18/8/11

TIN NÓNG: NGÀY 24.8 PHILIPPINES MỞ PHIÊN TÒA XÉT XỬ 122 NGƯ DÂN VN



Thông tin từ Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết, ngày 30/05/2011, 7 tàu cá của tỉnh Bình Thuận và 122 ngư dân đã bị Hải quân Philippines bắt giữ tại vị trí cách bờ biển Tamburok, Balabac, tỉnh Palawan của Philippines khoảng 2 hải lý (3,6 km).

Theo các gia đình ngư dân, 122 ngư dân Việt Nam nói trên dự kiến đi sang Philippines đánh bắt hải sản theo hợp đồng kinh tế giữa Doanh nghiệp tư nhân Long Hải Long của Việt Nam và Công ty Premiere International Interfishing của Philippines.

Tuy nhiên, các tàu cá (mang các số hiệu BTh 98630 TS, 98709 Ts, 99668 TS, 98079 TS, 99924 TS, 987693 TS, 99367 TS) và ngư dân nói trên đã đi vào vùng biển của Philippines trong khi chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết nên đã bị bắt giữ.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm cho Đại sứ quán Philippines tại Hà Nội đề nghị thông báo ngay vụ việc nói trên cho các cơ quan chức năng của Philippines để xác minh và nếu đúng như phản ánh, xem xét sớm trả tự do cho các ngư dân và tàu cá Việt Nam. 

Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines theo dõi sát tình hình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại giải quyết vụ việc. 

Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines cho biết đã nhiều lần liên hệ với các cơ quan chức năng của Philippines đề nghị phía Philippines  xem xét nhanh chóng thả tàu và ngư dân, thu xếp để tiến hành thăm lãnh sự đối với ngư dân ta. 

Tuy nhiên, vì một số lý do, việc thăm lãnh sự chưa thể tiến hành được. Hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đang tích cực phối hợp với phía Philippines để tiến hành thăm lãnh sự trong thời gian sớm nhất có thể được. Trong các tiếp xúc khác giữa các Bộ ngành của hai nước, phía Việt Nam cũng đã nhiều lần nêu lại vấn đề này.

Tuy nhiên, phía Philippines cho biết Tòa án tỉnh Palawan hiện đang thụ lí vụ án liên quan đến các tội danh vi phạm lãnh hải, phát hiện ốc nón trên tàu và bảo vệ động vật hoang dã đối với các ngư dân Việt Nam. Hiện Cục quản lý Nhà tù và Hình phạt Philippines đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ để gửi cho Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines. 

Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines sẽ có các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết trong quá trình xét xử vụ án, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Philippines để sớm giải quyết vụ việc trên tinh thần nhân đạo, phù hợp với quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước. 

PV
Nguồn: Dân trí.

Vụ việc 122 ngư dân huyện đảo Phú Quí, tỉnh Bình Thuận bị nhà chức trách Philippines bắt giữ và chuẩn bị đưa ra xét xử đang được dư luận hết sức quan tâm, kèm theo đó là sự lo lắng của gia đình các ngư dân này.
 Hóa đơn chuyển tiền, hợp đồng của Long Hải Long ký với từng tàu cá và ký với Tập đoàn PIICop của Philippines. Ảnh: Thanhnien Online

Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp luật, những ngư dân lại chính là những nạn nhân trong hợp đồng làm ăn của công ty Long Hải Long có trụ sở TP.HCM với 1 công ty khác có trụ sở ở Philippines.

Sự việc bắt đầu từ tháng 1/2011, khi công ty Long Hải Long ký kết hợp đồng với công ty Premiere International Interfishing ở tỉnh Palawan - Philippines tổ chức đưa tàu ra ngư trường Philippines đánh bắt cá. Sau đó 5 tháng, căn cứ vào các hợp đồng, giấy thông hành và các giấy tờ do công ty Long Hải Long cung cấp, 122 ngư dân huyện đảo Phú Quý lên đường sang ngư trường Philippines đánh cá. Thế nhưng, ngay sau khi vào lãnh hải của Philippines (ngày 30/5), thì bị nhà chức trách Philippines bắt giữ. Đối với các ngư dân, đây là điều hết sức vô lý.         

Bà Đặng Thị Tâm, xã Long Hải, huyện đảo Phú Quí (Bình Thuận) cho biết: “Công ty đó nói là phạt 7 tàu mấy trăm ngàn đôla thì chúng tôi thấy không thể chịu nổi, vì chúng tôi có đầy đủ giấy tờ…”.

Theo nhận định của các chuyên gia pháp luật, đã có sự vô hiệu trong hợp đồng giữa công ty Long Hải Long và công ty của Philippines: Công ty chưa được Chính phủ Philippines cấp giấy phép đầy đủ. Tuy nhiên, các ngư dân lại không phải là chuyên gia pháp luật để có thể nhận ra được sự vô hiệu của hợp đồng.

Mặt khác, theo cáo buộc của Toà án Philippines, có nhiều điểm không thể coi là chứng cứ của vụ án. Ví dụ như hơn 10kg cá được thuỷ thủ đoàn mang theo làm thức ăn từ khi còn ở Việt Nam, không thể coi là vật chứng cho tội danh đánh bắt cá trái phép; hoặc 1 vài vỏ sò bị lập biên bản sau khi ngư dân bị bắt giữ tới 10 ngày không thể coi là bằng chứng cho tội danh thu gom tàng trữ hải sản cấm.                 

Luật sư Hà Hải, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng: “Nếu ngư dân bị buộc tội xâm phạm lãnh hải bất hợp pháp thì tại thời điểm đi vào họ cũng đi vào đường đường chính, Chính phủ Philippines đã cấp số hiệu cho tàu, tàu đã treo cờ Philippines, danh sách 122 ngư dân Chính phủ Philippines cũng đã nắm được, họ cũng đã trưng ra được những giấy tờ hợp lệ, nên không thể nói là xâm nhập lãnh hải bất hợp pháp được”.           

Một cơ sở quan trọng khác là yếu tố lỗi trong vụ việc này: Ai cũng nhận thấy lỗi thuộc về 1 trong 2 bên trong hợp đồng đánh bắt cá giữa công ty Long Hải Long và công ty Premiere International Interfishing của Philippines. Chính từ lỗi của các công ty này mới dẫn đến việc các ngư dân vào hải phận Philippines đánh bắt cá.

Thêm vào đó, các ngư dân lại là người bị thiệt hại về tài sản, vật chất, sức khoẻ và tinh thần, nếu có áp dụng pháp luật ở nước nào đi chăng nữ,a thì một khi 122 ngư dân không có lỗi, cùng với việc họ lại chính là nạn nhân thì Toà án Philippines không thể coi nạn nhân là người có tội.
             
Nếu không có gì thay đổi, vào ngày 24/8, Toà án Philippines sẽ đem vụ án ra xét xử. 122 ngư dân đang phải đối mặt với mức án từ 6 đến 12 năm tù và khoảng 2 triệu đôla tiền phạt. Trong lúc này, các ngư dân rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức, các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu Toà án Philippines phải nhìn nhận sự vô tội để thả người, trả phương tiện để họ còn về nước làm ăn và trả nợ.            

Tác giả: Đặng Quang
Nguồn: VTV.

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More