3/10/12

Tư Vấn Luật Pháp: Vay Nợ



LCST - Luật của Sự Thật xin gửi đến cùng quý bạn phần tư vấn sau đây của một bạn hỏi về vấn đề cho vay nợ, với sự trả lời của Luật sư Nguyễn Văn Đài. Các chi tiết liên quan đến cá nhân cũng như địa danh nơi xảy ra sự cố đã được sửa đổi để đảm bảo sự an ninh và bảo vệ các chi tiết cá nhân của người hỏi. Rất mong qua phần tư vấn này nó cũng giúp ít nhiều cho những bạn đang mắc phải các trường hợp tương tự. LCST.

T:
Em chào anh/chị !

Hiện giờ em đang cần tư vấn gấp 1 sự việc như sau :
Em có cho 1 người mượn số tiền khoảng 50 triệu. Có giấy Hợp Đồng Vay Tiền ghi địa chỉ phòng trọ, số CMND, ngày cấp, nơi cấp của cả 2 bên, ghi thời hạn thanh toán số tiền và có chữ ký 2 bên. Nhưng giờ đã quá ngày trả tiền vay mà em ko liên lạc được với người kia, nhắn tin ko trả lời, gọi điện ko bắt máy. Họ đã chuyển phòng trọ đi nơi khác, giờ em chỉ biết quận và phường họ đang cư trú chứ ko biết chính xác chỗ ở. Số đt hiện giờ cũng ko liên lạc được. Qua tìm hiểu em được biết bạn bè em trước đó cũng có cho người này vay tiền nhưng giờ họ cũng ko liên lạc được, và đặc biệt vì tin tưởng nên họ ko làm bất cứ giấy tờ gì với người này. Gia đình của người này cũng đang đi tìm họ. Em thấy có nguy cơ người này ko thực hiện việc thanh toán đúng như cam kết. Vậy giờ em phải làm sao? em ko giữ CMND photo hay hộ khẩu, giấy tờ nào của người này (ngoài số CMND, nơi cấp, ngày cấp và chữ ký ghi trên hợp đồng). Địa chỉ hiện giờ người đó ở cũng là địa chỉ phòng trọ. Vậy nó có giá trị gì ko ? nếu em muốn khởi kiện người này ra tòa thì em phải gửi đơn tố cáo lên đâu ? giấy tờ cần những gì ? lên tòa án nhân dân phường hay quận ? nơi em ở hay người đó ở ? (người này quê ở Cần Thơ nhưng làm CMND ở TP. HCM và trọ ở q. Phú Nhuận. Vậy em phải gửi đơn đến đâu ? ) Em cám ơn anh /chị nhiều lắm !

Mong hồi âm của anh/chị.

T.

Xin được có lời tư vấn cùng bạn đính kèm và hi vọng còn kịp để giúp giải quyết trường hợp của bạn. Bên dưới là phần tư vấn từ LS Nguyễn Văn Đài:

LS NVĐ: Ban đầu việc vay mượn giữa hai người chỉ là quan hệ dân sự bình thường. Sẽ có ba trường hợp sảy ra:

Trường hợp 1:
Nếu người vay tiền sử dụng tiền đi vay đúng với mục đích mà hai bên thỏa thuận. Nhưng vì một lý do chính đáng nào đó, ví dụ: kinh doanh hợp pháp nhưng thua lỗ, xây dựng nhà cửa nhưng nay mất việc làm mà không có khả năng trả nợ, ... Đồng thời người vay tiền không bỏ trốn, vẫn hứa hẹn sẽ trả lại tiền cho bạn. Trong trường hợp này, bạn chỉ có thể kiện ra Tòa án cấp quận, huyện nơi người đi vay có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú. Theo bạn cho biết thì người này có CMND của thành phố HCM thì chứng tỏ người đi vay đã có hộ khẩu ở thành phố HCM. Như vậy bạn sẽ kiện ra tòa án cấp quận nơi người đó đăng ký hộ khẩu, hoặc tòa án quận nơi người đó tạm trú. Giấy tờ gồm đơn khởi kiện kèm theo bản sao hợp đồng vay.

Trường hợp 2:
Sau khi vay tiền của bạn bằng hợp đồng dân sự, rồi người đi vay sử dụng vào mục đích bất hợp pháp hoặc nảy sinh ý định không trả lại và có mục đích chiếm đoạt bằng cách bỏ trốn. Hoàn toàn không hứa hẹn sẽ trả lại tiền cho bạn. Như vậy, người đi vay đi phạm vào điều 140 bộ luật Hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nội dung điều 140 như sau:

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

"a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm;

e) Gây hậu quả nghiêm trọng."

Trường hợp 3:

Nếu người đi vay đã có mục đích lừa dối bạn ngay từ trước khi ký hợp đồng vay. Người đó đưa ra nhưng lý do nhằm làm bạn tin để cho người đó vay tiền rồi để chiếm đoạt, không trả lại cho bạn. Như vậy người này đã phạm vào điều 139 tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Nội dung điều 139 như sau:

"1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong trường hợp 2 và 3, bạn gửi đơn tố cáo kèm theo bản photo hợp đồng vay giữa hai người tới công an cấp quận nơi người vay thường trú hoặc tạm trú.

Trong thực tế, những người cho vay thường đưa những người vay tiền vào vòng tố tụng hình sự bằng cách tố cáo người vay tiền ra công an. Như vậy việc đòi lại tiền nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Vậy bạn hãy căn cứ vào nội dung của hai điều luật nói trên để xem xét tính chất của vụ việc. Sau đó quyết định sẽ kiện ra tòa án hay tố cáo tới cơ quan công an. Theo như những gì bạn viết trong thư thì người này đã vay tiền của rất nhiều người và không trả lại họ. Như vậy thì rất có thể người vay tiền sẽ phạm cả hai tội theo điều 139 và 140. Điều này cơ quan công an sẽ xác minh qua từng vụ vay tiền cụ thể. Chúc bạn thành công trong việc đòi lại tiền của mình.

T:
Rất cám ơn lời hồi âm của a/c. Nhưng nếu em muốn tố cáo người đó ra CA thì em nên gửi đơn tố cáo đến đâu? nơi thường trú trên hộ khẩu của người đó hay nơi tạm trú? nơi thường trú thì họ đã chuyển đi lâu ( trên 10 năm) còn nơi tạm trú ( tức nơi ở trọ bây giờ ) thì họ có thể chuyển đi bất cứ lúc nào. Nếu trong thời gian CA giải quyết vụ việc mà họ cố tình chuyển đi thì em phải làm sao ? em có cần phải tìm ra họ trước khi đưa đơn cho CA không? mà bây giờ chính em cũng ko biết làm cách nào để liên lạc với họ.bên phía CA có giúp em tìm người không? rất mong lời hồi âm của a/c.

LS NVĐ:
Trong trường hợp ở nơi thường trú của người vay tiền vẫn có nhà cửa và người thân của người đó đang cư trú như bố, mẹ, vợhoặc chồng thì việc tố cáo sẽ dễ dàng hơn. Nhưng đơn tố cáo thì vẫn phải nộp tại công an cấp quận nơi người vay tiền đang tạm trú. Trong đơn bạn phải cung cấp địa chỉ thường trú trước đây của người đó và địa chỉ của bố, mẹ, vợ hoặc chồng của người vay tiền nếu có.

Khi công bắt đầu điều tra vụ việc mà người vay tiền cố tình chuyển nơi ở với mục đích trốn tránh, thì đó là dấu hiệu của tội phạm, cơ quan công an có trách nhiệm ra quyết định cấm người đó đi khỏi nơi cư trú. Người vay tiền có dấu hiệu bỏ trốn, cơ quan công an có trách nhiệm bắt tạm giam để điều tra. Nếu người đó trốn mất, cơ quan công an có trách nhiệm ra quyết định truy nã trên toàn quốc.
Bạn cũng có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan công an trong việc tìm ra nơi người vay tiền cư trú. Sau đó báo cho cơ quan công an biết.

Khi bạn làm đơn tố cáo, trách nhiệm của công an là phải điều tra và làm rõ sự thật để bảo vệ quyền lợi của bạn. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều các vụ vay mượn tiền tương tự, người vay tiền bỏ trốn đã rất nhiều năm mà cả người cho vay lẫn cơ quan công an vẫn chưa tìm được. Đó là một thực tế mà bạn có thể phải chấp nhận.

Nhưng muốn biết mình có được may mắn để đòi lại tiền cho vay hay không, bạn hãy làm đơn tố cáo gửi tới công an cấp quận nơi người đó cư trú. Đồng thời bạn tìm xem có bao nhiêu nạn nhân giống như bạn và đề nghị họ cũng làm đơn tố cáo như bạn. Do vậy, cơ quan công an sẽ vào cuộc tích cực hơn. Đồng thời bạn cũng sẽ phải tự mình truy tìm nơi người vay tiền đang cư trú để báo cho cơ quan công an nơi bạn đã nộp đơn tố cáo.

Chúc bạn may mắn.

LCST

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More