Lê Hồng Hiệp
Nghiên cứu sinh Tiến sỹ
Trong thời gian gần đây vụ ông Đoàn Văn Vươn và người thân nổ súng vào đoàn cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) đã làm tốn không ít giấy mực của báo chí và công luận. Đặc biệt vụ việc này còn là một ví dụ cho thấy rõ những bất cập liên quan đến không chỉ năng lực mà còn quan trọnghơn là tính khách quan, độc lập trong hoạt động của ngành tư pháp Việt Nam.
Liên quan đến vụ chống cưỡng chế ở Tiên Lãng và những khuất tất đằng sau việc xét xử vụ kiện của ông Đoàn Văn Vươn, gần đây bà Chánh án TAND TP Hải Phòng cho rằng nguyên nhân là do các cán bộ tòa án đã "nhận thức đơn giản, hết thời hạn giao đất thì sẽ phải thu hồi".
Giải thích này của bà Chánh án đã gây ra sự phẫn nộ trong công luận.
Với một trường hợp mà các quyết định của chính quyền huyện Tiên Lãng sai phạm rõ ràng như vậy mà Tòa án cả cấp huyện lẫn cấp thành phố đều không nhận thấy thì dường như ở đây cần phải đặt câu hỏi đối với vấn đề tính khách quan trong xét xử, đặc biệt là trường hợp phiên xử sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng.
Phải chăng TAND huyện Tiên Lãng đã bị chi phối, ảnh hưởng bởi UBND huyện khi đưa ra các phán quyết của mình?
Tương tự, trong trường hợp phiên hòa giải tại Toàn án nhân dân TP Hải Phòng, một khả năng không thể loại trừ là đã có sự thông đồng giữa UBND huyện Tiên Lãng và các thẩm phán liên quan nhằm đưa ra những dàn xếp không những sai sót, thiếu khách quan mà còn có thể nói là mang tính dối trá, trái đạo đức.
Dường như trong trường hợp này ông Đoàn Văn Vươn đã bị UBND huyện Tiên Lãng và TAND TP Hải Phòng “lừa phỉnh” như đối với một đứa trẻ con.
Tầm quan trọng của hệ thống tư pháp độc lập
Trước đó, vào ngày 30/8/2011, phát biểu tại buổi làm việc với TAND Tối cao trên cương vị Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định “Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan tư pháp, đặc biệt là tòa án, độc lập trong xét xử và chỉ tuân thủ theo pháp luật."
Việc xây dựng một hệ thống tư pháp độc lập từ lâu đã được xác định là một nhiệm vụ quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là những nguyên nhân bắt nguồn từ tính chất của hệ thống chính trị, việc xây dựng một hệ thống tư pháp hoàn toàn độc lập và “chỉ tuân thủ theo pháp luật” vẫn còn gặp nhiều trở ngại.
"Trong trường hợp này ông Đoàn Văn Vươn đã bị UBND huyện Tiên Lãng và TAND TP Hải Phòng “lừa phỉnh” như đối với một đứa trẻ con."
Một hệ thống tư pháp độc lập với các cơ quan lập pháp và hành pháp là một trụ cột của thể chế nhà nước dân chủ, không những giúp đảm bảo tính “thượng tôn pháp luật” mà còn giúp tăng cường hiệu quả của các hoạt động kinh tế, xã hội, thúc đẩy các hành vi quản trị tốt ở các cấp độ xã hội khác nhau. Đối với những quốc gia đang trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế như Việt Nam, một hệ thống tư pháp độc lập và minh bạch lại đóng vai trò càng quan trọng hơn nữa.
Trong một lần sang Australia diễn thuyết, khi được hỏi về điều nào ông cảm thấy hối tiếc nhất trong thời gian ông cầm quyền ở Liên Xô trước đây, nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev đã trả lời rằng đó chính là việc ông đã không nhận thức được vai trò quan trọng của một hệ thống tư pháp độc lập, dẫn tới sự tồn tại ở Liên Xô một nền pháp luật mà ông gọi là “nền pháp luật qua điện thoại.”
Khi được đề nghị giải thích rõ hơn, Gorbachev nói rằng đó là một nền pháp luật mà các nhà lãnh đạo của Liên Xô đã lũng đoạn, có thể bắt điện thoại lên là có thể làm thay đổi mọi phán quyết của tòa án theo ý họ muốn.
Một “nền pháp luật qua điện thoại” đã góp phần làm xói mòn và chệch hướng những cải cách kinh tế của Liên Xô, biến nền kinh tế Liên Xô trong giai đoạn bấy giờ trở thành một “nền kinh tế mafia” không dựa trên nền tảng điều chỉnh của pháp luật.
Gorbachev cũng cho rằng những giao kết trong một nền kinh tế thị trường cần phải được đảm bảo bởi một nền pháp luật nghiêm minh và những tòa án độc lập, chỉ đưa ra các phán quyết dựa trên các quy định pháp luật thay vì các can thiệp mang tính chất chính trị.
Một khi sự độc lập của hệ thống tư pháp không được bảo đảm, các nhà kinh doanh và đầu tư, hoặc sẽ không sẵn sàng tham gia các giao kết kinh tế, hoặc sẽ vận dụng những thủ đoạn khác nhau nhằm khai thác hệ thống tư pháp phục vụ lợi ích của mình.
Hậu quả là một nền kinh tế mafia được hình thành, góp phần không chỉ dẫn tới sự hỗn loạn, sụp đổ của nền kinh tế Liên Xô mà còn khiến cả nền kinh tế nước Nga hậu Xô Viết lâm vào tình trạng khủng hoảng, suy thoái kéo dài cả thập kỷ.
Ý nghĩa đối với Việt Nam
Việc xây dựng một hệ thống tư pháp hoàn toàn độc lập và minh bạch rõ ràng mang ý nghĩa quan trọng về mặt phát triển kinh tế đối với Việt Nam.
Ví dụ như trong vụ Tiên Lãng, nếu các phán xét của TAND huyện Tiên Lãng độc lập, khách quan, minh bạch thì sẽ không gây nên tổn thất phi lý đối với những “nhà đầu tư” như ông Đoàn Văn Vươn, qua đó duy trì được niềm tin của những người muốn thực hiện các dự án đầu tư, phát triển kinh tế tại địa phương.
Ngoài ra, một phán quyết khách quan, độc lập đã có thể cứu vãn được cho chính quyền Tiên Lãng và Hải Phòng khỏi một sự cố mà nhiều người gọi là một “tổn thất chính trị” to lớn. Tuy nhiên, nếu nói về vai trò của việc xây dựng hệ thống tư pháp độc lập, minh bạch thì ở cấp độ vĩ mô quốc gia việc làm này còn có ý nghĩa to lớn hơn nhiều.
Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục dựa vào phát triển kinh tế - xã hội làm nền tảng chính cho tính chính đáng chính trị (political legitimacy), hay nói cách khác là uy tín lãnh đạo của mình.
Tuy nhiên do quá trình phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới hiện nay bị chi phối bởi diễn biến của nền kinh tế toàn cầu nên khó có thể duy trì thường xuyên và ổn định ở mức cao. Trường hợp khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động tiêu cực vào tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam trong những năm qua là một ví dụ điển hình.
Chính vì vậy, Đảng có thể cần vận dụng nhiều nền tảng khác nhau nhằm duy trì và nâng cao uy tín lãnh đạo của mình trong bối cảnh nền tảng chính là phát triển kinh tế - xã hội ở mức cao đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên không phải mọi nền tảng đều có thể mang lại kết quả như mong muốn. Ví dụ, trong khi kích động chủ nghĩa dân tộc có thể dẫn tới những căng thẳng với bên ngoài thì Đảng không mặn mà với việc dân chủ hóa đời sống chính trị như một phương thức để nâng cao uy tín lãnh đạo của mình.
Trong bối cảnh đó, quản trị tốt (good governance) nổi lên trở thành một phương thức khả thi giúp Đảng có thể nâng cao uy tín lãnh đạo mà không gây phương hại tới sự độc tôn quyền lực của Đảng.
Quản trị tốt có thể bao gồm những khía cạnh như cải tạo và nâng cao chất lượng thể chế, chống tham nhũng, minh bạch hóa và nâng cao trách nhiệm giải trình các cơ quan công quyền, hay cải cách thủ tục hành chính.
Một khi quản trị tốt được đảm bảo thì uy tín lãnh đạo chính trị của Đảng có thể được củng cố, bù đắp cho những mất mát gây nên bởi các thành tích phát triển kinh tế - xã hội hạn chế.
Việc nâng cao năng lực và đảm bảo tính khách quan, độc lập của ngành tư pháp rõ ràng là một trụ cột của quản trị tốt, liên quan tới hầu hết các khía cạnh của khái niệm này. Vì vậy sau sự kiện Tiên Lãng, Đảng và Nhà nước Việt Nam có thể sẽ chú trọng hơn nữa tới việc nâng cao năng lực và đặc biệt là đảm bảo tính khách quan và độc lập của ngành tư pháp như một biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế và quản trị tốt, qua đó duy trì và nâng cao uy tín chính trị của mình.
Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu trên còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất chính là quyết tâm chính trị của Đảng và Chính quyền.
Vì vậy vấn đề “pháp luật qua điện thoại” liệu có được giải quyết triệt để và các vụ Tiên Lãng khác có tiếp tục xảy ra hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ chưa có câu trả lời chắn chắn. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là câu trả lời đối với câu hỏi đó sẽ có một ảnh hưởng không nhỏ tới tương lai của Đảng cũng như vận mệnh đất nước.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, hiện đang là Giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế, ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM, và hiện là Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Khoa học chính trị tại Đại học New South Wales, Australia.
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét