8/10/12

Một số hình ảnh tang lễ của Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện

 
 
 



 
 
 



 
 

Tác giả tập thơ Hoa Địa Ngục, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, đã qua đời sáng nay 2-10-2012, tại Nam California, hưởng thọ 73 tuổi.
 
Ông mất tại bệnh viện ở thành phố Santa Ana sau một tuần nhập viện điều trị chứng nhiễm trùng đường phổi với triệu chứng đau ở ngực. Bệnh đã trở nặng một ngày trước khi ông mất, và ông đã được bạn bè tận tình chăm sóc cho đến khi ông qua đời.
Sinh năm 1939 tại Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện được mọi người biết đến qua biệt danh "ngục sĩ" từ năm 1980, khi tập thơ của ông xuất hiện ở hải ngoại, mang tựa đề “Tiếng Vọng Từ Ðáy Vực”, do Ủy Ban Tranh Ðấu cho Tù Nhân Chính Trị tại Việt Nam xuất bản. Tập thơ của ông cũng đã được dịch giả Huỳnh Sanh Thông dịch ra Anh ngữ với tên "Flowers From Hell" tức Hoa Địa Ngục, được Yale Center for International & Area Studies ấn hành. Tác phẩm này sau đó cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng khác như Pháp, Ðức, Hòa Lan...
 Tập thơ thoát ra khỏi Việt Nam khi ông mang tay đột nhập vào được Tòa Ðại Sứ Anh tại Hà Nội vào tháng 7 năm 1979, và được Giáo Sư Patrick J. Honey thuộc đại học London mang ra khỏi Việt Nam. Sau đó, ông bị công an bắt lại ngay sau khi rời khỏi cổng Tòa Đại Sứ Anh, và bị giam giữ thêm gần 12 năm.
Từ năm 1981, nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới đã phát động chiến dịch kêu gọi quốc tế can thiệp với Hà Nội để ông được tự do. Nhờ sự vận động lên tiếng của thế giới tự do, ông được thả khỏi tù ngày 28-10-1991. Đến năm 1995, nhờ sự can thiệp đặc biệt của quốc tế, ông đã được chế độ Hà Nội cho đi Mỹ định cư. Trong thời gian sống ở phần đất tự do, ông đã tiếp tục sinh hoạt đấu tranh cho tự do dân chủ cho đất nước Việt Nam. Năm 2001, ông đã cho xuất bản tập truyện Hỏa Lò, kể lại những kinh nghiệm về chế độ Cộng Sản cũng như kinh nghiệm tù đày khắc nghiệt mà ông đã chịu đựng trong gần cả đời ông.
Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã được vinh danh với nhiều giải thưởng quốc tế cũng như của tổ chức trong cộng đồng người Việt. Năm 1985 ông được tặng thưởng khiếm diện giải thưởng thơ quốc tế tại Rotterdam. Năm 1995 ông được trao giải Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh VN. Sau khi ra hải ngoại, ông được Hội Nhà Văn Quốc Tế trao giải thưởng năm 1998.

Trở về căn gác thiết tha…
Phạm Diễm Hương

Đến hôm nay, có lẽ mọi người Việt trên thế giới, trong và ngoài nước đã biết tin nhà thơ Nguyễn Chí Thiện từ trần. Tôi hy vọng mình không chủ quan khi viết điều này. Ông mất ngày 2 tháng 10 năm 2012. Ngày 5 tháng 10 Lễ Phát Tang, ngày 6 tháng 10 Hoả Táng.
Sáng sớm mồng 2, biết tin nhà thơ mất từ báo NguoiViet online, tôi đã mở tủ sách, lục tìm hai cuốn thơ Hoa Địa Ngục 1 và 2, cùng cuốn truyện Hỏa Lò của ông. Chỉ tìm thấy 2 cuốn thơ, còn cuốn Hỏa Lò chẳng thấy đâu. Tôi biết nó đang buồn và trốn đâu đó giữa hàng trăm tác phẩm trong tủ sách rất ngăn nắp, nhưng cũng rất ngổn ngang vì quá nhiều tác giả. Tôi ôm hai cuốn thơ vào lòng, thầm nghĩ từ nay chúng mồ côi rồi. Hai cuốn thơ đều có bìa màu đen, như một định mệnh.
Những kỷ niệm mong manh của tôi với nhà thơ cũng ẩn hiện…
Tôi nhớ tôi được quen biết ông lần đầu tiên vào khoảng tháng 8 năm 2007, khi có dịp xuống Nam Cali. Hôm ấy, tôi và một số bạn hữu đã dùng cơm tối với nhà thơ ở một nhà hàng nhỏ, tôi không nhớ tên. Sau đó cả bọn kéo về tư gia của ông, lúc đó ông đang ở chung với nhà văn Phan Nhật Nam. Căn mobile home nhỏ xíu, là nơi nương náu của hai nhà thơ, nhà văn lớn của Việt Nam, một từ miền Nam, một từ miền Bắc. Đồ đạc vật dụng trong nhà đơn giản gọn nhẹ, ngoại trừ những cuốn sách trên kệ. Thật vậy, nhà văn, nhà thơ chỉ có những đứa con tinh thần là đáng giá.
Từ đó, tôi liên lạc với nhà thơ thường hơn. Cuối năm 2007, trong một chương trình phỏng vấn hàng tuần của VOA, tôi đã phỏng vấn ông về cuốn truyện Hỏa Lò, ông viết trong thời gian sống Pháp, từ năm 1998 đến năm 2001. Cuốn sách được Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ in ấn năm 2002 và được Đại Học Yale phát hành bản tiếng Anh sau đó.
Hôm ông mất, tôi mở lại chương trình này, thật bồi hồi khi nghe giọng ông từ tốn, nhẹ nhàng. Hồi đó khi thực hiện chương trình, tôi chỉ chú ý nội dung câu trả lời có đầy đủ ý tứ không mà thôi. Bây giờ nghe lại, mới nhận ra phong thái cũng là nhân cách đặc biệt của nhà thơ.
Thỉnh thoảng tôi điện thoại thăm ông, cho đến tháng 6 năm 2011, tôi gặp nhà thơ lần cuối ở Nam Cali. Ông vẫn vậy so với năm 2007. Bạn tôi bảo ông có vẻ gầy hơn, xanh hơn, khắc khổ hơn, tôi cãi: “Ai đứng ngược gió mà không thế. Hôm nay gió chướng, mặt mũi người nào cũng vêu vao, vàng vọt như mới ốm dậy, chứ đâu phải chỉ có ông í!”. Nhưng tôi vẫn nhìn ông thật kỹ và gặng hỏi: “Anh vẫn thường chứ? sức khoẻ không có gì trục trặc chứ?”. Ông thản nhiên: “Dạo này yếu rồi, còn một số việc muốn làm mà chưa làm được”. Tôi không hỏi việc gì, và cũng không bận tâm hỏi nhà thơ yếu ra sao? Chán thật! Có thể ngay từ lúc ấy, những tế bào ma quỷ Lu-xi-phe đã sinh sôi trú ngụ ở hai lá phổi của nhà thơ rồi. Bực ghê!
Hôm nhà thơ mất, tôi cũng nghe lại âm thanh buổi phỏng vấn ông, hơn 90 phút, vào năm 2010, được thực hiện bởi chị Triều Giang thuộc Hội Bảo Tồn Văn Hóa và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt, mà buồn quá. Ông bình thản, kể lại cuộc đời mà ông vừa trải qua, như nói chuyện lịch sử của một thời nào xa xôi lắm.
Tôi giúp phần chuyển ngữ âm thanh này thành 18 trang giấy với hơn 16 ngàn chữ. Công việc chuyển ngữ thật cực nhọc, đòi hỏi rất nhiều thời gian và cần có một số khả năng về ngôn ngữ. Nhưng bù lại, đó là một cơ hội quý báu, được nghe và viết lại những thăng trầm của một đời người. Những thăng trầm riêng lẻ này đã và đang đan kết nhau làm thành giòng sử của dân tộc.
Nhà thơ Nguyễn chí Thiện kể:
“….Tôi tên là Nguyễn Chí Thiện , tôi đẻ ở Hà Nội Việt Nam, vào tháng 2 năm 1939.
…Cái tâm lý của thanh niên lúc bấy giờ là chống Pháp, vì mình nghĩ họ đô hộ mình mà! Cho nên tôi tuy ở trong thành phố, ăn uống no đủ, học hành tử tế, tương đối tự do thoải mái, nhưng vẫn cứ ngưỡng về Hồ chí Minh, về kháng chiến chống Pháp, đấy là một cái sai lầm rất lớn, dẫn đến cả một cuộc đời tan nát.
….Những năm 55, 56, là nó cải cách ruộng đất dữ dội, đó là đợt 5. Đợt này mới là đợt chính đấy, nó giết hại không biết bao nhiêu người chung quanh thành phố.
…theo tài liệu cộng sản là 172 ngàn lẻ 8 người đã bị chết trong tù, hoặc bắn tại chỗ. Thì đây nó là cuộc diệt chủng.
... Đến cuối năm 56, nó sửa sai Cải Cách Ruộng Đất, thì xảy ra vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Vì Liên Xô nó cũng phê phán như thế….Khi tờ Nhân Văn ra đời thì bên Trung quốc cũng có một phong trào Trăm Hoa Đua Nở, Trăm Nhà Đua Tiếng, khuyến khích tự do nói. Đây là cái mưu của Mao Trạch Đông đấy, anh nào lòi mặt ra nó trị. Việt Nam mình đâu có biết. Họ cũng không ngờ bị đàn áp, vì phải nhớ là toàn bộ nhóm Nhân văn Giai phẩm đều ủng hộ đảng, đều ca ngợi đảng, không ai chống đảng cả nhé, nhớ như thế cho tôi nhé, không có một người nào chống đảng cả.
…Tôi đi tù thì cũng đơn giản thôi và cũng vì không biết. Cuối năm 1960, hồi đó tôi xuống Hải Phòng, thì có cái trường gọi là Dân Lập có độ 3, 4 chục học trò, nói cái lớp thì đúng hơn, ở trước cửa nhà tôi. Tôi có ông bạn quen dạy ở đấy. Dân Lập có nghĩa là dạy cho cán bộ, dạy cho những người lớn tuổi học văn hoá thôi. Một hôm ông ấy ốm có nhờ tôi dậy học thế, đúng vào giờ Sử, đúng vào chương trình đại thế chiến thứ hai. Vô tình tôi dậy theo những gì tôi biết, chứ không dậy theo sách giáo khoa. Tôi dậy là sở dĩ Nhật đầu hàng là vì có hai quả bom nguyên tử bỏ xuống hai thành phố. Giảng thế là sai, sai với sách giaó khoa, sách giaó khoa nói là do Hồng quân Liên Xô đánh tan đội quân Quang Đông ở Mãn châu cho nên Nhật đầu hàng, chứ không phải vì 2 quả bom nguyên tử, sách giáo khoa nó dậy thế mà. Sau đó bị bắt chị ạ, bị bắt vì tuyên truyền chống đảng, nó kết tội như thế. Nếu tôi biết tôi dậy như thế mà bị bắt, tôi cũng không điên gì mà tôi dậy, phải không nào?
….Tôi cũng vào cái diện là đi tù oan lần đầu tiên, lần ấy tôi bị 3 năm rưỡi. Lúc bấy giờ đi tù tôi mới hơn 22 tuổi thôi, tôi đi tù năm 61. Ở ngoài đã làm thơ rồi, nhưng chưa chống đối mấy, cũng nói lên một số cảnh xã hội thôi, nhưng đến khi vào tù mới thấy kinh quá. Nó coi con người không bằng con vật, không bằng con vật thật sự, chứ không phải mình nói quá đâu, Không bằng con trâu, con bò đâu, thua xa!, con người không có giá trị bằng! đây là điều mình chứng kiến như vậy. Thí dụ như 1 người hấp hối chết, tự nhiên ngất ho ra máu, gọi cấp cứu, nó không cấp cứu đâu, để cho chết. Nhưng con trâu, con bò hơi ốm một tí, thì nó vội vàng cho uống mật này, cho ăn đậu nành này cười, tiêm peniciline. Nó cấp cứu lợn, cấp cứu bò ngay phải không nào? Chứ còn con người là thôi, con người thì đói dài ra thua con vật. Thậm chí có những anh tù đi qua thấy cái chảo nấu cám lợn ấy mà, không có cái cốc, anh ta lấy cái ống tre múc trộm để ăn, nó mà vớ được nó đánh chết, chị hiểu không? ăn của lợn đấy, sự thật là không bằng súc vật, cách đối xử với con người nó quá đáng quá! Anh nào cũng giơ xương ra, gầy nhom, chết chóc nữa. Ngày nào cũng có người chết. Thế tôi mới xác định là phải làm thơ đề ghi lại tất cả những hiện tượng chưa từng có trong lịch sử con người Việt Nam, để sau này có dịp sẽ gửi vào miền Nam cho miền Nam biết cộng sản nó thế nào để mà có sức chiến đấu, để mà hiểu, chứ không sống với nó thì không biết được đâu. Cho nên sau khi đi tù lần ấy, tôi được thả ra thì độ gần 1 năm rưỡi sau, nó lại bắt tôi. Lý do là vì mình làm thơ.
