Điều luật đặc thù chống trí thức
Theo khái niệm gốc, “có học” chỉ là điều kiện CẦN. Còn phải dám phê phán bất công và bất cập trong xã hội, để xã hội tốt đẹp lên…) mới là điều kiện “ĐỦ” để người “có học” trở thành trí thức.
Trong xã hội độc tài, nguyên nhân tiêu cực là từ bản chất chế độ mà ra (lỗi hệ thống).
- Nếu người “có học” chưa động tới bản chất chế độ, mà chỉ phê phán những hiện tượng bề nổi, rồi lễ phép “thỉnh cầu” đảng và nhà nước “quan tâm” khắc phục thì vẫn an toàn, thậm chí được khen. Điều 88 Luật Hình Sự chưa chống người “có học” nói chung, nếu họ vẫn biết sợ.
- Nhưng nếu muốn triệt để xoá bỏ những tiêu cực “gốc” trực tiếp sinh ra từ hệ thống chính trị – do vậy phải phê phán cả nguyên nhân mới đủ – thì xin cứ… liệu hồn: Điều 88 sẽ lù lù hiện ra. Bởi, nó ra đời chỉ có một việc: Chống lại trí thức ngay từ mầm mống.
- Sản phẩm của người “có học” nói chung và của trí thức nói riêng chỉ là chữ nghĩa, văn bản. Mà người “có học” nào cũng vậy – từ vĩ đại như cụ Mác, ông Hồ… cho tới ông Cù Huy Hà Vũ hay Mẹ Nấm… – đều muốn sản phẩm của mình lan toả (để thiên hạ khen hoặc chê; hoan nghênh hoặc tẩy chay) – miễn là sản phẩm không nói sai sự thật. Nhưng cẩn thận đấy: có thể bị điều 88 gán cho cái tội “tuyên truyền”.
- Cụ Mác, ông Hồ… muốn tạo sản phẩm đều phải lưu trữ những tài liệu tham khảo (cả của “ta” và của “địch”). Nhưng xin 2 vị hãy cẩn thận: Điều 88 có thể kết tội “tàng trữ”.
- Cùng là án hình sự, nhưng chứng cứ vụ án giết người là con dao, khẩu súng, lọ thuốc độc… Còn chứng cứ trong vụ án do điều 88 kết tội lại là các văn bản. Khác nhau quá.
Nói điều 88 chống trí thức vì – cho tới nay – bị cáo đứng trước toà toàn là trí thức; chứng cứ mà toà đưa ra toàn là sản phẩm của trí thức phê phán chính quyền (y như Bản Án Thực Dân của Nguyễn Ái Quốc). Thời phong kiến, có người bị tội chỉ vì đã làm một bài thơ bị người khác suy luận ra những ý tứ… chống vua. Hú vía, pháp luật tư bản không có điều 88 để bỏ tù “mục xương” các vị Mác, Hồ… về tội “chống nhà nước”.
Có gì giống nhau và khác nhau giữa 3 toà: tư bản, phong kiến và XHCN?
Đặc điểm số 1 của điều 88: Con, cháu chửi vô mặt cha mẹ, ông bà
Hiến pháp là “luật mẹ” của một quốc gia, từ đó đẻ ra hệ thống pháp luật. Như vậy, hiến pháp quy định pháp luật chứ không phải ngược lại, theo lối “con cái chửi cha mẹ”.
Thế mà, ngay trong hiến pháp Việt Nam hiện hành đã đầy rẫy những câu “con chửi mẹ” – dễ gặp ở những điều nói về quyền tự do.
Ví dụ, điều 69 Hiến Pháp 1992: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.
Rõ ràng, gắn thêm cái đuôi “theo quy định của pháp luật” là hành vi có chủ đích của đảng CSVN, xuất phát từ ý đồ bất lương, bất hiếu. Cái đoạn đuôi này (con) dám quy định đoạn đầu (mẹ) – trên thực tế đã cấm đoán cha mẹ (tức nhân dân) tự do ngôn luận, tìm kiếm thông tín v.v… Từ năm 1946 tới nay, hầu hết các quyền tự do vẫn “chưa được pháp luật quy định”.
Nếu một quốc gia ký kết thực hiện những tuyên ngôn toàn cầu của Liên Hợp Quốc – như Tuyên Ngôn Nhân Quyền – thì đó là “mẹ”, khiến những điều liên quan của hiến pháp quốc gia phải tự xử sự như “con”. Luật pháp (ví dụ Luật Hình Sự) phải xử sự như “cháu”, còn điều 88 phải xử sự như “chắt” đối với ông bà và tổ tiên. Đọc lại điều 88, rất dễ nhận ra đảng CSVN đã để thằng chắt phóng uế vô mặt ông bà và tổ tiên nó.
Đặc điểm số 2 của điều 88: nội dung chung chung và mù mờ có chủ ý
Người “có học” muốn phê phán xã hội đều phải coi kỹ điều 88 – dù chỉ vẻn vẹn trên 100 từ – để khỏi vi phạm. Chỉ điều, dù huy động trí não đến đâu, họ vẫn không thể có cách hiểu phù hợp với đầu óc những vị nghĩ ra luật và thi hành luật. Rất nhiều trường hợp người “có học” tưởng (bở) rằng hành vi phê phán của mình vẫn trong ngưỡng an toàn, thậm chí đó là quyền ngôn luận của mình, nhưng khi bị lôi cổ ra toà thì mới té ngửa.
Điều 88 Luật Hình Sự: Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm: a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
Câu chữ của điều 88 rất chung chung, có thể hiểu rất tuỳ tiện. Vậy mà suốt 20 năm nay không có một văn bản nào giải thích cho rõ. Đây là sự cố ý. Ví dụ điểm a và b: “tuyên truyền” gồm những hành vi gì; thế nào là “xuyên tạc và “phỉ báng”… vân vân.
Đến điểm c cũng vậy: “Tài liệu” và “văn hoá phẩm” như thế nào, có nội dung gì… thì bị coi là “chống nhà nước”. Và nhà nước bị thiệt hại tới mức nào, đo bằng gì… để có thể truy tố bị can…
Cứ theo từng chữ, từng ý của điều 88 thì các hành vi quy định ở điều a, b, c chỉ bị kết tội nếu xuất phát từ động cơ: nhằm chống nhà nước. Trách nhiệm chứng minh “động cơ” là của công tố. Phê phán nhà nước – dù nghiêm khắc đến đâu – cũng không phải là kêu gọi “lật đổ” nhà nước. Rồi, mức án trải ra quá rộng: từ 3 đến 12 năm, thậm chí 20 năm, quả là tuỳ tiện, mù mờ để định mức án mà không có bất cứ hướng dẫn nào.
Đặc điểm số 3 của điều 88: Cho phép toà “vận dụng” tuỳ ý và vi phạm
Luật mù mờ, giúp cho quan toà và công tố tha hồ vi phạm. Khi luật sư vạch ra những vi phạm, thì các vị này “không thèm tranh luận”… Luật sư giải trình, rồi căn vặn, chất vấn một đoạn dài, nhưng công tố chỉ đáp một câu cụt lủn: Tôi vẫn bảo lưu quan điểm!
Khoảng năm chục phiên xử các nhà bất đồng chính kiến, với hàng trăm bị cáo. Sơ sơ, có thể kể 3 vi phạm lớn nhất, lộ liễu nhất ngay ở các phiên toà sơ thẩm.
1. Toà sơ thẩm không xử đúng vào tội trạng ghi trong cáo trạng mà khi phát biểu tại toà, các quan toà cứ tự ý mở rộng ra những “tội” khác một cách chủ quan, tuỳ tiện.
Ví dụ, hành vi “trả lời phỏng vấn” – qua lời lẽ của quan toà – đã bị hàm ý đó là “tội chống nhà nước” mà không cần xét tới nội dung trả lời. “Trả lời phỏng vấn” còn bị hàm ý “tội tuyên truyền” dù người trả lời và người phát tán là hai thực thể khác nhau. Luật sư Trần Lâm nói: toà sơ thẩm vụ Lê Thị Công Nhân đã vi phạm nguyên tắc “Truy tố đến đâu xét xử đến đó” – nghĩa là tại toà, quan toà tự ý thêm tội trạng mới cho nạn nhân (không ghi trong cáo trạng).
Tuy nhiên, việc dùng những khái niệm và câu chữ “mù mờ” để kết người ta vào những tội rất “thật” mới là mối nguy hiểm cho bị cáo.
Hầu hết người bất đồng chính kiến bị kết tội theo điểm c, khoản 1 của điều 88:c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ví dụ, dưới đây là 3 tài liệu mà bị cáo đã viết ra, có nêu trong Cáo Trạng như những chứng cứ để kết tội bà Lê Thị Công Nhân:
• Tình trạng và đòi hỏi phải giải quyết tình trạng của giai cấp công nhân.
• Về việc không cho phép có báo chí tư nhân.
• Về việc bãi bõ Nghị định 31CP
• Tình trạng và đòi hỏi phải giải quyết tình trạng của giai cấp công nhân.
• Về việc không cho phép có báo chí tư nhân.
• Về việc bãi bõ Nghị định 31CP
Khi luật sư bào chữa đọc kỹ 3 bài nói trên, ông đi đến kết luận rằng: 1) đó là những bài nghiên cứu khoa học; 2) nội dung đều là sự thật.
Vậy thế nào là “chống” nhà nước? “Chống nhà nước” gồm những hành vi cụ thể nào? Phê phán nhà nước có gọi là “chống”? Rút ra những kết luận nghiên cứu khoa học không vừa ý với nhà nước có gọi là “chống”?
Luật sư Trần Vũ Hải từng bào chữa cho hàng chục bị cáo do điều 88 quy tội, khi trả lời phỏng vấn của VOA cũng nói: …chúng tôi đã nghiên cứu về mặt pháp luật chưa có nghị quyết nào của các Hội đồng thẩm phán Toà án Tối cao hướng dẫn về điều luật này, cũng không có định nghĩa thế nào là chống.
2. Toà sơ thẩm không đưa ra đầy đủ mọi chứng cứ
Luật đòi hỏi phải làm như vậy (điều 214) để hai bên (buộc tội và gỡ tội) xác nhận lần cuối – trước khi chính thức tranh tụng: chúng có thật là “chứng cứ để kết tội hay không”. Rất có thể, đó không phải chứng cứ, hoặc chỉ là thứ ngụy tạo. Nhưng toà sơ thẩm không đưa ra đầy đủ mọi chứng cứ. Lẽ ra, việc này cần tranh biện rất căng thẳng để tránh oan sai.
Thật là bất minh, nếu cáo trạng kết tội bị cáo là “giết người” – vì đã chém rơi đầu nạn nhân – mà lại không trưng ra hung khí.Và thật khôi hài, độc ác, nếu “hung khí” trưng ra chỉ là cái lông… vịt(!). Cũng tương tự, LS Lê Thị Công Nhân bị kết tội “tuyên truyền lật đổ” với chứng cứ là “bản tài liệu phát cho học viên” mà công an thu được “tại chỗ” khi vị luật sư này sắp mở đầu một bài giảng về dân chủ. Nếu “chứng cứ” này được đưa ra trước toà để tranh luận thì mọi người sẽ thấy đó là một tài liệu công khai trên mạng, do các nhà Luật Học quốc tế biên soạn, dành cho bất cứ đối tượng nào muốn có những hiểu biết phổ cập về dân chủ, trong đó tịnh không có dòng nào, ý nào nói đến Việt Nam.
Theo nguyên tắc đánh giá chứng cứ tội phạm thuộc điều 88 (chứng cứ dạng văn bản) thì Toà phải trích dẫn câu nói, chữ viết, hình ảnh có dấu hiệu phạm tội để minh định sai phạm; và hai bên phải tranh luận… để minh định là có phạm tội hay không?
Trong các vụ án hình sự nói chung, người ta rất tốn công sức, trí óc, tiền của và thời gian để minh định chứng cứ: nào là pháp y, kiểm toán, kinh tế, tài chính, DNA, khôi phục hiện trường, diễn lại hành vi của bị cáo… nghĩa là rất tốn công, rất trầy trật để xác định sự thật. Sự thật lại phải đạt đến mức: mọi người phải thừa nhận là có vụ việc đó, nội dung, thực chất là có vi phạm… mới coi là đủ.
Trong các vụ bất đồng chính kiến (nguỵ trang thành vụ án hình sự) thì toà chỉ nêu hiện tượng và coi luôn đó là chứng cứ, không chấp nhận tranh cãi thêm nữa. Thì ra, chỉ khi kết tội trí thức thì việc tranh luận để minh định chứng cứ mới được toà sơ thẩm cho phép làm qua loa, sơ sài mà thôi. Chả lẽ nó không nói lên điều gì?
Toà còn một sai phạm nghiêm trọng là đánh giá chứng cứ một chiều: Phạm Văn Trội được Toà gọi, là nhân chứng. Trội đã hứa trước Toà khai báo đúng sự thật. Toà không đếm sỉa gì đến Trội trong suốt phiên Toà. Trội đã phản ứng sau phiên Toà. Ai cũng biết Trội là người của bên những người bị kết tội, được triệu tập tới toà; nhưng không được nói gì hết.
Người ta coi việc đánh giá chứng cứ như trên là phiến diện, một chiều. Thẩm tra chứng cứ một chiều là một sai phạm nghiêm trọng.
3. Xét xử sơ thẩm có sai phạm là đã hạn chế đến mức ngăn cản việc tranh luận
Đánh giá chứng cứ cần tranh luận nhưng không được thực hiện.
Tới bước định tội, cũng không cho tranh luận
Cuối cùng, khi định mức án (lượng hình) cũng như vậy nốt.
Nếu là một vụ án trong phạm vi văn học, nghệ thuật, với thơ ca, hội hoạ thì việc tranh luận càng phức tạp và kéo dài…, có khi hàng tháng. Sắp tới, xử tiếp bị cáo vụ PMU toà dự tính 1 tuần mới xong. Duy nhất, các vụ xử bất đồng chính kiến chỉ cẩn 1-2 ngay là kết thúc “gọn”.
Với 3 sai phạm trên về mặt hình thức, có thể kết luận là án xử sơ thẩm xử người bất đồng chính kiến ở Việt Nam chưa đủ tiêu chuẩn để được xét xử phúc thẩm, vì lẽ án xử phúc thẩm phải có trọng tâm, sửa là sửa điểm cơ bản chứ không phải xử lại lần 2 bằng cách làm lại từ đầu… (ý kiến LS Trần Lâm)
Phần 4a- Điều 88 Luật Hình Sự: Nhất định phá sản
Điều 88 Luật Hình Sự trực tiếp chống trí thức, tức chống tinh hoa dân tộc và “nguyên khí quốc gia”, cũng là chống xu thế văn minh nhân loại. Nhất định nó sẽ bị xoá bỏ để dân Việt phát triển tiếp trên con đường văn hiến từ 4000 năm trước, đuổi kịp xu thế thời đại.
Áp lực quốc tế ngày càng mạnh
Từ các nước cùng ký kết
Khi chỉ còn vẻn vẹn 5 nước do đảng CS cầm quyền, Nhà Nước VN buộc phải tuyên bố hoà nhập thế giới và đổi mới trong nước, nhưng vẫn lo mất quyền cai trị. Dù vậy, đến nay, đảng CS không còn nhắc lại điệp khúc “hoà nhập nhưng không hoà tan; đổi mới nhưng không đổi màu” nữa; vì hoà nhập là xu thế không thể chần chừ, lảng tránh. Cưỡng cũng chẳng được; chậm cũng không xong.
Tiêu chí quan trọng nhất đo đạc mức độ hoà nhập là sự nghiêm chỉnh tuân theo các Tuyên Ngôn, Hiệp Định và Quy Ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết thực hiện. Do chỉ muốn đổi mới kinh tế nên VN từng bước thực hiện các quy định liên quan, còn các quy định chính trị – trong đó có các Tuyên Ngôn về nhân quyền và về các quyền dân sự – thì VN cố ý vi phạm nặng nề – vì chúng đe doạ trực tiếp thể chế độc tài. Điều 88 là một trong những vi phạm trắng trợn và nặng nề nhất; tới mức trong mọi phiên toà chính trị, các luật sư đều vạch trần điều này.
Thật dễ hiểu, nếu một nước vi phạm thì những nước cùng ký kết có thể lên tiếng nhắc nhở, phê phán, chỉ trích kể cả phản đối. Đây không còn là chuyện nội bộ nữa, một khi đã cùng cam kết đa phương với nhau. Suốt 30 năm nay, VN tự thấy không đủ tư cách để lên tiếng chỉ trích bất cứ nước nào về thiếu dân chủ, tự do, nhân quyền… mà chỉ toàn là lên tiếng rằng mình bị… “xâm phạm nội bộ”. Nói cho đủ, có một số lần VN lên tiếng bênh vực – khá yếu ớt – những chính quyền “cùng một ruộc” (như Miến Điện, Irak, Lybia…).
Thực ra, sự vi phạm của nhà nước CSVN phải tới mức độ nào đó mới bị các nước khác phản ứng. Tuy vậy, nếu phản ứng chưa đủ mạnh, nghĩa là chưa đủ đe doạ tới lợi ích sống còn (về kinh tế và chính trị) thì Nhà Nước CS vẫn ngoan cố. Điều này, trong một thời gian dài, khiến giới “có học” trong nước thất vọng, vì dường như sự chỉ trích của các nước, thậm chí của các tổ chức quốc tế, cứ như nước đổ đầu vịt. Kỳ thực, không phải như vậy đâu. Nhà nước CS cũng biết sợ khi nằm trong danh sách CPC và càng biết sợ sau khi được ra khỏi danh sách đó. Ví dụ, trước 1985, người bất đồng chính kiến có thể bị bắt giam mà không cần xét xử, nhưng vì muốn ra khỏi danh sách CPC, nên nhà nước CS phải có điều 82 trong Luật Hình Sự. Nói khác, nhìn từ một góc độ nào đó thì cái điều 82 (năm 1985) dù man rợ cũng khiến chế độ độc tài phải mở một phiên toà trước khi bắt giam. Rồi điều 82 (năm 1985) đã phải sửa thành điều 88 (năm 1999) cho bớt “man rợ” đi, chỉ còn là… “phản động” thôi. Một ví dụ khác, nghị định 31CP do thủ tướng Võ Văn Kiệt ban hành có nội dung rất chuyên chế: Cho phép chính quyền “bỏ tù tại nhà” những người phản kháng – dưới danh nghĩa rất “nhân đạo” là cải tạo không giam giữ” – mà không qua xét xử. Điều này khiến quốc tế tưởng rắng án chính trị ở Việt Nam không nhiều. Tuy nhiên, té ra nạn nhân của nghị định này toàn là trí thức, như Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự, Mai Thái Lĩnh… chính do vậy, tới lúc trong nước và quốc tế nhận ra, và dấy lên làn sóng phản đối. Suốt bao nhiêu năm, cái quốc hội 90% đảng viên cứ mặc cho cái nghị định này khủng bố hàng trăm trí thức; nhưng “đùng một cái” khi chỉ còn một-hai tháng nữa là hết nhiệm kỳ, cái Cuốc Hội này bỗng vội vàng “bác bỏ” nghị định trên. Sao vậy? Hoá ra, đảng CSVN phải làm như vậy để VN được vào WTO. Cộng Sản VN cũng biết sợ khi EU tỏ thái độ chỉ làm ăn kinh tế với những nước dân chủ, tôn trọng nhân quyền… Không phải bỗng dưng mà VN cử một phái đoàn lớn sang tận châu Âu để trình bày, giải thích; nhưng thất bại vẫn hoàn thất bại. Hàng năm, VN vẫn phải chấp nhận 2 lần đối thoại nhân quyền với EU; thực chất là ngồi nghe hoạnh hoẹ và cãi chầy cãi cối.
Áp lực có có kế hoạch từ Liên Hợp Quốc
Không những từng nước cùng ký kết tuyên ngôn nhân quyền lên tiếng về VN còn vi phạm, mà các tổ chức quốc tế liên quan cũng nhiều lần trong nhiều năm đã lên tiếng. Ví dụ Hội ký giả quốc tế đã nhiều năm phong tước “hung thần báo chí” cho các lãnh đạo đầu sỏ của Việt Nam – vị đầu tiên là Đỗ Mười, vị gần đây nhất là Nguyễn Phú Trọng. Thống kê cho hết số lần lên tiếng của các tổ chức quốc tế về Báo chí, Nhân Quyền, Minh Bạch… cũng là một kỳ công.
Nhưng đáng kể nhất là áp lực có kế hoạch từ Liên Hợp Quốc, từ 2009.
Thế kỷ XXI, không thế lực độc tài nào dám tháo bỏ cái mặt nạ dân chủ. Do vậy, những nước độc tài khổng lồ như Nga, Trung – dù ngồi ghế thường trực Hội Đồng Bảo An – vẫn không cưỡng được quyết định nâng cấp từ Uỷ Ban nhân quyền lên thành Hội Đồng nhân quyền (2006) – gồm tới 47 thành viên, được bầu theo địa lý.
Chẳng lạ gì, càng các chính quyền độc tài, càng muốn ứng cử vào Hội Đồng đông đúc này. Ví dụ, Lybia đã nhảy vào đó; VN đang tấp tểnh ứng cử năm tới. Cũng chẳng lạ gì khi cách đây mấy tháng (ngày 25-2-2011) Hội Đồng dự tính sẽ khai trừ Lybia vì chính quyền nước này đã bắn vào dân biểu tình.
Việc có ý nghĩa lớn mà Hội Đồng làm được (2009) là buộc tất cả các nước phải có báo cáo chính thức về tình hình nhân quyền nước mình, trình bày công khai trước một hội nghị để được chất vấn, phê phán và đánh giá. Tất nhiên báo cáo của Việt Nam được đảng CS tô vẽ (cho đẹp) và che dầu (cho bớt xấu), dù được Lybia và vài nước “khen”, nhưng sự phê phán mới thật là kinh, bị chất vấn cũng lắm và bị đề nghị “phải cải thiện thêm” cũng chẳng ít. Người trơ mặt chịu trận là đồng chí thứ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh. Rốt cuộc, hội nghị “chốt lại” thực trạng nhân quyền của Việt Nam năm 2009, để sau 4 năm sẽ đánh giá lại về sự tiến bộ. Điều nhục nhã này, đảng CSVN giấu tịt, mà chỉ rêu rao ở trong nước rằng: Báo cáo về nhân quyền của nước ta đã được “thông qua”. Cách dùng chữ thuộc hạng “siêu” đấy chứ?. Đảng CS cứ làm như tình hình nhân quyền của VN được quốc tế coi là “khả quan” lắm. Tiếc rằng giới trí thức VN chưa khai thác đủ về tình hình này (nhiều tư liệu tôi lấy từ bài của Trần Hiền Thảo).
Chưa khi nào đảng CSVN lâm vào tình thế thảm hại này. Đại cuộc đã vậy, thì cái điều 88 Luật Hình Sự cũng vậy. Áp lực quốc tế sẽ tới lúc đủ mức để nó phải bị xoá bỏ. Tuy nhiên, nếu cứ ngồi đó mà đợi (thụ động) quốc tế can thiệp thì… còn lâu! Quốc tế chỉ can thiệp mạnh nếu trong nước đấu tranh mạnh và tin tức gửi ra đủ gây phẫn nộ. Chúng ta cần vạch rõ hơn nữa tính chất chống trí thức của nó. Cần phải nói, nói nữa, nói mãi, nói trong mọi dịp (và nói chẳng cần dịp nào hết) về tính chất phản động của cái điều 88 này để quốc tế biết và nhất là để dân biết. Dân biết mới là cái gốc để xoá bỏ nó. Đó mới là cách chủ động, tích cực.
Mục tiêu của đảng
- Như đã nêu, điều 88 nhằm vô hiệu hoá quyền tự do tư tưởng, tự do biểu đạt và ngôn luận của trí thức. Mất những quyền này, người “có học” nói chung và trí thức nói riêng… sống cũng như chết.
- Án tù rất nặng có tính răn đe hết sức nghiêm khắc. Hàng ngàn người “có học” muốn phản biện bất cứ gì cũng phải tự kiểm duyệt. Họ phải tự biết dừng lại trước khi bị điều 88 chiếu tướng. Muốn phản biện một điều thì phải kèm theo 9 điều ca ngợi, y như lá sớ của bề tôi muốn can vua. Trong khi đó, văn phong và nội dung điều 88 mù mờ tới mức khó mà biết đâu là giới hạn an toàn. Một chế độ tự nhận “dân chủ triệu lần” mà khi mở lớp trao đổi “thuần tuý kiến thức” về dân chủ đã phải đi tù 3 và 4 năm. Chỉ dịch tài liệu về dân chủ đã tù 7 năm.
- Với điều 88, trong thời gian dài, chính quyền chính quyền CS không ngớt “khẳng định” với 6 tỷ người trên trái đất rằng “Ở Việt Nam không có ai là tù chính trị; bọn ra toà chỉ toàn là tội phạm hình sự”. Điều khó hiểu là nạn nhân của điều 88 đều là người “có học” và trong số này càng ngày càng nhiều luật sư “phạm tội hình sự”. Trên thế giới liệu ở đâu có hiện tượng độc đáo này?
- Nói cho ngay, một đất nước mà tham nhũng “càng chống, càng tăng” tới mức đe doạ sự tồn vong của chế độ; một đất nước luôn luôn bị xếp loại thấp (quá thấp) về tự do báo chí, tự do tôn giáo và về tính minh bạch… mà cứ ra rả rằng “không có bất đồng chính kiến”, không có tù chính trị… thì cho dù đảng CS có khẩn cụ Mác hiện lên, cụ cũng không thể tin được, huống hồ một học sinh.
Không trở thành trí thức cũng không xong
Những người “phản kháng” thoạt tiên rất biết điều, thái độ ban đầu rất mềm mỏng, không chỉ có lý mà còn có tình với chính quyền của đảng CS – kể từ các bậc đại lão như Nguyễn Hộ, Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Thích Huyền Quang… tới thế hệ các cụ Thích Quảng Độ, Hà Sỹ Phu, Mai Thái Lĩnh, Nguyễn Thanh Giang, Trần Mạnh Hảo, Vũ Thư Hiên… rồi tới Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Trần Khải Thanh Thuỷ… và thế hệ hiện nay. Họ nhìn ra những bất công, bất cập và muốn góp ý một cách xây dựng để đảng CS sửa chữa những thiếu sót; nhờ vậy, dân thêm tin đảng. Họ đều là những người “có học”, đủ khả năng tự ghi ra – thành bài vở, văn bản – những suy nghĩ riêng, thể hiện đúng quan điểm, thái độ và ý kiến cá nhân. Không những họ nhuần nhuyễn tiếng mẹ đẻ mà còn đủ năng lực tham khảo các tài liệu ngoại ngữ. Ngay từ đầu, không ai muốn trở thành “bất đồng chính kiến” để mà đối đầu với một đảng có cả một hệ thống đàn áp khổng lồ và tàn bạo đến vậy.
Nhưng thái độ – mang tính nguyên tắc – của đảng CS là cự tuyệt, còn nếu trả lời (hiếm lắm) chỉ là chiếu lệ, đầy vô cảm và trịch thượng, kể cả trả lời cho các bậc tiền bối. Chính thái độ của đảng mới là nguyên nhân và động lực làm cho ngày càng nhiều trí thức – do tự trọng, do tin chắc mình đúng – muốn nêu vấn đề cho “tới nơi, tới chốn”, cho rạch ròi chân lý. Và không thiếu người chỉ vì góp ý mà bị vu cáo những tội danh mang tính thấp hèn, nên họ vì danh dự mà quyết tranh luận tới cùng. Thế là, họ trở thành bất đồng chính kiến. Để răn đe, đảng CS đã đưa vào Luật Hình Sự năm 1985 và sửa đổi năm 1999 một điều khoản mà bản chất là diệt trừ mọi mầm mống để giới “có học” trở thành trí thức. Và đó cũng là cách bôi nhọ trí thức. Bôi nhọ tới mức nêu nguyên cớ bắt người là “hai bao cao su đã qua sử dụng” thì thật hết cách bôi nhọ.
Cái điều khoản “diệt trí thức” của Luật đã khiến các văn bản do trí thức vắt óc viết ra với bao tâm huyết (kể cả của nhóm trí thức ở viện IDS do tiến sĩ Nguyễn Quang A đứng đầu) đều có tiềm năng bị biến thành chứng cứ của các vụ án hình sự – nếu chúng gay gắt phản đối các chủ trương sai lầm của đảng.
Không kể lớp trí thức già bị sách nhiễu, bắt bớ, giam cầm trước 1985 (bất cần luật), thì thế hệ trí thức đầu tiên trở thành nạn nhân của Luật Hình Sự đã bị toà sơ thẩm nêu tội danh là… gián điệp (!), với mức án tù thấp nhất 7 năm. Gián điệp cái quái gì (?) khi Nguyễn Vũ Bình viết bài cảnh báo sự xâm lăng của Bắc Triều (nay đang thành sự thật); Phạm Hồng Sơn dịch bài Dân Chủ Là Gì sang tiếng Việt, còn Nguyễn Khắc Toàn chỉ giúp đỡ dân oan khiếu kiện đúng nơi, đúng luật…
Não trạng của đảng CS về trí thức dưới thời các vị Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh thật là kỳ quặc mà dưới đây không thể bỏ qua.
Não trạng của đảng CS về trí thức dưới thời các vị Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh thật là kỳ quặc mà dưới đây không thể bỏ qua.
Não trạng của đảng: Tuyên ngôn chống trí thức
Khi đảng CSVN ban hành một điều luật coi hoạt động tư duy của trí thức là tội hình sự, thì não trạng của nó rõ ràng có vấn đề. Đó là não trạng căm hận của bạo chúa đổi với kẻ muốn làm lung lay ngôi vị cai trị của mình. Nếu trí thức từ năm 1898 tới nay đã nhiều lần ra Tuyên Ngôn chống độc tài, thì các chính quyền độc tài cũng ra Tuyên Ngôn chống trí thức. Ở VN: Đó chính là điều 82 trước đây và điều 88 hiện hành. Một não trạng bình thường không thể nghĩ ra cái tên rất “quái” như tên của điều 82 và 88.
Luật Hình Sự 1985, điều 82 có tên “tội tuyên truyền chống chế độ XHCN”. Quái chưa? Nếu dân thế giới ở 180 nước chọn chế độ tư bản và dân ở 20 nước chọn chế độ XHCN thì đó là quyền của người ta – miễn là dựa vào kết quả trưng cầu dân ý. Tuyệt đa số dân Đông Âu sau khi thoát khỏi chế độ XHCN đã tán thành gia nhập EU để vĩnh viễn chấm dứt chế độ cũ. Rành rành bằng lá phiếu, dân các nước này đã chống chế độ XHCN. Vậy, hà cớ gì điều 82 dám hăm doạ trên 50% (và nay là 75%) dân số địa cầu, chỉ vì họ không thích một chế độ?. Não trạng như vậy sao gọi được là bình thưởng?
Với chủ nghĩa Cộng Sản hay bất cứ chủ nghĩa nào khác, mọi người tha hồ khen hay chê, tin hay không tin, theo hoặc không theo, chống (bằng ngôn ngữ) hay không chống… Trên giấy, chủ nghĩa nào cũng tốt đẹp, cũng đầy hứa hẹn. Chủ nghĩa CS và CNXH càng đẹp tới mức vài tỷ người từng mơ ước. Nhưng khi thực hiện, mới sinh chuyện. Chế độ CS khi thực hiện ở Nga, Liên Xô, Đông Âu, Tàu, Việt, Triều, Cuba… (tuy mới chỉ là giai đoạn “XHCN”) lập tức đều gây thảm hoạ. Chính vì vậy Hội Đồng EU ra nghị quyết lên án chế độ CS mà không lên án chủ nghĩa CS. Sự phân biệt như vậy đủ rõ. Hôm nay, đảng CS Nga vẫn tồn tại, vẫn nêu cao chủ nghĩa, vẫn tuyên truyền kết nạp, vẫn tranh cử… Mặc nó. Nó có quyền như vậy. Chế độ tư bản có thể dung chứa nó, nhưng một khi nó nắm chính quyền, nó không chấp nhận một đảng nào khác. Sự tàn sát trong nội bộ đảng CS đã đủ kinh hoàng rồi; vậy, thử hỏi: Nó tha gì các đảng khác? Nó tha gì người phản biện nó?
Nửa tỷ dân Đông Âu và Liên Xô từng quyết liệt chống lại chế độ CS mới giải thể được nó, và khi trưng cầu dân ý, tuyệt đa số dân tán thành gia nhập EU. Trong khi đó, đảng CS VN nêu “tội tuyên truyền chống chế độ XHCN”. Thật hết nói.
Tới năm 1989 và 1991 (khi chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô đổ kềnh) thì tên gọi của điều 82 tỏ ra không những vô duyên mà còn phản động – khiến mọi người liên hệ với lời tuyên bố của những người Hồi giáo cực đoan: “bất kể ai không theo đạo Hồi đều đáng phải chịu sự phán xét của đức Ala”. Thế mà tới 14 năm sau (1999) điều 82 nói trên mới được sửa. Điều 88 có tên là “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Luật năm 1985 Điều 82. Tội tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa | Luật năm 1999 Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam |
1- Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:a) Tuyên truyền xuyên tạc chế độ xã hội chủ nghĩa; b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống chế độ xã hội chủ nghĩa. 2- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm. | 1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm. |
Ngay cả khi điều 82 được sửa thành điều 88 – ngoài chuyện vẫn mù mờ – nó vẫn thể hiện một não trạng chuyên chế tới mức quái gở. Làm gì trên đời này có thứ “nhà nước” tồn tại vĩnh viễn chỉ nhờ khoác cái tên “XHCN”? Cái thứ “nhà nước” vì sợ hãi mà kết tội cả các “tài liệu tuyên truyền” thì nên đổ quách đi cho rồi. Thực tế, cái “nhà nước” loại này – dù có cả vũ khí nguyên tử – đã đổ rất êm thấm ở Liên Xô và Đông Âu cả chục năm trước khi điều 88 ra đời rồi.
Phần 4b- Điều 88 Luật Hình Sự: Nhất định phá sản (tiếp)
Đấu tranh trực tiếp với điều 88
- Về lý luận, nhận thức:
Điều 88 không giết trí thức ngay, nhưng khiến trí thức mất hẳn quyền phát biểu suy nghĩ cá nhân, giống như hoa tiêu bị bịt mắt, ca sĩ bị thít họng.
Nó chống trí thức, do vậy trí thức phải là lực lượng chủ chốt chống lại nó, với sự ủng hộ ngày càng mạnh của dân chúng và quốc tế. Không có lực lượng vật chất, bởi vậy người “có học” và trí thức chỉ có thể chống sự phi lý, phi nghĩa của điều 88 bằng sức mạnh của chân lý, sự thật.
Tóm lại: cần nói nhiều, chứng minh nhiều, phân tích nhiều, phát tán nhiều hơn nữa, về sự tàn bạo, phi lý và hậu quả tai hại cho tương lai dân tộc khi điều 88 còn tồn tại.
- Tránh mũi nhọn trực tiếp của điều 88 khi phát biểu bằng văn bản
Thực tế, điều 88 đang hiện hữu, đang có hiệu lực thi hành, đang được công an và toà án sử dụng. Nó là vũ khí, như ngọn Mác, lưỡi Lê, trong tay bọn sát thủ trí thức. Xóa bỏ điều 88 (tước vũ khí) là chuyện của cả một cuộc đấu tranh kiên trì, rộng rãi, đúng cách. Trong khi đó, trí thức nước nhà vẫn phải lên tiếng phê phán cái xã hội độc tài này – và không chỉ phê phán một lần. Do vậy, khi phát biểu các vị trí thức cần lưu ý văn phong, cách nói… để khỏi bị quy chụp. Né mũi nhọn cường lực để tồn tại mà đấu tranh lâu dài là khôn ngoan, chứ không phải là không can đảm.
Dưới đây, tôi phát biểu với tư cách một bạn đọc có may mắn được đọc bài của nhiều vị trí thức khác nhau. Và tôi chỉ nói ý kiến cá nhân.
Đến đây, cần phân biệt các bậc trí thức đã công khai danh tính và chưa công khai danh tính. Cũng có những vị vừa có bút danh công khai, vừa có bút danh không công khai – tuỳ vị trí đấu tranh và tuỳ tính chất từng bài và nơi đăng. Điều này giống như trước đây đảng ta hoạt động vừa công khai, vừa bí mật.
Các vị như Nguyễn Trung, Chu Hảo, Hoàng Tụy, Nguyên Ngọc, Nguyễn Trần Bạt và nhiều vị khác (viện IDS và viện VIDS) có nội dung viết và cách viết được đăng trên báo chí công khai (rất đông người đọc), được bạn đọc thích thú, mà tác giả vẫn an toàn. Có điều, các báo trong nước cũng cần an toàn, do vậy toà báo đã kiểm duyệt bài ở mức cần thiết. Nhưng may, hiện nay có nhiều nơi để bài nguyên bản được đăng lên, song song với bài ở báo công khai.
Một phương pháp tốt là mượn ngay cái gậy của “ông” để đập vào lưng những đứa cháu đang lợi dụng danh nghĩa “ông”. Rất nhiều bài viết loại này đã trích dẫn cương lĩnh, nghị quyết, hiến pháp, lời lãnh đạo. Các vị khác như Nguyễn Thanh Giang, Trần Mạnh Hảo, Bùi Minh Quốc… tuy đã bị đảng sờ tận gáy, nhưng nay đảng cũng ngán họ; mặt khác, các vị này cũng tự điều chỉnh ngôn từ để tránh mũi nhọn của điều 88, nhưng không vì thế mà phải tự hạn chế nội dung bài.
Đúng là, né mũi nhọn cường lực, chứ không né nội dung phê phán. Vấn đề là văn phong thích hợp. Ví dụ, chẳng sợ gì mà không phát biểu phản đối điều 4 hiến pháp. Mức độ nhẹ nhất là không yêu cầu xoá bỏ nó, nhưng đòi hỏi phải “luật hoá” nó. Sẽ chẳng có “luật hoá, luật hiếc” gì đâu, nhưng bạn đọc thấy cái điều 4 này thậm vô lý, thậm chướng mắt, sự thiêng liêng biến thành khôi hài. Có người đòi xoá bỏ điều 4, nhưng với lập luận thích hợp, sao cho bạn đọc tán thành, mà điều 88 không thể đụng chạm tới tác giả được. Bất cứ nội dung gì cũng có thể phát biểu dưới góc độ nghiên cứu khoa học, kể cả chú thích thêm rằng “tôi rất hiểu điều 88”.
- Tạo một lá chắn, loại “có còn hơn không”
Đã dấn thân, phải nghĩ tới lúc sa cơ, ví dụ, do lầm lỡ. Mặt khác chế độ độc tài bắt người bằng đủ cách hèn hạ, có thể “hai bao cao su đã qua sử dụng” chưa phải chuyện bỉ ổi nhất. Do vậy, khi danh tính đã công khai, công an đã nhiều lần “mời” làm việc… thì chuyện tạo cớ bắt người chẳng có gì khó.
Tôi bỗng nảy ra 2 ý nghĩ.
a) Từ “tuyên ngôn” của của sinh viên Nguyễn Anh Tuấn khi anh công khai hoá sự “tàng trữ” 10 tài liệu lấy trên mạng liên quan với vụ án Cù Huy Hà Vũ, tôi ước gì có một nhóm trí thức cũng làm như vậy, nhưng nội dụng cao hơn, rộng hơn và bạo hơn, với mục đích vạch ra sự phi lý, sự vi phạm nhân quyền của điều 88. Hoặc, dưới dạng một tuyên ngôn rất mềm, rất đúng đường lối chủ trương của đảng: Ví dụ, báo cho nhà nước biết: Theo chủ trương của đảng sửa đổi hiến pháp, nhóm chúng tôi hưởng ứng bằng cách tập hợp nhau bàn bạc để thảo ra một hiến pháp mới, nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền của dân do dân vì dân, và sẽ công bố bản dự thảo đóng góp ý kiến khi đảng cho toàn dân thảo luận; rất mong đảng ủng hộ…
b) Nếu một vị đã lâm vào cái thế buộc phải công khai “bất đồng chính kiến” (ví dụ đã được công an mời “làm việc” nhiều lần) nếu vị này ra một tuyên ngôn cá nhân (đại khái như ở dưới đây), thì sẽ ra sao?
Ví dụ:
Đây là tuyên ngôn cá nhân của tôi, rất ôn hoà, thiện chí và cũng thật minh bạch:
- Cá nhân tôi bất đồng chính kiến với đảng CSVN về một số chủ trương, chính sách, mà tôi nhận ra là cản trở sự thực thi dân chủ, tự do và nhân quyền cho dân.
- Cá nhân tôi thể hiện sự bất đồng bằng phản biện hoặc phê phán ở mọi mức độ, nhằm để đảng và nhà nước sửa chữa, chứ tuyệt đối không nhằm chống lại 2 thực thể này.
- Tôi phát biểu công khai, ôn hoà và chịu trách nhiệm về nội dụng phát biểu. Trước hết, tôi mong được công bố ở báo chí trong nước, sau đó mới là ở bất cứ đâu đồng ý công bố cho tôi.
- Tôi ý thức không vi phạm điều 88 Luật hình sự (hiện đang có hiệu lực), nhưng tôi vẫn khẳng định đây đây điều luật trái hiến pháp hiện hành, trái với các Tuyên Ngôn quốc tế về nhân quyền và các quyền dân sự mà nhà nước Việt Nam đã ký và cam kết thực hiện. Vì danh dự của đảng CS và nhà nước, tôi mong điều 88 sớm được xoá bỏ.
- Tôi mong sự tiến bộ ở Việt Nam sẽ diễn biến bằng hoà bình, mà không bằng bạo lực, đồng thời mong nhà nước không sử dụng bạo lực với dân và người bất đồng chính kiến.
- Tôi tán thành đa nguyên, đa đảng như thể chế chính trị của gần 200 nước hiện nay; nhưng tôi cũng tuân theo quyết định của đa số trong một cuộc trưng cầu dân ý thật sự dân chủ về thể chế của đất nước VN, dù trái ý tôi.
- Tôi muốn hiến pháp hiện hành phải sửa cơ bản, thể hiện đầy đủ các quyền dân, để được thông qua khi trưng cầu dân ý. Trước mắt, điều cần được luật hoá là điều 4, điều phải thực thi ngay là điều 69. Nếu các quyền tự do trong điều 69 không được cụ thể hoá thành các Luật thì người dân cứ tự thực hiện nó theo cách mình hiểu, và lỗi không phải ở dân.
- Tôi hoàn toàn ý thức rằng những phát biểu ôn hoà của mình không cấu thành tội hình sự. Do vậy, tất cả những văn bản nhận tội tôi viết và đọc khi bị bắt giữ đều không giá trị.
- vân vân… Có thể thay đổi nội dung (tuỳ hoàn cảnh mỗi người), hoặc viết cho mềm hơn (tuỳ tính cách mỗi người).
Liệu đây có thể coi là cái lá chắn thụ động, phần nào giúp bảo vệ người bất đồng chính kiến hay không? Tuyên ngôn này có lợi gì hay không, khi mà chế độ độc tài khởi tố người bất đồng chính kiến?
Đấu tranh trong và ngoài phiên toà
- Khai thác, khoét sâu tính “cẩu thả” và tính “sợ hãi” của phiên toà
Cẩu thả và sợ hãi là hai điểu nổi bật của quan toà trong vụ xử TS Cù Huy Hà Vũ (theo GS Ngô Bảo Châu). Thực ra đó là đặc tính chung của mọi phiên toà xử trí thức. Cần nhận xét rằng đại lượng đo sự “cẩu thả” và sự “sợ hãi” luôn luôn diễn biến ngược chiều nhau. Nghĩa là nếu đấu tranh hiệu quả để quan toà buộc phải giảm “cẩu thả” thì sẽ làm tăng sự sợ hãi của họ. Điều này có lợi cho nạn nhân.
Chống cẩu thả, thực chất, đây là đòi hỏi việc xét xử phải tuân theo đầy đủ mọi thủ tục đã quy định trong luật. Do vậy, phía luật sư và nạn nhân đã nắm đằng chuôi (đòi làm đúng luật) còn phía công tố và quan toà nắm đằng lưỡi (chỉ muốn làm trái luật).
Quan toà cẩu thả trong các vụ án liên quan điều 88 nay đã là chuyện đương nhiên, và qua thời gian càng được củng cố.
Các vị quan toà phục vụ chế độ độc tài nhìn bị cáo không phải bằng con mắt “người nhìn người”, mà bằng con mắt căm hận, cộng với sự thích thú của loài ác thú vờn con mồi trước khi xé xác. Não trạng của các vị này, ngoài căm hận, thích thú, bỡn cợt là chủ đạo, còn nhiều khía cạnh phức tạp khác, tuỳ cá tính – nhưng nói chung là không lành mạnh, nếu không muốn nói là bất lương.
- Có thể họ ái ngại, thương hại hoặc cười khẩy nạn nhân vì thấy nạn nhân cứ tưởng rằng vẫn còn chút công lý ở phiên toà, do vậy cố kiếm luật sư giỏi, hoặc cố lập luận mình vô tội.
- Thực ra, vở diễn đã có sẵn, quan toà chỉ cần dẫn dắt màn kịch kết thúc cho chóng vánh. Nhiều lần như vậy, quan toà sinh ra chủ quan và cẩu thả, mà không cần năng lực gì ghê gớm. Họ thích thú, sung sướng khi năng lực thấp mà được đặt ở thế thượng phong.
- Họ sốt ruột làm các thủ tục, cố kiên nhẫn nghe luật sư trình bày, nhưng rất sợ tranh luận; do vậy cố giản tiện tối đa các bước, để kết thúc phiên toà sớm nhất. Không một vụ xử nào liên quan điều 88 mà kéo dài quá 2 ngày.
- Họ chủ quan, vì trong tay đã có sẵn biên bản tuyên án, mức án, lại có toàn quyền điều khiển, nên chắc mẩm sẽ kết thúc “vượt thời gian”. Chuyện có thật là chỉ cần hội ý 30 phút, họ đã kịp có biên bản đủ dài để đọc hàng giờ khi tuyên án (vụ xử LS Lê Công Định và “đồng bọn”).
- Qua hàng trăm vụ xử, dần dần quan toà mang tính cẩu thả, bất cần năng lực, là do vậy.
Bởi vậy, chống cẩu thả là điều khiến quan toà rất sợ hãi. Sợ, vì họ chuẩn bị cho phiên toà quá sơ sài, quá chủ quan. Sợ, vì năng lực quá kém trước sự xuất sắc và sự chuẩn bị kỹ càng của luật sư. Sợ, vì tự thấy phi nghĩa. Do vậy, nếu luật sư cứ chiếu luật mà đòi hỏi quan toà phải làm đủ các bước, với mọi chi tiết cần thiết, đòi được tranh luận (tranh luận về chứng cứ, về tội trạng, mức độ vi phạm, mực độ án phạt…). Muốn xử chóng vánh, nhưng không thể từ chối phải qua đủ mọi bước theo thủ tục, khiến quan toà lo sợ. Phiên toà càng đông người dự, càng sợ. Đó cũng là đặc tính của phi nghĩa, bất lương (không muốn phơi mặt ra).
Một loạt 5 luật sử tuyên bố phiên toà vi phạm và bỏ ra ngoài là một đòn rất nặng. Vụ xử TS Hà Vũ tạo bước ngoặt chính cũng do các luật sư đòi hỏi toà phải trưng ra các chứng cứ, để tranh luận xem đó có thật là “chứng cứ” không (tức là có đáng kết tội người ta vì những cái đó không). Quan toà và công tố chưa bao giờ chuẩn bị tranh luận về những điều đó, cho nên sợ.
Đó là những cái sợ cụ thể của quan toà. Sợ, chủ yếu do năng lực.
Nhưng còn cái sợ bao trùm, dù vô hình; tuy không cụ thể nhưng rất ám ảnh… là cái sợ của các vị ra chủ trương lớn và các vị dấu mặt nhưng chỉ đạo phiên toà. Đó là cái sợ của phe phi nghĩa.
Để chống lại điều 88 cần đấu tranh thu hẹp tối đa sự cẩu thả; đồng thời khếch đại tối đa sự sợ hãi.
Ông Lê Hồng Anh làm sao oai bằng Bêria? Ông Nguyễn Phú Trọng làm sao oách bằng Stalin? Xin hai vị hậu sinh này hãy tìm hiểu số phận cuộc đời và số phận lịch sử của các bậc tiền bối mà liệu cách ứng xử.
- Mời số luật sư áp đảo
Cần phải có một quỹ nhờ các nhà hảo tâm đóng góp để làm việc này.
- Đòi thật sự công khai phiên toà; vận động đông đảo mọi người tới dự
Xử công khai các vụ án hình sự đã được luật quy định. Do vậy, các vụ án xử bất đồng chính kiến bị khoác cái áo “hình sự” cũng phải xử công khai. Án chính trị phân ra rất rõ: chính nghĩa hay phi nghĩa. Do phi nghĩa thuộc phía chế độ, nên một chỗ yếu của chế độ là buộc phải xử công khai, nhưng lại rất sợ có nhiều người dự. Vận động quốc tế, vận động mọi người tham dự thật đông đảo (dù chỉ được đứng ở ngoài) vẫn rất có lợi cho nạn nhân, bất lợi cho chế độ độc tài. Điều dễ thấy nhất để nhận ra bước ngoặt lớn trong vụ xử TS Cù Huy Hà Vũ vừa qua là số người tới toà đông đảo hiếm thấy, nhưng bị công an ngăn cản thô bạo
- Công khai bản bào chữa ngay trước phiên toà và sau phiên toà
Các phiên toà trước đây, do thủ tục “nhảy cóc” nên sự chuẩn bị rất kỹ của luật sư thành ra vô hiệu. Luật sư nào cũng uất ức, từ vị cao lão như cụ Trần Lâm, sắc sảo như LS Lê Công Định, nhiệt tâm như LS Lê Trần Luật, từng trải như LS Huỳnh Văn Đông… đều bực dọc và mất hết tin tưởng vào sự công minh khi xử các trí thức bất đồng chính kiến. Cách phản ứng tốt nhất là họ công bố bản bào chữa đã đọc trước phiên toà. Qua đó, không những dư luận thấy rõ, mà – do tham khảo lẫn nhau – càng về sau các bản bào chữa càng vững, càng sát.
Vài câu về phiên toà “nhảy cóc”
Tài liệu chính thức gọi là phiên toà kangaroo (kangaroo court, kangaroo trial) và đã có một vị viết về nó ngay khi dư luận ồn ào về quan toà trong vụ xử TS Cù Huy Hà Vũ muốn bỏ qua những thủ tục đã được luật quy định để nhanh chóng kết thúc phiên xử – giống như con chuột túi (ở Úc) không đi lần lượt từng bước mà di chuyển bằng… nhảy. Ở Việt Nam, các cụ ta có khái niệm tương tự, là “nhảy cóc”.
Phiên toà nhảy cóc là đặc trưng cho mọi chế độ độc tài, mà không phải là sáng tạo của riêng Việt Nam. Nhưng không thể nói rằng Việt Nam phải học của bất cứ ai. Mà là, bất cứ ai, hễ là độc tài thì toà án đều bỏ bớt mọi thủ tục nào tỏ ra có lợi cho bị cáo. Các chế độ độc tài chẳng ai phải học ai cả. Quan toà của chế độ độc tài cũng chẳng cần phải học cách xử nhảy cóc, nhưng cứ tự dưng mà xử kiểu này. Lạ thế!
Đó là nói thời nay, chứ thời phong kiến ấy à? Bất cần xử, chỉ cần vua quát “chém” là lát sau đao phủ đã đem đầu tội nhân dâng lên. Chế độ ở Việt Nam, như phần trước đã nói, bản chất là phong kiến, nhưng lại có mặt ở thế kỷ XXI, nên buộc phải xử ở toà, thế thì phải diễn kịch theo kiểu nhảy cóc thôi.
Cuối cùng, xin nói thêm một chi tiết: Tác giả cái bài là phiên toà kangaroo (đăng trong wikipedia) đưa ra ví dụ về nơi xảy ra phổ biến các phiên toà loại này: là Đức Quốc Xã và Liên Xô. Ví dụ này điển hình, nhưng nên có thêm ví dụ cập nhật. Đó là phiên toà xử TS Hà Vũ, lần đầu tiên ở nước ta bị vạch trần, miễn cãi, là phiên toà nhảy cóc. Ở thế kỷ XXI, đó là tử huyệt của độc tài ở nước ta.
Bằng Công
Minh Thái trình bày
Minh Thái trình bày
Theo Danluan
0 Lời Bình:
Đăng nhận xét