BBC (17/09/2012) Các chuyên gia nói với BBC các vấn đề liên
quan tới đất đai sẽ không thể giải quyết được nếu vẫn duy trì 'sở hữu
toàn dân' về đất đai.
Hai trong số những điểm mới của luật sửa đổi là giá thu hồi đất, dù vẫn do nhà nước quyết định, sẽ "phù hợp với giá thị trường" trong khi thời hạn giao đất nông nghiệp sẽ được tăng lên 50 năm.
Mặc dù vậy việc "sở hữu toàn dân về đất đai do nhà nước đại diện" vẫn không thay đổi.
Bình luận về các động thái này, cựu đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan nói:
"Cách sửa đổi như vừa rồi, với các ý tưởng đưa ra là chưa giải quyết được vấn đề.
"Theo tôi thì nó phải rành mạch, rõ ràng. Bây giờ nó cứ dở dở ương ương, chẳng ra đất của dân, chẳng ra đất của ai cả.
"Người ta cứ nói đất là sở hữu toàn dân, nhưng thực ra phải rành mạch, rõ ràng. Nếu là sở hữu nhà nước thì tất cả chỉ là thuê thôi.
"Còn nếu đã có bán, có mua thì cũng phải rõ ràng là sở hữu của ai đấy khi bán, mua thì mới xác định được sở hữu.
"Theo tôi đất mà đã trả tền một lần thì sở hữu là của cái người dân người ta đã mua rồi.
"Nói sở hữu toàn dân thì cuối cùng thì ai cũng sở hữu, ai cũng không sở hữu nhưng đất vẫn cứ mua, đất vẫn cứ bán, chỗ thì thuê, chỗ thì trả tiền một lần."
'Tư liệu sản xuất'
Cũng bình về chuyện "sở hữu toàn dân đối với đất đai, Luật sư Lê Trần Luật, người từng giúp nhiều thân chủ trong các vụ việc liên quan tới khiếu kiện đất đai nói:
"Trong suốt chiều dài mà chế độ hiện tại xây dựng luật đất đai thì cũng có nhiều sai lầm.
"Ví dụ như là cuộc Cải cách ruộng đất về chính thức ông Hồ Chí Minh cũng đã từng một lần thừa nhận là nó sai.
"Rồi sau đó nó có hàng triệu văn bản về đất đai, ban hành nhiều lần, mới nhất là năm 2003 thì đến giờ nó cũng đã lạc hậu.
"Người ta đã ban hành nhiều văn bản nhiều luật lệ nhưng người ta không bao giờ xử lý được tình trạng đất đai ở Việt Nam."
"Theo tôi để giải quyết mấu chốt của vấn đề không phải là sửa luật hay ban hành nhiều văn bản mà vấn đề nằm ở quan điểm chính trị, cho thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai.
"Đất đai cũng là tư liệu sản xuất thì nhà nước Việt Nam hay một số nhà nước theo chế độ cộng sản coi đất đai là sở hữu nhà nước thì ở chừng mực nào đó có phải là đã tước đi tư liệu sản xuất của người lao động không?
"Khi tước đi cái quyền tư hữu về tư liệu sản xuất thì họ đẩy đời sống người dân vào tình trạng lệ thuộc hoàn toàn vào nhà nước.
"Ngoài tư cách là tư liệu sản xuất, đất đai còn là tài sản của người dân. Tài sản này là tài sản chủ yếu nhất của người dân.
"Tại sao nhà nước lại có quyền quyết định tư liệu sản xuất và quyết định tất cả số phận của người dân được.
'Sang tên, đổi chủ'
Mặc dù nhiều quan chức Việt Nam khẳng định việc cần duy trì việc quản lý nhà nước về đất đai nhưng cũng có những tiếng nói ngược lại.
Tiến sỹ Thang Văn Phúc, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ và hiện là thành viên Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp nói với báo Người Lao động hồi tháng Hai năm nay:
"Cả lý luận và thực tiễn hiện nay đang đòi hỏi phải đa dạng hóa về sở hữu đất đai, trong đó có sở hữu tư nhân về đất đai.
"Nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã góp ý khái niệm sở hữu toàn dân là khái niệm rất chung chung, mang sắc thái chính trị cho nên không rõ ràng, không rõ ai là chủ quyền thực sự nên khi vận dụng dễ bị suy diễn một cách chủ quan.
Ông Phúc, người cũng từng là tổng thư ký Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, cũng nói với Bấm Người Lao động:
"Hướng chúng ta nhắm đến là Hiến pháp như thế nào thì luật pháp và các thủ tục hành chính đi theo phải tương ứng.
"Hiện nay vẫn có tình trạng như doanh nghiệp mua mảnh đất của người dân thì phải thương lượng để đền bù.
"Cơ quan Nhà nước làm thủ tục quyết định thu hồi đất của dân, rồi lại làm thủ tục quyết định giao đất hoặc thuê đất cho doanh nghiệp.
"Thủ tục hành chính này nhiêu khê vì phụ thuộc vào luật và phải mất hai lần làm thủ tục.
"Nếu coi đất đai là một loại hàng hóa thì doanh nghiệp trực tiếp mua bán với người dân theo giá thỏa thuận, còn Nhà nước chỉ làm một lần thủ tục là "sang tên, đổi chủ" giống như mua bán nhà ở thành phố."
'Nấu cháo' đòi đất
Một chuyên gia khác của Việt Nam, Tiến sỹ Phạm Duy Nghĩa, Trưởng Khoa Luật của Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh hồi đầu năm cũng đã khuyến cáo nên "tuyên bố đa sở hữu về đất đai" mà theo đó nhà nước sở hữu đất đai như một pháp nhân và tư nhân sở hữu đất đai như các cá nhân.
Nhìn lại lịch sử quá trình hình thành Hiến pháp ở Việt Nam, ông Nghĩa nói bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 chỉ có điều 12 quy định về sở hữu đất đai và theo đó "quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm".
Bấm Tiến sỹ Nghĩa nói Hiến pháp 1959 lần đầu tiên nhắc tới "sở hữu toàn dân" nhưng chỉ đến Hiến pháp 1980 thì "dường như tư tưởng xã hội chủ nghĩa về cách mạng và quan hệ sản xuất đã được thể hiện thành đường lối công khai trong Hiến pháp, phạm vi của sở hữu toàn dân được nới rộng ra tất cả các nguồn tài nguyên kinh tế quan trọng của quốc gia".
Rất nhiều vụ khiếu kiện liên quan tới việc chính quyền thu hồi đất của người dân để giao cho tư nhân phát triển.
Mới đây nhất người dân Văn Giang đã kéo lên trụ sở ủy ban nhân dân huyện "nấu cháo ba ngày" để đòi đất bị cưỡng chế từ tay họ cho dự án đô thị sinh thái Ecopark.
Bà Phan Thị Sáng từ xã Xuân Quan nói với BBC: "Chúng tôi kiên quyết đòi đất để làm, để trồng lúa để ăn trong 50 năm nữa.
"Bây giờ dân vẫn đang đòi hỏi, họ đã trả dân đâu.
"Người dân Văn Giang vừa rồi vẫn đi xuống huyện, vẫn đòi hỏi và mang xoong nồi nấu cháo ăn tại Huyện Văn Giang để đòi trả đất cho dân để dân cấy cày, làm ăn.
"Họ không cho vào, không tiếp, cứ ở ngoài đường nấu cháo ăn với nhau xong đến chiều lại về. Đi ba ngày liền."
Bản thân chính phủ Việt Nam cũng vừa lên tiếng nói rằng có tới hai triệu người dân tộc thiểu số thiếu đất trồng trọt và sinh sống mà một trong các lý do là việc quy hoạch đất đai chưa hợp lý và nhiều nông trường quốc doanh sở hữu nhiều đất đai.
Còn cựu dân biểu Phạm Thị Loan nói việc sửa đổi Luật Đất đai đụng chạm tới quyền lợi của nhiều người và đây cũng là một trong các lý do khiến việc sửa đổi luật đã bị trì hoãn trong nhiều năm qua.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/09/120917_land_law_discussion.shtml
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét