15/6/11

Làm gì để dân tin vào tòa?

Hiện nay, lòng tin của người dân vào hoạt động tư pháp, đặc biệt là hoạt động xét xử đang có chiều hướng giảm sút. Nhìn nhận về chuyện này, GS-TS Trần Ngọc Đường (Viện Nghiên cứu Lập pháp) đã có một bài phân tích khá sâu sắc. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Hệ thống tư pháp của các nhà nước dân chủ và pháp quyền đã có mấy trăm năm tuổi, còn chúng ta mới có nhà nước của dân trong hơn 65 năm. Do đó, việc xây dựng, củng cố hệ thống tư pháp là một nhiệm vụ cấp bách trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
Lòng tin giảm sút
Hiện nay, có thể nhận xét một cách tổng quan rằng lòng tin của nhân dân ta đối với hoạt động tư pháp có sự giảm sút so với trước, biểu hiện ở một số nét chính:
Trong xã hội xuất hiện thuật ngữ “chạy án”. Tôi nghĩ rằng trong đời sống mà còn “chạy” được án thì không có gì mà không “chạy” được. Bởi lẽ “chạy án” là loại “chạy” khó nhất. “Chạy án” phải vượt qua những thủ tục tư pháp phức tạp, chặt chẽ, qua nhiều khâu, nhiều công đoạn, nhiều người, có sự chế ước, kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau… Điều đó chứng tỏ con người không tin vào bản án họ mới “chạy” và họ tin rằng “chạy” được. Nếu hiện tượng “chạy án” có thực và có người “chạy” được thì lòng tin vào công lý, vào lẽ công bằng ở đời này không còn nữa.
Mặt khác, theo báo cáo của TAND Tối cao thì hầu hết các bản án sơ thẩm đều bị chống án, bản án đã có hiệu lực pháp luật đều yêu cầu xem xét giám đốc thẩm… Tình trạng đó có nguyên nhân từ lòng tin vào bản án đã xử bị giảm sút, thiếu sự tâm phục khẩu phục đối với bản án…


Chưa có lối sống đề cao pháp luật và giá trị chung
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút lòng tin này.
Nguyên nhân khách quan là trong xã hội ta từ ngàn xưa đã có tâm lý không coi trọng các cơ quan tư pháp, nói rộng ra là không có thói quen tôn trọng pháp luật. Trải qua chế độ thực dân phong kiến nhiều năm với một chế độ tư pháp hà khắc, các hình phạt tàn ác, man rợ như voi giày, ngựa xé nên con mắt của nhân dân nhìn nhận các cơ quan này rất xấu. “Miệng quan trôn trẻ” đã trở thành nhận xét cửa miệng của người dân. Còn đến nay, chúng ta chưa kinh qua lối sống đề cao pháp luật.
Về nguyên nhân chủ quan, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chỉ ra: “Công tác tư pháp còn bộc lộ nhiều hạn chế… Đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp còn thiếu, trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị của một bộ phận cán bộ còn yếu, thậm chí một số cán bộ sa sút về phẩm chất, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp. Vẫn còn tình trạng oan, sai trong điều tra, bắt, giam giữ, truy tố, xét xử”.
Trong hoạt động tư pháp, có một nguyên tắc là kết tinh của các giá trị của nhân loại, ở đâu người ta cũng đề cao nó và cả trong bốn bản hiến pháp của nước ta, nguyên tắc đó cũng đều được ghi trang trọng. Đó là nguyên tắc tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Ấy vậy mà trên thực tế, nguyên tắc này chưa được nhận thức đúng đắn và thực hiện nghiêm túc. Trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vẫn còn có những tác động nhằm làm sai lệch việc áp dụng pháp luật mà vụ tiêu cực đất đai ở Đồ Sơn là một ví dụ điển hình. Rõ ràng một khi các cơ quan tư pháp chưa tuân thủ nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật thì chính họ đã tự đánh mất lòng tin của nhân dân, tạo điều kiện để dư luận lên án, phê phán.
Bản án phải là tiếng nói của công lý
Tin vào tư pháp là tin vào nền công lý của một quốc gia, tức là tin vào pháp luật, tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vậy phải xây dựng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với hoạt động tư pháp như thế nào?
Trước hết, bản án phải là biểu hiện điển hình của lòng tin vào công lý, vào lẽ công bằng trong hoạt động tư pháp. Đây là nhân tố cực kỳ quan trọng để thiết lập lòng tin vào nền tư pháp quốc gia. Tôi đề nghị từ nay, các cơ quan nhà nước, các đồng chí lãnh đạo - dù cương vị cao đến đâu - cũng phải từ bỏ thói quen can thiệp vào các hoạt động tư pháp.
Đối với bản thân các cơ quan tư pháp, phải vượt lên chính mình, độc lập, khách quan với các tác động bên trong lẫn bên ngoài. Về phía xã hội, tôi nghĩ phải xây dựng cơ chế pháp lý và hình thành thói quen không tác động vào các cơ quan tư pháp, không tác động vào các bản án.
Không nghiêm chỉnh thực hiện được nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp, đặc biệt là hoạt động xét xử thì không thể xây dựng và củng cố được lòng tin vào các cơ quan tư pháp nói chung, vào các bản án, vào công lý và công bằng nói riêng.
Vai trò của báo chí
Để xây dựng niềm tin vào pháp luật, tin vào sự phán quyết của các cơ quan tư pháp, cần phải hình thành môi trường thông tin minh bạch và lành mạnh mà trong đó, các phương tiện thông tin đại chúng có vai trò rất quan trọng. Việc đưa các vụ án lên phương tiện thông tin đại chúng phải theo định hướng: Thông tin chính xác, toàn diện, có căn cứ pháp luật, có thái độ (kết luận) cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền… Thông qua việc phản ánh về các vụ án, phải bồi dưỡng cho người dân tình cảm đúng đắn về pháp luật. Trong đó, đặc biệt chú ý đến tình cảm công bằng (pháp luật là thước đo như nhau đối với những người khác nhau); tình cảm không khoan nhượng (pháp luật không bỏ qua cho bất kỳ một hành vi vi phạm pháp luật nào mà không có hình thức xử lý thích hợp).
Nâng cao vị thế, tính độc lập của tòa
Trong các ngày 22, 23-4-2011, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về kết quả sơ kết năm năm triển khai thực hiện Nghị quyết 49 tại TP.HCM.
Tại hội thảo, có ý kiến rằng những năm qua, vị trí và vai trò của ngành tòa án chưa được đặt đúng tầm, không những không được cải thiện, nâng cao mà còn bị giảm sút do nhiều yếu tố tác động khác. Nền tư pháp của ta đang phải đối mặt với những thách thức như nguy cơ lạm quyền từ phía các cơ quan công quyền và những người có thẩm quyền trong thi hành công vụ xuất hiện ngày càng nhiều; lòng tin của người dân vào công lý, sự công bằng xã hội bị giảm sút… Các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn tại Việt Nam khi có tranh chấp trong đầu tư kinh doanh chủ yếu nhờ các tòa án nước ngoài giải quyết.
Một số ý kiến đã đề xuất cụ thể như sau:
- Thực hiện cơ chế bổ nhiệm thẩm phán suốt đời hoặc nhiệm kỳ dài hạn và không trùng với nhiệm kỳ của cơ quan hành pháp. Sau khi được bổ nhiệm, thẩm phán không bị thay đổi nơi công tác để tăng cường tính độc lập. Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho hoạt động của tòa án địa phương theo hướng ngân sách cấp cho tòa án được dự toán, cấp thẳng từ nguồn ngân sách trung ương. Đổi mới ngạch, bậc lương của thẩm phán để đảm bảo cho họ đủ nuôi gia đình một cách tương đối đàng hoàng.
- Triển khai thực hiện việc thành lập các tòa sơ thẩm khu vực, không theo địa giới hành chính… Xây dựng và thực hiện các tiêu chí bổ nhiệm thẩm phán theo hướng chặt chẽ, đề cao năng lực chuyên môn, kinh nghiệm cuộc sống, đạo đức nghề nghiệp…

 (Nguồn: http://phapluattp.vn/20110612123844961p0c1063/lam-gi-de-dan-tin-vao-toa.htm)
GS-TS TRẦN NGỌC ĐƯỜNG

1 Lời Bình:

Bài này phản ánh đúng sự thật những gì hiện đang xảy ra. Nhà nước phải thay đổi thôi thì mới mong dân từ từ có lại niềm tin vào tòa. Phan Thiết.

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More