Đòi hỏi thúc bách
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã nhen lên hi vọng trong dân về một sự thay đổi, để dân tin hơn vào đảng. Với tinh thần được nêu trong nghị quyết: "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh", xin được hỏi ông về một thực tế khách quan: đây không phải lần đầu tiên, đảng ta nêu vấn đề sự thoái hóa, biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, và không phải lần đầu tiên, Trung ương đặt vấn đề chỉnh đốn đảng... Vậy lần này, chúng ta có thể trông chờ vào điều gì mới và khác hơn từ cuộc chỉnh đốn này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược - Bộ Công an: Trước hết, phải khẳng định rằng không phải chỉ đảng cộng sản mới tha hóa. Lực lượng cầm quyền bao giờ cũng có xu hướng tha hóa. Sự tha hóa của đảng cầm quyền, dù là cộng sản, tư sản hay dân tộc là phổ biến (và đã được tiên đoán). Sự tha hóa của đảng cộng sản không phải là một ngoại lệ.
Năm 1939 tại Diên An, Mao Trạch Đông từng nói sau này nếu không cẩn thận, ĐCS Trung Quốc sẽ thoái hóa, biến chất. Vì thế, ông cho rằng, giành chính quyền rồi sẽ phải dành thời gian để xây dựng đảng.
Trước đó, Lênin từ lâu đã cảnh báo và đưa ra giải pháp với 3 luận điểm nổi tiếng, mà theo tôi, đến bây giờ vẫn đúng: Một là, người dân phải có quyền cử ra những người tiêu biểu thay mặt mình điều hành đất nước, thông qua bầu cử dân chủ thực sự. Hai là, người dân có quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan công quyền, cán bộ, viên chức và đảng viên. Ba là, khi người mình bầu ra không hoàn thành nhiệm vụ, người dân có quyền bãi miễn ngay tức khắc.
Người cộng sản nói về sự tha hóa của đảng cộng sản và chính quyền của đảng cộng sản đầy đủ nhất, sâu sắc nhất, toàn diện nhất, và mang tính dự báo chính là Cụ Hồ Chí Minh.
Đơn cử trong Sửa đổi lề lối làm việc của HCM năm 1947, Bác đã có những nhận định mang tính dự báo. Thời kì chống Pháp ấy, sự tha hóa trong đảng có bao nhiêu, nhưng người đã nêu rất rõ: Tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù của bộ đội, nhân dân, chính quyền, đoàn thể và của đảng. Những kẻ tham ô, lãng phí, quan liêu cũng là giặc. Chống tham ô, lãng phí, quan liêu cũng là chống giặc và cũng cần kíp như chống giặc ngoại xâm.
Nhìn lại thực tế từ khi đất nước thống nhất 1975 đến nay, việc chống giặc ngoài, chống các âm mưu lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng đã thành công. Thế nhưng, chống sự tha hóa lại chưa thành công. Đảng đã nhận thức vấn đề từ khá lâu nhưng chưa có cách thức hiệu quả để ngăn chặn sự tha hóa này.
Nghị quyết ĐH 6 của Đảng với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật... đã nhìn rõ bệnh tật trong Đảng. Quyết tâm chính trị khi đó, năm 1986 đã làm nức lòng người. "Với lương tâm của người cộng sản, mỗi cán bộ, đảng viên hãy nghiêm khắc xem xét mình đã sống lành mạnh, sống bằng lao động của mình hay chưa?... Cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu hơn trong lối sống. Người có chức vụ càng cao thì yêu cầu về sự gương mẫu càng lớn. Không ai có quyền tự ban cho mình những đặc quyền, đặc lợi."
10 năm sau, năm 1996, Nghị quyết ĐH VIII nhận định: "Hiện nay, cán bộ, đảng viên và nhân dân ta hết sức quan tâm đến cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Nạn tham nhũng đang là một nguy cơ trực tiếp đe dọa đến sự sống còn của hệ thống chính trị."
ĐH IX (2001) thừa nhận "tình trạng tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, gây bất bình và giảm lòng tin trong nhân dân..." "Tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phần không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta."
ĐH X (2006) thì nhận định "Bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chuyều hướng gia tăng, vẫn còn tình trạng "chạy chức", "chạy quyền", "chạy tội", "chạy bằng cấp". Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ."
Mới đây nhất, Nghị quyết ĐH XI (2011) khẳng định: "Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội" và "tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước."
Nói cách khác, 27 năm rồi, tình hình bây giờ vẫn nghiêm trọng, không được đẩy lùi mà còn phát triển tinh vi hơn. Yêu cầu chỉnh đốn đảng, vì thế, càng cần kíp hơn lúc nào hết.
Nghị quyết trung ương 4 thừa nhận "công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ."
Nghị quyết trung ương 4 về chỉnh đốn Đảng thực ra không mới so với Nghị quyết ĐH VI của Đảng. Điểm mới có chăng là lần đầu tiên, Tổng bí thư nhận định tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm đang làm Đảng ta suy yếu, làm lòng tin của dân với đảng giảm sút.
Ngay cả các giải pháp trong nghị quyết trung ương hầu hết đã được nêu trong các nghị quyết trung ương trước đó. Mới là ở quyết tâm chính trị thể hiện trong hội nghị và các động tác điều hành mới của Ban Bí thư. Quan sát các kì họp của trung ương đảng, điều khác thông lệ là năm nay, vấn đề xây dựng đảng được nêu ra rất sớm, ngay từ hội nghị trung ương đầu tiên của khóa mới (thông thường, xây dựng đảng được bàn vào hội nghị trung ương giữa nhiệm kì).
Lí do nào cho sự phá thông lệ ấy, theo ông? Áp lực từ nội tại hay có yếu tố áp lực từ những biến động gần đây của tình hình quốc tế?
Thực tế hiện nay đòi hỏi phải thay đổi, khi sự tha hóa đã đến lúc không thể chậm trễ hơn được nữa để xử lý, khi lòng tin của dân với đảng, với chính quyền bị thách thức nghiêm trọng. Còn tình hình quốc tế như mùa xuân Ả Rập, hay ở Trung Đông... tác động đến việt Nam không bao nhiêu đâu.
Sự sụp đổ của Liên Xô lại khác, bởi mô thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản với Nhà nước ở Liên Xô và Việt Nam có nhiều điểm tương đương. Các nét lớn trong phương thức lãnh đạo của Đảng với Nhà nước giữa Việt Nam và Liên Xô cũ có nhiều điểm tương đồng.
Đúng là nếu ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, ta chỉnh đốn đảng ngay trên cơ sở bài học Liên Xô, thì có lẽ tình hình đã không trầm trọng như hiện nay. Vào thời điểm đó, ưu tiên hàng đầu của ta là kinh tế.
Con đường độc đạo đầy đau đớn
Nhiều cuộc chỉnh đốn đảng đã được phát động, thế nhưng tình hình không cải thiện mà càng xấu đi, khiến không ít người nghi ngại. Vậy theo ông, làm thế nào để NQTW lần này tạo được chuyển biến thực?
Đảng phải ý thức rõ đây là con đường độc đạo đầy đau đớn mà Đảng phải đi nếu muốn duy trì vai trò lãnh đạo. Không có cách nào khác cả. Không có phép màu nào có thể lấy lại lòng tin của dân với Đảng, trừ khi đảng thực sự quyết tâm tự sửa mình, từ cấp cao nhất đến cơ sở.... Nhận thức ấy sẽ soi đường cho hành động.
Không sửa mình, đảng sẽ tự đánh mất vai trò lãnh đạo của mình. Bài học của Liên xô vẫn còn đó. Chính Bộ Chính trị, Ban Chấp hành TƯ Đảng CS Liên Xô đã tự đánh mất vai trò lãnh đạo, chứ không ai lấy mất vai trò đó cả.
Lòng tin của dân và sự chính danh của đảng cầm quyền không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam. Nhiều đảng cầm quyền các nước cũng đang thảo luận riết ráo để tìm giải pháp đảm bảo cho sự lãnh đạo của đảng và lòng tin của dân với đảng cầm quyền, như tại Trung Quốc, Cuba...
Ở Việt Nam, thực tế, những câu chuyện như ở Tiên Lãng, Hải Phòng vừa qua là hồi chuông báo động khi người dân đã chọn cách đối lập với chính quyền...
Đúng là người dân đang giảm lòng tin vào đảng. Nhưng dân ta không ai mong muốn thay thế sự lãnh đạo của đảng kéo theo nó là những bất ổn xã hội cả. Nguyện vọng cao nhất của dân là đảng phải sửa mình cho thật sự trong sạch, vững mạnh, thật sự như đảng nói, là bộ phận ưu tú của dân tộc.
Người dân đã mòn mỏi chờ đợi ¼ thế kỉ để Đảng tự sửa mình. Điều đó cho thấy không ở đâu trên thế giới này lại có nhân dân tốt và kiên nhẫn với đảng cầm quyền đến như vậy.
Ý thức được việc người dân chờ đợi, ý thức rằng sự bê trễ trong việc sửa mình của đảng đã và đang làm suy giảm lòng tin của dân, trung ương đảng đã bàn về xây dựng đảng ngay từ HNTW đầu tiên của nhiệm kì. Đó là tín hiệu vui, rằng đảng đang tiếp thu nguyện vọng của dân.
