19/5/11

‘Người đàn bà viết văn ở Đèo Ngang’ đòi kiện VTV tới cùng

 Nhà văn Đậu Nữ Vệ. Ảnh: Đan Hoàng

Đói, rét, nghèo, cô độc, con nhỏ… Ngay cả một người bạn để tâm sự sẻ chia cũng không có. Người góa phụ sống bằng nghề bán cá ở chân Đèo Ngang trút cả vào trang viết. “Nếu không đầu óc tôi sẽ nổ tung”.


Khách lạ ở VietNamNet

Đầu giờ sáng, một giọng nói oang oang phía ngoài cửa tòa soạn khiến toàn thể biên tập viên, phóng viên của báo phải ngửng lên nhìn. Người đàn bà trông dáng vẻ lam lũ quê  mùa, hai bên vai khệ nệ mang vác hai bao tải, tóc bết mồ hôi xuống khuôn mặt xạm đen đứng giữa cửa. Không giảm âm lượng khi bước vào phòng, chị nói: tôi muốn tìm phóng viên.
"Báo cáo các anh chị, tôi là người đàn bà nghèo viết văn ở chân Đèo Ngang. Tôi lặn lội từ Quảng Bình ra đây mong muốn được gặp các anh chị"  "Ồ... người đàn bà bán cá, bắt ốc và viết văn dưới chân Đèo Ngang, tôi đã nghe nhiều và cũng đã đọc vài tác phẩm của chị". Một biên tập viên hồ hởi.
Vẫn tiếp tục làm điếc tai cả phòng, người phụ nữ hạ hai chiếc bao tải xuống, hào hứng lôi ra những tập sách, truyện ngắn và và mời gọi mọi người đến để chị tặng sách; vừa oang oang giới thiệu: "Cuộc đời tôi viết đến bao cuốn sách cũng chẳng hết, chuyện này tôi viết trong cuốn này, vụ này tôi đúc kết lại trong chuyện kia..."

Bao tải còn lại có những túi lạc củ mà chị nói 'quà quê từ Quảng Bình' mang ra cho. Sách kèm lạc.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về chị, nhà văn chân đất Đậu Nữ Vệ như thế. Chị tìm đến với chúng tôi về vụ kiện tụng xung quanh quyền tác giả của chị về một kịch bản phim truyền hình. Thực ra vụ việc không mới, kéo dài đã 5 -6 năm. Bản thân chị và đối tượng kiện tụng: Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) đã từng ngồi làm việc ở những cơ quan chức năng, chị đã đưa đơn kiện ra tòa án với '29 lần ra Hà Nội, ăn chực nằm chờ ở các vườn hoa công viên để chờ gặp thẩm phán' như chị nói, nhưng xem ra vụ việc lùng nhùng chẳng ai biết đến hồi nào kết thúc. Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay một thời gian đã ồn ào trên báo chí.

Xen giữa những trình bày gấp gáp, lủng củng của người phụ nữ, điều làm cho tôi tò mò hơn cả là cuộc đời người đàn bà bán cá viết văn đã từng làm bao người cầm bút xúc động này.


"Nếu không viết được ra, chắc tôi phát điên"

Người đàn bà này có thể coi là điển hình của những thân phận phụ nữ bất hạnh, đâu đó vẫn gặp ở những vùng quê nghèo với một motip khá phổ biến: Năm 1965, Mỹ bắn phá dữ dội vào Lạch Roòn, Đậu Nữ Vệ 10 tuổi bỏ học theo cha làm giao liên chuyên chở bộ đội và vũ khí qua cửa sông Loan. 7 năm làm giao liên, hai lần hai cha con được làm lễ truy điệu sống.
Mối tình đầu không đến được tới đích, một cuộc hôn nhân không hạnh phúc cùng người chồng ốm yếu vì ảnh hưởng chất độc màu da cam, và những đứa con thừa hưởng chất độc ấy. Những thước phim cuộc đời vừa bi tráng, vừa đau khổ nhưng không kém lãng mạn ấy sau này lại chính là chất liệu để người đàn bà ấy - khi bị dồn vào những giây phút bĩ cực nhất cuộc đời - hồi tưởng lại để vừa xót xa, vừa an ủi viết.
Sống với nhau được 9 năm, người chồng mất. Đậu Nữ Vệ khi ấy là y tá trình độ sơ cấp của Bệnh viện Hà Lan (Quảng Trị) buộc phải về hưu non, ôm hai con thơ ra chân Đèo Ngang dựng lều ở, mẹ con bán cá, bắt ốc đắp đổi qua ngày.
"Lúc đó là năm 1993, Đèo Ngang còn hoang vu lắm, cả đoạn đường dài chỉ có mỗi ba mẹ con tôi, vắng vẻ hiu hắt, buồn rợn người", bà Vệ nhớ lại, vẫn giọng nói oang oang ngay cả khi kể về những ngày tháng cùng cực.
Đói, rét, nghèo, cô độc, con nhỏ... Ngay cả một người bạn để tâm sự sẻ chia cũng không có, và bà viết. "Nếu không đầu óc tôi sẽ nổ tung". Bà viết ra bất cứ điều gì có trong đầu, những buồn vui ngày thường, những câu chuyện bà lượm lặt ... hay những thống khổ không thể chia sẻ với ai.

Những tác phẩm của nhà văn Đậu Nữ Vệ. Ảnh: Đan Hoàng

Ngay bên hai thúng cá tanh nồng đầy ruồi nhặng, hay đang xắn quần bắt ốc, nấu cơm.., lúc nào bà cũng có bút trong người. Khi một dòng văn thoáng chạy qua đầu, bà viết ra ngay vào bất kỳ đâu: bờ tường, sườn thúng,  lòng bàn tay, thậm chí kéo quần lên viết vào đùi hay bắp chân; để rồi đêm về lại cặm cụi chắp vá xâu chuỗi những câu chữ vụn vặt thành tác phẩm.
Thuyền tình ngược bến - tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Đậu Nữ Vệ về một cô gái có mối tình đẹp nhưng rồi dang dở, sau đó bị làm nhục và phải kết hôn với người mình không yêu... Câu chuyện thấm nước mắt tác giả qua những câu chữ khiến bao độc giả xúc động. Những lá thư động viên chia sẻ gửi về túp lều xác xơ bốn bề lộng gió ở chân Đèo Ngang đã tiếp thêm nghị lực sống cho người đàn bà cô độc nghèo khổ.
Bà Vệ kể, qua bao đêm ngày cặm cụi, tác phẩm đầu tay cũng dần hình thành, chắp ghép từ các mảnh giấy học trò. Bà Vệ ôm tập bản thảo đến Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Trị. Dựng chiếc xe đạp ruồi bâu và đôi sọt vẫn tanh mùi cá vào một góc sân, bà túm lấy một người đàn ông (sau này mới biết là ông Nguyễn Hữu Cử ở Tạo chí Cửa Việt) tha thiết: "Anh ơi cho em hỏi, em có một tiểu thuyết, muốn gởi thì gởi cho ai?" "Tiểu thuyết gì? Cô ở đâu, làm gì mà viết tiểu thuyết?" "Em làm y tá ở Bệnh viện Hà Lan".
Người đàn ông hết nhìn thúng cá và chiếc xe đạp, lại nhìn người đàn bà quần ống thấp ông cao, tất tưởi trước mặt ông hỏi lại: "Tiểu thuyết hay tiểu phẩm?" "Dạ, tiểu thuyết". "Cô học trường viết văn nào?" "Em học... chỉ nửa lớp 4".

Trước sự tha thiết của người đàn bà, thêm những người tò mò xúm lại nhìn ngó, ông Cử miễn cưỡng nhận lời đọc tập bản thảo. Đúng hẹn, 10 ngày sau ông Cử hồ hởi thông báo bản thảo của bà có thể in được, nhưng tác giả phải trả 400 nghìn công biên tập. Số tiền quá lớn vào thời điểm đó (1992), đặc biệt với góa phụ đơn độc.
Vét hết vốn liếng được 200 nghìn đồng đem nộp trước. Chị vào bệnh viện gánh nước thuê, chạy vạy thêm được 200 ngàn nữa trả cho người biên tập. Biên tập xong đến đánh máy, xin giấy phép thêm 340 nghìn nữa, người đàn bà gồng mình lên chạy vạy xuôi ngược với niềm hy vọng tràn trề. Nhưng... "cần 6 triệu đồng in ấn". Nhà văn bán cá bật khóc.


Ghét nhất bọn "xin lửa"

Trở lại quãng đời người đàn bà góa dắt con nhỏ ra Đèo Ngang dựng lều. Đói, rét, cô độc vẫn chưa phải là nỗi niềm lớn nhất mà "sợ và ghét nhất là bọn xin lửa". Hiểu sự ngơ ngác của người nghe, chị vội giải thích: thì một thân đàn bà sống giữa nơi hoang vắng, nhà thủng tứ bề, lại bên cạnh đường, sao tránh được những con mắt dòm ngó.

Ảnh: Đan Hoàng

Từ sáng trưa hay nửa đêm, căn lều lúc nào cũng có người tìm đến "xin lửa". Từ gã tài xế đường dài đỗ xe lại, ông buôn gà chở hàng đi qua, đến những người có gia đình vợ con gần đó cũng qua lại ỡm ờ. "Có lúc tức quá, mình để cả bao diêm sẵn đó, ai thích hút thuốc lấy lửa cứ tự lấy. Nhưng họ lại đút túi luôn cả diêm, rồi lại quay lại "xin lửa". Một ngày lên xuống châm lửa cả chục lần".
Ỡm ờ không được, ngọt nhạt không xong, cợt nhả thô lỗ không đạt được mục đích, những gã đàn ông hiện nguyên hình là các con thú đực bỉ ổi. Chúng giật tung vách liếp, ném gạch đá vào căn lều vốn đã xác xơ; thậm chí đổ phân và rác rưởi xuống giếng nước của người phụ nữ và hai đứa trẻ. Dù đã đi qua chiến tranh và mọi giông gió cuộc đời, nhưng người đàn bà ấy vẫn không thể cầm được những giọt nước mắt đau hận.
Và viết...
Giữa những ong ve bướm lượn, một người đàn ông phần nào hiểu được gia cảnh và nỗi khổ của người góa phụ, trân trọng những trang giấy của chị. Ông đồng ý cho chị vay 5 triệu đồng để in ấn, với điều kiện: vợ ông đang ốm sắp mất, sau khi vợ qua đời, người đàn bà góa sẽ là vợ ông.
Chết đuối vớ được cọc, góa phụ nhận lời. Tiểu thuyết đầu tay cuối cùng cũng được ra đời, người đàn bà bán cá khóc như mưa. Thuyền tình ngược bến của chị xuôi đến độc giả, mang đến bao sự động viên cho chị, cùng một số tiền kha khá để chị trang trải. Nhưng hợp đồng tình yêu của chị lại rẽ sang hướng khác, người vợ khỏe mạnh lại, chị trả lại 5 triệu đồng, rẽ cuộc đời sang trang khác.
Nhà biên kịch nhảy dù và 'ân oán' nghệ thuật

Có được sự mở đầu suôn sẻ, người đàn bà bán cá tiếp tục viết. Chị viết khỏe, liên tục, đầy tự tin xông vào đủ thể loại: truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, truyện cười, thơ... Tính đến nay nhà văn đặc biệt này đã cho ra đời 8 cuốn sách. Những câu chữ vẫn phảng phất mùi tanh của cá, mùi mồ hôi cay mặn, những ngôn từ hay mẩu chuyện nơi bến cá, góc chợ; xồng xộc nồng nồng mùi vị cuộc sống. Như một nhà phê bình nhận xét: tác giả để nguyên quần xắn móng lợn, xông thẳng vào văn chương.
Cuộc sống ổn định dần, nơi chị sống có điện. Ba mẹ con cũng dành dụm được tiền mua tivi xem. Những lúc rảnh ngồi xem phim truyền hình, bà bán cá chép miệng: truyện phim thế này mình hoàn toàn viết được. Và chị viết thật...
Một lần, thấy thiếu tướng Phạm Hồng Thanh- Cục trưởng Cục Tư tưởng Văn hoá - Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng (nay là trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng) phát biểu trên tivi 'bằng giọng Quảng Bình'. Chị đánh liều gửi kịch bản tới chỗ ông đọc.
Thật bất ngờ, vài tháng sau, chị nhận được giấy mời tham gia Trại sáng tác Quân đội tại Đồ Sơn - Hải Phòng. Bán tivi và chiếc máy bơm nước, hai tài sản giá trị nhất trong nhà, chị hồ hởi lên đường.
Hàng ngày bằng cách hỏi han tiếp xúc, xem cách viết của các nhà biên kịch chuyên nghiệp, như cách dùng từ của chị: "ăn cắp" nghề. Chị loay hoay viết, 'bỏ qua giai đoạn kịch bản văn học, viết thẳng kịch bản truyền hình'.

Chính ở đây, chị gặp được những nhà văn, nhà biên kịch sau này chắp mối lương duyên cho chị đến với Trung tâm sản xuất phim truyền hình.
Năm 2006, VTV chiếu bộ phim "Miền quê thức tỉnh" (kịch bản phim gốc của Đậu Nữ Vệ là "Điều không thể mất") dài 18 tập. Sau bao nhiêu bươn chải vật lộn, người đàn bà bán cá mừng rơi nước mắt đón chờ tác phẩm của mình. Nhưng khi xem phần giới thiệu, tác giả kịch bản lại là... tên khác, Bùi Vệ Nữ. Chị khóc.
Đạo diễn Khải Hưng khi đó vẫn là Giám đốc của VFC gửi công văn vào Hội văn học nghệ thuật Quảng Bình xin lỗi tác giả. Đại diện VFC và nhà văn Đậu Nữ Vệ cũng đã cùng nhau lên Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch làm việc, nhưng vụ việc cũng chẳng đi đến đâu.



"Chỉ những người trong hoàn cảnh mình, có khổ sở sôi từng giọt nước mắt, dày vò mấy tháng trời mới ra được một tập kịch bản, mới hiểu hết sự thất vọng của tôi, và biết vì sao tôi phải kiện", vẫn cái giọng oang oang, cười đấy mà buồn được ngay.



Giới văn đàn đưa ra nhiều bình luận, người bênh vực bà bán cá kiên trì; kẻ chép miệng thương những nhà biên kịch VFC 'làm ơn mắc oán'. Những người đã có lúc vừa xót xa vừa cảm phục người đàn bà vươn lên số phận, đã cùng chăm chút những dòng kịch bản đầu tiên cho chị, sau đó thành 'bên bị' trong vụ kiện tụng kéo dài.
Nếu trước đây chính sự chất phác của bà nông dân bán cá kéo những đôi tay đến, bây giờ cũng lại chính sự chất phác ấy mang phiền phức đến cho chị. Những phát ngôn kiểu "tôi sẵn sàng bán cả cái Đèo Ngang để theo kiện" khiến nhiều người vừa thương vừa e ngại nhà văn bán cá.
Sau khi oang oang ở VietNamNet hồi lâu, chị lại ôm hai bao tải sách và lạc lên xe ôm "đến nhiều nơi khác", không quên dặn đi dặn lại: Tối nay tôi sẽ mua mảnh chiếu ngủ ở bụi tre trước cửa Tòa án Nhân dân Quận Ba Đình để gặp bằng được chánh án. Các anh chị cần gặp tôi cứ ra đó.
Đêm ấy, vừa đọc mấy cuốn sách của chị, vừa lắng nghe bên ngoài mưa rơi như trút, tôi tự nhủ người đàn bà đang ngủ ngoài bụi tre thế nào. Sáng hôm sau gọi điện hỏi thăm, chị bảo: ướt một chút thôi. Rất thành tâm, tôi khuyên: hay chị bỏ cuộc đi, kiện tụng thế này biết đi đến đâu, đã nghèo lại thêm khổ, để thời gian và công sức đó viết tác phẩm khác.

Chị giãy nảy: không! chị không bỏ cuộc đâu.
Buổi chiều trước khi lên xe về Quảng Bình, chị gọi điện chào, tôi nhắc lại lời khuyên.
Chị trịnh trọng tuyên bố: Chị không bỏ cuộc, chị sẽ kiện VTV tới cùng!


ĐAN HOÀNG

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More