NGUYỄN VÂN ANH – Sở
KH&CN Bà Rịa – Vũng Tàu; NGUYỄN BẢO HÙNG – Bộ KH&CN; LÊ VŨ TOÀN – Trường
quản lý KH&CN, Bộ KH&CN
Một trong những giải pháp của doanh
nghiệp đối phó với tình trạng khủng hoảng kinh tế hiện nay là đầu tư đổi mới
công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và
quốc tế. Tuy nhiên, việc bảo hộ công nghệ(1) – một loại hình vũ khí
cạnh tranh đặc biệt lại chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Nội dung
này sẽ được các tác giả nêu ra để bạn đọc cùng trao đổi, rút ra những kinh
nghiệm thiết thực đối với các tình huống cụ thể khi tham gia các giao dịch liên
quan.
Công nghệ và bảo hộ công
nghệ
Công nghệ là loại hình hàng hóa đặc biệt, được
các quốc gia trên thế giới khuyến khích phát triển và bảo hộ độc quyền khi thỏa
mãn những điều kiện nhất định. Theo Luật Chuyển giao công nghệ
(CGCN)(2), thì: “Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật
có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản
phẩm”.
Bảo hộ công nghệ: hiện nay chưa có bất cứ tài
liệu nào ở trong nước đề cập tổng quan đến vấn đề bảo hộ công nghệ. Theo Đại từ
điển tiếng Việt(3), thì bảo hộ có nghĩa là “bảo vệ, che chở, bênh
vực không để tổn thất thiệt hại”. Do vậy bảo hộ công nghệ có thể được hiểu
“Là việc thực hiện các hình thức bảo vệ đối với đối tượng công nghệ và các chủ
thể liên quan không để tổn thất thiệt hại”.
Công nghệ được bảo hộ trước hết là sự tự bảo vệ của chủ sở hữu
và các bên liên quan ngoài ra còn dựa vào hệ thống pháp luật nhà nước, như việc
định ra và áp dụng các chế tài pháp lý để ngăn chặn hoặc xử lý hành vi xâm phạm.
Hệ thống pháp luật quốc tế cũng như pháp luật quốc gia phù hợp nhất cho bảo hộ
các đối tượng công nghệ là pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT) với bản chất là đưa
ra các hình thức bảo hộ cho các đối tượng công nghệ khác nhau nhằm bảo hộ độc
quyền cho chủ sở hữu công nghệ. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về CGCN, thương
mại, cạnh tranh, … cũng có một số chế tài nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các
bên tham gia giao dịch.
Các chủ thể liên quan trực tiếp đến việc hình thành và tham gia
các giao dịch gắn với đối tượng công nghệ thường bao gồm: chủ sở hữu công nghệ,
tác giả, bên mua công nghệ. Đồng thời, việc mua bán công nghệ thực chất là mua
quyền sở hữu, quyền sử dụng công nghệ (Li xăng). Do vậy, bài viết tập trung vào
các vấn đề sau: (1) Các hình thức pháp lý bảo hộ đối tượng công nghệ; (2) Xác
định quyền của các chủ thể có liên quan; (3)Các vấn đề pháp lý liên quan đến
quyền của chủ sở hữu và bên mua công nghệ trong giao dịch, mua bán công nghệ;
(4) Kết luận về các vấn đề nêu trên.
Các hình thức pháp lý bảo hộ công
nghệ
Thông thường công nghệ có thể được bảo hộ theo các hình thức
sau đây:
Bằng độc quyền sáng chế: Một giải pháp kỹ thuật
(dạng sản phẩm hay quy trình) có thể được bảo hộ dưới hình thức Bằng độc quyền
sáng chế trong thời hạn 20 năm nếu giải pháp đó đáp ứng các điều kiện về tính
mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp (Điều 58, Điều 93 Luật
SHTT). Một hình thức khác của sáng chế thường gọi là “sáng chế nhỏ” – ở Việt Nam
được gọi là giải pháp hữu ích (GPHI) được bảo hộ dưới hình thức Bằng độc quyền
GPHI. Một giải pháp kỹ thuật nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng
các điều kiện có tính mới, có khả năng áp dụng công nghiệp thì có thể được cấp
Bằng độc quyền GPHI với thời hạn bảo hộ là 10 năm (Điều 58, Điều 93 Luật
SHTT).
