19/1/13

Dư luận xã hội và báo chí - Kẻ thù của tệ tham nhũng


Lê Quang Việt (LCST) - Dư luận xã hội là sản phẩm của quá trình giao tiếp xã hội. Trong đó truyền thông đại chúng là cơ chế hữu hiệu đảm bảo sự hình thành dư luận xã hội trên phạm vi rộng lớn và trong giới hạn thời gian phù hợp để đảm bảo tính thời sự.
 Trong tiến trình dân chủ hóa đời sống xã hội, những người dân bình thường ngày càng có cơ hội tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào các mặt hoạt động, xây dựng và quản lý đất nước. Chức năng giám sát, tư vấn  được thể hiện rõ nhất khi đối tượng của dư luận xã hội  là các hoạt động của cơ quan công quyền. 

Nhân dân không chỉ bầu ra người đại diện của mình tại các cơ quan dân cử mà còn thông qua sức mạnh của dư luận xã hội, họ đánh giá, nhận xét về chủ trương, chính sách của nhà nước, hoạt động của bộ máy chính quyền. Qua đó dư luận xã hội thực hiện chức năng giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền và các thiết chế xã hội, gây sức ép lớn đối với tệ tham nhũng, quan liêu, tắc trách.

Trong các xã hội có nền dân chủ rộng rãi, công luận (kể cả báo chí) thường được coi là cơ quan quyền lực thứ tư. Các vấn đề biến cố trong đời sống xã hội: tội phạm tham nhũng, tệ nạn xã hội... trong trường hợp này lợi ích căn bản, hệ thống giá trị chuẩn mực, đạo đức luân lý của cộng đồng bị xâm hại nặng nề dẫn đến trạng thái phản ứng tức thời của người dân.Và ta thấy đặc biệt phải có sự tham gia của truyền thông, vì cá nhân nhóm không có cơ hội để tiếp xúc với thông tin thì sẽ không có bất kỳ một ý kiến chủ động nào. Dư luận xã hội và báo chí được coi là kẻ thù của tệ tham nhũng, quan liêu, cửa quyền. Bởi lẽ dư luận xã hội và báo chí lúc nào cũng sẵn sàng lên án, tố cáo các hiện tượng tiêu cực đó trong đời sống.

Trước những vấn đề bức xúc của cộng đồng nhân dân, trước những vấn đề ảnh hưởng đến vận mệnh, chủ quyền của dân tộc , dư luận xã hội và báo chí có thể đưa ra các đề nghị, khuyến cáo vô cùng quan trọng, các giải pháp sang suốt  có tính chất tư vấn đinh hướng.

Tuy nhiên, để chống tham nhũng cần một xã hội dân chủ và cần báo chí công khai bởi lẽ trong thực tế có hai khả năng có thể xảy ra:
Thứ nhất, tôi muốn nói đến khả năng nhà cầm quyền có thể coi thường, xem nhẹ, thậm chí bất chấp công luận, coi nó là “tin tức vỉa hè”, là ý kiến không chính thống, không có giá trị đối với công việc chung của họ. Đó là thái độ “quay lưng lại với dư luận xã hội”. Hành động theo cách này chính là quay lưng lại với nhân dân. Nếu hành động theo cách này  khiến cho nhân dân bất bình, tạo ra một tâm lý ức chế hoặc phản kháng của người dân khi tiếng nói của mình không được nhà cầm quyền tôn trọng. Nếu đông đảo người dân cùng phản kháng. Nguy cơ sụp đổ của một thể chế chính trị là hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Tuy nhiên, chúng ta nên xét ở khía cạnh thứ hai, cũng chính là khả năng mà ít khi được chú ý đến. Khả năng này thể hiện ở chỗ nhà cầm quyền “theo đuôi dư luận”, tức là nhất nhất đều làm theo dư luận. Điều này sẽ dẫn đến  tình trạng thiếu trách nhiệm, trốn tránh trách nhiệm cá nhân, thiếu sự quyết đoán các công việc cộng đồng và chính điều này chủ thể gánh chịu lại chính là người dân.

Tôi muốn nhấn mạnh ở đây là để công luận thực sự có sức mạnh thì điều quan trọng đầu tiên là phải xây dựng cơ chế hành lang pháp lý phù hợp, thuận tiện cho việc tiếp nhận các khuyến nghị kể cả các khuyến nghị trái chiều, bất đồng. Có thể coi đây là một bộ phận quan trọng trong việc xây dựng quy chế dân chủ trên đất nước Việt Nam và bất kì quốc gia dân chủ nào.     

Cần tạo điều kiện cho mọi công dân có được các thông tin cần thiết, kịp thời , chính xác, được tự do bày tỏ, phát biểu chính kiến,quan điểm của mình đối với các vấn đề liên quan tơi lợi ích của họ, được quyền tham gia vào các quyết định quan trọng của đất nước. Đây là một điều kiện quan trọng quản lý xã hội đúng tinh thần “lấy dân làm gốc”.

Lê Quang Việt
 

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More