… Đấy là vào đầu năm 66. Đi một mạch cho đến năm 77, sau khi nó thắng miển Nam 2 năm, nó mới tha tôi. Mà tôi đi lần này, thì bố chết mẹ chết không được gặp vì ở trong tù. Thơ tôi làm lúc bấy giờ được khoảng 400 bài rồi. Đến lúc tôi ra tù, thì ông bà cụ mất rồi, tôi tìm cách vào sứ quán Anh để gửi đi là vì lúc bấy giờ Trung quốc tấn công miền Bắc năm 79 đấy. Tôi sợ nó bắt tôi nữa là vì nó gọi tôi lên đồn lên sở luôn ấy mà. Sợ nếu TQ tiếp tục tấn công nó sẽ bắt tôi, bắt tập trung ấy mà, để bảo đảm hậu phương, cho nên tôi nghĩ phải gửi ra ngoại quốc, vì mình mà đi tù lần này thì chết, làm sao mà sống nổi nữa phải không nào? Người lúc bấy giờ yếu rồi, thế mới quyết định vào sứ quán Anh ngày 16 tháng 7 năm 1979. Vào đại thôi, vì là cái cửa có một anh công an vớ vẩn đứng gác, người vào có xét ai bao giờ đâu, thế thì mình đi đến cửa, tạt ngay vào, cửa nó ngay bên lề đường mà. Thế thì vào giao được cái tập thơ ấy cho những nhân viên sứ quán Anh. Đến lúc đi ra thì bị bắt. Bị bắt lần này thì đi tù 12 năm 3 tháng rưỡi.
... Lần này đi tù đáng lẽ là không về, nhưng vì Liên Xô nó đổ, thế giới thay đổi, chứ nó nói thẳng vào mặt tôi: “Anh cứ làm thơ đi, cho Diêm Vương nó xuất bản, nó nói thế mà cười. Anh cứ tha hồ làm”. Thế nhưng mà cuối cùng rồi còn có trời chứ phải không? Ông Trời ông lại tha mình, Liên Xô xụp đổ, xã hội chủ nghĩa tan tành, cuối cùng nó phải ngoại giao với ngoại quốc. Quan hệ bình thường với Mỹ, rồi Tối Huệ Quốc các thứ, nó phải tha vào ngày 28 tháng 10 năm 91 và nó phải cho tôi sang đây. Tôi sang ngày 11 tháng 11 năm 95, 15 năm rồi đấy.
… Thế nhưng chỉ tiếc là tôi còn một việc nữa định làm, nhưng không làm nổi nữa, người yếu rồi, nghĩ ngợi bây giờ nó hoa mắt rồi, viết cuốn hồi ký, tôi không viết dài đâu, độ 100 trang thôi, cô đọng lại mà, từ cái ngày cộng sản về từ năm 54, về Hà Nội đấy, cho đến ngày tôi đi Mỹ, tôi chỉ cô đọng trong 300 trang nhưng mà không viết được nữa. Sức khoẻ yếu rồi. Còn có 1 việc đấy mà chưa làm.
…Tôi chỉ kể về cuộc đời của tôi thôi, cuộc đời mình nói vì những cái ngây thơ, những cái mà không ai hiểu về chính trị, thế rồi những cái sai lầm khi đi theo cộng sản (tức là ở lại với nó đấy!), thế rồi sống trong chế độ đó, thì những thủ đoạn của cộng sản nó như thế nào, nhưng cái mưu mô của nó như thế nào, những đàn áp của nó như thế nào. Đường lối chính sách của nó đối với con người như thế nào, thế rồi con người sống trong chế độ đó nó thua con vật, phải nói thẳng như vậy, rồi bị chôn sống như thế nào, vùi chôn mà, cả cuộc đời bị vùi chôn, ở ngoài xã hội cũng bị vùi chôn chứ không nói trong tù, tôi định mô tả tỉ mỉ những cái đó nghĩa là gì? Nghĩa là mô tả cái địa ngục, một cái địa ngục trần gian, mô tả một cách chân thực, chứ không bôi nhọ họ, không gì cả. Thì định làm việc đó, nhưng chưa làm được.
Tôi chẳng có mơ ước gì khác đâu. Bạn bè tôi trong nước là những người tù với tôi thân lắm, mà tôi xa họ cũng 15 năm rồi, tôi nhớ. Thế còn bà chị, còn các cháu, con các bà chị, tôi cũng muốn về gặp họ, thế nhưng còn cộng sản thì tôi không về được, tôi không về được là vì lý do thế này này. Giả sử nó cho về, nó gọi tôi lên đồn lên sở, nó cấm tôi đi nơi này nơi nọ nó lại giáo dục tôi nữa, thì tôi vác mặt về làm cái gì, có đúng không nào? Nhìn lá cờ mình đã thấy ghét, cho nên trong nước phải có tự do ngôn luận. Bước đầu phải có tự do ngôn luận đã, có 1, 2 tờ báo tư nhân là tôi về ngay thôi. Về trong nước đấu tranh, đi nói chuyện các nơi, tự do ngôn luận rồi mà, viết báo này nọ góp phần thực sự ở trong nước để dân chủ hóa đất nước.
… Ăn bây giờ cũng không ăn được nhiều, không có sức nữa rồi, cho nên chỉ mong sao đất nước khá lên, chứ nếu để cộng sản nắm mãi thì tai hại vô cùng….”

Một ngày sau khi nhà thơ Nguyễn Chí Thiện mất, một Thánh Lễ Tưởng Niệm ông đã được Diễn Đàn Paltalk “Hội Luận Phỏng Vấn Hiện Tình Việt Nam” tổ chức, với vị chủ lễ là Linh Mục Antôn Lê Ngọc Thanh thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn, cùng sự tham dự của một số các nhà đấu tranh dân chủ trong nước như LS Lê thị Công Nhân, LS Nguyễn văn Đài, Ký giả Trương Minh Đức, nhà thơ Trần Đức Thạch, chị Phạm Thanh Nghiên... và gần 300 chatters trong và ngoài nước. Sau phần thánh lễ tưởng niệm, là phần chia xẻ tâm tình. Từng vị đã lần lượt bày tỏ tình cảm quý trọng đặc biệt dành cho nhà thơ Nguyễn chí Thiện.
LS Lê thị Công Nhân đã nói trong xúc động:
“Ngày hôm nay được gặp lại quý vị trong buổi lễ tưởng niệm bác nhà thơ Nguyễn chí Thiện ra đi về nước Chúa, tôi thực sự rất là xúc động, vì đến chiều ngày hôm nay tôi mới biết tin đó, và tôi báo ngay cho gia đình của tôi và chị Thanh Nghiên…
…Tôi đã được biết đến tên tuổi của bác và những vần thơ của bác từ rất lâu, lâu lắm. Tôi nhớ hồi ấy tôi mới chỉ học cấp 1 thôi, nhưng cho đến ngày hôm nay tôi mới biết bài thơ ấy là của bác Thiện. Có một điều rất thú vị là chiều hôm nay đài Sydney Radio họ có phỏng vấn tôi, và sau đấy họ cho phát một bài hát phổ bài thơ của bác, khi tôi nghe bài thơ ấy, tôi mới giật mình, hoá ra mình đã biết bài thơ này mấy chục năm nay, ở trong nước rất nhiều người biết, nhưng không biết đó là bài thơ của bác Nguyễn Chí Thiện. Đó là bài thơ tôi chưa kịp học thuộc, nhưng tôi nhớ đại ý khá là chính xác là: "Từ vượn thành người mất mấy triệu năm, nhưng từ người xuống vượn chỉ mất có ba năm, thậm chí là ba hôm...." Bài thơ thực sự vừa có ý nghĩa tố cáo lên án sự đàn áp của chế độ rất là phi nhân đối với con người, và nó cũng có cái chất vừa là hài hước, vừa là trào phúng, rất là đặc biệt. Nhiều người trong chúng ta có thể nghĩ ra được điều đó, nhưng mà để viết ra những cái vần thơ thì quả thực cần đến một người rất tài năng và có một trái tim như bác Nguyễn Chí Thiện.
Tôi cũng xin chia xẻ với quý vị một kỷ niệm, cũng là kỷ niệm duy nhất mà tôi trực tiếp được nói chuyện với bác Thiện, một lần duy nhất cho đến bây giờ thì bác đã qua đời. Đấy là ngày đầu mùa Đông năm 2011, rất lạnh vào buổi chiều, thì bỗng dưng có một người gọi điện thoại cho tôi từ bên nước ngoài, gọi qua số tổng đài, hỏi tôi rằng: “Chào cô, cô có phải là Công Nhân không?” thì tôi mới trả lời : “Vâng, Công Nhân nghe đây ạ!” thì người đó nói: “Tôi là Thiện, Nguyễn Chí Thiện”, thực sự Công Nhân rất là giật mình, vì biết đến tên tuổi bác từ lâu rồi, và rất là bối rối, nên mới trả lời là: “Dạ, cháu hỏi là có phải bác nhà thơ Nguyễn Chí Thiện không ạ”, thì người đó nói : “Ừ, tôi đây”, thì thực sự Công Nhân cảm thấy rất là vinh hạnh, rất là vui mừng vì được nói chuyện với bác như vậy, thì bác nói rất ngắn gọn: “Bác hỏi cháu cái này nhé?” mình bảo: “Vâng ạ”, “Chỉ cần cháu trả lời có hay không thôi” Cộng Nhân bảo: “Vâng" và cũng ngạc nhiên không hiểu bác hỏi chuyện gì và bác có vẻ rất là nóng vội, dứt khoát, và rất là quan trọng về việc ấy. Tôi là người bị hỏi nên càng ngạc nhiên hơn, thì tự dưng bác hỏi tôi: “Thế có phải là cháu mua xe ô tô và mua nhà không?” Tôi bảo: “Không ạ, cái đó là những tin tức bịa đặt, không hề có”, bác còn hỏi lại: “có đúng không?”, “Không ạ, cháu vẫn ở đây, gia đình cháu vẫn ở đây, cháu vẫn sống với mẹ cháu mấy chục năm nay” Thế là bác bảo: “Ừ thôi được rồi, thế thôi nhá” thế là bác cúp máy. Đấy là kỷ niệm duy nhất, tôi trực tiếp nói chuyện với bác.
 Sau đó, một thời gian ngắn, thì bác gửi cho tôi, anh Phạm Hồng Sơn, anh Nguyễn Vũ Bình. Gửi chung, gửi tên tôi, nhờ tôi chuyến cho hai anh một món quà và bác ký tên là Trần Vân…Tôi trực tiếp đưa quà đến nhà cho hai anh.
…Cả ba chúng tôi đều ngạc nhiên và cũng rất là vui mừng, và rất cảm kích tấm lòng của bác, và tìm mọi cách để xin số điện thoại, địa chỉ email để liên lạc với bác, nói lời cảm ơn với bác chia xẻ với bác. Muốn thiết lập mối quan hệ với bác để nói chuyện thì không có cách nào cả vì những người tôi quen biết khi ấy, tôi nhờ thì các anh chị cũng rất là nhiệt tình nhưng không hiểu sao không liên lạc được với bác…. Sự việc cứ trôi qua như vậy đến ngày hôm nay khi nghe tin bác đã qua đời, thì tôi cảm thấy rất là buồn, buồn ghê gớm, vì mình đã từng có niềm mong muốn được gặp người đó, được chia xẻ, được tiếp xúc nhiều hơn, thì không có cơ hội đó nữa rồi…”

Trưa nay mồng 5 tháng 10, lúc 12 giờ là Lễ Phát Tang. Tôi ở xa, không đến dự được. Tôi tìm được cuốn Hoả Lò, nó nằm ép sát vào cuốn “Tử Tù Tự Xử Lý” của Trần Thư. Tôi muốn 3 đứa con tinh thần của ông mà tôi hiện có, cùng với tôi nghĩ đến ông trong giây phút linh thiêng này. Ngày mai mồng 6 tháng 10, Lễ Hỏa Táng ông sẽ được cử hành, ông sẽ thanh thản trở về quê nhà, ghé thăm căn gác… thiết tha …bừa tàn thuốc lá. Sách vở ngổn ngang nằm la liệt cả. Chiếc điếu bát nồng hôi đầy bã. Bộ đồ trà hoen cáu sớm khuya pha…
Kính Chúc Nhà Thơ Về Trời Bình An.
(PDH 10/12)

 


0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More