(Đất Việt) Nhiều đảng viên, cán bộ có biểu hiện bất minh về thu nhập; dư luận vẫn bức xúc về tình trạng chạy chức, chạy quyền; việc thi tuyển công khai một số chức danh cán bộ quản lý chỉ là cá biệt.
Số vụ án tham nhũng được điều tra, truy tố, xét xử trong 5 năm qua có xu hướng giảm, trong khi tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp. Việc xử lý các vụ tham nhũng thiếu kiên quyết, nhiều vụ kéo dài, nhất là tỷ lệ án treo còn cao.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị
Ngày 7.3, Ban chỉ đạo T.Ư (BCĐ) về phòng chống tham nhũng đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng BCĐ về phòng chống tham nhũng nhấn mạnh, 5 năm qua, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí đã đạt được những chuyển biến, kết quả cụ thể. Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng, chưa được đẩy lùi, gây bức xúc dư luận, và là thách thức lớn đối với vai trò của Đảng.
Chưa bảo vệ được người tố cáo
Theo báo cáo của BCĐ, trong 5 năm, toàn ngành thanh tra và các cấp, các ngành đã triển khai 62.994 cuộc thanh tra, kiểm tra, kết thúc 52.671 cuộc; kiến nghị kỷ luật hành chính đối với 1.919 tập thể, 11.973 cá nhân; chuyển CQĐT xử lý 464 vụ việc; phát hiện thiếu sót, sai phạm về tài chính gần 52.000 tỷ đồng, hơn 7 triệu USD; kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước trên 20.000 tỷ đồng, gần 1 triệu USD… Trong thời gian này, Kiểm toán Nhà nước cũng tiến hành kiểm toán 743 cuộc, phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính hơn 101.000 tỷ đồng. Cũng trong 5 năm qua, có 451 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị gần 1,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ: công tác PCTN trong nhiệm kỳ vừa qua chưa đạt được mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí…”. Một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng vẫn cao và diễn biến phức tạp như quản lý sử dụng đất đai; đầu tư, xây dựng cơ bản; quản lý tài nguyên, khoáng sản; quản lý vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp… Đặc biệt, sau khi Văn phòng BCĐ T.Ư và một số BCĐ cấp tỉnh tổ chức gặp mặt, biểu dương những cá nhân có thành tích phát hiện, tố cáo tham nhũng, không ít người trong số đó bị đe dọa, trả thù, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.
Xử lý yếu kém, nhân dân hoài nghi
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, số vụ án được điều tra, truy tố, xét xử trong 5 năm qua có xu hướng giảm dần trong khi thực trạng tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp. Điều đáng nói là trong 5 năm qua, nhiều địa phương không phát hiện được vụ án tham nhũng nào.
Các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở; số vụ án có quy mô lớn được phát hiện, xử lý ít. Việc xử lý các vụ tham nhũng thiếu kiên quyết, nhiều vụ kéo dài thời hạn điều tra, xử lý; nhiều vụ có xu hướng giảm dần về tội danh, tính nghiêm trọng của tội phạm; nhiều vụ đình chỉ, miễn xử lý hình sự, cũng như việc áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo còn cao. Chính những yếu kém trong phát hiện, xử lý tham nhũng đã gây tâm lý hoài nghi của nhân dân đối với cơ quan tư pháp, tính nghiêm minh của pháp luật và hiệu quả của cuộc đấu tranh PCTN. Nhiều đảng viên, cán bộ có biểu hiện bất minh về thu nhập và mức sống, nhưng chưa có quy định để xem xét, xác minh làm rõ. Dư luận vẫn bức xúc về tình trạng chạy chức, chạy quyền. Việc thi tuyển công khai một số chức danh cán bộ quản lý theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 3 vẫn chỉ là cá biệt.
Cơ quan chống tham nhũng phải độc lập
Qua thảo luận, đa số các ý kiến đều đồng tình với báo cáo của BCĐ. Tuy nhiên, cả Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đều đề nghị bổ sung hành vi tham nhũng để đảm bảo thống nhất giữa Luật PCTN với Bộ Luật hình sự. Dẫn ví dụ về trường hợp cựu chiến binh Đinh Đức Phiếu ở Ninh Bình vì tố cáo Bí thư Tỉnh ủy Đinh Văn Hùng mà bị bắt giam, xử tù, sau đó được minh oan, ông Phạm Hữu Bồng, Phó chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam khẳng định: “Nếu tham nhũng được bao che thì không những người đấu tranh sẽ bị trù dập, mà nhân dân sẽ mất niềm tin”. Từ đó, ông Bồng và ông Nguyễn Thế Thảo đề nghị cần có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ, khen thưởng người có thành tích trong PCTN.
Một vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm là kiến nghị về mô hình BCĐ T.Ư về PCTN. Báo cáo của BCĐ Trung ương về PCTN đưa ra 6 mô hình với tiêu chí là đủ sức mạnh, có thực quyền, hoạt động hiệu quả; bảo đảm sự độc lập cần thiết với các cơ quan quản lý Nhà nước… Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, các thành viên BCĐ hiên nay kiêm nhiệm quá nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động. Ông Quân kiến nghị nên thành lập cơ quan chống tham nhũng Quốc gia độc lập, có đủ thẩm quyền và cơ chế để hoạt động. Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị sớm sửa đổi Luật PCTN theo hướng bổ sung quy định cho phép các cơ quan chức năng được áp dụng quy trình điều tra đặc biệt áp dụng với các tội danh tham nhũng.
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét