14/3/11

Luật sư tố cáo TGĐ VTV lên tiếng

Ông Triển nói ông đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ trước khi viết đơn tố cáo ông Vũ Văn Hiến
Tiến sỹ, Luật sư Trần Đình Triển, người ký đơn tố cáo Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Vũ Văn Hiến về việc 'cố ý làm trái', 'có dấu hiệu tham nhũng' và 'trù dập' nhân viên nói với BBC ông đã viết văn bản 11 trang "rất đúng pháp luật".
Ông nói về chuyện 'cố ý làm trái' của ông Hiến trong vụ xin miễn thuế trị giá gia tăng cho các nhà thầu trong một dự án đầu tư của đài truyền hình bất chấp ý kiến của thủ tướng chính phủ và một thứ trưởng tài chính về việc các nhà thầu phải thực hiện nghĩa vụ thuế.
Ông cũng cáo buộc có những 'bằng chứng' về chuyện những nhân viên tố cáo ông Hiến bị 'trù dập'.
Riêng về điều mà ông gọi là 'dấu hiệu tham nhũng', ông nói văn phòng luật của ông không đủ khả năng và không có thẩm quyền điều tra nhưng có quyền đưa ra những nghi ngờ để cơ quan điều tra có thể vào cuộc và đưa ra kết luận nếu họ thấy cần thiết.


Cho đến nay ông Vũ Văn Hiến và VTV chưa lên tiếng về những cáo buộc này.
Ông nói chuyện với Nguyễn Hùng của BBC:
Tiến sĩ - Luật sư Trần Đình Triển: Với tư cách một luật sư, trong Luật Luật sư đã quy định rằng luật sư góp phần bảo vệ công lý, mà khi làm việc liên quan đến vấn đề pháp luật, liên quan đến nhân thân, uy tín của một con người và không chỉ với chính họ, mà liên quan đến người thân của họ, với bạn bè của họ, đặc biệt đối với những người có chức vụ quyền hạn thì còn liên quan đến uy tín của cả cơ quan.
Chúng tôi đã cân nhắc đầy đủ tất cả các yếu tố và trên cơ sở pháp luật.
Cái việc mà dấu hiệu cố ý làm trái rất rõ.
Vì thế văn bản phát ra, không mang tính bí mật của quốc gia, có quyền công khai trên công luận.
Do đó càng thể hiện trách nhiệm của luật sư trước ngòi bút của mình, và trước tiếng nói của mình.
Có nghĩa là khi chúng tôi nhận vụ việc này, với những hồ sơ tài liệu chúng tôi phải đánh giá một cách hết sức khách quan, căn cứ vào quy định của pháp luật và có căn cứ cái gì có căn cứ, cái gì có dấu hiệu thì chúng tôi nêu lên.
Có những cái đủ căn cứ để kết luận, còn những vấn đề gì còn có dấu hiệu thì các cơ quan có chức năng phải điều tra xác minh để làm rõ xử lý.

BBC: Ở đây có hai vấn đề căn bản, tham nhũng và trù dập cán bộ nhân viên. Luật sư có thể cho biết hiện tại có đủ cơ sở để tiếp tục xử lý không ạ?
Dấu hiệu cố ý làm trái rất rõ. Bởi vì trong hồ sơ của tôi đã có một văn bản chính về phía ông Vũ Văn Hiến chỉ đạo, đã gửi Chính phủ, Vụ Tài chính, nhưng Thủ tướng, khi đó là Thủ tướng Phan Văn Khải đã bút phê vào là không đồng ý và đề nghị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Và Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến. Chúng tôi có văn bản đó.
Thứ hai là, về phía Bộ Tài chính và Thứ trưởng Trương Chí Trung cũng ký một văn bản trả lời Đài Truyền hình là phải nộp những khoản thuế đó, của những nhập khẩu thiết bị về truyền hình năm 2000, không loại trừ là phải nộp hai văn bản đó và cùng có một biên bản cuộc họp của lãnh đạo các thành phần chủ chốt của Đài Truyền hình để xem xét lại thuế VAT đó.
Và đã đều thống nhất là những vấn đề thuế VAT mà các nhà thầu phải chịu thì các nhà thầu phải nộp còn Đài Truyền hình không can thiệp và không có miễn giảm gì thuế đó cả.
Thế thì [sau] hai văn bản đó rồi, với cương vị là người đứng đầu thì tại sao trên một ý kiến của một trưởng ban tài chính mà ông Vũ Văn Hiến lại bút phê vào và lại bí mật chỉ đạo ông [Đinh Quang] Hưng [Phó Tổng giám đốc] gửi văn bản và lại không gửi lên Thủ tướng, cũng không gửi cho Thứ trưởng phụ trách về cơ quan Thuế mà lại gửi sang cho ông [Nguyễn Công] Nghiệp, Thứ trưởng phụ trách về vốn đầu tư và ngân sách.
Ông Nghiệp cũng không kiểm tra lại toàn bộ những hồ sơ đó lại quyết định đồng ý ghi thu ghi chi khoản đó. Như vậy ở đây nhà nước mất hai lần tiền với khoản thuế đó. Việc làm đó đã đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Vũ Văn Hiến rồi.

BBC: Thưa luật sư, nếu như chỉ có tội cố ý làm trái với khoản tiền vài trăm tỷ đồng như vậy thì theo luật Việt Nam thì cơ sở để xử lý, liệu mức xử lý sẽ ở mức nào. Bởi vì theo như những văn bản này thì cái này có lẽ rõ nhất còn những cái khác thì tương đối còn mù mờ, đúng không?
Ở góc độ luật sư đang xử lý vụ việc thì bây giờ chúng tôi chỉ kiến nghị rằng đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Còn mức hình phạt bao lâu thì cái đó luật sư không nói được, bởi vì một người chỉ có tội, chỉ chịu mức hình phạt bao nhiêu khi có phán xử của tòa án. Đấy là hiến pháp.
Do đó, về phía tôi là luật sư chỉ đề nghị đủ căn cứ để khởi tố vụ án, theo điều luật đó thôi. Còn mức bao nhiêu thì tùy phán xử, về tính chất, mức độ trong đó xem xét kể cả nhân thân để mà quyết định một mức án cho phù hợp theo đúng quy định của pháp luật.
Chứ bây giờ mức bao nhiêu thì tôi không thể nói được và cũng không đủ thẩm quyền để nói điều đó được.

BBC: Ở đây có hai vấn đề khác mà tôi muốn hỏi, đó là vấn đề tham nhũng và vấn đề trả thù những người khiếu nại. Về mặt bằng chứng, liệu có đủ bằng chứng đủ mạnh để đưa ra cáo buộc như vậy không?
Việc tham nhũng thì trong văn bản của tôi, thì tôi đã viết một cách thận trọng và rất đúng luật, để tránh trường hợp người ta có thể bắt bẻ tôi về những câu chữ trong văn bản đó. Tôi nói rất rõ là đối với tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng thì đủ căn cứ.
Ý kiến của Thủ tướng, ý kiến của Bộ Tài chính, ý kiến của cuộc họp và thực tiễn ông Hiến vẫn tiếp tục làm ngược lại.
Hậu quả là gì, ngân sách nhà nước mất hai lần tiền của hơn 800 triệu. Như vậy là đủ dấu hiệu, đủ căn cứ.
Còn vấn đề tham nhũng, đó là vấn đề thuộc cơ quan chức năng. Tôi chưa có đủ căn cứ để biết doanh nghiệp không phải nộp cái đó có chia chác gì với ông Hiến hay không thì tôi không có căn cứ, chưa có bằng chứng.
Cái thứ hai, liên quan đến dự án hơn 300 tỉ nhập khẩu, nhập thiết bị không đồng bộ, rồi gọi đối tác ký các hợp đồng, sau đó phủi các đối tác đó đi rồi tìm các đối tác khác v.v. làm một dự án rất lớn như vậy đang nằm đắp chiếu trong kho. Có những cái gì về mặt tham nhũng ở đây hay không.
Về mặt luân lý, nhìn thì cảm thấy có dấu hiệu. Còn việc làm rõ cái đó thuộc về chức năng của cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Luật sư chúng tôi không đủ năng lực, thẩm quyền để điều tra làm rõ việc đó. Cho nên chúng tôi nêu lên dấu hiệu cần phải được làm rõ.
Vấn đề thứ ba, đó là trả thù người khiếu nại tố cáo thì có bằng chứng. Lấy ví dụ như anh Khánh, anh đến văn phòng luật sư chúng tôi thì chúng tôi phải thẩm tra lại là anh có đơn kiến nghị đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như thế nào, các cơ quan đó tiếp anh và trả lời anh ra sao, thực tế bị ông Hiến trù dập anh như thế nào.
Bên cạnh đó chúng tôi cũng có một số cán bộ ở Đài truyền hình, đã từng ở trong Đài truyền hình và hiện cũng có những cán bộ đang ở trong Đài truyền hình, họ cũng gào lên về việc tố cáo ông Hiến thì ông Hiến xử lý ra làm sao. Cái đó đủ tài liệu để chứng minh ông [Hiến] trù dập và xử lý đối với người tố cáo.
Theo nguồn:
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/09/100906_ls_tran_dinh_trien.shtml

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More