25/5/11

Nhà văn Thùy Linh phản hồi vụ người đàn bà viết văn đòi kiện VTV


"Chúng tôi nín lặng mấy năm nay, không muốn gây chuyện ầm ĩ không phải vì muốn che đậy sự thật mà vì thấy không nên đôi co với người không may mắn như mình."

Ngày 17-5-2011, Tuần Việt Nam có đăng bài viết 'Người đàn bà viết văn ở Đèo Ngang đòi kiện VTV tới cùng". Nhân vật là bà Đậu Nữ Vệ, người đàn bà bán cá nghèo khổ dưới chân Đèo Ngang, người có kịch bản phim gốc "Điều không thể mất" được dựng thành bộ phim "Miền quê thức tỉnh" dài 18 tập chiếu trên VTV (năm 2006).
Ngay sau khi bài viết đăng tải, mới đây, Tuần Việt Nam nhận được lá thư và bài viết của nhà văn Thùy Linh. Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam chúng tôi xin đăng toàn văn bài viết dưới đây:

Tôi đã im lặng về chuyện này từ mấy năm nay, cho dù vài báo đã đăng tải về nhân vật tự làm nổi đình đám và được sự thông cảm của khá nhiều bạn đọc. Vì muốn học chữ nhẫn của người xưa dạy và muốn học lời khuyên của dân gian "một điều nhịn, chín điều lành"... Nhưng nếu không lên tiếng lần cuối cùng thì còn nhiều người ngộ nhận, không phải về cá nhân tôi mà về cả một tập thể nơi tôi đang làm việc. Tôi sẽ chỉ nói về chuyện này một lần duy nhất và không bao giờ đề cập đến nữa.
Câu chuỵên này nổi tiếng đến mức (cho đến giờ này) nên tôi không cần kể lại từ đầu để bạn đọc nắm được tình tiết và diễn biến chuyện đã xảy ra mấy năm nay. Đó là chân dung về "Người đàn bà viết văn dưới chân đèo Ngang" tên là Đậu Nữ Vệ.


Hiện trên vài trang báo và blog đã đăng các bài viết về sự kiện này. Sự thông cảm, chia sẻ và đứng về người yếu thế của số đông bạn đọc là điều dễ hiểu trong một xã hội còn không ít bất công, trái ngang. Tôi cũng là người trong số đó. Rất nhiều người dân thấp cổ bé họng đang phải chịu sự bất công. Nhưng cũng không có nghĩa sự bất công đó chỉ đổ lên đầu những người dân thấp cổ bé họng.
Trong chuyện này, người chịu sự bất công là VFC và người đại diện, người trực tiếp hứng chịu là tôi. Khi tôi lên tiếng về bài báo "Người đàn bà dưới chân đèo Ngang đòi kịên VTV đến cùng" là chỉ muốn khoanh lại sự việc liên quan đến VFC, cụ thể là tôi, nhà văn Thùy Linh, chứ không phải "nói lấy được" để bảo vệ VTV bằng mọi giá và trên mọi phương diện.

Mấy năm nay tôi không lên tiếng vì không muốn đôi co với người kém may mắn hơn mình về mọi mặt. Không có gì vui mừng hay sung sướng hơn thua trong vịêc này. Tôi vẫn thầm mong bà Vệ hồi tâm đừng bịa đặt, thổi phồng câu chuyện không có thật. Nhưng sự thể không như tôi mong muốn. Đầu tiên bà ta kiện VFC ra tòa án quận Ba Đình, giờ thì qua các bài báo, tôi được biết bà ta kiện VTV mấy việc sau. Tôi sẽ lần lượt điểm qua:
1.Về sự sai tên tác giả kịch bản, tôi đã trả lời trên Phunutoday là có sự thỏa thụân giữa bà Vệ và đạo diễn Hoàng Nhung từ Đậu Nữ Vệ thành Bùi Vệ Nữ. Nhưng vì sự trao đổi giữa bà Vệ và đạo diễn Hoàng Nhung không có người làm chứng và không có cam kết nên đành chọn giải pháp làm công văn xin lỗi đến cá nhân bà Vệ và Hội văn học Nghệ thụât tỉnh Quảng Bình.



Nhờ sự đính chính này, bà Vệ đã được kết nạp vào hội văn nghệ và được nhận tiền hỗ trợ sáng tác vào thời điểm đó. Phim phát sóng sẽ thuộc bản quyền của Đài truyền hình VN. Khi làm việc với Ban Thanh tra Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch, bà Vệ đề nghị phải chạy tít và có một chương trình xin lỗi bà ta trên sóng quốc gia. Đó là điều không thể thực hiện nên chúng tôi đã từ chối và thanh tra Bộ VH- TT- DL đã chấp thuận.
Chúng tôi đã làm công văn đề nghị Đài TH VN là không phát lại bộ phim này nữa và đưa vào kho lưu trữ. Chúng tôi sẽ đề nghị lại một lần nữa về vấn đề này.

2. Bà Vệ nói rằng không nhận được tiền nhụân bút và có sự nhầm lẫn về giấy tờ nhận tiền. Vấn đề này tôi sẽ không đưa ra báo chí tờ biên nhận có chữ kí của bà ta mà Tòa án quận Ba Đình đã đưa giám định và kết luận, đó là chữ kí của chính bà Vệ. Nếu bà Vệ tiếp tục khởi kiện ra tòa thì hồ sơ trình trước tòa VFC đã thu thập đầy đủ ở văn phòng luật sư.
Chúng tôi luôn sẵn sàng cho vụ kiện này ở tòa chứ không phải ở các tờ báo vì đó không phải là chức năng của báo chí. Giấy biên nhận tiền của bà Vệ giống như của các tác giả khác cộng tác với VFC vào thời điểm đó. VFC không thể "sáng tác" cho bà Vệ một qui trình nhận tiền riêng. Tất cả thủ tục tài chính của VFC đã được Bộ Tài chính thông qua và thực hiện từ khi có chương trình Văn nghệ chủ nhật đến nay.
Việc này tôi không cần giải thích nhiều vì đã trình bày với tòa án. Bà Vệ cũng đã từng thuê luật sư và nhiều người quen hỗ trợ, giúp đỡ về mặt luật pháp chứ không đơn thương độc mã đâu. Bạn đọc đừng lo bà Vệ phải cô đơn "chiến đấu với cả một bộ máy" công quyền như nhiều người ngộ nhận hay tưởng tượng. Chúng tôi cũng đã từng gặp luật sư của bà Vệ ở tòa án và đã có sự trao đổi. Luật sư này cũng đã được tiếp cận với tài liệu do chúng tôi cung cấp.
Nếu có sự bất công hay sai trái, phạm luật thì VFC đã lên mặt báo từ lâu rồi, nhất là với tính cách của bà Vệ. Bạn có thể tin hay không thì tùy, thực sự chúng tôi không hề tiếp cận hay vận động Tòa án quận Ba Đình ủng hộ VFC trong việc này, vì có gì mà phải vận động hay "đi đêm"? Hồ sơ nằm ở tòa án hơn năm nay nhưng chưa có hồi kết. Không phải tòa án muốn ỉm đi mà có gì để xử đây, khi bên bị kiện có đầy đủ bằng chứng, còn bên đi kiện không đưa ra được bất kì một bằng chứng nào ngoài vài bài báo, những cuốn sách bà Vệ đem tặng khắp những nơi bà ta tới, với những lời kể khổ và tố cáo không có căn cứ?

3. Bà Vệ tố cáo VFC còn "ăn cắp" 3 kịch bản nữa của bà thì tôi mong muốn bà Vệ chỉ tên các kịch bản đó? Bà đưa cho ai và vào thời điểm nào? Kịch bản đó đã sử dụng chưa? Bộ phim đó có tên là gì? Tôi chỉ lưu ý nếu thực sự bà Vệ có khả năng viết được các kịch bản thì rất nhiều cơ hội để bà Vệ cộng tác, không chỉ riêng với VFC mà với rất nhiều hãng phim tư nhân đang "khát" kịch bản.
Việc này cũng không cần nói nhiều vì khả năng của người viết không phải là cái có thể giấu kín, mơ hồ, lập lờ đánh lận con đen đến mức không thể hiểu được. Chữ nghĩa (và sự hiểu biết của con người) dù dễ bị thổi phồng nhưng cũng không thể che giấu điểm yếu của nó.
Tôi chỉ muốn tâm sự vài điều với bạn đọc trước khi vĩnh viễn khép lại chuyện này cả trong tâm trí và với công lụân, cho dù bà Vệ có kiện đến hơn 30 năm nữa như bà ta tuyên bố.
Chưa bao giờ lòng tin, giá trị chân chính dễ bị đánh cắp và đánh tráo như bây giờ. Một xã hội mất lòng tin ở sự tốt đẹp của con người và các cơ quan công quyền đến mức báo động. Quá dễ hiểu vì hàng ngày trong cuộc sống và trên báo chí, chúng ta toàn gặp những điều xấu xa, đê tiện, những tội ác không thể tin nổi. Nhưng lịêu có phải vì thế mà nhiều người mất khả năng kiểm sóat, đánh giá những sự việc xảy ra một cách khách quan?

So sánh khập khiễng giữa VTV (cụ thể VFC) với một người đàn bà chân quê nghèo khổ khiến nhiều người mất tỉnh táo, vội đứng ngay về phía người đàn bà đó để lên tiếng qui kết cho VFC (VTV)? Nếu bạn là người bị một người (mà bạn cố giúp đỡ, cưu mang) ném thẳng vào mặt ngay tại tòa án những lời vu khống trắng trợn bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ cư xử thế nào khi mà người đó đưa lên báo chí những lời nói không hề có một chút sự thật, cố tình trút vào bạn ròng rã mấy năm trời? Bạn sẽ nói gì khi vài tờ báo viết về một người nhưng cố tình nhắm tới bạn với sự không thiện ý?
Chúng tôi nín lặng mấy năm nay, không muốn gây chuyện ầm ĩ không phải vì muốn che đậy sự thật mà vì thấy không nên đôi co với người không may mắn như mình. Hơn thua trong chuyện này chỉ mang lại cho mình sự bận tâm, bực bội, khó chịu còn hơn là quên đi. Sự thật vẫn còn đó. Nếu bà Vệ cố tình muốn kiện việc này thì chúng tôi sẽ trả lời ở tòa án. Có thể bạn sẽ nghĩ chúng tôi sẽ dùng ảnh hưởng của mình để tác động ở tòa?
Nhưng như tôi đã nói, lòng tin không còn thì khó thuyết phục được ai. Nếu đã không còn lòng tin với nhau thì không nên vội vàng đứng về người đang cố tình gây ầm ĩ dư lụân (vì lí do rất dễ hiểu), vì những việc bạn chưa hiểu rõ thì bạn cũng đừng vội vàng hướng sự thiếu thiện ý đến người khác, nếu bạn là người có lương tâm và công bằng.
Hơn 10 năm nay, chúng tôi đã và đang làm nhiều chương trình từ thiện (một việc mà chưa bao giờ chúng tôi kể lể với báo chí) để giúp những thân phận khó khăn thì cớ gì và không bao giờ thèm khát mấy đồng tiền của một người nghèo khổ. Chúng tôi cộng tác với nhiều nhiều tác giả và nhà văn nổi tiếng thì không lẽ lại phải "ăn cắp" kịch bản của một người, xin lỗi, viết câu văn còn chưa hoàn chỉnh?
Xem ra giữ được lòng tự trọng ở những người có chức vụ mang lại nhiều quyền lợi cũng khó như một người nghèo khổ khao khát đổi đời với việc làm quá sức mình đến mức đánh mất trí khôn cũng như lương tâm. Nếu tiếp tục kể ra sự giúp đỡ, cư xử của chúng tôi dành cho bà Vệ thì chúng tôi sẽ trở thành người tầm thường nên mạn phép khép lại đây.

Những gì chúng tôi biết sự thật về con người này cũng xin không đưa lên báo chí vì sẽ trở thành kẻ độc ác, bất nhẫn. Vì vậy, xin các bạn hãy tỉnh táo, bớt những thiên kiến (dù đó là lòng tốt đứng về người nghèo khổ) để mọi vịêc đừng trở nên ầm ĩ không đáng có do chủ ý của một người (vì lí do gì tôi chắc nhiều người đã hiểu ra).
Riêng cá nhân tôi, nhà văn Thùy Linh, không hề bị tổn thương về sự việc này vì không hổ thẹn với lương tâm mình. Nhưng tôi rất buồn khi "mất" đi một người anh (mà tôi coi như người anh tốt của tôi) bởi một việc "không đâu vào đâu" này. Anh ấy cho rằng tôi đã sai lầm lớn và khuyên tôi nên dừng lại đừng để mọi việc ầm ĩ. Thực ra tôi chưa bao giờ muốn làm ầm ĩ và tự dừng lại đã lâu cả trong tâm lẫn cách hành xử nhiều năm nay, khi vài tờ báo đã viết về việc này từ mấy năm trước.
Nhưng bà Vệ, vài tờ báo, và cả người anh của tôi hình như chưa muốn dừng? Nhưng dù thế nào tôi quyết định sẽ vĩnh viễn khép lại vụ việc ồn ào ở bài viết này, khép lại một lòng tốt bị đánh cướp. Dù sao tôi vẫn xin cúng dường lòng tốt đó cho bà Vệ để khi nào bà ta cần sẽ dùng tới. Đây là dịp để tôi chiêm nghiệm lại một thực tế mà chúng ta đã nói lâu nay: Xã hội, nơi chúng ta đang sống, mọi khái niệm đã bị đánh tráo và lòng tin là thứ chơi vơi không có mảnh đất nào để gieo mầm và có cơ hội hiểu được chân sự thật.
Đau lòng thay!

Nhà văn Thùy Linh

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More