15/1/13

Hoàng Công Minh: Độc lập Tư Pháp – Cội nguồn của sự thật


Các tranh chấp pháp lý phát sinh là một điều tất yếu của xã hội, là hệ quả của cuộc sống chúng ta. Hệ thống Tòa án xử lý các tranh chấp đó như là một nghĩa vụ của mình. Đó là quy trình bảo vệ pháp luật, là biểu hiện của một xã hội lành mạnh cùng nền Tư pháp công minh. Một nhà nước pháp quyền là hình thức duy nhất hợp pháp trong thời đại ngày nay, thể hiện vai trò làm chủ của người dân trong việc quản xã hội.

Tại sao ở Việt Nam chúng ta luật pháp bị đảo lộn, công lý không được thực thi? Tại sao người dân phải chịu bao nổi bất công và oan khuất ? Những người yêu nước - họ không có tội - sao lại phải ngồi tù? Trong khi đó những kẻ tham nhũng, gây nhiều tội ác với nhân dân lại không bị trừng phạt? Pháp luật ngày nay đã trở thành công cụ đàn áp của nhà nước đối với những tiếng nói chân chính của người dân, là phương tiện để guồng máy Tư pháp tham nhũng nhờ bẻ cong pháp luật. Sở dĩ có điều đó vì nền Tư pháp bị phụ thuộc, ngành Tòa án không được độc lập trong việc thực thi chức năng vốn có của mình.

Người ta vẫn nói nhiều đến những bản án “bỏ túi” hay nạn chạy án tại Việt Nam. Đó là một thực tế đau lòng đang diễn ra trên đất nước ta. Trong các bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân, bao giờ cũng có câu: “...thể hiện bản chất đúng đắn của pháp luật xã hội chủ nghĩa, tính nhân đạo và ưu việt của chế độ ta”. Để chứng minh cho bản chất đúng đắn đó thì người dân phải bán cả gia tài để có tiền chạy án. Để thể hiện sự nhân đạo và ưu việt của chế độ thì họ phải gánh chịu bao nổi oan khuất trong nhà tù. Nhưng người dân biết kêu ai, trong khi báo chí và truyền thông do nhà nước nắm giữ, hệ thống Tòa án do nhà nước chỉ đạo?

Ở Việt Nam, giới Luật sư bảo vệ công lý bị nhà nước phân biệt đối xử. Rất nhiều Luật sư đã phải ngồi tù chỉ vì bảo vệ lẽ phải. Có lẽ chỉ trong một đất nước độc tài như Việt Nam thì mới có điều đó xảy ra. Khi Luật sư tham gia bào chữa một vụ án, phải được sự đồng ý của vị Thẩm phán xử phiên tòa đó. Như vậy có nghĩa là Luật  Sư và Thẩm Phán phải có cùng quan điểm? Điều đó đồng nghĩa với việc quyền có Luật sư bào chữa của người dân đã bị tước đoạt. Vậy thì người dân biết tìm chân lý ở đâu, làm cách nào để có được công lý và sự thật?

Chế độ Cộng sản tạo nên một xã hội không có pháp luật, mọi niềm tin của người dân bị lung lay đến tận gốc rễ. Với một chế độ độc tài toàn trị, mọi phương tiện để thực thi công lý đều là công cụ của nhà nước Cộng sản. Vì vậy mà người dân chìm trong nổi oan khuất triền miên, đối với họ công lý và sự thật là điều không thể với tới được.

Cấu trúc thượng tầng của xã hội là căn nguyên của sự lạc hậu hay tiến bộ. Cấu trúc nhà nước quyết định mọi thành quả của đất nước đó, giống như vai trò của Hiến pháp đối với hệ thống pháp luật vậy. Cấu trúc thượng tầng của một nhà nước vốn là:

- Lập pháp: Quốc Hội (tức Nghị Viện), là cơ quan đại diện của dân, có chức năng làm luật.
- Hành Pháp: Là Chính Phủ, có nhiệm vụ thực thi pháp luật;
- Tư Pháp: Tòa Án, có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật.

Quốc Hội do dân bầu ra, đại biểu quốc hội là đại diện dân cử. Quốc hội có sự tham gia của nhiều đảng phái và tổ chức khác nhau, cũng như của các ứng viên độc lập. Làm luật là chức năng chính của Quốc hội. Đồng thời Quốc hội không chịu sự quản lý hay giám sát của một đảng phái nào.
Chính phủ có trách nhiệm quản lý đất nước theo quy định của pháp luật. Còn Tòa án thì có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, chống lại sự vi phạm pháp luật.

Ba cơ quan này tồn tại độc lập, đối trọng và giám sát lẫn nhau gọi là “Tam quyền phân lập”.
Đó là chức năng và nhiệm vụ của ba cơ quan ở thượng tầng nhà nước. Bất kỳ chế độ nhà nước dân chủ nào cũng phải tuân thủ nguyên tắc này, để duy trì và phát triển nền dân chủ tiến bộ.

Ở Việt Nam, thay vì thực hiện “Tam quyền phân lập” thì họ lại thực hiện cái gọi là “Tam quyền phân công”. Có nghĩa là cả ba cơ quan này đều bị đặt dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng Sản, do đảng phân công nhiệm vụ. Đảng tức là Quốc hội, là Chính phủ, là Tòa án. Ngành Tòa án không có một chút độc lập nào, mà hoàn toàn phụ thuộc vào Đảng Cộng Sản. Đây là nguyên nhân vì sao người dân phải sống trong một xã hội vô pháp luật, chỉ có quyền lực và sức mạnh thống trị.

Độc lập Tư Pháp, đó là khát vọng của người dân và nhu cầu xã hội. Ngành Tòa án phải được tách bạch ra khỏi Lập pháp và Hành pháp, không phải chịu sự chỉ đạo của đảng Cộng Sản. Đó là con đường duy nhất để người dân Việt Nam có được công lý và sự thật. Đó cũng là lối thoát duy nhất cho xã hội Việt Nam hiện nay, để tiến tới sự văn minh và tiến bộ. Độc lập Tư pháp - nền tảng của công lý và sự thật – nền tảng của một nhà nước Pháp quyền.

Hoàng Công Minh

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More