Họ không phải là giới dễ dàng tin tưởng vào thực tâm cải tổ của chế độ mới tại Miến Điện. Tuy nhiên, quy mô và tốc độ mở cửa chính trị theo chiều hướng dân chủ hơn ở trong nước, kèm theo lòng yêu quê hương, đang dần dần xóa nhòa nỗi hoài nghi của những người Miến Điện lưu vong và thôi thúc họ trở về xây dựng đất nước.
Aung Naing Oo (phải) trả lời phỏng vấn tại Bangkok |
Một trong rất nhiều thí dụ nêu bật xu thế này là trường hợp của Aung Naing Oo. Vào năm 1988, sau khi phong trào nổi dậy của sinh viên bị chính quyền quân sự đàn áp dã man, Aung Naing Oo đã băng rừng chạy sang Thái Lan lánh nạn. Tại đấy, anh đã trở thành một chuyên gia phân tích rất có uy tín.
Ngày 10/02/2012 vừa qua, anh đã quay lại Miến Điện, tham gia một cuộc hội thảo về vấn đề phát triển đất nước.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, anh giải thích lý do thúc đẩy anh trở về nước sau khi bị buộc phải trốn chạy khỏi quê hương : « Tôi xem chuyến đi này là một sự hòa giải của cá nhân tôi với đất nước của chính tôi, với cả cuộc đời của tôi, một nỗ lực chữa lành các vết thương, nỗi chấn thương mà chúng tôi đã phải chịu đựng ». Aung Naing Oo cũng hy vọng là thay đổi ở Miến Điện sẽ mở ra « một kỷ nguyên mới » cho những người lưu vong.
Suốt trong thời gian tỵ nạn ở Thái Lan, Aung Naing Oo luôn luôn hướng về quê hương. Cùng với một nhóm người lưu vong khác, anh đã thành lập Viện Phát triển Vahu tại trường Đại học Chieng Mai, một định chế nghiên cứu và đào tạo, chuyên trách các lãnh vực cải cách chính trị, cũng như phát triển kinh tế và xã hội công dân tại Miến Điện.
Cùng về nước với Aung Naing Oo lần này, còn có ba nhân vật hàng đầu khác của Viện Phát triển Vahu. Tất cả đều mong muốn góp phần cải thiện tình hình của một đất nước ngày nay đã bị kiệt quệ, với phần đông thành phần ưu tú đã phải tha hương trong thời gian qua để tránh đàn áp của chế độ quân phiệt.
Phải nói là do việc sinh viên Miến Điện thường là lực lượng đi đầu trong các phong trào đấu tranh chống chế độ độc tài trong thời gian qua, giới tướng lãnh cầm quyền đã lơ là hẳn địa hạt giáo dục, đào tạo, khiến cho nước này rất thiếu nhân công lành nghề.
Đối với Aung Naing Oo, những thay đổi đang diễn ra tại Miến Điện gần như là một phép lạ. Thế nhưng, các thách thức đối với đất nước này vẫn còn rất nhiều. Theo anh, lẽ dĩ nhiên là trong chính quyền cũng có người giỏi, nhưng vấn đề là họ thiếu kinh nghiệm và bị cung cách quan liêu cũ bó tay.
Từ tháng 03/2011 đến nay, sau khi tập đoàn quân sự tự giải tán và chuyển giao quyền hành cho một chính phủ dân sự, một loạt cải cách theo chiều hướng tôn trọng tự do và dân chủ nhiều hơn đã được tiến hành. Thực tế này đã khiến hàng triệu người Miến Điện hải ngoại bớt hẳn sợ hãi khi trở về nước.
Trong số này, có rất nhiều người được đào tạo tại các đại học nổi tiếng thế giới và làm việc trong mọi lãnh vực. Việc họ hồi hương sẽ làm đảo ngược tiến trình thất thoát chất xám, giúp Miến Điện vươn lên.
Theo giới phân tích, trên một đất nước coi như phải xây dựng lại từ đầu và bắt đầu mở cửa ra thế giới, thu hút nhân tài về nước quả là một vấn đề quan trọng hàng đầu.
Trọng Nghĩa
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120214-cai-to-tai-mien-dien-giup-dao-nguoc-dong-chay-chat-xam
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét