14/3/11

Những khó khăn của Luật Sư Việt Nam

Hoạt động bảo vệ thân chủ của luật sư trong nước lâu nay chứng tỏ gặp nhiều khó khăn, một phần, phát xuất từ phía công tố, các cơ quan điều tra và cả giới xét xử.
Khó khăn nầy thể hiện khá rõ qua những phiên tòa xét xử các nhân vật bất đồng chính kiến, mà dư luận cáo giác là bản án đã được quyết định đâu đó từ trước rồi. Thanh Quang tìm hiểu về những khó khăn của LS trong nước hiện giờ qua cuộc trao đổi với LS Trần Đình Triển trụ sở tại Hà Nội. Mời quý vị theo dõi sau đây.

Cần có luật pháp bảo vệ Luật Sư


Thanh Quang: Thưa LS, trước hết, ông nhận thấy vai trò của LS tại VN hiện nay có thích hợp chưa, hay cần phải được nâng cao như thế nào để góp phần mang lại công lý cho xã hội?
LS Trần Đình Triển: Để bảo đảm được vai trò của LS trong yêu cầu của thực tiễn cuộc sống cũng như yêu cầu của luật pháp VN trong bối cảnh VN hội nhập với các nước trên thế giới, cũng như để nâng cao vai trò LS của VN như các nước khác thì trước hết, về mặt cơ chế chính sách, VN phải xây dựng một hệ thống luật pháp đảm bảo cho LS có một quyền uy mạnh mẽ để góp phần thực hiện điều gọi là “quyền lực hạn chế quyền lực”, để, ngoài việc có được quyền lực nào đó, LS hoàn tất nhiệm vụ và thể hiện vai trò của mình trong một cơ chế về luật pháp, góp phần mang lại công lý cho xã hội.

VN phải xây dựng một hệ thống luật pháp đảm bảo cho LS có một quyền uy mạnh mẽ để góp phần thực hiện điều gọi là “quyền lực hạn chế quyền lực”
(LS Trần Đình Triển)

Có như vậy mới tránh được trường hợp lộng quyền của một số cơ quan quản lý nhà nước hay cơ quan bảo vệ pháp luật. Nếu không có sự đối trọng đó về mặt luật pháp qua việc nâng cao vai trò LS thì tình trạng oan sai vẫn diễn ra vốn là điều không đạt được nguyện vọng, đường lối của đảng, yêu cầu của luật pháp cũng như nguyện vọng của người dân. Do đó tôi đề nghị phải nâng cao vai trò của LSVN như những nước khác, đặc biệt là các nước tiên tiến như Mỹ, Pháp, Anh, Nhật, Nga...là những nước đã có nền tảng pháp lý tốt mà VN cần học hỏi ở họ. Nhưng sự học tập đó không có nghĩa là “sao nguyên bản”, mà phải được áp dụng cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của VN.

Thanh Quang: Như vậy, theo LS, VN cần có biện pháp, phương cách nào để giúp cải thiện vai trò của LS trong nước?
LS Trần Đình Triển: VN cần phải có cơ chế bảo vệ LS khi họ hành nghề, bảo đảm hoạt động của LS cũng bình đẳng như những cơ quan nhà nước khác, bởi vì mục đích chung là tất cả đều nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp thì hà cớ gì việc LS hành nghề không được bảo vệ một cách đầy đủ khiến họ thậm chí bị đối phương đe dọa tính mạng.
Vai trò của LS mà luật pháp cho phép LS trong quá trình tranh tụng, tham gia các quá trình liên quan…thì còn rất là yếu. Thí dụ đáng lẽ LS phải ngang quyền như cơ quan công tố, nhưng vấn đề xét xử sai LS kiến nghị, hay là sai văn bản kháng nghị, thì tòa cấp trên và các cơ quan bảo vệ pháp luật phải có trách nhiệm xem xét và trả lời cho LS. Phải xem xét lại những việc như vậy

LS được áp dụng những biện pháp theo quy định của pháp luật. Là gì? Là mọi tổ chức, cơ quan, kể cả cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phải cung cấp tài liệu cho LS, nếu không cung cấp là vi phạm pháp luật. LS phải được quyền như của các cơ quan bảo vệ pháp luật, thì khi đó, LS mới có điều kiện điều tra và chứng minh ngược trở lại rằng đây là trường hợp oan sai hay là đúng.

Đấy là nói về cơ chế luật pháp, tức nói về chính sách nhà nước.

Thanh Quang: Thưa LS, những điểm mà LS vừa trình bày có thể hiểu là những khó khăn của LSVN hiện giờ phát xuất từ vai trò chưa tương xứng, chưa thích hợp của họ, cũng như VN chưa có cơ chế thích hợp để bảo đảm cho họ hành nghề đúng mức mà không sợ một sự đe dọa nào. Cũng có một khó khăn nữa cho LSVN là, trong thời gian gần đây, dư luận do báo chí trong nước phổ biến cũng than phiền về trình độ LS trong nước chưa thích hợp, khiến gây khó khăn không ít. LS nhận xét như thế nào về điểm nầy?
LS Trần Đình Triển: Phía LS cũng phải tự đánh giá đội ngũ của mình. Cách đào tạo LS ở VN hiện chưa thể tương xứng với điều kiện và không thể hành nghề tốt được nếu theo như cách đào tạo của VN hiện giờ.

Cách đào tạo LS ở VN hiện chưa thể tương xứng với điều kiện và không thể hành nghề tốt được nếu theo như cách đào tạo của VN hiện giờ.
(LS Trần Đình Triển)

Trước hết chương trình đào tạo ở các trường ĐH không phù hợp. Thứ hai là tốc độ đào tạo rất ồ ạt, nhất là đối với những chương trình đào tạo tại chức, tức là đào tạo cho LS có tấm bằng nhưng năng lực không có. Điểm nữa là cách VN đưa một người được hành nghề LS quá đơn giản. Thí dụ cho họ học 4 năm ở ĐH, sau đó họ học 6 tháng chính trị LS, rồi được một đoàn LS cho vào thực tập khoảng chừng một năm rưỡi, thì họ được cấp bằng LS và có thể mở văn phòng LS độc lập theo quy định của luật pháp.

Cách đào tạo như vậy không thể đảm bảo được năng lực. Hiện nay VN có một đội ngũ LS cũng tương đối, nhưng trình độ để đáp ứng yêu cầu chung của cơ chế luật pháp, đặc biệt là trong cơ chế hội nhập, thì không tương xứng, không đáp ứng được.

Bản án đã định sẵn:


Thanh Quang: Thưa LS, có lẽ một trở ngại đáng kể đối với LS trong nước hiện giờ có liên quan đến tình trạng mà dư luận tin là án quyết đã được định đoạt trước rồi, khiến nỗ lực biện hộ cho thân chủ của LS có hay mấy đi nữa cũng hoài công. LS có nhận xét gì về vấn đề nầy?
LS Trần Đình Triển: Trong luật pháp VN cũng nói là hội đồng xét xử và thẩm phán độc lập xét xử chỉ tuân theo pháp luật, và mọi chứng cứ chỉ đánh giá tại phiên tòa. Tôi cho là tất cả những điều đó tại VN chỉ đang là lý luận, chứ trong thực tiễn chưa bảo đảm được tính độc lập của thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Khi LS đưa ra những lập luận, những tài liệu luật pháp thích hợp thì thẩm phán họ “mặc”, bởi vì hình như họ đã quyết định bản án ở đâu đó rồi. Thực tiễn nó như vậy.

Thành ra việc tổ chức phiên tòa mang tính chất hình thức. Chứ thực ra bản án người ta đã có trong túi rồi.
(LS Trần Đình Triển)

Thứ hai nữa là có tình trạng họp liên ngành và cơ quan pháp luật, rồi để tránh tình trạng bị hủy án sau nầy hay không được tái bổ nhiệm thì thẩm phán không dại gì tự họ quyết định bản án. mà họ xin lãnh đạo của Tòa: Chánh, Phó Tòa, Chánh, Phó Án.v.v...cho cái gọi là duyệt án. Thành ra việc tổ chức phiên tòa mang tính chất hình thức. Chứ thực ra bản án người ta đã có trong túi rồi. Chính tình trạng nầy dẫn đến trường hợp oan sai. Mà oan sai rồi thì không ai chịu xử. Vì từ thẩm phán sai đến Chánh, Phó Tòa, Chánh, Phó Án sai, thậm chí họ đã hỏi ý kiến cấp trên trước khi xử một vụ nào đó rồi, thì ai lại xem xét lại vụ án đó?

Thanh Quang: Xin cảm ơn LS Trần Đình Triển rất nhiều.

Thanh Quang, phóng viên RFA - (2010-04-11) -

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More