Trong khi tôi đang ngồi trên bàn làm việc để viết những dòng
này thì trên khắp mọi nẻo đường của cuộc sống, từ vùng thành thị đông đúc cho tới
vùng làng mạc hẻo lánh, xa xôi có biết bao nhiêu con người đã và đang dùng lương
tâm đạo đức, sự chính trực và trí tuệ của họ đấu tranh bảo về quyền con người.
Họ không khuất phục trước đòn roi tra tấn, đánh đập, bắt giữ và giam giữ tùy
tiện, bị đe dọa mạng sống, bị quấy rối, phỉ báng và bị cấm tự do hoạt động, tự
do ngôn luận, lập hội và hội họp để đấu tranh cho bảo vệ quyền con người - thành tựu chung của cả loài người.
Quyền con người là thành tựu chung của cả loài người, là
kết tinh của nền văn minh nhân loại. Một xã hội muốn được coi là
công bằng, dân chủ, văn minh thì trước hết trong xã hội đó phải tôn trọng quyền con người.
Ngược lại, nơi nào quyền con người bị phủ nhận và chà đạp, thì cho dẫu không có
chiến tranh đẫm máu, người ta chỉ sống trong một thứ hòa bình giả tạo mà thôi. Lịch sử loài người cho thấy,
tri thức về quyền con người có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển và tiến bộ
của các xã hội cũng như là tiền đề cho sự phát triển đầy đủ về nhân cách và năng
lực của mỗi cá nhân. Ở phạm vi rộng hơn, tri thức về quyền con người là tiền đề
cho hòa bình và thịnh vượng của toàn nhân loại.
Cho đến nay, chúng ta phải thừa nhận rằng
khó có thể tìm thấy một định nghĩa triết học “kinh điển” nào về quyền con người.
Ngay cả những nhà tư tưởng lớn như Lôccơ,
Rútxô… và
sau này Mác, Engen, Lênin cũng không đưa ra một định nghĩa nào về khái niệm này
giống như cách làm thông thường đối với các khái niệm triết học khác. Quyền con
người (human rights) là một phạm trù đa diện, do đó có nhiều định nghĩa khác
nhau (theo một tài liệu của Liên Hiệp Quốc, có đến gần 50 định nghĩa về quyền
con người đã được công bố) ( United Nations: Human Rights:
Question and Answers, Geneva, 1994.). Chúng ta thường chỉ
tìm thấy các định nghĩa kiểu như “quyền con người người là quyền…“.
Chẳng hạn, Lốccơ nói : “quyền tự nhiên của
con người là quyền sống, quyền tự do, quyền tư hữu” . Các văn bản pháp lý đầu tiên quy định về
quyền con người là " Luật về các quyền" của Anh (1689); " Tuyên
ngôn độc lập" của Hoa Kỳ (1776); "Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền"
của Pháp (1789). Tuyên
ngôn Độc lập của Mỹ 1776 viết: quyền con người – đó là “các quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Hiến pháp
1791 của Pháp viết: quyền con người – đó là “ quyền tự do, sở hữu, được an toàn
và chống lại áp bức”. Cho đến nay, từ Đông sang Tây đã có rất nhiều định
nghĩa về quyền con người, có những định nghĩa liệt kê quyền con người bao gồm
những quyền cụ thể nào đó, có những định nghĩa rất khái quát. Mỗi định nghĩa tiếp cận vấn
đề từ một góc độ nhất định, chỉ ra những thuộc tính nhất định, nhưng không định
nghĩa nào bao hàm được tất cả các thuộc tính của quyền con người.
Ngày 10 tháng 12 năm 1948, Ðại
Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc đã long trọng tuyên bố bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền.
Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, cộng đồng thế giới đã đưa ra một văn kiện đầu tiên của bộ luật quốc tế về
quyền con người. Ngày nay, bảo vệ quyền con người đã trở thành một nguyên tắc cơ
bản của pháp luật quốc tế. Khoản 1 và 2 của bản tuyên ngôn
nhân quyền đã khẳng định rằng: “Tất cả mọi người sinh ra đều tự
do và bình đẳng trong phẩm giá và quyền lợi, và mỗi một cá nhân, không phân biệt
chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc dân tộc
hay xã hội... đều được hưởng mọi quyền lợi và tự do, được công bố trong bản tuyên
ngô .Về mặt
lý luận, các quyền con người (các quyền cá nhân) được chia thành hai nhóm chính
là nhóm các quyền dân sự, chính trị và các nhóm các quyền kinh tế, xã hội, văn
hóa. Cả hai nhóm quyền này cùng được ghi nhận trong Tuyên ngôn toàn thế giới về
quyền con người năm 1948. Bản tuyên ngôn nhân quyền đã được
công bố một thời gian ngắn sau đệ nhị thế chiến. Thảm kịch của chiến tranh đã
cho nhân loại mỗi lúc một hiểu rằng hòa bình chỉ thực sự có khi con người biết
tôn trọng quyền lợi và tự do căn bản của con người.
Ở Việt Nam các quyền cơ bản của con người cũng đã
được khẳng định trong Hiến pháp và nhiều văn bản luật. Một số định nghĩa về quyền
con người do một số chuyên gia, cơ quan nghiên cứu từng nêu ra cũng không hoàn
toàn giống nhau, nhưng xét chung, quyền con người thường được hiểu là những nhu
cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo
vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Quyền con người và
luật quốc tế về quyền con người từ lâu đã là một chuyên ngành nghiên cứu riêng ở
nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên, mới chỉ chính thức trở thành chủ đề nghiên
cứu ở Việt Nam trong khoảng hơn hai thập kỷ gần đây. Điều đó trước hết là bởi quyền con người, ít hoặc nhiều tùy
theo đối tượng, vẫn còn được cho là chủ đề “nhạy cảm’’ ở Việt Nam.
Theo tôi, khái niệm chung về quyền con người phải được xác định trên ba bình diện giá trị, đó là giá
trị đạo đức và giá trị pháp lý và giá trị văn hóa. Về bình diện giá trị đạo đức,
quyền con người là một giá trị xã hội cơ bản, vốn có của con người. Về bình diện
giá trị pháp lý, quyền con người là một chế định pháp luật được quốc tế và mỗi
quốc gia đảm bảo thực hiện.Theo luật pháp quốc tế cũng như luật pháp trong nước
thì quyền con người bao gồm các quyền cơ bản như: quyền sống, quyền tự do và an
ninh cá nhân, quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ, quyền được
tự do đi lại và cư trú, quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, quyền tự
do ngôn luận, tự do biểu đạt...Đồng thời, chúng ta phải
nhận thức rằng vấn đề quyền con người là sự kết tinh các giá trị văn hóa của các
dân tộc trên thế giới chứ không phải là sản phẩm riêng của bất kỳ một giai cấp,
dân tộc hay khu vực nào; và xu hướng chung trên thế giới trong thế kỷ XXI thì
quyền con người sẽ được tôn vinh và bảo đảm ngày càng chặt chẽ hơn, cả trên phương
diện quốc gia và quốc tế. Những nhận thức như vậy bước đầu đã giúp giải tỏa một
số quan điểm ấu trĩ cho rằng nhân quyền hoàn toàn là ‘sản phẩm’ và công cụ của
phương Tây nhằm can thiệp vào chủ quyền của các quốc gia đang phát triển, đặc
biệt là các nước XHCN. Quyền con người là vấn đề phức tạp đa nghĩa, chứa đựng
những mặt đối lập, mâu thuẫn, nhưng không loại trừ nhau. Đó là các mặt khách
quan và chủ quan, tự nhiên và xã hội, kinh tế và tinh thần, văn hoá và chính trị,
đạo lý và luật pháp. Nó cũng là sự kết hợp giữa các yếu tố quốc tế và dân tộc,
giai cấp và nhân loại. Khi xem xét quyền con người, chúng ta phải phân biệt rõ
bản chất và hiện tượng nội dung và hình thức, nguồn gốc và sự phát triển của nó.
Xuất phát từ tất cả những khía cạnh đó, có thể nói rằng quyền con người chẳng
qua là sự tự ý thức của con người về những giá trị, những nhu cầu sống cơ bản,
phù hợp với trình độ phát triển mang tính thời đại của xã hội loài người.
Như vậy, nhìn ở góc độ nào và ở cấp độ nào thì quyền con người
cũng được xác định như là những chuẩn mực được cộng đồng quốc tế thừa nhận và
tuân thủ. Những chuẩn mực này kết tinh những giá trị nhân văn của toàn nhân loại,
chỉ áp dụng với con người, cho tất cả mọi người. Nhờ có những chuẩn mực này, mọi
thành viên trong gia đình nhân loại mới được bảo vệ nhân phẩm và mới có điều kiện
phát triển đầy đủ các năng lực của cá nhân với tư cách là một con người. Cho dù
cách nhìn nhận có những khác biệt nhất định, một điều rõ ràng là quyền con người
là những giá trị cao cả cần được tôn trọng và bảo vệ trong mọi xã hội và trong
mọi giai đoạn lịch sử. Tất cả các quốc gia văn minh đều nỗ lực xác định và ủng
hộ nhân quyền. Ở đâu cũng vậy, cốt lõi của khái niệm này là giống nhau, đó là:
nhân quyền là các quyền mà mỗi con người đều có. Nhân quyền là của mọi người và
bình đẳng cho mọi người. Nhân quyền cũng là những quyền bất khả xâm phạm.
Ở phạm
vi bài viết này, như đã nói ở phần đầu “nhân quyền” là một phạm trù đa diện vì
vậy thiết nghĩ vấn đề nhân quyền cũng nên được xem xét một cách tổng thể trên tất
cả các mặt. Chúng ta không nên nhìn nhận vấn đề một cách cực đoan, xem nhẹ hay
cường điệu hóa một mặt nào đó vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Tiếp cận vấn đề
nhân quyền trên mặt pháp lý, chúng ta cũng phái khách quan nhìn nhận rằng Chính
phủ Việt Nam đã tham gia nhiều văn kiện quốc tế ở nhiều khía cạnh liên quan đến
vấn đề nhân quyền và từng bước nội luật hóa. Thực
hiện yêu cầu của viêc xây dựng, ban hành kịp thời, thực hiện các pháp luật, các
điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về quyền con người, quyền công dân…,
nhiều giá trị tiến bộ của nhân loại về quyền con người trong các lĩnh vực dân sự,
chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội quy định trong các điều ước quốc tế mà nước
ta là thành viên đã được thừa nhận và từng bước được nội luật hoá. Lần đầu tiên
trong Hiến pháp nước ta đã thừa nhận thuật ngữ quyền con người; bỏ hình phạt tử
hình đối với nhiều tội trong Bộ luật Hình sự; vai trò của luật sư, của tranh tụng
được ghi nhận trong các bộ luật tố tụng và từng bước được thực thi trong đời sống.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước lần đầu tiên ra đời ở nước ta… Đó là
những tư duy pháp lý mới về quyền con người, quyền công dân ngày càng được khẳng
định và ghi nhận trong hệ thống pháp luật và trong thực tiễn ở Việt Nam thời
gian qua.
Tuy nhiên, đối
chiếu với đòi hỏi của thực tiễn thời kì mới hội nhập, mở cửa một khi các quan hệ
xã hội biến đổi nhanh chóng, các quan hệ xã hội mới hình thành thì pháp luật về
đảm bảo quyền con người vẫn còn đặt ra những câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Luật pháp
quy định như vậy nhưng trong thực tế quyền con người có được thực thi nghiêm chỉnh
hay không lại là một chuyện khác. Đây là một câu chuyện dài, rất dài...Nhưng
"tinh thần thượng tôn pháp luật", "luật pháp bất vị thân",
"phụng công thủ pháp chí công vô tư" "sống và làm việc theo Hiến
pháp và pháp luật"...vẫn đang là những câu khẩu hiệu treo lơ lửng trước mắt
mọi người!
