13/3/12

Hải giám, ngư chính ráo riết hiện đại hóa

Trong bối cảnh các vấn đề tranh chấp lãnh hải có xu hướng leo thang, lực lượng Hải giám (CMS) đang được Trung Quốc đầu tư với quy mô lớn gấp đôi, gấp ba.
(Đất Việt) Việc đầu tư nhằm mở rộng phạm vi hoạt động và tăng cường tuần tra biển.

Bên cạnh lực lượng hải quân chính quy, hiện Trung Quốc có tới 8 loại hình tàu chuyên dụng khác cùng phối hợp hoạt động trên biển. Trong số đó, Hải giám là lực lượng được xem là đông đảo và hiện đại nhất với các tàu lớn không thua kém tàu chiến.

Hướng tới “giám sát đa kênh”
Theo thông tin từ Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, tính đến cuối năm 2011, lực lượng Hải giám có khoảng gần 10.000 thành viên, với hơn 300 tàu (được đóng từ năm 1950 - 2011), trong đó có 30 tàu tải trọng trên 1.000 tấn, 10 máy bay với 4 trực thăng.

Một số tàu Hải giám lớn của Trung Quốc hiện nay là Hải giám 50 (dài 98 m, tải trọng 3.336 tấn), Hải giám 83 (98 m, 3.276 tấn), Hải giám 52 (95 m, 2.421 tấn),  Hải giám 51 (88 m, 1.937 tấn), Hải giám 15 và 84 (88 m, 1.870 tấn), Hải giám 23, 26, 66 và 75 (75 m, 1.149 tấn), Hải giám 27 (76 m, 1.124 tấn), Hải giám 17, 46 và 71 (74 m, 1.100 tấn).

Lực lượng này còn có 2 tàu tuần duyên lớp Hải Nam của Hải quân Trung Quốc chuyển sang, máy bay giám sát bờ biển Y-12, trực thăng giám sát biển B-7112 (hãng trực thăng bờ biển ở Quảng Châu sản xuất), hoặc trực thăng Z-9.
Tàu hải giám 66 của Trung Quốc
Theo thông tin mới nhất, hiện Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng lực lượng này lên tới 15.000 nhân viên vào năm 2020. Đến năm 2015, lực lượng này sẽ có 16 máy bay, còn số tàu biên chế sẽ là 350 chiếc vào năm 2015 và 520 chiếc năm 2020. Một trang mạng quân sự Trung Quốc dẫn lời quan chức của CMS cho biết, trong những năm tới, các tàu có lượng giãn nước lớn từ 1.000 - 3.000 tấn sẽ là thành phần chủ chốt của lực lượng này.

Bên cạnh đó, hệ thống chỉ huy ra quyết định phức hợp ba chiều không - bộ  - biển của CMS đang được xây dựng sẽ hướng tới thu thập thông tin thực thi luật pháp giám sát biển đa kênh, quản lý điều tra hiện trường thực tại, thông tin thời gian thực cũng như chỉ huy ra quyết định nhanh chóng. Nhiều chuyên gia quân sự Mỹ còn cho rằng, Hải quân Trung Quốc nỗ lực tăng cường ảnh hưởng thông qua những tàu dân sự thường xuyên tuần tra trên các vùng biển tranh chấp.

Vượt qua mức ứng dụng cho nhiệm vụ dân sự
Trung Quốc đang ráo riết áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất trong hệ thống những tàu chuyên dụng trên biển, gồm cả hải giám. Nhiều ứng dụng thậm chí còn vượt quá mức độ sử dụng cho các nhiệm vụ dân sự thông thường.

Theo chuyên gia James C. Bussert, Trung tâm Tác chiến mặt nước Hải quân Mỹ có trụ sở tại bang Virginia, một trong những tàu hải giám mới nhất của Trung Quốc có tải trọng 600 tấn rất hiện đại với các khoang rộng dài 66,5 mét, rộng 8,8 mét, vạch mớm nước 4,5 mét. Tàu này có thể chở thủy thủ đoàn 45 người, di chuyển với tốc độ khoảng 23 hải lý/h. Cũng theo ông Bussert, loại tàu mới này có thể được trang bị súng máy 14,5 mm. Ngoài ra, tàu còn có hệ thống định vị và thông tin liên lạc vệ tinh với hệ thống tiếp nhận INMARSAT-F.

Về khả năng định vị, các tàu hải giám mới đóng thường được trang bị hệ thống GPS do tập đoàn CHINAGPS Incorporated and CHINALBS Incorporated (Trung Quốc) sản xuất. Các radar định vị sử dụng trên các tàu mới đóng thường là mẫu Japan Radio Corporation JMA 5300 với các ăng-ten 10 kilowatt và 25 kilowatt hoạt động ở tần số 9.410 MHz. Các tàu này cũng thường được trang bị 2 động cơ do Đức hoặc Pháp thiết kế, sản xuất tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng có tàu lắp 2 động cơ diesel 1.200 tấn/trục, hoặc một động cơ diesel 1.100 tấn/trục. Trong số các tàu hiện nay, duy nhất tàu Hải giám 83 với lượng giãn nước 3.000 tấn là trang bị động cơ đẩy điện với chân vịt bầu xoay ABB của Đan Mạch.

Trong biên chế của CMS, Hải giám 50 được xem là tàu lớn nhất, được trang bị kỹ thuật tiên tiến nhất, với chiều dài là 98 mét, chiều  rộng là 15,2 mét, vạch mớm nước 7,8 mét, lượng giãn nước là 3.336 tấn.
Trực thăng Z-9 trên boong tàu Hải giám 50
Hải giám 50 chịu trách nhiệm tuần tra, giám sát trên biển Hoa Đông từ tháng 11/2011. Trên tàu được trang bị hệ thống ổn định, chịu được rung lắc bão cấp 12 với hệ thống định vị vệ tinh, hệ thống dẫn đường. Tàu này cũng được trang bị máy bay trực thăng đa nhiệm hiện đại nhất do Trung Quốc sản xuất Z-9A theo giấy phép của Tập đoàn Eurocopter.

Trước đó, tháng 5/2011, Trung Quốc đã đưa tàu Hải giám 84 vào biên chế Tổng đội Nam Hải, giám sát biển Đông. Đây là 1 trong 7 con tàu hải giám thuộc giai đoạn 2 của chương trình đóng tàu hải giám và máy bay của Cục Quản lý Hải dương Quốc gia Trung Quốc. Do Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Trung Quốc thiết kế và Công ty Công nghiệp tàu Võ Xương đóng, Hải giám 84 dài 88 mét, rộng 12 mét, trọng tải 1.740 tấn. Hành trình dài nhất trong 1 lần nạp nhiên liệu của tàu này là 5.000 hải lý.

Hải giám 84 được trang bị hệ thống bộ đàm hướng dẫn lái tiên tiến nhất thế giới hiện nay, mũi tàu vát, có trang bị giảm lắc. Ngoài ra, nó còn được trang bị máy dò độ sâu tới 5.000 mét, thiết bị cảm ứng đo vận tốc dòng nước (ACDP) hay máy tời thủy lực. Trên tàu Hải giám 84 có máy bay trực thăng B-7112, do Trung Quốc tự chế tạo.
Có 3 tổng đội trong biên chế của CMS. Tổng đội Bắc Hải có trụ sở ở Thanh Đảo, gồm các đội tàu Hải giám số 1, 2 và 3, đội hàng không, trạm liên lạc và thực thi pháp luật. Tổng đội Đông Hải có trụ sở ở Thượng Hải biên chế 3 đội hải giám, hàng không và thông tin liên lạc. Tổng đội Nam Hải (trụ sở ở Quảng Châu) có 3 đội tàu hải giám, hàng không và thông tin liên lạc. Ngoài ra, CMS còn có 11 chi đội hải giám cấp tỉnh, 50 chi đội cấp thành phố, thị xã và 170 chi đội cấp huyện nằm dọc theo bờ biển Trung Quốc.

 

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More