24/8/11

Muốn toà án quốc tế công nhận chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, lãnh đạo Việt Nam phải ủng hộ người dân biểu tình chống Trung Quốc !!!


Tình yêu nước phải chăng là cảm giác đặc biệt, thiêng liêng, hiện hữu trong linh hồn của mỗi người đối với quê hương, để khi đối diện trước hiểm họa quốc phá gia vong, mỗi chúng ta đều không thể lặng im thụ động. Khi Trung Quốc gia tăng hành vi lấn chiếm biển đông, cưỡng đoạt lãnh thổ, giết hại ngư dân, cắt dây cáp tàu Việt Nam ... từ tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, đến nhà nghệ sĩ già Tạ Trí Hải, đến thiếu nữ vóc hạc Kim Tiến, em sinh viên trường Đại Học Xây Dựng, thanh niên Nguyễn Tiến Nam, và cả các em bé thơ cũng nối bước chân mẹ cha để tham gia biểu tình chống Trung Quốc bảo vệ nước nhà.

Trong hơn 2 tháng qua đã liên tiếp có 11 cuộc biểu tình tự phát của những con dân Việt yêu nước. Những người lãnh đạo quốc gia, phải chăng lòng yêu nước không còn hiện diện trong tâm khảm họ, nên không những chẳng dám thẳng lưng phản đối giặc Tàu, lại còn sợ sệt để ngày 18 tháng 8 phải cho các báo đài thông báo ròn rĩ “Văn Bản Cấm Biểu Tình Yêu Nước” của UBND TP Hà Nội ? Và cho cán bộ, công an đi đến tận nhà dân để ỉ ôi xin thôi đừng biểu tình, sau đó lại bắt đi hơn 30 người biểu tình về đồn, và tới nay vẫn còn giam giữ chị Phương Bích, chị Bùi T. Minh Hằng, anh Nguyễn Văn Dũng, anh Vũ Quốc Ngữ, bác Khang và chị Hội...

Những lý do khả dĩ biện giải cho thái độ “lúc làm lơ, khi đàn áp” của nhà cầm quyền đã được bình luận, trao đổi từ nhiều góc cạnh trong thời gian qua. Bài viết này nhìn từ khía cạnh luật pháp quốc tế, vì sao nhà cầm quyền Việt Nam không những không nên (và cũng không thể) cấm đoán biểu tình chống Trung Quốc, mà ngược lại còn nên tạo phương tiện và khuyến khích người dân tham gia biểu tình hiển thị thái độ phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam, nếu như nhà cầm quyền này còn muốn giữ thân thể mẹ Việt Nam toàn vẹn.

Các tranh chấp chủ quyền giữa các nước không hiếm xẩy ra trong cộng đồng thế giới. Năm 1928, Hoà Lan và Hoa Kỳ tranh chấp chủ quyền đảo Palmas (Miangas). Năm 1999, Botswana kiện Namibia trước toà án quốc tế rằng đảo Kasikili/Sedudu thuộc về Botswana từ trước khi Phi Châu thoát ách thực dân Đức và Anh. Canada, quốc gia lớn thứ hai trên thế giới nhưng vẫn đang tranh chấp với 7 quốc gia khác về chủ quyền vùng biển Arctic. Đan Mạch kiện Na Uy về chủ quyền của Eastern Greenland. Ngay tại Á châu, Nam Dương tranh chấp chủ quyền đảo Pulau Litigan và Đảo Pulau Sipadan với Mã Lai. Và gần ta hơn, Thái Lan và Cam Bốt xung đột vì vùng đất quanh ngôi chùa Preah Vihear.(1)

Luật pháp quốc tế cơ bản là tôn trọng quyền tự chủ của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, khi các tranh chấp chủ quyền giữa các nước không thể tự giải quyết ôn hòa, có thể gây bất ổn khu vực ảnh hưởng đến an ninh trật tự thế giới, và cần mang ra trước Toà Án Tư Pháp Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc (International Court of Justice) để được phán xét, luật quốc tế đòi hỏi một số điều kiện tiên quyết như:

1- Đơn tố tụng phải do chính nhà nước đương nhiệm của quốc gia có lãnh thổ, lãnh hải bị tranh chấp chính thức đệ nạp xin Toà Án Tư Pháp Quốc Tế cứu xét.

Điều khoản 34 của Quy Chế của Toà Án Quốc Tế; “Statute of the International Court of Justice” (“the Statute”), soạn thảo ngày 26 tháng 6 và chính thức có hiệu lực ngày 24 tháng 10/ 1945 (2). Theo quy chế này, Toà Án Quốc Tế không được quyền xét xử những vụ kiện không phải do chính quốc gia liên hệ khởi tố. Hằng ngày, Toà Án Quốc Tế tại The Hague, Hoà Lan, nhận vô số những đơn khiếu kiện não lòng từ các cá nhân hoặc các tổ chức quốc tế bất vụ lợi, nhưng bị ràng buộc bởi điều khoản 34 của Quy Chế, các vụ kiện ấy đều bị bác, không được cứu xét (3).

2- Các quốc gia liên hệ đến vụ tranh tụng, phải cùng đồng ý chấp nhận sự phán xét của Toà Án Tư Pháp.

Mặc dù điều khoản 93 của Hiến Chương của Liên Hiệp Quốc (“Charter of the United Nations”), hiệu lực ngày 24 tháng 10 năm 1945, quy định mọi quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc đều đương nhiên xem như đồng thuận với Bản Quy Chế trên của Toà Án Quốc Tế (“the Statute”), tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc đều đương nhiên đồng ý chịu sự xét xử và chấp hành phán quyết của Toà Án Tư Pháp Quốc Tế. Do đó, trước khi vụ kiện được cứu xét, phải có sự đồng ý của các quốc gia liên hệ đến vụ án.

Hai điều kiện trên của Quy Chế Toà Án Tư Pháp Quốc Tế cho thấy sự kiện lấn chiếm biển đông thuộc chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc, chỉ có thể được công pháp quốc tế cứu xét nếu do chính nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nộp đơn kiện. VÀ Trung Quốc phải hồi báo trước toà đồng ý chịu sự phán xét và thực thi quyết định của toà. Thiếu một trong hai điều kiện trên, toà án quốc tế sẽ không có thẩm quyền pháp lý để xét xử.

Giả sử những người lãnh đạo Việt Nam còn có lòng yêu nước và có đủ can đảm để một ngày nào đó, chính thức kiện Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ, lãnh hải ra trước toà án quốc tế, và giả sử Trung Quốc đồng ý vác chiếu hầu toà, thì luật pháp quốc tế sẽ dựa trên những yếu tố nào để phán xét ?

Trả lời câu hỏi này sẽ giúp nhà cầm quyền Việt Nam biết hành xử đối nội và đối ngoại thế nào trong thời gian này để trong tương lai Việt Nam có được sự phán xét tích cực của Toà Án Tư Pháp Quốc Tế. Điều khoản 38 của Quy Chế của Toà Án Tư Pháp Quốc Tế (“the Statute” 1945) quy định toà phải áp dụng những nguồn luật quốc tế như “hiệp ước quốc tế (“treaties”), tập quán luật quốc tế (“customary international law”), những nguyên tắc chung của pháp luật (general principles of law), và cả những nguồn trích dẫn phụ thuộc khác từ các nhà nghiên cứu luật học v.v.

Muốn biết toà án quốc tế áp dụng những nguồn luật trên cụ thể thế nào vào thực tế khi xét xử, chúng ta có thể duyệt qua các vụ án tranh tụng chủ quyền trong qúa khứ và gần đây của thế giới. Luật sư Lê Công Định từng lấy làm tiếc rằng hệ thống luật pháp Việt Nam không có án tiền lệ (court precedent) và do đó, tòa án phán quyết tuỳ tiện, không dựa trên cơ sở “case law” như ở các nước dân chủ pháp trị để có thể biết toà án đã áp dụng luật vào thực tế từng vụ án nhất quán hay không, đúng hay sai. Cũng vì thế ở Việt Nam kháng cáo chỉ là hình thức của sự bức xúc duy tâm. Luật quốc tế, tuy vẫn còn nhiều thiếu sót, chưa hoàn hảo, nhưng ít ra khi nhìn vào các phiên toà xử trước đây của Toà Án Tư Pháp Quốc Tế, các luật sư có thể giúp thân chủ quốc gia mình chuẩn bị những việc cần làm, những tuyên bố cần tránh, những dữ kiện cần thu thập, để xác xuất thắng kiện được cao hơn.

Vì khuôn khổ của một bài chia xẻ trên mạng, trong khi luật pháp là một lãnh vực phức tạp, nên mỗi trường hợp tố tụng của vài quốc gia dưới đây sẽ được cô đọng tối đa để trình bày những gì nhà nước Việt Nam cần lưu tâm cũng như để hiểu thêm những “mưu tính” và “chuẩn bị pháp luật” qua hành xử của Trung Quốc:

A) Tranh Chấp giữa Thái Lan và Cam Bốt về vùng đất quanh chùa Preah Vihear.

Năm 1904, Thái Lan và Cam Bốt phân định lằn ranh biên giới hai nước qua một hiệp ước quốc tế (treaty). Theo công ước này, ranh giới lãnh thổ được xác định bằng cách truy đầu nguồn đường giáp thuỷ chảy xuyên giữa hai quốc gia. Một Uỷ Ban Phân Định Lằn Ranh Biên Giới gồm các nhà chuyên môn của hai nước được thành lập và có trách nhiệm vẽ bản địa đồ vị trí chính xác của đầu nguồn mạch thuỷ này. Năm 1907, Uỷ Ban công bố chính thức những bản đồ liên hệ và trong đó, một bản địa đồ cho thấy vùng đất Preah vihear nằm trong vùng lãnh thổ chủ quyền của Cam Bốt. Bản đồ này đã được gửi cho Thái Lan. Sau đó, Uỷ Ban đã khám phá ra là có sự nhầm lẫn vì đã không truy đúng vị trí đầu nguồn giáp thuỷ. Nếu theo đúng đầu nguồn, như điều khoản đã ký kết trong hiệp ước phân định biên giới giữa hai nước, thì vùng đất trên rõ ràng nằm về bên biên giới của Thái Lan. Tuy vậy, toà án đã vẫn phán chủ quyền vùng đất quanh chùa Preah Vihear thuộc Cam Bốt. Toà Án Quốc Tế đã dựa trên những dữ kiện pháp lý nào để có phán quyết có vẻ “vô lý” này?

a) Thái Độ Im Lặng của Thái Lan

Sau khi đôi bên khám phá lỗi của các nhà khảo địa, toà cho rằng Thái Lan đã không tích cực phản đối chủ quyền của Cam Bốt về vùng đất này:

- Tháng 2, 1949: Uỷ Ban Hòa Giải Pháp-Thái (thời ấy Cam Bốt còn nằm dưới sự bảo hộ của chính phủ Pháp), gửi công văn cho Thái Lan về kết luận của các trao đổi, thảo luận giữa hai nước; trong đó ghi nhận Thái Lan đã không hề nêu vấn đề chủ quyền của vùng Preah Vihear. Công văn cũng yêu cầu chính phủ Xiêm xác nhận là họ không phản đối chủ quyền thuộc về Cam Bốt. Thái Lan đã im lặng, không hề hồi đáp công văn này của Uỷ Ban Hoà Giải.

- Tháng 3, 1949: một công văn khác được gửi cho Thái Lan yêu cầu cung cấp thêm dữ kiện cũng như lý do về sự hiện diện của bốn người lính Thái canh gác tại ngôi chùa. Thái Lan im lặng.

- Tháng 5, 1949: đại diện cho Cam Bốt, chính phủ bảo hộ Pháp gửi một công văn ghi rõ là những người vẽ bản đồ do chính Thái Lan tuyển chọn đã cung cấp bản đồ địa hình cho thấy chùa Preah Vihear nằm trên đất Cam Bốt, do đó, thuộc chủ quyền Cam Bốt; và yêu cầu Thái Lan rút về những lính canh gác tại chùa. Toà cho rằng công văn này minh thị thái độ của Cam Bốt đương nhiên xem mình là chủ vùng đất tranh tụng; trong khi Thái Lan vẫn im lặng không trả lời, dù là phản đối.

- Tháng 7, 1950, một công văn khác được gửi cho Thái. Và vẫn không có sự hồi đáp.

- 1953, Cam Bốt dành độc lập, và đề nghị sẽ gửi lính đến giữ an ninh tại chùa Preah Vihear như hành động minh định chủ quyền. Tuy nhiên, Thái Lan vẫn duy trì lính Thái không rút về nên Cam Bốt không gửi lính đến, thay vào đó, một công văn đã được gửi cho Thái yêu cầu Thái giải thích lý do. Công văn này nhận được sự hồi báo duy nhất là chính phủ Thái ghi nhận là đã nhận được yêu cầu của Cam Bốt nhưng vẫn không có lời giải thích nào cũng như không hề có sự minh định chủ quyền của chính phủ Thái.

- Tháng 3, 1954, chính phủ Cam Bốt gửi một công văn khác, khẳng định tính cách pháp lý của công văn do chính quyền bảo hộ Pháp gửi Thái năm 1949, qua đó xác quyết chủ quyền thuộc về Cam Bốt, và thông báo quân lính Cam Bốt sẽ lần nữa được cắt cử đến chùa Preah Vihear.

- Tháng 6, 1956, Cam Bốt gửi thêm một công văn cho biết trước sự im lặng của chính phủ Thái, và lính Thái vẫn duy trì sự hiện diện tại đây, Cam Bốt quyết định sẽ không cử quân đến hầu tránh làm trầm trọng thêm tình hình; và yêu cầu Thái Lan rút quân về cũng như trình bày cho Cam Bốt biết ý kiến của Thái về chủ quyền của vùng Preah Vihear. Công văn này cũng không nhận được hồi đáp từ Thái.

- 1958, một cuộc hội thảo được tổ chức tại Bangkok để thảo luận về nhiều vấn đề tranh cãi giữa hai nước, trong đó có chủ quyền vùng đất Preah Vihear. Đại diện của Thái Lan đã từ chối không thảo luận vào vấn đề vùng đất tại Preah Vihear. Cuộc đàm phán thất bại. Chính phủ Cam Bốt chính thức gửi đơn xin Toà Án Tư Pháp Quốc Tế xét xử vào năm 1962.

Dựa trên các dữ kiện trên, toà án quốc tế xét rằng Thái Lan, mặc dù có nỗ lực duy trì một số hoạt động trong vùng tranh tụng, nhưng đã không chuẩn bị để chối bỏ chủ quyền của Pháp và Cam Bốt ở cấp độ ngoại giao.

b) Hành Xử Thế Nào Để Tỏ Chủ Quyền Quốc Gia:

Ngoài những dữ kiện trên, toà còn chú trọng đến thái độ và những hành xử khác của cấp chính quyền Thái. Một trong những sự kiện nổi bật là sự viếng thăm chùa Preah Vihear năm 1930 của hoàng tử Damrong, nguyên là Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ, lúc ấy cũng là chủ tịch của Viện Hoàng Gia Xiêm, có trách nhiệm liên hệ đến Thư Viện Quốc Gia và những di tích khảo cổ. Cuộc viếng thăm này có sự cho phép chính thức của vua Xiêm. Do đó, toà án xem chuyến đi mang tính ngoại giao giữa hai nước. Khi hoàng tử Thái đến chùa và được sự tiếp đón chính thức của vị đại diện chính phủ bảo hộ Pháp, cùng vị đại diện địa phương Cam Bốt, với cờ bảo hộ Pháp trước cổng chùa, hoàng tử Thái không thể không biết ý nghĩa của sự tiếp đón này. Cam Bốt đã khẳng định chủ quyền của mình và hoàng gia Thái đã mặc nhiên công nhận điều này. Thêm vào đó, sau khi kết thúc chuyến viếng thăm, hoàng tử Damrong đã gửi một số hình ảnh tặng vị đại diện chính phủ bảo hộ Pháp tại Cam Bốt, trong đó, ngôn từ cho thấy hoàng tử Thái xem Pháp/Cam Bốt, đã hành xử trong vai trò chủ nhà tiếp đón phái đoàn hoàng gia Thái trên đất Preah Vihear.

Tóm lại, mặc dù trước toà, Thái cho rằng mình chưa hề bỏ trống mảnh đất tranh tụng với chứng cớ là cảnh sát Thái vẫn hiện diện và giữ an ninh trật tự trong vùng Preah Vihear; trong khi Cam Bốt gần như không có một hoạt động hành chính nào tại đó. Toà vẫn không được thuyết phục với lý do cảnh sát Thái có thực sự hiện diện ngay tại vùng đất tranh tụng hay chỉ ở những khu vực quanh vùng. Ngoài ra, toà cũng không chấp nhận giá trị pháp lý của những hoạt động mang tính sinh hoạt địa phương có thể phủ nhận và có giá trị pháp lý cao hơn là những hành xử mang tính quốc gia của chính phủ Xiêm trong thời gian dài.

Bài học rút tỉa cho Việt Nam:

Dựa vào vài dữ kiện mà toà án quốc tế đã nêu trong quá trình xét xử vấn đề chủ quyền giữa Cam Bốt và Thái Lan, chúng ta có thể rút ra vài điều sau:

i) Sự im lặng và không phản đối “tới bến” của Việt Nam (tương tự như Thái Lan) đối với các hành vi xâm phạm biển đông của Trung Quốc, kèm theo những trấn áp, bắt giam, lệnh cấm v.v. đối với chính người dân Việt trong các cuộc biểu tình chống Tàu, sẽ có thể trở thành một trong những chứng cớ cứu xét của Toà Án Tư Pháp Quốc Tế trong việc giám định xem Việt Nam có công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Trường Sa-Hoàng Sa hay không.

ii) Việc bắt bớ, đạp lên mặt dân biểu tình, đến tận nhà đe dọa, giam tù, trấn áp v.v. đều được các tổ chức nhân quyền thế giới thu thập dữ kiện, dân mạng và các báo đài nước ngoài đi tin. Toà án có quyền yêu cầu các tổ chức nhân quyền quốc tế tham dự phiên toà hoặc gửi bản tường trình dữ kiện hầu giúp toà giám định thái độ “bằng lòng” (renunciation / acquiescence) của Việt Nam về chủ quyền của Trung Quốc. Những lời khai và sự tham vấn với các tổ chức nhân quyền, bất vụ lợi quốc tế có vai trò đóng góp không nhỏ trong những phiên toà xử quốc tế. Thậm chí, đôi khi sẽ do chính Trung Quốc yêu cầu toà án tìm hiểu, truy cứu xem như chứng cớ để Trung Quốc chứng minh rằng CHXHCN Việt Nam xem như bằng lòng vì đã tống giam, đàn áp thẳng tay bất cứ ai có hành vi chống đối lại Trung Quốc “lấn chiếm” biển đông. Việt Nam nên cẩn thận trước sự nham hiểm “pháp lý” này của Trung Quốc: một mặt “kín đáo” áp lực (không có chứng cớ) Việt Nam về mặt ngoại giao để không cho phép có những cuộc biểu tình trong nước; mặt khác sẽ xử dụng sau này những đàn áp mang tính chính thức của nhà cầm quyền VN xem như chứng cớ của sự bằng lòng (“recognition/acquiescence” được công nhận trong luật quốc tế) vì không có hành vi chối bỏ triệt để tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Bài Học Rút Tỉa Từ Hành Động của Trung Quốc:

