16/6/12

THỰC TIỄN THI HÀNH BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ: CÔNG TY CÓ THÀNH VIÊN NGƯỜI NƯỚC NGOÀI, TÒA NÀO XỬ?


HỒNG TÚ

Bà T. khởi kiện công ty tranh chấp về tiền lương và các khoản bảo hiểm chứ không tranh chấp với cá nhân từng thành viên trong hội đồng thành viên công ty.
Thực tiễn đã phát sinh không ít vụ tranh chấp liên quan đến công ty có thành viên hội đồng là người nước ngoài. Trường hợp nào thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa cấp huyện, trường hợp nào thuộc tòa cấp tỉnh?
Tháng 3-2011, bà LTHT đã nộp đơn khởi kiện Công ty TNHH DV TM ĐT (viết tắt là Công ty ĐT) ra TAND quận Phú Nhuận để yêu cầu tòa buộc phía Công ty ĐT giải quyết tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho bà với tổng số tiền hơn 260 triệu đồng.
Tòa quận: Có yếu tố nước ngoài
Theo đơn khởi kiện, bà T. vào làm tại Công ty ĐT (trụ sở tại phường 9, quận Phú Nhuận) từ năm 2003. Từ đó đến tháng 8-2010, bà T. đã làm việc cho Công ty ĐT với nhiều chức vụ khác nhau. Tháng 9-2010, do đến tuổi nghỉ hưu theo luật định, bà T. đã viết đơn xin nghỉ việc với lý do hết tuổi lao động và yêu cầu Công ty ĐT thanh toán tiền lương, tiền phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trợ cấp thôi việc nhưng phía công ty không thanh toán. Hòa giải không thành, bà T. buộc lòng phải khởi kiện công ty ra tòa.
Tháng 3-2011, TAND quận Phú Nhuận đã thụ lý vụ kiện. Sau khi xem xét hồ sơ, tòa phát hiện trong hội đồng thành viên của Công ty ĐT có ông Michael B.L. là người đang định cư tại nước ngoài (California, Mỹ). Theo tòa, bà T. khởi kiện Công ty ĐT nên ông Michael B.L. được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện. Xác định là vụ án có yếu tố nước ngoài và thẩm quyền xét xử thuộc về TAND TP.HCM, tháng 9-2011, tòa đã ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án lên TAND TP.HCM để xét xử theo đúng thẩm quyền.



Tòa TP: Thẩm quyền thuộc tòa quận
Tháng 1-2012, TAND TP.HCM đã có quyết định chuyển trả hồ sơ vụ án vì cho rằng thẩm quyền xét xử vẫn thuộc TAND quận Phú Nhuận.
Theo TAND TP, qua cung cấp thông tin của Sở KH&ĐT TP.HCM, Công ty ĐT, người đại diện theo pháp luật của công ty (giám đốc) là người Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại phường 9, quận Phú Nhuận nên có thể xác định vụ án trên là tranh chấp về lao động. Trong đó, bà T. là nguyên đơn khởi kiện người sử dụng lao động là giám đốc Công ty ĐT. Còn ông Michael B.L. chỉ là thành viên trong hội đồng thành viên của Công ty ĐT, không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Nếu có đưa ông Michael B.L. vào tham gia vụ án thì cũng chỉ với tư cách là người làm chứng.
Tòa nào đúng?
Luật sư Lưu Văn Tám (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nhận xét: Trong trường hợp này, thẩm quyền xét xử vẫn thuộc về tòa quận. Bởi lẽ bà T. khởi kiện Công ty ĐT tranh chấp về tiền lương và các khoản bảo hiểm chứ không tranh chấp với cá nhân từng thành viên trong hội đồng thành viên công ty. Do vậy, bị đơn trong vụ án là công ty do người đại diện theo pháp luật của công ty tham gia tố tụng. Việc trong hội đồng thành viên của công ty có người đang định cư ở nước ngoài không thuộc trường hợp vụ án có yếu tố nước ngoài nên việc tòa quận giải quyết là không sai về mặt thẩm quyền.
Đồng tình, luật sư Huỳnh Kim Nga (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích thêm: Trước đây, tất cả vụ án có yếu tố nước ngoài đều được chuyển cho tòa án cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương giải quyết. Nhưng kể từ ngày Bộ luật Tố tụng dân sự có hiệu lực thì thẩm quyền của TAND cấp quận, huyện đã được nâng lên rất nhiều. Trong một số trường hợp vụ án có yếu tố nước ngoài nhưng không thuộc diện có “đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài” thì TAND cấp quận, huyện vẫn có thể thụ lý, giải quyết.
Vụ án không có yếu tố nước ngoài
Theo tôi, vụ án này không có yếu tố nước ngoài và thẩm quyền xét xử vẫn thuộc về TAND quận Phú Nhuận. Quan hệ pháp luật được xác định trong trường hợp này là tranh chấp lao động giữa người lao động với chủ sử dụng lao động là doanh nghiệp. Theo Nghị định 138 ngày 15-11-2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì trong vụ án này, Công ty ĐT là doanh nghiệp Việt Nam và không có yếu tố nước ngoài trong vụ án này.
Mặt khác, khoản 3 Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự (đã sửa đổi, bổ sung) đã quy định vụ án “có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài” thì thẩm quyền thuộc TAND cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Như vậy, vụ án phải có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài mới thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án cấp tỉnh, còn nếu vụ án cũng có các yếu tố nước ngoài nhưng không thuộc trường hợp trên thì TAND cấp quận vẫn có thể thụ lý, giải quyết.
TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên ĐH Luật TP.HCM
Thế nào là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài?
Theo Điều 3 Nghị định 138 ngày 15-11-2006 của Chính phủ, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài bao gồm:
Các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
Các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động mà các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt theo pháp luật nước ngoài, phát sinh ở nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.
Án hình sự cũng lấn cấn
Nguyễn Thị Thanh Kiều là nhân viên tạp vụ của Ban Quản lý dự án Thủy điện 7 (Sơn Hòa, Phú Yên), được bố trí ở cùng phòng với hai kỹ sư người Trung Quốc. Tháng 3-2009, khi hai kỹ sư này đi làm, Kiều mở túi xách trộm 1.000 USD và 3.000 nhân dân tệ (hơn 24,5 triệu đồng). Hôm sau, Kiều đem số ngoại tệ này đi đổi thì bị phát hiện. Xử sơ thẩm, TAND huyện Sơn Hòa đã phạt Kiều sáu tháng tù về tội trộm cắp tài sản.
Vụ án trên đã làm phát sinh tranh cãi xung quanh chuyện tòa cấp huyện có được xét xử một vụ án có yếu tố nước ngoài hay không? Bởi lẽ trong thực tiễn xét xử, nếu án hình sự có yếu tố nước ngoài thì thông thường đều do tòa cấp tỉnh thụ lý, giải quyết.

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More