Thực tế, vấn đề nhân quyền là một vấn đề luôn
mang tính thời sự và thu hút sự quan tâm của dư luận. Dư luận trong và ngoài nước có thể có nhiều cách nhìn nhận, đánh
giá khác nhau về vấn đề thực hiện nhân quyền ở Việt Nam, gần đây dư luận biết đến
nhiều sự kiện phản ánh vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.Thực tiễn cho thấy ở Việt Nam có không ít những vụ việc xâm hại đến quyền
của con người nhưng cơ quan bảo vệ pháp luật phản ứng quá chậm chạp, khi giới
truyền thông lên tiếng thì sự việc gần như mới lọt vào tầm ngắm của các cơ quan
bảo vệ pháp luật. Đó là các vụ hành hạ dã man trẻ em, nạn bạo hành liên miên với
phụ nữ… Đâu là nguyên nhân và giải pháp cho thực trạng này? Một vài ví dụ cụ thể
như: vụ Luật sư Lê
Thị Công Nhân bị bắt tạm
giam tại Hà Nội vào ngày 6 tháng 3 năm 2007 với lý do "hoạt động tuyên
truyền chống nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam", và bị xóa tên khỏi danh
sách Đoàn Luật sư Hà Nội. Việc bắt giam luật sư Lê Thị Công Nhân gây ra những
chỉ trích từ phía Cộng đồng chung như Liên Hiệp Âu Châu, Hoa Kỳ và các tổ chức
nhân quyền trên thế giới. Một vụ khác như việc Tổng biên tập,
phó tổng biên tập các tờ báo
Thanh Niên, Tuổi Trẻ (Bùi Thanh, Vũ Kim Hạnh, Nguyễn
Công Khế) bị thay đổi, kỷ luật và rút thẻ nhà báo nhiều phóng viên vì liên quan đến việc đăng tin
bài phản ánh vụ án tham nhũng điển hình nhất lúc bấy giờ là vụ án PMU 18, vào năm
2008.
Qua một số sự kiên nêu trên
chúng ta cần khách quan đánh giá rằng phải chăng pháp
luật về đảm bảo quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân vẫn còn đó những
“khoảng trống”, vẫn chưa thể chế hết các quyền mà hiến định? Vì vậy, một số quyền
cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định nhưng chưa có luật cụ thể hoá để công
dân thực hiện như Luật Biểu tình, Luật về Quyền lập hội, Luật về Quyền được thông
tin, Luật về Quyền được bí mật đời tư… Từ năm 1988, với sự tuyên bố ngừng hoạt động của Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng
Xã hội Việt Nam, nhà nước Việt
Nam không cho phép thành lập đảng, tổ chức đối lập công khai cũng như phát hành
báo chí tư nhân và biểu tình, mít tinh ngoài biên chế. Những người bất đồng chính kiến đã dùng internet để phổ biến quan điểm của họ rằng họ không đồng tình
với chính sách, quy định nào đó của nhà nước, qua hình thức diễn đàn, blog. Nhiều người đã bị bắt giam vì theo luật Việt Nam họ đã vi phạm Điều 88 Bộ luật Hình sự về hành vi chống
Nhà nước. Tuy
nhiên, pháp luật hiện hành về đảm bảo
quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực tư pháp hình sự, nhất là các quy
định về giam giữ, điều tra, cải tạo, truy tố, xét xử… chưa thực sự phù hợp với
các chuẩn mực quốc tế trong quản lý tư pháp. Tình trạng luật sư chưa được tham
gia ngay từ giai đoạn khởi tố bị can, gia hạn tạm giam nhiều lần - kéo dài hàng
năm, thậm chí nhiều năm - trong quá trình điều tra… là những biểu hiện vi phạm
trong quản lý nhà nước về tư pháp hình sự, không phù hợp với tập quán và thông
lệ quốc tế. Luật Trưng cầu dân ý, Luật Tham vấn và phản biện xã hội là những đạo
luật tạo điều kiện cho nhân dân thực
hiện quyền tham gia quản lý nhà nước một cách trực tiếp, đến nay chưa có.
Hiện nay có một số nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng như Cù
Huy Hà Vũ, Dương
Thu Hương, Hoàng
Minh Chính, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Văn Đài, Lê
Công Định, Lê
Thị Công Nhân, Nguyễn
Văn Lý, Nguyễn
Đan Quế, Phạm
Hồng Sơn, Thích
Quảng Độ, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Minh Hoàng,
Nguyễn Tiến Trung, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Trần
Khải Thanh Thủy, Tạ Phong Tần….Những người bộc lộ tư tưởng chỉ trích sự lãnh đạo của Đảng được coi là các
đối tượng "bất đồng chính kiến", và ở mức cao hơn là "thế lực thù địch"
và có thể bị nghiêm trị. Trong một số trường hợp, những người bảo vệ quyền
con người là đối tượng bị buộc tội hoặc bị các cáo buộc khác dẫn đến việc họ bị
truy tố và kết án. Các vụ biểu tình hòa bình, đệ trình đơn khiếu tố chính thức
chống lại sự ngược đãi của cảnh sát hay việc tham gia vào cuộc mít tinh của những
người bảo vệ quyền con người trong nước hay việc giương biểu ngữ tưởng niệm những
nạn nhân của các hành vi vi phạm quyền con người đều bị truy tố theo những tội
như hối lộ, phá hoại trật tự công cộng, gây rối. Những bản án đưa ra trong trường
hợp này bao gồm cả việc phạt tù dài hạn. Tuy nhiên, pháp luật về chế độ bảo hộ của Nhà nước đối
với các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nói chung, nhất là bảo hộ các
quyền của công dân trước các cơ quan tư pháp nói riêng, chưa được đảm bảo. Người
dân chưa thật sự tin tưởng vào các bản án của Toà án. Cơ chế bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp của công dân chưa đi tới cùng. Công dân chưa có quyền yêu cầu xem
xét tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật được các cơ quan
công quyền áp dụng đối với mình. Cơ chế xem xét và xử lý các vi phạm pháp luật
từ phía Nhà nước đối với các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân chưa thật sự
bình đẳng.