iii) Tam Sa: Quốc vụ viện Trung Quốc cho thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa, trực tiếp quản lý ba quần đảo trên biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN. Trong việc này, nhà cầm quyền VN đã có thái độ rất khôn ngoan vì Lê Dũng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao, ngày 3 tháng 12 năm 2007 đã lên tiếng phản đối chính thức. Trong việc thiết lập cơ sở hành chính này, Trung Quốc học bài học pháp lý từ phiên toà xử vụ tranh chấp giữa Na Uy và Đan Mạch về chủ quyền của Eastern Greenland, và quyền đánh cá trong vùng. Luật quốc tế cứu xét các hoạt động hành chính trong vùng tranh chấp như một trong nhiều cách để xác định chủ quyền. Canada trong vụ tranh chấp chủ quyền vùng biển Arctic với 7 nước khác cũng đã cho một số thổ dân đến sống một thời gian trên vùng băng tuyết như một hình thức xác định Canada là chủ (6).

iv) Công Văn của Phạm Văn Đồng: Trung Quốc chắc chắn sẽ sử dụng công văn này của Phạm Văn Đồng để xác minh trước toà án quốc tế rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền Trung Quốc trên biển đông. Tuy công văn này không có lợi cho Việt Nam nhưng vẫn không đồng nghĩa rằng chỉ với bức công văn ấy mà toà án quốc tế sẽ đồng ý với kết luận của Trung Quốc. Có nhiều yếu tố phụ thuộc nhưng quan trọng để Toà Án Tư Pháp Quốc Tế truy cứu xoay quanh công văn này:

- Bối cảnh chính trị, kinh tế, ngoại giao v.v. giữa hai nước vào thời điểm ấy.

- Việt Nam có thực sự “độc lập” (independent); không bị “áp lực” kinh tế, chính trị, hay quân sự từ Trung Quốc để có bản tuyên bố đơn phương này. Năm 1976, Toà Án Quốc Tế đã truy cứu tính chất độc lập của sắc dân da đen Bantustans trước tuyên bố của Nam Phi trong thời kỳ phân biệt chủng tộc, và Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã khẳng định, “để thực sự độc lập, ... và để đáp ứng tiêu chuẩn cho thấy khả năng có quyền tự quyết định trong những chính sách đối ngoại, và các chính sách quan trọng, những người lãnh đạo đất nước đó phải hơn là một con rối của một nước khác” (7). Khi Toà Án xét thấy có chỉ dấu “nước ngoài ảnh hưởng đến việc lấy quyết định của một đơn vị nhà nước liên hệ đến chính sách một cách có hệ thống và trên cơ sở lâu dài” (8), giá trị pháp lý của loại tuyên bố đơn phương như lá thư của Phạm Văn Đồng sẽ khó có giá trị pháp lý.

- Những loại tuyên bố đơn phương (unilateral declaration) tương tự đã được Toà Án Quốc Tế giải thích và áp dụng trong trường hợp tranh tụng chủ quyền biên giới giữa Mali và Burkina Faso (9). Toà Án Quốc Tế đã cứu xét giá trị pháp lý của tuyên bố của vị nguyên thủ quốc gia Mali. Bối cảnh chính trị, kinh tế, ngoại giao v.v. là một trong những yếu tố mà Toà Án đã truy cứu. Tương tự trong vụ án Úc kiện Pháp năm 1974 về lời tuyên bố của Bộ Trưởng Quốc Phòng Pháp liên quan đến việc kiểm tra khí hạt nhân (atmospheric nuclear testing) và giá trị pháp lý của tuyên bố đơn phương của Pháp trong toàn cảnh vấn đề (10). Sau 2 vụ tranh tụng kể trên, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (UN General Assembly) đã uỷ nhiệm cho Uỷ Ban Luật Quốc Tế (International Law Commission) để soạn thảo “Nguyên Tắc Hướng Dẫn Chung về Giá Trị Pháp Lý của Các Tuyên Bố Đơn Phương” vào năm 2006.(11)

- Tư cách đại diện (legal representation) về mặt pháp lý của Phạm Văn Đồng vào thời điểm ấy đối với hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Luật quốc tế không chấp nhận sự tương nhượng khi đương sự không thực sự có chủ quyền và thẩm quyền. “Nemo dat quod non habet”: không ai có thể truyền đạt hợp pháp những quyền lợi mà họ không có. Quan điểm này đã được Toà Án Quốc Tế ban hành trong trường hợp tranh tụng đảo Palmas (Miangas) giữa Hoà Lan và Hoa Kỳ năm 1928.
- v.v.

Kết Luận: Tóm lại, nếu muốn tiếp tục chứng minh là VN phủ nhận tính pháp lý và không công nhận bản văn đó của nguyên thủ tướng Phạm Văn Đồng thì CHXHCNVN phải tiếp tục có những hành vi nhất quán để phủ nhận chủ quyền của TQ và khẳng định vị trí của VN trong vấn đề tranh chấp biển đảo. Trước mắt là chấm dứt ngay tình trạng giam cầm, đàn áp những người dân yêu nước muốn bảo vệ biển đông, chống lại bá quyền Trung Quốc và quan trọng hơn là cần chứng minh trước công luận quốc tế rằng lãnh đạo Việt Nam ủng hộ quan điểm của các cuộc xuống đường. Không chỉ lịch sử Việt Nam mà công pháp quốc tế cũng sẽ đứng về phía những người lãnh đạo biết hành xử chính tâm và đặt quyền lợi tổ quốc lên trên hết. Bắt đầu từ giờ vẫn chưa muộn !!!


_________________________________

Chú thích:

[1]Island of Palmas Case (Netherlands v United States) (1928), 2 RIAA. 829 (Permanent Court of Arbitration)
Case Concerning Kasikili/Sedudu Island (Botswana v. Namibia), [1999] ICJ Rep. 1045.
Legal Status of Eastern Greenland (Denmark v. Norway) (1933), PCIJ (Ser.A/B) No 53.
Case Concerning the Temple of Preah Vihear (Cambodia v. Thailand), [1962], ICJ. Rep.6.

[2] Statute of the International Court of Justice”, 26 June 1945, in force 24 October 1945.


[3] A Guide to the History, Composition, Jurisdiction, Procedure and Decision of the Court (The Hague: International Court of Justice, 1996.

[4]
 Charter of the United Nations, in force  24 October 1945.


[5] :egal Status of Eastern Greenland (Denmark v. Norway) (1933), PCIJ (Ser.A/B) No 53.


[6] Canada, Úc, Anh, Chile, Argentina, Na Uy, Pháp và Tân Tây Lan tranh chấp chủ quyền vùng biển Antarctica.

[7] United Nations General Assembly, Res. 31/6, 1976, Independence of Apartheid Homelands.


[8] Ian Brownlie, Principles of Public International Law, 6th ed. (Oxford: Oxford University Press, 2003) at 72.

[9] The Frontier Case (Burkina Faso v. Mali), [1986] ICJ Rep 554 at 573-74 [Frontier Case].

[10] Nuclear Tests Case (Australia v. France) [1974] ICJ Rep 53.

[11] Guiding Principles Applicable to Unilateral Declarations of States Capable of Creating Legal Obligations, International Law Commission, 2006.

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More