2/9/11

Tu chính hiến pháp, không thể quên...

Tuy sửa chữa đã nhiều lần, xem ra các bất cập cốt lõi trong hiến pháp Việt Nam vẫn còn tồn tại. Hiến pháp vẫn là đề tài “nóng” cho các đại biểu Quốc hội, các vị luật gia và người dân nói đến trong lần sửa đổi thứ tư này.


Vẫn còn "sợ"?  Sợ gì?

Quỳnh Chi tham khảo ý kiến luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc UBTƯMTTQVN, về đề tài này.

Quỳnh Chi: Thưa chào ông Lê Hiếu Đằng.  Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp đã được thành lập và họp phiên đầu tiên. Có ý kiến cho rằng thay vì chỉ có lãnh đạo các bộ, ngành, Ủy ban này nên có mặt đại diện giới luật gia. Đặc biệt dư luận cũng cho rằng thành phần ủy viên trong , Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp không có đại diện Ủy ban Tư pháp Quốc hội. Ý kiến của ông ra sao thưa ông?

Ông Lê Hiếu Đằng: Tôi cho là họ vẫn còn sợ, sợ phải mở rộng Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp cho nên thành phần trong Ủy ban hết sức hẹp. Cho toàn là viên chức Nhà nước thôi. Mà nếu có các đoàn thể khác thì cũng là viên chức Nhà nước cả. Trong khi có một giới rất quan trọng là giới luật gia, luật sư cũng như các trí thức ngoài xã hội có những chính kiến của họ. Sửa đổi Hiến pháp cần nhiều ý kiến khác nhau.  Từ đó chọn lựa rồi đưa ra cho người dân phúc quyết thì mới được. Cho nên việc thành phần sửa đổi chỉ bó hẹp trong Ủy ban ấy thì người dân sẽ thấy không yên tâm, thấy rằng mọi thứ sẽ trở lại như cũ. Tôi cho rằng chúng ta đừng sợ như thế bởi cuối cùng quyết định cũng thuộc về người dân. Và sửa đổi Hiến pháp phải theo xu thế tiến bộ hiện nay trên thế giới như vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền tự do của con người. Phải như thế thì Việt Nam mới phát triển được.



Chủ quyền phải là hiến định Quỳnh Chi: Ông vừa nói về việc sửa Hiến pháp theo một xu thế tiến bộ. Ở các nước tiến bộ và lấy dân chủ làm nền tảng, họ thường thành lập Quốc hội lập hiến để soạn thảo Hiến pháp. Xem ra Việt Nam đã có những qui trình khác…

Ông Lê Hiếu Đằng: Thật ra, đúng theo trình tự thì phải thành lập một Quốc hội Lập hiến. Quốc hội Lập hiến chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là soạn thảo Hiến pháp một cách khách quan và độc lập. Chứ còn Quốc hội Việt Nam vừa có tính lập hiến vừa có tính lập pháp nên không thể đảm bảo tính khách quan được. Ở các nước khác, sau khi Quốc hội Lập hiến hoàn thành Hiến pháp, sẽ bị giải thể để thành lập Quốc hội Lập pháp. Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp vừa được thành lập thì cũng của Quốc hội mà thôi nên sẽ có nhiều hạn chế trong việc sửa đổi Hiến pháp.
Quỳnh Chi: Điều 21 của HP 1946 quy định “Nhân dân có quyền phúc quyết về về HP và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo điều 32 và điều 70”. Hiến pháp 1992 không có qui định này. Ông có cho rằng việc hiến định hóa những vấn đề liên quan đến vận  mệnh quốc gia là một việc làm quan trọng?

Ông Lê Hiếu Đằng: Chúng tôi nghĩ rằng trong điều kiện đất nước đang bị đe dọa bởi sự bành trướng của Trung Quốc thì chúng ta phải đưa vến đề chủ quyền, vấn đề biển đảo vào Hiến pháp để nó trở thành những điều hiến định mà bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng phải tuân theo chứ không thể tùy tiện ký kết được. Một số vấn đề như vấn đề biên giới phải đưa ra trưng cầu dân ý chứ không thể “đi đêm” như vừa rồi Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn sang Trung Quốc. Như thế thì người dân mới giám sát được vấn đề toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc được.


Vấn đề đảng lãnh đạo và đa đảng

Quỳnh Chi: Thưa ông, điều 4 Hiến pháp 1992 qui định Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo; tuy nhiên lại không qui định đây là đảng duy nhất lãnh đạo. Cho là quy định này được nhân dân chấp nhận, vậy liệu đây có phải là một kẽ hở để các đảng phái chính trị khác dựa vào để cho rằng việc đa đảng là hợp hiến vì trên cơ bản “người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm”?

Ông Lê Hiếu Đằng: Hiện nay, Hiến pháp qui định Đảng cộng sản lãnh đạo nhưng không nói về vấn đề đa nguyên đa đảng. Đó là điều mà chúng ta phải suy nghĩ. Tuy nhiên, theo tôi, khi chúng ta chấp nhận nền kinh tế thị trường thì vấn đề đa nguyên đa đảng là vấn đề cần được nghiên cứu. Bởi vì trong kinh tế thị trường sẽ tồn tại nhiều thành phần, nhiều nhóm với các lợi ích khác nhau. Và họ sẽ thành lập những tổ chức nhất định. Cái này (việc lập thành những tổ chức nhất định – PV) thì tôi cho là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là tất cả mọi người phải đặt lợi ích đất nước, dân tộc lên trên hết. Như thế thì sẽ hình thành một xã hội dân sự, kiềm chế lẫn nhau để tránh tình trạng độc quyền. Tôi cho đây là một việc lành mạnh. Dù là một đảng viên Đảng Cộng sản nhưng tôi thấy đây là một việc bình thường. Chúng ta nói hội nhập kinh tế thì cũng phải nói hội nhập về chính trị, hội nhập với xu thế dân chủ và tiến bộ hiện nay trên thế giới. Tôi nghĩ đây là một bước phát triển không thể nào ngăn cản được đâu.

Quỳnh Chi: Tại phiên họp toàn thể ngày 4 tháng 8 do phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì, nhiều đại biểu cho rằng lần sửa đổi Hiến pháp này nên tập trung vào việc sửa đổi tổ chức bộ máy nhà nước. Vấn đề này cũng đã được ông Nguyễn Văn An, ông Nguyễn Đình Lộc và nhiều vị khác nói đến. Ý kiến của ông như thế nào?

Ông Lê Hiếu Đằng: Theo tôi, việc thay đổi cơ cấu bao gồm nhiều việc. Thứ nhất phải luật hóa sự lãnh đạo của Đảng để người dân thục hiện vai trò giám sát của mình. Ngoài ra, phải thực hiện tam quyền phân lập. Ba nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp phải độc lập với nhau thì mới giám sát lẫn nhau được. Thêm vào đó, phải có một xã hội dân sự mà trong đó các đoàn thể, các tổ chức chính trị phải có một vai trò độc lập nhất định thì lúc đó mới có thể thực hiện vai trò giám sát của dân. Người dân giám sát thông qua Quốc hội, nhưng cũng cần giám sát thông qua một xã hội dân sự với những cơ chế lành mạnh.

Quỳnh Chi: Từng là phó chủ tịch MTTQVN TP.HCM, ông nhận xét vai trò của các đoàn thể cũng như các tổ chức chính trị như thế nào?

Ông Lê Hiếu Đằng: Thật ra rất nhiều  người công khai đánh giá rẳng vai trò của Mặt trận, các đoàn thể mang tính hình thức và bị hành chánh hóa vì đa số đều là viên chức Nhà nước chứ không phải là những đoàn thể độc lập, kể cả độc lập về tài chính. Anh phụ thuộc tài chính thì làm sao có thể độc lập được.  Do đó có thể đánh giá là vai trò những đoàn thể này chưa thật sự hiệu quả, chưa thật sự là chỗ dựa của quần chúng.


“Tam quyền phân lập”?- không tách bạch

Quỳnh Chi: Thưa ông, Việt Nam không áp dụng cơ chế tam quyền phân lập. Trong cuộc trao đổi với Quỳnh Chi vừa qua, ông Nguyễn Đình Lộc cũng nói rằng “Ở Việt Nam không nói chuyện tam quyền phân lập mà nói là phân công phối hợp, quyền lực nhà nước là thống nhất”. Ông có  nghĩ là mô hình này vẫn đảm bảo được sự tách bạch và độc lập của 3 nhánh quyền lực không?

Quỳnh Chi: Dạ vâng, câu hỏi cuối thưa ông, cũng trong cuộc trao đổi với Quỳnh Chi thì cựu Bộ trưởng bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc có nói rằng “Sửa hiến pháp, cần xác định lại chủ thuyết . Cần xác định rõ Hiến pháp là gì vì cách thể hiện của Hiến pháp hiện nay chưa thể hiện rõ”. Nói cách khác, ông Lộc muốn nói đến việc xác định rõ quyền lực nhà nước và quyền tự do dân chủ của nhân dân. Theo ông thì Hiến pháp như thế nào là phù hợp với lòng mong đợi của dân chúng?

Ông Lê Hiếu Đằng: Đó là Hiến pháp mà các điều khoản đặt lợi ích đất nước, lợi ích tổ quốc lên trên chứ không phải lợi ích của bất cứ một tập đoàn hay đảng phái nào.
Quỳnh Chi: Xin cám ơn ông và hy vọng những trăn trở cũng như những bất cập này sẽ được xét đến trong lần sửa đổi Hiến pháp này.

Quỳnh Chi
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-unforgettable-in-the-constitution-amendment-process-08312011152559.html

0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More