Công dân vẫn còn thiệt thòi
trong mối quan hệ với Nhà nước khi bị cơ quan nhà nước, nhân viên cơ quan nhà nước
có thẩm quyền xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Luật Trách nhiệm
bồi hường của Nhà nước đã được ban hành, nhưng còn rất khó khăn khi thực hiện
trong thực tế. Chưa có cơ chế bảo vệ công dân một cách có hiệu quả trong việc
thực hiện quyền tố cáo, nhất là tố cáo người có chức vụ, quyền hạn tham nhũng,
tiêu cực.
Hiện nay chưa có sự rõ ràng giữa
"phản biện xã hội" và "chống phá cách mạng" tại Việt Nam. Ví dụ điển hình như trường hợp Cù
Huy Hà Vũ có các bài phát biểu đi ngược lại
tư tưởng và đường lối lãnh đạo của Đảng đã bị buộc tội "chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa". Theo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà Việt nam đã ký cam kết thực hiện, công dân có
quyền "tự do tư tưởng", sự phân định giữa "phản biện"
và "tuyên truyền chống phá" là chưa nhất quán. Loại hình bảo
vệ lợi ích của mình và phản đối các bất cập trong quy chế xã hội vẫn xảy ra như nông dân khiếu kiện và biểu tình chống bất công
trong việc trưng thu đất đai của họ như vụ việc của ông Đoàn Văn Vươn ở
Hải Phòng, công nhân đình công đòi tăng lương và tăng quy chế
bảo vệ xã hội, sinh viên đòi giảm học phí, người dân chống tăng giá xăng. Việt Nam hay bất
kì nhà nước nào một khi đã tham gia vào các qui ước quốc tế thì nhà nước đó phải có nghĩa vụ phải tuân thủ theo các qui ước
đó. Nhà nước phải kiềm chế không can thiệp, kể cả trực tiếp hoặc gián tiếp,vào
việc hưởng thụ các quyền con người của mọi cá nhân. Đồng thời chính quyền
phải có nghĩa vụ bảo vệ, ngăn chặn sự vi phạm các quyền con người của các bên
thứ ba, phải có những biện pháp chủ động nhằm hỗ trợ mọi cá nhân hưởng thụ đầy
đủ các quyền con người, đặc biệt là các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa. Là
thành viên của nhiều qui ước quốc tế hiện hành về quyền con người do Liên hợp
quốc ban hành, Việt Nam có nghĩa vụ bảo đảm các quyền con người được ghi nhận
trong các qui ước mà chính mình đã phê chuẩn hoặc gia nhập. Điều này cũng sẽ
góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội theo hướng công bằng, dân chủ.
Tóm lại, tuy đã thừa nhận và thể chế thành pháp luật
nhiều giá trị mới, nhưng pháp luật về quyền con người cũng còn những “mảng trống”,
chưa bao quát hết thảy các lĩnh vực, các loại chủ thể, các hình thức và phương
tiện thực hiện các quyền con người, quyền công dân mà Hiến pháp và cuộc sống
đòi hỏi. Do đó, trong thực tế ở một số lĩnh vực quyền con người, quyền công dân
được thực hiện còn hình thức, chưa đảm bảo để công dân bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp của mình một cách hữu hiệu trong mối quan hệ với Nhà nước, đặc biệt
trong lĩnh vực tư pháp hình sự.
Trong phạm vi bài viết, để có thể thực
hiện tốt vấn đề nhân quyền với tầm nhận thức và tri thức nhỏ bé của mình tôi chỉ
mạnh dạn góp ý ba vấn đề: thứ nhất, về nghiên cứu khoa học về nhân quyền; thứ
hai, vấn đề về hoàn thiện pháp luật về nhân quyền; thứ ba, vấn đề giáo dục nhân
quyền.
Nghiên cứu khoa
học về quyền con người là một hoạt động cần thiết và quan trọng, bắt nguồn từ
nhu cầu hội nhập quốc tế nói riêng và sự nghiệp đổi mới nói chung ở Việt Nam. Tuy nhiên, xét về mọi khía cạnh, hoạt động nghiên cứu khoa học về quyền con người ở
Việt Nam hiện mới chỉ ở giai đoạn đầu, còn nhiều hạn chế cả về mức độ, phạm vi,
kết quả nghiên cứu và hiệu quả ứng dụng. Việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học về quyền con người là một
yêu cầu cần thiết và cấp thiết trong thời gian tới nhà nước cần tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận
lợi về mọi mặt cho hoạt động nghiên cứu trên lĩnh vực quyền con người trong
khuôn khổ pháp luật quy định, bao gồm việc cho phép thành lập thêm các cơ sở
nghiên cứu mới và đào tạo các chuyên gia có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực
này.
Cơ chế
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khi bị Nhà nước, các nhân viên
nhà nước có thẩm quyền xâm hại đến còn chưa bình đẳng. Dân chủ
hoá tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước cũng là một đòi hỏi bức thiết, cần
phải công khai, minh bạch hơn nữa, cần nghiên cứu xây dựng Luật về Công khai
minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền. Theo đó, trong
thời gian tới cần xây dựng Luật về Cơ quan bảo hiến độc lập; Luật về Quyền tiếp
cận thông tin, Luật về Phản biện xã hội và tham vấn nhân dân, Luật Thanh tra
nhân dân, bổ sung hoàn thiện các luật hiện có về giám sát của Quốc hội, Luật
Thanh tra; Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Báo chí…Mặc khác, để nhân dân trực
tiếp tham gia vào đời sống nhà nước ngày càng đông đảo và thực chất, cần xây dựng
Luật Trưng cầu dân ý, Luật Tham vấn và phản biện xã hội; Luật Bảo vệ người đấu
tranh chống tham nhũng tiêu cực trong; Luật Giám sát của nhân dân. Tiếp tục
hoàn thiện các luật hiện có như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật
Khiếu nại, tố cáo…Xuất phát từ thực trạng pháp luật hiện hành về quyền con người
và quyền tự do dân chủ của công dân, nhu cầu đầu tiên của hoàn thiện pháp luật
về quyền con người là phải tiếp tục cụ thể hoá các quyền hiến định. Theo
đó, một mặt phải sớm ban hành các luật về quyền tự do lập hội, quyền tự do hội họp, luật
biểu tình, luật tiếp cận thông tin, luật trưng cầu dân ý… Mặt khác, phải nâng
các pháp lệnh như Pháp lệnh về dân chủ cơ sở, Pháp lệnh về tôn giáo tín ngưỡng,
Pháp lệnh về xử lý vi phạm hành chính... lên thành luật.
Quyền con người, quyền công dân không chỉ được thực hiện bằng
việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật mà còn phải được tổ chức thực hiện pháp
luật trên thực tế. Vì thế, tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức
pháp luật và văn hoá pháp lý về quyền và nghĩa vụ của công dân là một định huớng
quan trọng cùng với xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Bằng các hoạt động
nghiên cứu, xây dựng thư viện, dịch tài liệu, biên soạn giáo trình, giảng dạy về
quyền con người, sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong lĩnh vực
này.
Tác giả tin tưởng rằng giáo dục
nhân quyền, rất phù hợp với truyền thống nhân đạo, với chủ nghĩa nhân văn của
dân tộc, sẽ phát triển nhanh chóng và đem lại hiệu quả thiết thực cho xã hội nếu
được chúng ta quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, có lẽ theo tác giả vấn đề đầu tiên
là mỗi cá nhân phải biết, phải hiểu được quyền của mình để đòi hỏi và tự bảo vệ.
Thêm vào đó, mọi cá nhân trong cộng đồng cũng cần có ý thức về nhân phẩm và tôn
trọng quyền của người khác.
Hà
Nội, Ngày 26 tháng 9 năm 2012
Lê
Quang Việt