Đôi lời của anh Ba Sàm: Đăng lại bài này một phần để nói rằng BBC đã phản ánh rất sai những bình luận công phu của Ba Sàm trong 4 ngày liền, với nhiều gợi ý, giả định được đặt ra.
BBC: “Chủ trang điểm tin, Ba Sàm, lại cho rằng toàn bộ sự việc là xuất phát từ kế hoạch cho ra đời đảng “đối lập” – một kế hoạch của chính Đảng Cộng sản cầm quyền.” Đoạn này lấy ý từ đoạn trích nguyên văn dưới đây, nhưng lại sai lạc hoàn toàn:
“Đây là một tổ chức mà đảng Cộng sản Việt Nam sẽ coi là mầm mống của một chính đảng đối lập. Hãy nhìn gương các tổ chức khác, như Khối 8406, thì thấy rõ họ sẽ đối xử ra sao, nếu như không phải do họ ‘đẻ’ ra,” vị chủ trang viết.”
Mời tham khảo các bình luận trong phần điểm tin các ngày 13/6, 14/6, 15/6, 16/6.
Từ trái: các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, Lê Công Định
Nhiều nhà bất đồng chính kiến và cây bút độc lập bày tỏ hồ nghi về mục đích đằng sau lời kêu gọi về “Con đường Việt Nam” của ông Lê Thăng Long, người vừa ra tù ở Việt Nam.
Nhưng cũng có một số người nói chưa thể kết luận rõ ràng.
Ông Lê Thăng Long, người bị xử trong vụ án năm 2010 cùng luật sư Lê Công Định, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung và kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, được trả tự do sáu tháng trước hạn hôm 4/6.
Trong cuộc phỏng vấn gây nhiều chú ý của BBC, ông Long nói ông “thay mặt ba anh trên phát động phong trào mang tên Con đường Việt Nam”.
“Chúng tôi rất mong để làm sao có một sự phát triển tốt cho đất nước không có sự hận thù, cực đoan, đạp đổ, phân biệt quá khứ, phân biệt chính kiến, làm sao trong yêu thương và làm sao cho đất nước chúng ta phát triển tốt nhất và đoàn kết với nhau.”
“Mục tiêu sắp tới của tôi là làm sao hình thành được phong trào cùng với các anh em và làm sao để phong trào này lớn mạnh để đem lại con đường đi tới dân chủ và thịnh vượng cho đất nước Việt Nam,” ông Long cho biết.
Lời phát động, đăng lên mạng hôm 10/6, nói phong trào “xác định mục tiêu tối thượng phải hoàn thành là quyền con người phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng ở đất nước chúng ta”.
“Hãy tham gia làm người sáng lập, quản trị, điều hành, thành viên của phong trào sẽ được mở ra cho bất kỳ ai mà không có sự phân biệt. Hãy làm cố vấn, ủng hộ viên và tình nguyện viên cho phong trào,” tuyên bố kêu gọi.
Ông Lê Thăng Long cũng gửi thư mời nhiều người tham gia, từ cựu Chủ tịch Quốc hội, doanh nhân, cho đến nhà bất đồng chính kiến, và cả người làm trong ngành giải trí…
‘Cạm bẫy’
Tuy vậy, có vẻ lúc này hầu hết người được mời tỏ ra dè dặt, thậm chí phê phán.
Nhà đối kháng Hà Sĩ Phu viết: “Nhiều ý kiến cho rằng cuộc vận động phi thường vội vã này chỉ là một trong hai khả năng: hoặc là sự ngây thơ chính trị kiểu sách vở, hoặc một cạm bẫy.”
“Hai khả năng ấy cuối cùng cũng chỉ là một, vì đã ngây thơ thì càng chân thành lại càng dễ thành cạm bẫy thôi.”
Ông nói đây là “chuyện như đùa”, và cảnh báo: “Chủ nhân thật sự của cạm bẫy không bao giờ tự ra tay, mà luôn biết cách làm cho con mồi tự làm lấy cạm bẫy cho mình và cho đồng loại mà tất cả cứ tưởng mình vừa thiết kế một cái gì đó thành công và sắp… thắng lớn!”
Chủ trang điểm tin, Ba Sàm, lại cho rằng toàn bộ sự việc là xuất phát từ kế hoạch cho ra đời đảng “đối lập” – một kế hoạch của chính Đảng Cộng sản cầm quyền.
“Hai khả năng ấy cuối cùng cũng chỉ là một, vì đã ngây thơ thì càng chân thành lại càng dễ thành cạm bẫy thôi.” Hà Sĩ Phu.
Cũng trên trang Ba Sàm, doanh nhân Nguyễn Trần Bạt có thư: “Bất cứ một phong trào ầm ĩ nào không có nội dung, không có bất kỳ nguyên lý hợp tác nào để tạo ra đoàn kết xã hội, đều có thể trở thành một phong trào nguy hiểm.”
“Vì thế tôi từ chối tham gia và từ chối bất kỳ liên hệ nào đối với phong trào này,” ông Bạt bày tỏ thái độ.
Ở hải ngoại, một người được mời, Châu Xuân Nguyễn, lên án nặng nề và cáo buộc “phong trào này thực chất là phục vụ cho Đảng Cộng Sản”.
‘Ẩn giấu’
Tuy vậy, cũng có ý kiến trên mạng cho rằng còn gì đó “ẩn giấu”.
Viết trên một trang đối lập với Đảng Cộng sản, Phan Nguyễn Việt Đăng, cho rằng: “Để kết luận rõ ràng ông Long là một người như thế nào, thật không dễ.”
“Cách làm, lý do ra tù, cũng như phát ngôn của ông đang có các chi tiết buộc người ta phải dành nhiều thời gian để kiểm chứng hơn.”
“Cách làm, lý do ra tù, cũng như phát ngôn của ông đang có các chi tiết buộc người ta phải dành nhiều thời gian để kiểm chứng hơn.” Phan Nguyễn Việt Đăng.
“Chưa xét về quan điểm chính trị mà chỉ ở góc độ cá nhân thì tôi cảm thấy vui mừng vì ông Long đã được ra tù trước thời hạn kể cả vì lý do ông ‘nhận tội’,” người này viết.
Còn người lấy bút danh Nguyễn Ngọc Già lại bênh vực ông Long khi cho rằng “những ai đả kích, chê bai, phỉ báng Lê Thăng Long như là một dạng chiêu hồi cũng nên nghiêm túc xem lại”.
“Hãy bình tâm và suy ngẫm trước khi phán xét như đã phán xét,” theo ông.
Trên trang blog của mình, đến lúc này, ông Lê Thăng Long không có phản hồi trước sự hồ nghi đang dành cho công việc của ông.
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét