Thực chất của việc bảo vệ thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế là bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Trong ảnh: câu cá thu để mưu sinh. Ảnh: Đoàn Đạt
Nếu thoả hiệp, e ngại trước sức ép của Trung Quốc và không hoạch định được một chiến lược hợp lý, Việt Nam sẽ luôn ở trong tình trạng bị động đối phó và dần dần sẽ mất chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, phần lớn thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông.
Theo phân tích của chủ nhiệm bộ môn luật Quốc tế, giám đốc trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế, khoa luật – đại học Quốc gia Hà Nội, một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay là xác định mục tiêu chiến lược để bảo vệ vững chắc chủ quyền ở Biển Đông.
Xác định được mục tiêu chiến lược hợp lý có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là định hướng cho việc hoạch định chiến lược và đề ra những biện pháp cần thiết trước mắt và trong những thập kỷ tới, góp phần làm phá sản tham vọng thôn tính Biển Đông của Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, góp phần giữ gìn hoà bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới.
Trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu chiến lược của chúng ta cần bao gồm bốn bộ phận cấu thành.
Thứ nhất, mục tiêu hàng đầu là bảo vệ bằng được thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Thực chất của nhiệm vụ này là bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, trong đó tài nguyên dầu khí và tài nguyên cá. Đây là khu vực vực biển thuộc sổ đỏ quốc gia, là quyền đương nhiên của các quốc gia ven biển theo Công ước Luật biển 1982 của Liên hiệp quốc, không một ai có thể cướp đoạt được. Chúng ta phải kiên quyết bảo vệ thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý với bất cứ giá nào, không được nhân nhượng. Chỉ cần một nhân nhượng nhỏ là chúng ta sẽ mất tất cả.
Trọng tâm nhiệm vụ là ngăn chặn việc Trung Quốc cho tàu vào quấy phá các hoạt động thăm dò, khai thác và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của các phương tiện Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế; đồng thời ngăn chặn âm mưu của Trung Quốc đặt giàn khoan hay những cấu trúc nhân tạo đầu tiên trên thềm lục địa của Việt Nam. Chúng ta cần dồn toàn bộ lực lượng, mọi phương tiện và tiến hành mọi biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý và quân sự cần thiết để đạt mục tiêu này với bất cứ giá nào. Hành vi gây hấn như đối với tàu Bình Minh 2 ngày 26.5 hay đối với tàu Viking II ngày 9.6 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, nếu để tiếp tục tái diễn, sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu và hết sức nguy hiểm. Một giàn khoan hay cấu trúc nhân tạo đầu tiên của Trung Quốc, nếu đặt được trên thềm lục địa của Việt Nam sẽ giống như một “lỗ thủng” trên tuyến đê phòng ngự thềm lục địa. Nếu để xảy ra sự cố này, toàn bộ tuyến đê phòng ngự có thể bị sụp đổ, không cứu vãn được.
Một giàn khoan hay cấu trúc nhân tạo đầu tiên của Trung Quốc, nếu đặt được trên thềm lục địa của Việt Nam sẽ giống như một “lỗ thủng” trên tuyến đê phòng ngự thềm lục địa. Nếu để xảy ra sự cố này, toàn bộ tuyến đê phòng ngự có thể bị sụp đổ, không cứu vãn được
Thứ hai, kìm chân Trung Quốc trên các đảo ở quần đảo Hoàng Sa, không để Trung Quốc áp dụng điều 47 Công ước Luật biển năm 1982, lấy quần đảo Hoàng Sa làm các điểm cơ sở để xác lập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý trùm lên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Để đạt mục tiêu này, chúng ta cần sử dụng các căn cứ lịch sử và pháp lý vững chắc nhằm tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này
Có thể trong nhiều năm nữa, chúng ta chưa thể thu hồi được quần đảo Hoàng Sa, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta mất chủ quyền đối với quần đảo này. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm quần đảo là một hành động vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc và Công ước Luật biển năm 1982, nên không có giá trị xác lập chủ quyền. Chính vì vậy, chúng ta phải đấu tranh bền bỉ, không được lùi bước, không được nhân nhượng. Chỉ cần chứng minh cho thế giới thấy rằng quần đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam với đầy đủ những căn cứ lịch sử và pháp lý, chúng ta cũng đã có thể bước đầu ngăn bước tiến của Trung Quốc vào khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Thứ ba, đồng thời với việc tiếp tục hoàn thiện bộ hồ sơ pháp lý với đầy đủ các chứng cứ và lập luận khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, trên thực tế, chúng ta cần đấu tranh giữ nguyên trạng tại khu vực quần đảo này. Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần liên kết với các nước khác là các bên tranh chấp để tạo ra đối trọng với Trung Quốc; đồng thời kìm chân Trung Quốc trên các điểm mà họ đang chiếm giữ trái phép, không để Trung Quốc lấy quần đảo Trường Sa làm điểm cơ sở (áp dụng điều 47 Công ước Luật biển năm 1982) để xác lập các vùng biển lấn sâu vào vùng biển phía Tây Nam của Việt Nam. Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được vì giữ nguyên trạng Trường Sa cũng là mong muốn của các nước tranh chấp khác trong khu vực.
Cuối cùng, xác định phạm vi 12 hải lý cho các đảo ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên cơ sở vận dụng quy định của luật Biển quốc tế và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là điều 121 Công ước Luật biển 1982, theo đó những đảo không có điều kiện cho con người sinh tồn và không có đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Thực hiện được mục tiêu này sẽ giúp chúng ta thu hẹp đến hơn 95% diện tích của khu vực tranh chấp trên Biển Đông; đồng thời góp phần kìm chân Trung Quốc trên các đảo mà họ đang chiếm giữ ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
http://sgtt.vn/Thoi-su/146397/Bao-ve-chu-quyen-Bien-Dong-Xac-dinh-muc-tieu-chien-luoc-hop-ly.html
PGS.TS Nguyễn Bá Diến
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét