20/1/13

Phạm Anh: Hơn lúc nào hết, ngư dân cần được bảo vệ khi ra khơi


Điều đáng lo ngại là số tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt ngày càng tăng nhanh. Bằng chứng là riêng từ năm 2009 đến đầu tháng 7.2012, Trung Quốc đã bắt, đòi tiền chuộc và thu giữ tài sản trên 70 tàu. Phần lớn các chủ tàu sau khi bị bắt đều rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, phá sản, phải đi làm thuê cho tàu cá khác. Bên cạnh đó, gần đây khi Trung Quốc gia tăng tàu cá và các lực lượng khác ra Biển Đông, xâm phạm vùng biển của Việt Nam khiến ngư dân Quảng Ngãi nói riêng và ngư dân miền Trung nói chung càng lo lắng. Vậy các cơ quan chức năng cần làm gì để ngư dân vững tin ra khơi?

Ông Nguyễn Anh Tuấn (chủ tịch UBND xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi):

Ngư dân ta ước ao được bảo vệ

Ngư dân phản ánh rất nhiều việc tàu cá của ta ra khơi chưa bao xa đã gặp tàu Trung Quốc, càng ngày càng đông. Nếu chúng ta không có giải pháp để can thiệp thì không chỉ khó khăn về công tác cứu nạn cứu hộ mà ngư trường của ta cũng ngày càng hẹp dần, kéo theo đời sống ngư dân sẽ ngày càng vất vả. Trong khi đó, tàu cá Trung Quốc “đổ bộ” vào vùng biển Trường Sa luôn được các tàu bán vũ trang của họ theo bảo vệ. Ngư dân ta cũng ao ước mỗi khi ra khơi được cơ quan chức năng bảo vệ, để tự tin, yên tâm làm ăn; cũng như không bị tàu cá to lớn và tàu bán quân sự của Trung Quốc uy hiếp, cướp tài sản.

Ông Phùng Đình Toàn (chi cục phó chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Quảng Ngãi):

Chính sách hỗ trợ đã có, nhưng hạn chế

Đó là quyết định 48 năm 2010 của Thủ tướng về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ hải sản trên các vùng biển xa. Còn với tỉnh Quảng Ngãi, từ ba năm qua đã có chính sách hỗ trợ cho ngư dân bị thiên tai, có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, với mức hỗ trợ mỗi khẩu 15kg gạo/ba tháng; ngư dân bị nạn tử vong trên biển là 2 triệu đồng/trường hợp; và đã thành lập quỹ hỗ trợ ngư dân với số vốn trên 5,2 tỉ đồng. Đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ ngư dân theo quyết định 48 được tỉnh Quảng Ngãi duyệt là 32 tỉ đồng, hiện đã giải ngân 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tàu bị Trung Quốc và nước ngoài bắt giữ được hỗ trợ từ nguồn kinh phí này là rất ít. Trong khi đó, số tiền trên 5 tỉ đồng của quỹ hỗ trợ ngư dân chỉ đủ đóng năm con tàu đánh bắt xa bờ mà thôi.

Ông Nguyễn Duy Trinh (phó chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi):

Muốn kêu cứu nhưng rất khó

Hiện nay ngư dân phần lớn đều biết số liên lạc của lực lượng biên phòng, hải quân và cảnh sát biển. Tuy nhiên, khi bị bắt, ngư dân bị khống chế nên không biết cách gì để cầu cứu. Hơn nữa, ở vùng biển Hoàng Sa, ngư dân của ta dù có liên lạc được với lực lượng vũ trang của ta cũng khó trở tay vì nhiều nơi trên vùng biển này lực lượng Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép.

Ông Trần Em (phó chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi):

Ngư dân tích cực giữ gìn lãnh hải nên cần được hỗ trợ

Ngoài đánh bắt hải sản, thực tế ngư dân ta đã tham gia tích cực vào việc giữ gìn lãnh hải của tổ quốc, cung cấp cho các cơ quan chức năng nhiều thông tin giá trị liên quan đến an ninh quốc gia. Ngoài ra, tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi còn tham gia cùng với lực lượng biên phòng, lực lương hải quân truy bắt tàu nước ngoài xâm nhập, tuần tra truy quét tội phạm trên biển. Những đóng góp này là có thật, do vậy, việc hỗ trợ cho ngư dân bị Trung Quốc và các nước bắt giữ tàu khi đang hành nghề trên vùng biển Việt Nam là điều cần thiết.

Ngư dân Võ Đào (35 tuổi, thuyền trưởng tàu cá QNg 90 019 TS ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, từng bị tàu cá Trung Quốc trấn lột tài sản năm 2011):

Chẳng biết bám víu vào đâu

Tàu tôi mới về từ Hoàng Sa cách đây mười ngày. Năm nay ra khơi thấy tàu đánh cá, tàu kiểm ngư Trung Quốc nhiều hơn các năm. Tụi tôi vẫn cố bám biển nhưng cũng lo bị Trung Quốc bắt nữa. Tuy nhiên, nếu bị bắt thì cũng đành chịu vì trên vùng biển xa Hoàng Sa hiện nay, khi gặp tàu nước ngoài vây bắt, ngư dân chẳng biết bám víu vào đâu để nhờ can thiệp.

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More