12/3/12

Vấn đề “Cồn Dầu” căng thẳng trở lại


Gia Minh

Cán bộ địa phương cho biết là không thể không đi vì đất đã bán cho Sun Group, tập đoàn triển khai dự án khu đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân tại địa phương Cồn Dầu, Trung Lương và Cẩm Chánh. Công an 113 được điều động đến để đi kiểm tra hộ khẩu của các hộ gia đình còn lại.
Vụ việc cưỡng chế đất của giáo dân Xứ Cồn Dầu, thuộc giáo phận Đà Nẵng trở lại căng thẳng trong những ngày gần đây.

Ký giấy giao đất nghĩa trang
Trong phần cuối thánh lễ chủ nhật hôm nay 11 tháng 3 năm 2012, linh mục Emmanuel Nguyễn Tấn Lục, chính xứ Cồn Dầu thông báo cùng giáo dân về việc trong tuần qua ông phải làm việc với chính quyền quận Cẩm Lệ, rồi xin ý kiến Tòa Giám Mục Đà Nẵng về việc cơ quan chức năng yêu cầu ông phải ký giấy về việc di dời nghĩa địa của giáo xứ, mà cụ thể là trước mắt dọn bàn thờ, Thánh giá và tường rào tại đó.

Thông tin từ phía giáo dân Cồn Dầu tham dự thánh lễ cho biết, linh mục chánh xứ nói rằng vì giáo xứ đã nhận đất nghĩa địa tại Hòa Sơn nên theo ông là sắp đến phải ký giấy như yêu cầu của chính quyền. Vị linh mục chính xứ được giáo dân trích dẫn phát biểu tại thánh lễ là nếu giáo dân không thuận thì ai muốn đứng ra nhận việc đó ông sẽ giao cho người đó.

Biết thế, nhưng theo họ tại một nơi mà luật pháp từng bị vi phạm cách đây chưa đầy hai năm qua những vụ bắt bớ đánh đập, tù đày đối với đồng đạo của họ thì họ không tin ai đó đứng ra gánh vác công việc sẽ thành công mà trái lại bản thân người đó sẽ lại rơi vào vòng lao lý.

Tương lai vô định

Trong khi đó cũng tin từ giáo dân xứ Cồn Dầu thì trong thời gian gần đây các ban ngành của chính quyền quận Cẩm Lệ, phường Hòa Xuân tiếp tục đến những gia đình giáo dân không chịu nhận đền bù, vận động họ di dời khỏi nhà cửa, ruộng vườn; cũng như mồ mả nếu còn tại nghĩa trang giáo xứ.

Cán bộ địa phương cho biết là không thể không đi vì đất đã bán cho Sun Group, tập đoàn triển khai dự án khu đô thị sinh thái ven sông Hòa Xuân tại địa phương Cồn Dầu, Trung Lương và Cẩm Chánh. Công an 113 được điều động đến để đi kiểm tra hộ khẩu của các hộ gia đình còn lại.
Chính giáo dân Cồn Dầu cho biết hiện còn chừng khoảng 400 ngôi mộ trên tổng số 1700 mộ tại đó chưa được di dời. Riêng số hộ dân còn lại chưa chịu nhận tiền đền bù là chừng 200 hộ. Một nửa khác đã nhận tiền đền bù của dự án để di dời đến khu tái định cư.

Tuy nhiên theo giáo dân Cồn Dầu không nhận đền bù để di dời vì họ cho biết tương lai cuộc sống trước mắt khi di dời là hết sức vô định. Trong khi đa phần họ là nông dân chuyên làm ruộng, trồng hoa màu, nay đến khu tái định cư không có đất để tiếp tục làm nông nghiệp. Chính quyền nói kinh phí đào tạo nghề nằm trong số tiền đền bù rồi, và người dân phải tự lo việc chuyển đổi nghề nghiệp. Những người dân trên 40 tuổi cho biết cơ hội để có công ăn việc làm ổn định cho họ là vô cùng bấp bênh… Một lý do khác là vấn đề tâm linh, họ muốn được sống quanh ngôi nhà thờ mà cha ông họ đã xây dựng nên hơn cả trăm năm qua.
Những lý do mà giáo dân Cồn Dầu nêu ra như thế từng được trình với chính quyền địa phương biết bao lần ngay từ khi có dự án xây dựng khu đô thị sau chuyển thành khu đô thị sinh thái Hòa Xuân; nhưng đều không được chấp nhận.

Một giáo dân Cồn Dầu hiện đang tỵ nạn tại Thái Lan nói lên lại những ước vọng đó của họ:
“Xếp cho dân ở lại gần nhà thờ để phụng sự Thiên Chúa mà thôi. Vật chất thì giáo dân không đòi hỏi. Mấy mươi cuộc họp cũng nói đến nguyện vọng được xếp ở gần nhà thờ. Họ muốn bứng cả làng, bứng cả cây cổ thụ đi. Họ muốn nhà thờ mà không có giáo dân, nên giáo dân không chịu.
Một cây cổ thụ mà bứng đi thì có nhánh nào mà sống được.”
 
Tuy nhiên qua kinh nghiệm những đồng đạo của họ bị đánh đập, bắt bớ, tù đày trước đây gần hai năm trong đám tang cụ bà Hồ Nhu, nhũ danh Maria Đặng Thị Tân, thì giáo dân cho biết không ai đứng ra nhận; dù rằng chính những giáo dân cho biết trong lòng vô cùng ấm ức vì theo họ việc ký giấy giao đất nghĩa trang của giáo xứ cho phía Nhà nước là quyền của giáo dân chứ không phải trách vụ của cha xứ.

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More