Bí mật kinh doanh: trường hợp giải pháp kỹ thuật
không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được, khi được sử dụng
trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật lợi thế so với người không nắm
giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó, đồng thời được chủ sở hữu công nghệ
áp dụng các biện pháp bảo mật cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ
và không dễ dàng tiếp cận được thì có thể được bảo hộ dưới hình thức bảo hộ bí
mật kinh doanh (Điều 84, Luật SHTT).
Quyền tác giả: chương trình máy tính được
pháp luật SHTT quy định bảo hộ quyền tác giả dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn
hay mã máy (Điều 22.1, Luật SHTT). Quyền tác giả phát sinh ngay khi chương trình
máy tính được sáng tạo và thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không
phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay
chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký (Điều 6.1, Luật SHTT). Quyền tác giả
bảo gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền nhân thân bao gồm quyền đặt tên
cho tác phẩm; quyền đứng tên; được nêu tên; công bố và bảo vệ sự toàn vẹn của
tác phẩm. Quyền tài sản bao gồm quyền làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn, sao
chép, phân phối, truyền đạt, cho thuê.
Quyền đặt tên, đứng tên, bảo vệ sự toàn vẹn của chương trình
máy tính được bảo hộ vô thời hạn. Quyền công bố (thuộc quyền nhân thân) và quyền
tài sản có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác
giả chết; trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt
vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết (Điều 27.b, Luật SHTT).
Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí
mạch tích hợp bán dẫn: các sáng tạo trong lĩnh vực điện tử liên quan đến
thiết kế bố trí (cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các
phần tử) mạch tích hợp bán dẫn được bảo hộ dưới hình thức này. Các thiết kế bố
trí mạch tích hợp bán dẫn được bảo hộ khi đáp ứng điều kiện về tính nguyên gốc
và tính mới thương mại. Tức là, các thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn phải
là kết quả lao động, sáng tạo của chính tác giả. Đồng thời, thiết kế bố trí mạch
tích hợp bán dẫn đó chưa được những người sáng tạo thiết kế bố trí cũng như
những nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn biết đến một cách rộng rãi và chưa được
khai thác thương mại tại bất kỳ nơi nào trên thế giới tại thời điểm nộp đơn đăng
ký (Điều 68, 69, 70, 71, Luật SHTT). Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí
mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất
trong số những ngày được liệt kê sau đây: kết thúc 10 năm kể từ ngày nộp đơn;
kết thúc 10 năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc
người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi
nào trên thế giới; kết thúc 15 năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí (Điều 93.5,
Luật SHTT).
Bằng bảo hộ giống cây trồng: giống cây
trồng mới có thể được bảo hộ dưới hình thức này trong thời hạn 25 năm đối với
giống cây thân gỗ và cây nho hoặc 20 năm đối với các giống cây khác. Để được bảo
hộ, giống cây trồng mới phải là giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và
phát triển, thuộc danh mục loài cây trồng được Nhà nước bảo hộ do Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn ban hành, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất,
tính ổn định và có tên phù hợp (Điều 158, Luật SHTT). Chủ bằng bảo hộ giống cây
trồng được bảo hộ quyền độc quyền đối với việc sử dụng tên giống, vật liệu nhân
giống và quyền cấm sử dụng vật liệu thu hoạch thu được từ việc sử dụng bất hợp
pháp vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ (Điều 186, 187, 188
Luật SHTT 2005 được sửa đổi năm 2009).
Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý:
Trong một số lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, một hình thức pháp
lý bảo hộ kết quả của việc áp dụng các kỹ năng, tri thức, kinh nghiệm truyền
thống, bí quyết kỹ thuật trong trồng trọt, canh tác, chế biến sản phẩm nông
nghiệp, đó là Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Điều kiện sản phẩm
được bảo hộ là “Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa
phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý. Đồng thời sản phẩm
mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện
địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn
địa lý đó quyết định”. Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô
thời hạn kể từ ngày cấp (Điều 93.7, Luật SHTT sửa đổi 2009). Khác với các loại
hình bảo hộ công nghệ đã nêu (chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết
kế bố trí là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ)
chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là nhà nước (Điều 121.4, Luật SHTT).
Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp: với
đối tượng công nghệ là các giải pháp kỹ thuật liên quan đến thiết kế mẫu mã, bao
bì, kiểu dáng của sản phẩm có thể được bảo hộ dưới hình thức Bằng độc quyền kiểu
dáng công nghiệp. Kiểu dáng công nghiệp được hiểu là hình dáng bên ngoài của sản
phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu
tố này (Điều 4.13, Luật SHTT). Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ khi thỏa mãn
các tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp (Điều 63, Luật
SHTT).
Việc chọn hình thức bảo hộ cho các đối tượng công nghệ phụ
thuộc tính chất của từng đối tượng công nghệ và điều kiện bảo hộ tương ứng theo
quy định pháp luật. Đồng thời việc lựa chọn hình thức bảo hộ đối tượng công nghệ
cũng phụ thuộc khá nhiều vào kế hoạch sản xuất và phân phối sản phẩm, phân khúc
thị trường đối với từng loại sản phẩm, điều kiện và năng lực của các đối thủ
cạnh tranh trên thị trường và những yếu tố khác thuộc chiến lược kinh doanh của
từng doanh nghiệp.
Khi một công nghệ thỏa mãn đồng thời nhiều hình thức bảo hộ,
doanh nghiệp có thể lựa chọn một hình thức phù hợp nhất, có lợi nhất với mình.
Trong một số trường hợp, nếu việc lựa chọn một hình thức bảo hộ là chưa đủ để
ngăn chặn các hành vi xâm phạm thì có thể áp dụng đồng thời nhiều hình thức bảo
hộ khác nhau để bao quát phạm vi bảo hộ đối với đối tượng công nghệ được sử dụng
và thể hiện trên sản phẩm. Chẳng hạn, đối với một số sản phẩm, bộ phận sản phẩm
gắn với hình thức bên ngoài của ô tô, xe máy, các hãng thường yêu cầu bảo hộ cả
dưới dạng Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và Bằng độc quyền sáng chế khi
đối tượng liên quan đồng thời đáp ứng điều kiện bảo hộ của các hình thức đó.
Xác định quyền của các chủ thể có liên
quan đến đối tượng công nghệ
Các chủ thể tham gia vào quá trình giao dịch công nghệ gồm: (1)
Bên bán (chủ sở hữu công nghệ – gọi tắt là bên A); (2) Bên mua, với tư cách
người sử dụng công nghệ (gọi tắt là bên B) (loại trừ việc mua bán có tính chất
trung gian); (3) Tác giả, người tạo ra công nghệ (tác giả).
+ Bên A: Có quyền chuyển giao quyền sở hữu (quyền
chiếm hữu, quyền định đoạt); quyền sử dụng công nghệ. Có quyền đăng ký bảo hộ
công nghệ (trường hợp bắt buộc để được bảo hộ); cấp phép quyền sử dụng công
nghệ.
+ Tác giả: được quyền ghi tên trong văn bằng bảo
hộ; được tiền thù lao khi công nghệ được đưa vào sử dụng. Chủ sở hữu công nghệ
chịu trách nhiệm trả thù lao cho tác giả theo tinh thần thỏa thuận hoặc theo quy
định của Luật SHTT và Luật CGCN. Tuy nhiên hiểu được đúng bản chất của vấn đề
chi trả thù lao cho tác giả đôi khi không phải đơn giản. Trong thực tế đã có
tình huống(4) chủ sở hữu công nghệ yêu cầu bên thứ ba chi trả cho tác
giả, khi bên thứ ba được hưởng những lợi ích do công nghệ mang lại. Tuy nhiên
yêu cầu này là không đúng với tinh thần của Luật SHTT đã ban hành.
+ Bên B: được sử dụng công nghệ trong phạm vi bên
A cho phép. Được quyền chuyển giao thứ cấp (nếu A cho phép). Tuy nhiên, bên B
được phép sử dụng công nghệ khi công nghệ hết thời hạn bảo hộ. Được phép dùng kỹ
thuật phân tích ngược để tìm ra bí quyết công nghệ, hoặc sử dụng công nghệ do vô
tình mà có được đối với các công nghệ bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh.
Các vấn đề pháp lý liên quan đến bảo hộ quyền
trong giao dịch, mua bán công nghệ
Mục đích sử dụng và phạm vi độc quyền
Việc xác định rõ mục đích chính mua công nghệ để sản xuất sản
phẩm; bán sản phẩm hay cả hai (sản xuất và bán sản phẩm); và phạm vi lãnh thổ
độc quyền phân phối sản phẩm đến tiến hành đàm phán có ý nghĩa rất quan trọng.
Khi đó phải trả lời được câu hỏi được độc quyền hay không độc quyền sử dụng công
nghệ. Sản phẩm sản xuất ra được xuất hiện trên lãnh thổ nào, được phép xuất khẩu
hay không. Bởi điều này quyết định đến khả năng cạnh tranh và thị trường của sản
phẩm. Tình huống sau đây là một ví dụ: Honda Nhật chuyển giao cho hai công ty
con tại Trung Quốc và Việt Nam cùng một công nghệ sản xuất xe tay ga. Công ty
Honda Trung Quốc ngoài việc sử dụng công nghệ sản xuất độc quyền xe tay ga tại
Trung Quốc, còn được phép xuất khẩu sản phẩm xe tay ga mang nhãn hiệu là
SCR. Công ty Honda Việt Nam cũng được phép sản xuất độc quyền xe tay ga
nêu trên tại Việt Nam, sản phẩm xe tay ga tương tự mang nhãn hiệu là
LEAD. Trên thị trường xe máy Việt Nam có hai sản phẩm xe tay ga cùng loại
SCR và LEAD. Như vậy, Hon da Việt Nam mặc dù được cấp độc quyền
sản xuất tại Việt Nam nhưng vẫn phải cạnh tranh với dòng xe cùng loại đến từ
Trung Quốc.
Thời hạn độc quyền và quyền chuyển giao thứ
cấp
Theo quy định của pháp luật CGCN hiện nay, thì thời hạn độc
quyền do bên A và B thỏa thuận. Đồng thời các bên cũng có quyền thỏa thuận thời
điểm có hiệu lực của hợp đồng CGCN. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về
thời điểm hiệu lực hợp đồng thì thời điểm có hiệu lực là thời điểm bên sau cùng
hoàn tất thủ tục ký hợp đồng. Đối với các danh mục công nghệ hạn chế chuyển
giao, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng CGCN chỉ có hiệu lực sau khi được cơ
quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép CGCN (Điều 19, Luật CGCN).
Bên B có quyền chuyển giao thứ cấp tiếp cho bên C nếu được A
cho phép (Điều 17.2.b, Luật CGCN). Có nghĩa rằng bên A chuyển giao cho bên B,
bên B lại có quyền chuyển giao tiếp cho bên C (A->B->C). Hình thức chuyển
giao thứ cấp thường được áp dụng trong các hợp đồng nhượng quyền thương mại
(được quy định cụ thể trong Luật Thương mại) để phát triển công nghệ được bảo hộ
dưới dạng bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, chuyển giao thứ cấp cũng có thể áp dụng
đối với các đối tượng công nghệ khác như sáng chế, GPHI…
Quyền được cải tiến công nghệ, nhận thông tin cải tiến
công nghệ
Bên B có thể đàm phán về quyền được cải tiến công nghệ, quyền
được nhận thông tin công nghệ ngay cả trong hợp đồng nhượng quyền thương mại.
Trường hợp hợp đồng CGCN sản xuất thuốc TOBICOM giữa Công ty X tại Hàn Quốc
(Công ty X) và Công ty Y tại Việt Nam (Công ty Y) và là một ví dụ. Trước đây
TOBICOM (viên nang) là một loại thuốc uống bổ mắt nổi tiếng của Hàn Quốc. Năm
2003 Công ty X và Công ty Y ký hợp đồng cấp quyền sản xuất thuốc mang nhãn hiệu
TOBICOM trong đó hai bên đạt được thỏa thuận bên B (Công ty Y) được quyền cải
tiến công nghệ. Trong quá trình sản xuất Công ty Y đã nghiên cứu cải tiến bổ
sung công nghệ cho lớp bao ngoài viên nang làm cho sản phẩm tốt hơn hẳn. Năm
2007, hai bên đạt được thỏa thuận ký phụ lục hợp đồng sửa đổi hợp đồng đã ký.
Theo đó Công ty Y được sử dụng vĩnh viễn nhãn hiệu thuốc TOBICOM. Có thể nói đây
là một trong những trường hợp thành công trong đàm phán, ký kết hợp đồng CGCN
của doanh nghiệp Việt Nam.
Vấn đề về bảo đảm
quyền
Đây là vấn đề bên B nên lưu ý khi ký kết hợp đồng và đòi cho
bằng được các quyền lợi khi có phát sinh các tình huống.
Trách nhiệm của bên A khi xuất hiện bên thứ 3 liên quan:
khi xuất hiện bên thứ ba nào đó (bên C) hạn chế công nghệ do bên A
chuyển giao khi đó Bên A phải bồi thường. Hoặc khi bên C kiện bên B về công nghệ
đã chuyển giao, bên A phải chịu trách nhiệm. Vấn đề này được căn cứ vào Điều 45,
Điều 270 (Luật Thương mại); Điều 20.2.a – Luật CGCN.
Thực tế có những công nghệ chuyển giao vào Việt Nam phát sinh ô
nhiễm môi trường do việc sử dụng công nghệ gây ra. Bên B thường đứng ra chịu bồi
thường trong khi bên A lẩn tránh trách nhiệm, do bên B không am hiểu hết về pháp
luật liên quan đến CGCN hay các vấn đề về bảo hộ công nghệ nên đã không bắt buộc
được bên A chia sẻ việc bồi thường do công nghệ của mình gây ra.
Quyền được bảo hành: Trường hợp công nghệ có bảo
hành thì bên A phải chịu trách nhiệm bảo hành theo nội dung và thời hạn thỏa
thuận. Và phải thực hiện bảo hành trong thời gian ngắn nhất mà hoàn cảnh thực tế
cho phép. Bên A phải chịu chi phí bảo hành, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận
khác (Điều 49, Luật Thương mại); nếu trong hợp đồng không có điều khoản bảo hành
thì việc bảo hành phải thực hiện trong thời gian hợp đồng (Điều 273, Luật thương
mại). Nếu bên A không thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa trong thời gian hợp lý,
thì bên B có thể tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa. Mọi chi phí sửa chữa, bảo dưỡng
này bên A phải chi trả (Điều 271.3, Luật Thương mại).
Trường hợp này đã từng xảy ra đối với một doanh nghiệp tại Hải
Phòng, sau khi ký hợp đồng với một đối tác tại Nhật Bản liên quan đến CGCN.
Trong hợp đồng không có điều khoản bảo hành, khi bắt đầu vận hành hệ thống đã
phát sinh sự cố, bên B phải mời phía Nhật sang trợ giúp về kỹ thuật. Phía Nhật
đã yêu cầu bên B thanh toán phí bảo hành với các chi phí dự kiến như sau: chi
phí bảo hành: 8.000 USD; phí có mặt tại Việt Nam của chuyên gia: 2.500 USD/ngày;
phí xa nhà: 3.500 USD. Sau khi bên B được tư vấn về pháp lý, bên A đã phải thực
hiện bảo hành khắc phục sự cố miễn phí.
Quyền ngang
giá: tại Việt Nam giá công nghệ đang là vấn đề khó đối với các bên giao
dịch (đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu mua công nghệ từ nước
ngoài), do hoạt động định giá công nghệ còn hạn chế (chưa có quy định phương
pháp định giá thống nhất áp dụng; các tổ chức
tư vấn giúp định giá một cách khoa học hầu như không có). Để giải quyết tình
trạng này, bên B có thể đưa điều khoản quyền ngang giá vào trong hợp đồng (Điều
52, Luật Thương mại).
Thực tế đã có doanh nghiệp Việt Nam giải quyết vấn đề định giá
trong đàm phán và ký kết hợp đồng CGCN với đối tác nước ngoài với nội dung điều
khoản như sau: “Sau khi hai bên ký kết hợp đồng này, quá trình thực hiện trong
thời gian hợp đồng, nếu bên B phát hiện bên mua công nghệ nào khác mua công nghệ
với giá thấp hơn 2.900.000 USD thì mức giá công nghệ sẽ được hai bên thống nhất
bằng mức giá thấp hơn đó”. Thực tế doanh nghiệp này đã kéo mức giá mua công nghệ
từ 2.900.000 USD về mức giá 1.800.000 USD sau khi phát hiện bên A bán cho bên C
công nghệ với mức giá thấp hơn nêu trên.
Hạn chế quyền giữa các bên: Theo Luật Cạnh
tranh(5) của Việt Nam, một số thỏa thuận giữa bên A và bên B bị cấm
như sau:
Các thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác
tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh (Điều 8.6, Luật Cạnh tranh); thỏa
thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên thỏa
thuận (Điều 8.7, Luật Cạnh tranh); thông đồng để một hoặc các bên của thỏa thuận
thắng thầu trong việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ (Điều 8.8, Luật Cạnh
tranh).
Tuy nhiên, bên B cũng cần vận dụng quy định của Luật Cạnh tranh
về một số trường hợp miễn trừ có thời hạn đối với các thoả thuận hạn chế cạnh
tranh như ấn định giá; phân chia thị trường tiêu thụ; hạn chế hoặc kiểm soát số
lượng, khối lượng hàng hóa sản xuất, mua bán; hạn chế phát triển kỹ thuật, công
nghệ, đầu tư; áp đặt cho bên B điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán; hoặc buộc bên
B chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan đến các đối tượng trực tiếp của hợp
đồng trong các trường hợp nhằm hạ giá thành, có lợi cho người tiêu dùng như: hợp
lý hóa cơ cấu tổ chức, mô hình kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh doanh, thúc
đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ… (Điều
10, Luật Cạnh tranh).
Kết luận
Trên đây là nội dung liên quan đến bảo hộ công nghệ, bao gồm
các hình thức pháp lý bảo hộ đối tượng công nghệ, quyền của các chủ thể liên
quan đến công nghệ, các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền của chủ sở hữu và bên
mua, bán công nghệ theo quy định pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Các
doanh nghiệp cần chú ý lựa chọn hình thức bảo hộ phù hợp với tính chất của đối
tượng công nghệ, yêu cầu về điều kiện bảo hộ cũng như kế hoạch, chiến lược kinh
doanh của mình. Đồng thời, khi tham gia các giao dịch công nghệ, các doanh
nghiệp cần hiểu và vận dụng hiệu quả các quy định pháp luật khác nhau về quyền
và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan trong giao dịch công nghệ.
Quá trình thực hiện giao dịch công nghệ hết sức phức tạp, đòi
hỏi rất nhiều kỹ năng, kinh nghiệm trong nhận biết về tính chất, tình trạng của
đối tượng công nghệ. Việc nâng cao nhận thức về hình thức, nội dung, điều kiện
bảo hộ đối tượng công nghệ là tiền đề cho việc nâng cao kỹ năng và hiệu quả
trong đàm phán giao dịch công nghệ của các doanh nghiệp. Để tránh thua thiệt
trong quá trình tiếp thu, giải mã, áp dụng và phát triển công nghệ, bên B phải
làm rõ các vấn đề pháp lý liên quan thuộc phạm vi quyền kiểm soát của chủ sở hữu
công nghệ. Các văn bằng bảo hộ liên quan đến đối tượng công nghệ và phạm vi,
thời hạn bảo hộ. Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần phải làm rõ các nội dung,
phạm vi quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi bên trong một số tình huống có thể
xảy ra cũng như các biện pháp xử lý áp dụng trong các tình huống đó.
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét