22/6/12

Úc kiến nghị cải thiện đối thoại nhân quyền với VN


Photo courtesy of wordpress.com. Cộng đồng người Việt tại Úc trong một lần biểu tình cho nhân quyền Việt Nam
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2012-06-21
Hôm 21/6 vừa qua, thượng viện Australia đồng loạt thông qua kiến nghị kêu gọi chính phủ Australia cải thiện và thực hiện tốt hơn những vòng đối thoại nhân quyền với Việt Nam.

Không có sự chống đối nào

Đây là kết quả vận động từ một kiến nghị do Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu khởi xướng, kết thúc cách đây mấy hôm. Kiến nghị kêu gọi chính phủ Australia cải thiện những vòng đối thoại nhân quyền với Việt Nam sao cho có hiệu quả, do thượng nghị sĩ Ron Boswell thuộc đảng đối lập và thượng nghị sĩ Mark Furner thuộc đảng đương quyền đồng bảo trợ, được thượng viện Australia nhất trí thông qua vào lúc 12 giờ 30 phút trưa giờ Úc Châu ngày 21 tháng Sáu vừa qua.

Có mặt cùng với khoảng hai trăm người Việt đến thượng viện ở Canberra sáng thứ Năm, ông Nguyễn Thế Phong, cựu chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu, cho biết:

"Cá nhân chúng tôi với tư cách người đã khởi xướng kiến nghị thư và ông tân chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu, luật sư Võ Trí Dũng, và tân ban chấp hành cộng đồng đã có mặt cùng với hơn hai trăm đồng hương đã có mặt tại thượng viên để chứng kiến cũng như để tổ chức cuộc họp cũng như trao kiến nghị thư chính thức cho hai vị thượng nghị sĩ Ron Boswell và Mark Furner.

Khoảng 12giờ 30 nghị quyết được thông qua mà không có sự chống đối nào cả và đã chính thức trở thành quyết nghị của Quốc Hội Liên Bang Úc Châu. Đây là thành quả mà Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu, qua kiến nghị thư, đã đạt được trong thời gian kỷ lục. Kết quả này cũng sẽ đưa đến một vấn đề vô cùng quan trọng là trên nguyên tắc cả hạ viện lẫn thượng viên Úc Châu đã chính thức hỗ trợ và đồng thuận với tất cả những lời yêu cầu mà cộng đồng đưa lên trong kiến nghị này.

Cho nên từ giờ trở đi Cộng Đồng người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu có quyền đòi hỏi chính phủ Úc Châu phải thay đổi chính sách cũng như thức thi tất cả những điều mà quốc hội Úc Châu thông qua ngày hôm nay."

Kiến nghị được thượng viện Australia thông qua có nội dung : Xét rằng từ 2002 Australia và Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã có tám vòng đối thoại nhân quyền mà hành pháp Australia qua Bộ Ngoại Giao và Mậu Dịch Australia đặt vấn đề cải thiện quyền con người ở Việt Nam lên hàng ưu tiên.

Chính vì thế, thứ nhất, kêu gọi chính phủ khuyến khích bộ trưởng Bộ Ngoại Giao và Mậu Dịch chấp nhận sự hiện diện của thành viên lập pháp được chỉ định để tham dự những vòng đối thoại nhân quyền với Việt Nam.

Thứ hai, thông báo cho cộng đồng biết diễn tiến và kết quả những vòng đối thoại nhân quyền này. Thứ ba, bảo đảm những chương trình hỗ trợ phát triển đến từ tiền của người dân Australia đổ vào Việt Nam phải khiến cho chính phủ Việt Nam tập trung nhiều hơn nữa vào việc cải thiện nhân quyền.

Thứ tư, đối thoại nhân quyền chỉ có hiệu quả một khi chính phủ đương nhiệm huy động toàn lực để làm việc với phía Việt Nam.

Lên tiếng vào khi kiến nghị được đồng loạt thông qua hôm thứ Năm, thượng nghị sĩ Ron Boswell thuộc đảng đối lập cho rằng điều này thể hiện sự nhất trí của cả hai đảngđối lập và đảng đương quyền trước những hành vi rẻ rúng và chà đạp nhân quyền của Việt Nam hay của bất cứ chính phủ nào khác trên thế giới.

Vẫn theo lời ông, kiến nghị vừa được thông qua chỉ là một trong một số những hành động mà chính phủ Australia cần thực hiện nhằm cải đổi tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam. Ông nói Australia không thụ động vào khi những người vô tội đang cố bênh vực và cổ vũ quyền con người bị bắt giữ và bị xử phạt một cách bất công.

Thượng nghị sĩ Boswell còn nhấn mạnh đây là trường hợp hi hữu vì ít khi có được sự đồng thuận nhanh chóng và tức thời như trường hợp kiến nghị mới thông qua trong ngày.

Cải thiện nhân quyền VN


osb1__3_-large-content-250.jpg
Anh Trương Quốc Việt, một dân oan biểu tình trước sứ quán Việt Nam tại Úc hôm 23/4/2012, ảnh minh họa.

Việc này được cựu chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu, ông Nguyễn Thế Phong, nhận định:

"Trong tương lai nếu có thay đổi chính phủ thì chính sách đã được lưỡng đảng thông qua cũng như lưỡng viện thông qua với sự đồng thuận tuyệt đối thì dù ai nắm quyền thì tất cả những đề nghị mà kiến nghị thư của cộng đồng người Việt đưa ra vẫn sẽ được thực hiện."

Ngày kiến nghị kêu gọi chính phủ Australia cải thiện những vòng đối thoại nhân quyền với Việt Nam cũng là ngày kiến nghị nhân quyền online, do Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên bang Úc Châu khởi xướng với 55.000 chữ ký chỉ trong vòng hai tháng, đã được thượng nghị sĩ Ron Boswell trình trước Thượng viện.

Là một trong những người khởi xướng kiến nghị online này, cựu chủ tịch cộng đồng, ông Nguyễn Thế Phong trình bày chi tiết hơn về tiến trình vận động trước đó:

"Kiến nghị được khởi xướng ngày 17 tháng Tư 2012, kết thức ngày 17 tháng Sáu 2012 tức là cách đây được mấy ngày. Trong suốt thời gian vận động thì đã có chừng năm mươi lăm ngàn ba trăm bốn mươi sáu chữ ký trong vòng hai tháng vừa qua. Đây là kiến nghị thư lần đầu tiên của Cộng Đồng Người Việt Úc Châu trong vấn đề nhân quyền tại Việt Nam."

Vào ngày 28 tháng Năm, khi con số chỉ mới lên được gần ba chục ngàn thì một cuộc thảo luận về vấn đề nhân quyền Việt Nam đã diễn ra tại hạ viện Ú Châu, gồm tám vị dân biểu, bốn vị từ phiá chính phủ và bốn vị từ phía đối lập, cả tám vị và hạ viện Úc Châu sau một tiếng đồng hồ bàn cãi đã đưa tới quyết định lên án vấn đề vi phạm nhân quyền của Việt Nam, đồng thuận với những đề nghị mà Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu đưa ra trong kiến nghị đó."

Được biết hôm thứ Năm ngoài thượng nghị sĩ Ron Boswell thuộc đảng đối lập tức Đảng Quốc Gia, và thượng nghị sĩ Mark Furner thuộc đảng Lao Động tức đang đương quyền, còn có dân biểu Craig Kelly thuộc đảng Tự Do và dân biểu nổi tiếng Phillip Ruddock vùng New South Wales. Những vị này đã xuất hiện tại tiền đình quốc hội trước hai trăm người Việt, chia vui và khen ngơi thành quả vận động nhân quyền mà Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu đạt được.

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More