Đừng để trong Đảng phân hóa
Năm 2010, trên báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng đã đăng tải loạt bài về bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô. Theo ông, đảng ta cần làm gì để tránh đi lại vết xe đổ?
Trước hết, phải khẳng định, không phải cứ một đảng lãnh đạo là tha hóa, và không phải một đảng thì không thể khắc phục được sự tha hóa để phát triển. Thậm chí, trong điều kiện một đảng lãnh đạo, có thể tập trung quyền lực, huy động nguồn lực trong toàn xã hội cho mục tiêu phát triển, thay vì mải tranh cãi và đổ lỗi cho nhau như trong tình hình đa đảng. Đương nhiên, điều này chỉ có được với điều kiện những người lãnh đạo phải có trí tuệ và bàn tay sạch, phẩm chất trong sáng...
Về nguyên tắc, tha hóa không tất yếu dẫn đến sụp đổ, vẫn có cách để khắc phục, nhưng phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ và liên tục, với một quyết tâm chính trị cao, một cuộc cách mạng từ trên xuống.
Đã có rất nhiều những nghiên cứu về xã hội Liên Xô trước sụp đổ: "Cải tổ: Lịch sử của những sự phản bội", "Vụ án Đảng CS Liên xô tại Tòa án Hiến pháp".
Nguyên ủy viên Bộ Chính trị ĐCS Liên Xô, Thủ tướng Liên Xô 1985-1990, Ruskov cho rằng, tồn tại hai đảng trong ĐCS Liên Xô: Một đảng của hàng chục triệu đảng viên bình thường và một đảng khác của những quan chức chóp bu trong hệ thống đảng, nhà nước Liên Xô. Người ta ngồi chia chác quyền lợi với nhau. Và sự tha hóa chủ yếu là ở đảng của nhóm chóp bu, lợi dụng vỏ bọc của đảng để chia chác lợi ích với nhau. (Đương nhiên, việc tha hóa có phần trách nhiệm của các đảng viên bình thường). Dân bất bình cũng vì nhóm số ít đảng viên hưởng đặc quyền, đặc lợi này.
Còn theo Ph.M.Rudinxki, có thể chia 20 triệu đảng viên ĐCS Liên Xô làm 4 loại: những đảng viên chân chính chiếm tỉ lệ nhỏ; những người thực hiện, chấp hành chỉ thị, nghị quyết của đảng như cái máy (chiếm khoảng hơn 96%); những kẻ cơ hội, xu thời, nịnh bợ (phần lớn bộ máy công quyền) và những người im lặng (phần lớn họ là những người có hiểu biết).
Chỉ có rất rất ít đảng viên hiểu biết và đứng lên chống lại sự thoái hóa ấy, và họ bị trừng phạt. Phó chủ nhiệm UB kế hoạch nhà nước của Liên Xô là một ví dụ. Ông đã có báo cáo Bộ Chính trị về sự tha hóa trong đảng mà Bộ Chính trị đã gọi đó là "sự phỉ báng bỉ ổi đối với thực tế tươi sáng của Liên xô".
Nhà xã hội học Zinoviev từng viết kiến nghị về việc chống đặc quyền, đặc lợi và sự tha hóa của ĐCS đã bị kết tội phản bội tổ quốc, buộc phải sống lưu vong ở Đức từ 1978 đến 1999.
Có thể nói, Liên Xô trước tan rã là một xã hội mất dân chủ, không chấp nhận ý kiến nói ngược.
Từ sự sụp đổ của Liên Xô, Đảng ta cần lưu ý, tránh phân hóa trong Đảng theo kiểu này.
Đảng ta cần nghiên cứu bài học của Liên Xô để sửa đổi, khắc phục sự tha hóa trong đảng.
Còn nữa....
Phần 2: Tướng Cương nói chuyện giám sát quyền lực Đảng
Cho rằng căn nguyên sâu xa của sự tha hóa trong Đảng là do quyền lực không được giám sát, tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh: Cần phải thay đổi cơ chế giám sát quyền lực của Đảng". "Trong điều kiện một đảng, không có đối trọng, anh phải tìm và tạo dựng cơ chế giám sát quyền lực, khắc phục và ngăn chặn sự tha khóa. Anh phải tạo cơ chế để người ta lấy đá ghè vào chân anh chứ không thể trông chờ anh tự lấy đá ghè chân mình được".
Hoàng Phương Loan
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-02-06-tuong-le-van-cuong-ban-chuyen-chinh-don-dang
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét