đang đứng thứ sáu trong danh sách những tiểu bang có mức tổng sản lượng quốc gia tính theo đầu người cao nhất Ấn Độ. Báo chí so sánh Bangalore với vùng Santa Clara ở California, nơi được gọi là Silicon Valley của Mỹ. Rất nhiều chi nhánh hải ngoại của các công ty kỹ thuật thông tin Mỹ đặt tại Bangalore.
Phần lớn các công ty nằm gần nhau trong các Công Viên Kỹ Thuật Thông Tin (Information Technology Park) và được bảo vệ an ninh thật chặt chẽ. Các tòa nhà xây gần đến nỗi khi mới bước vào lần đầu tôi tưởng chỉ một công ty tôi đang làm thôi. Các chuyên viên Ấn thay đổi công việc làm nhanh hơn các chuyên viên ở Mỹ rất nhiều. Tuy làm việc cho các công ty khác nhau, sự thông tin liên lạc giữa họ rất gần gũi. Một công ty nào đó cần người cả khu mấy chục công ty đều biết. Các kỹ sư, chuyên viên Ấn ăn cơm chung trong những nhà ăn lớn, đi xe chung, nghỉ ngơi chung, giải trí chung, tập thể dục chung. Ở Mỹ thay đổi một công việc nhiều khi còn phải bán nhà, ở Ấn thay đổi công việc giúp họ lên lương nhưng không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày, vẫn đi một xe, làm việc trong một khu, ăn trong một nhà ăn và có thể cũng làm giống một giờ giấc đã quy định trong công việc trước.
Nhiều người nghĩ rằng dân Ấn Độ có khuynh hưởng giỏi về ngành thông tin kỹ thuật hơn dân các quốc gia khác. Tôi nghĩ điều đó không đúng. Lợi thế lớn nhất của các kỹ sư Ấn Độ là Anh ngữ chứ không phải vì họ thông minh hơn kỹ sư các nước khác. Nhóm tôi làm việc thường được gọi là “tiểu Liên Hiệp Quốc” vì nhân viên có gốc từ nhiều nước khác nhau nhưng ngoài tiếng Anh, tôi không thấy sự khác nhau nỗi bật nào giữa một kỹ sư Ấn và một kỹ sư gốc Rumani.
Mặc dù tiếng Hindi là ngôn ngữ quốc gia và tiếng địa phương là ngôn ngữ được dùng hằng ngày ở nhà, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ của đời sống xã hội. Không giỏi tiếng Anh suốt đời làm những công việc có đồng lương được trả theo mức địa phương, và dĩ nhiên rất thấp so với lương các công ty nước ngoài. Hầu hết trường học đều dạy ba sinh ngữ. Một bảng hiệu, một thông báo trên đường đi được viết bằng ba thứ tiếng gồm Hindi, Anh ngữ và tiếng địa phương. Các kỹ sư vừa mới ra trường từ một đại học lớn ở Ấn Độ, nói tiếng Anh có thể còn khó nghe nhưng trình độ viết của họ không kém gì kỹ sư Mỹ và có thể còn nghiêm chỉnh, chính xác hơn.
Sau khi giành được độc lập, một số chính trị gia Ấn Độ bảo thủ chủ trương chỉ dùng Hindi như quốc ngữ và loại hẳn Anh ngữ ra khỏi các chương trình giáo dục. Một khuynh hướng cho rằng chỉ nên dùng Anh ngữ trong bậc trung học trở lên thay vì từ bậc tiểu học. Nhưng cả hai chủ trương bảo thủ đều thất bại, Anh ngữ vẫn tiếp tục được xem là một trong ba ngôn ngữ chính thức tại Ấn Độ.
Lợi thế tiếng Anh đã mang đến cho các thế hệ chuyên viên kỹ thuật trẻ Ấn một cơ hội tốt khi các công ty Mỹ vào đầu thập niên 1990 bắt đầu khai thác các thị trường thông tin kỹ thuật ở các nước đang phát triển. Rất nhiều đề án tin học có thời gian rộng rãi để hoàn thành không cần phải được viết tại Mỹ với giá cao. Tương tự, các công việc bảo trì các cơ sở dữ liệu phải làm vào ban đêm theo giờ Mỹ lại rất thích hợp để làm tại Ấn vì cùng lúc bên đó là ban ngày.
Nguồn cung cấp lớp chuyên viên và kỹ sư trẻ thỏa mãn hai điều kiện kỹ thuật và tiếng Anh không đâu khác hơn là Ấn Độ. Từ đó đã tạo nên một truyền thống giáo dục, thôi thúc các thế hệ học sinh Ấn theo học các ngành kỹ thuật và giúp cho Ấn Độ phát triển nhanh trong lãnh vực này. Tuy nhiên, thị trường của các ngành kỹ thuật thông tin tại Ấn đã đến mức bảo hòa. Lương bổng cao vì sự cạnh tranh giữa các công ty ngoại quốc. Ngay cả một số kỹ sư gốc Ấn làm việc tại Mỹ cũng trở về làm việc cho các công ty nước ngoài tại Ấn để vừa gần gũi gia đình vừa có một đời sống tốt. Các công ty Mỹ đang nhìn sang các quốc gia khác ở Á châu nhưng thách thức lớn nhất của các thế hệ kỹ sư trẻ trong vùng này vẫn là Anh ngữ.
Những bữa cơm trưa ở Bangalore, tôi thường ăn cơm chung với các chuyên viên người Ấn trong những nhà ăn rất rộng. Đa số họ còn rất trẻ, vui tươi, năng động. Nhìn họ tôi thầm nghĩ đến các thế hệ trẻ Việt Nam. Nếu có điều kiện để được tự do phát triển và có một trình độ tiếng Anh tương đối vững vàng, các thế hệ trẻ Việt Nam sẽ phát triển rất nhanh, không thua kém, đừng nói chi Ấn Độ, mà bất cứ một quốc gia nào khác trên thế giới.
Tiếng Anh không nên hiểu đơn giản là tiếng của người Anh hay người Mỹ nhưng là ngôn ngữ có tính phổ quát nhất trong cộng đồng nhân loại ngày nay với ít nhất được 58 quốc gia công nhận như là ngôn ngữ chính thức và hầu hết các quốc gia còn lại đổ xô nhau đi học. Cùng với sự phát triển của các mạng lưới thông tin xã hội như Twitter, Facebook v.v. nhằm nối kết con người dù họ đang sống một góc nào đó của thế giới, vai trò của Anh ngữ càng thêm quan trọng. Sự thành công của Ấn Độ, Singapore cho thấy chính sách ngoại ngữ của một quốc gia là một chính sách giáo dục dài hạn, không nên đặt ra các chương trình học ngoại ngữ chỉ để đáp ứng nhu cầu chính trị ngắn hạn, và nhất là chỉ để làm vui lòng giới lãnh đạo một “nước lạ” nào đó.
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét