15/10/11

Ngành công an có nên tuyển thêm nhiều bác sĩ ?


Nghe câu hỏi này ai cũng cười, chẳng phải từ Bắc chí Nam hầu như ở tỉnh nào cũng có các cơ sở y tế trực thuộc công an rồi sao? Nơi to cao thì gọi là Bệnh viện, nơi đơn sơ cũng là cái Bệnh xá. Trang thiết bị, nhân sự y bác sĩ…của các bệnh viện, bệnh xá ấy nhiều bệnh viện thuộc hệ “dân sự” còn phải thèm. Trong khi dân còn chen chúc bốn người bệnh một giường, nhiều nơi còn “trắng y tế” mà công an có hẳn một hệ y tế riêng, đủ biết đảng, nhà nước đã ưu tiên ưu đãi cho lực lượng bảo vệ của mình cỡ nào.
Quân đội cũng có ngành quân y với các bệnh viện khổng lồ, nhưng đặc thù của quân đội là chiến đấu, quân số lại đông gấp nhiều lần công an. Kể cả thời chiến lẫn thời bình, nếu không có hệ thống quân y mạnh thì sẽ có một quân đội yếu. Đồng thời, trong thời bình, các quân y viện cũng có những đóng góp rất lớn trong khám, chữa, điều trị bệnh cho nhân dân, nhiều người còn thích đi khám ở bệnh viện quân đội hơn là bệnh viện “dân”. 

Lan man chút suýt lạc đề. Ở đây mình muốn nói đến việc lâu nay thỉnh thoảng báo chí lại đưa tin có công dân chết tại trụ sở công an, nhất là tại các địa bàn cơ sở, gây dư luận rất xấu và tạo nên những phản ứng cũng rất xấu trong xã hội. 

Cái xấu thứ nhất là cái chết ấy ngay lập tức kéo theo một vụ “tụ tập” của một đám đông mất bình tĩnh. Mà khi đã mất bình tĩnh thì lời nói, hành động sẽ vượt khỏi quy tắc, quy định, mất kiểm soát. Nói gì thì nói, mạng người là quý nhất dù đó là mạng một chú cắp vặt hay một tay buôn ma túy. Vậy nên, khi một mạng người mất đi, thân nhân người ta có quyền bức xúc, có quyền đau khổ, có quyền phản ứng, lực lượng công an khi ấy phải hết sức khéo léo trong xử lý tình huống mới “hạ nhiệt” được đám đông rồi từ từ phân giải nguyên nhân lý do…. 

Phải đặt mình vào vị trí người ta mới hiểu được những cảm giác người ta đang có, từ đó thông cảm với hành động của họ, và quan trọng hơn là phải dũng cảm nhìn vào sự thật, không nên lảng tránh, đổ bừa theo kiểu nói lấy được, dân người ta tinh tường và có kiến thức luật pháp, kiến thức y học chứ không dễ gì phán ngang phán dọc như thời còn mông muội. 

Đó là chưa kể một số nơi lực lượng công an ngay lập tức triển khai phương án phòng chống bạo động (đã được học kỹ để chống phản động), biến đám đông vài chục người kia thành một thế lực “phản động đội lốt thân nhân” để dùng các biện pháp nghiệp vụ trấn áp, bắt bớ, hành hung. Quy họ vào tội “phá hoại trật tự trị an”, lấy dùi cui nện người ta, nếu ai dùng gậy chống đỡ lại thì bắt giam ngay kẻ “chống người thi hành công vụ”. 

Có những vụ việc như thế một phần do kiến thức, nghiệp vụ cán bộ công an kém, một phần (lớn) do lâu nay lực lượng công an tự cho mình là kiêu binh, là con cưng, là kẻ có quyền xúc phạm người dân nhân danh “bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Chính đó là nguyên nhân của cái xấu thứ hai: Bọn phản động thù địch được dịp tấn công đảng, chính quyền. 

Như đã nói ở trên, mạng người là lớn nhất, chết người mà nơi chết lại là trụ sở công an, hoặc người chết vừa mới rời chỗ đó, sẽ là một tin tức “hot” cho các báo, đài. Đồng ý là hơn 700 tờ báo đều của đảng, nhưng không thể giấu nhẹm tin tức về những cái chết đó, bởi nay là thời đại thông tin. Nếu anh không đưa tin, dù là “có định hướng” thì vỉa hè sẽ thay anh ngay, khi ấy hệ quả xã hội có khi còn tệ hại hơn là anh đưa tin chính thức. Hơn nữa, báo chí nay không những làm chức năng phát ngôn cho đảng mà còn phải tự nuôi mình, nếu không có người đọc thì đảng chỉ nuôi được chừng dăm tờ, loại mà xưa nay mang tiếng “Già, huân chương đeo đầy ngực mà vẫn chưa bỏ bú”. Các báo khác phải chen nhau mà sống nên không thể đưa tin cụt lủn: “Một người chết tại CA xã X. nguyên nhân đang được điều tra”. Phải giả thuyết này nọ, phải tìm tên họ, nhân thân, tình tiết chết thế nào, dấu vết ở cổ ở lưng ra sao…đa số là hóng hớt, thêm thắt, nên có khi trên một cái xác mười báo đưa tin có mười kiểu chết. 

Không giấu được, thế là phải đưa tin, người đọc lại giật mình ơ, mới đây có một người cũng chết ở trụ sở A, chưa lâu lại có một người chết trong trại tạm giam B…. trong khi vụ kia cách vụ này cả mấy tháng, trong thời gian ấy số người chết vì hóc xương gà còn nhiều hơn, nhưng khổ nỗi ấy là người ta chết sướng, chả ai quan tâm. Chết bởi công an, chết cạnh công an mới thành chuyện. 

Bọn phản động, bọn thù địch thối mồm được dịp tung ra hàng loạt bài nói xấu công an, rồi nói xấu ông chủ của công an. Các ông chủ bị lôi ra bêu riếu, làm như họ cũng có “công” loại bỏ được một kẻ vi phạm hành chính ra khỏi đời sống xã hội. Uy tín của chính công an và của cấp trên muốn hay không cũng bị tổn hại. Bao chiến sĩ lặn ngụp trong lũ với dân, nhảy vào lửa cứu dân…mới ghi được vài điểm son, trong khi chỉ một câu chửi thề hỗn xược với dân, cầm trăm ngàn lót tay của anh xe máy lấn tuyến, thế thôi cũng đủ “âm” nhiều trong mắt dân rồi. Đằng này anh giơ tay thề “bảo vệ tính mạng” của dân…mà để người ta chết ngay trong nhà mình, hỏi sao bọn kia không lợi dụng nói xấu. 

Họ nói xấu anh vì có khi anh xấu thật, chứ ông chủ của anh vì anh mà bị xấu mặt thì tội của anh rất to. Khẩu hiệu “còn chủ còn mình”, nhưng anh gây chuyện cho người ta chửi vào mặt chủ thì “còn chủ mất mình” chưa chừng. 

Vậy thì làm thế nào? 

Đơn giản: Tuyển thật nhiều bác sĩ, rải khắp các đơn vị. Bắt ai về khám ngay. Gì chứ phát hiện một người bị tim, cao huyết áp, tâm thần…không khó. Với những đối tượng này nên thả ngay, chứ lỡ người ta vì lo lắng, vì đói mệt phát bệnh chết, hay có bệnh nên yếu, trong trại không chịu được đầu gấu, đại bàng hành hạ nên ngoẻo bất tử thì mang họa. Chưa kể các quý anh “điều tra viên” khi ra ngoài lấy tin thì giả nai, mồm dẻo quẹo hót như chim, khi đối diện với bị can thì như hùm như hổ, quát tháo khủng bố, thậm chí lấy bị can làm đối tượng thực tập các thế võ “tay không đoạt mạng”, hệ quả khôn lường. 

Các bác sĩ phải loại bỏ ngay từ đầu các nguy cơ tiềm ẩn, tiếp theo phải quy định liều lượng các “biện pháp nghiệp vụ mạnh” cho từng đối tượng điều tra cụ thể (chứ ai lại để như mới đây công an đánh bị thương nặng một thằng bé lớp 9 thì tệ quá). Thứ ba phải xử lý cấp cứu tại chỗ các nạn nhân mà đồng nghiệp lỡ tay, lỡ chân, lỡ gậy… Số này hơi nhiều, do trót bị “phơi nhiễm” tính côn đồ khi tiếp xúc hàng ngày với tội phạm các loại. 

Ngay cả những khi xảy ra chuyện xấu nhất, việc có một chiếc áo blu lăng xăng giữa đám áo xanh áo vàng có thể làm dịu tình hình. 

Chỉ có như vậy mới giảm thiểu được con số những ca chết vì bệnh lý, chết vì tự ngã xuống sàn bê tông, chết vì tự thắt cổ bằng dây giày, chết vì lỡ vấp phải gậy…xảy ra gần đây ngày càng nhiều. Từ đó bảo vệ uy tín đảng, uy tín công an và bảo vệ được chế độ. 

Còn nhân dân, tuy vẫn rất cần bác sĩ, cả nước vẫn đang thiếu bác sĩ, nhưng vì sự sống còn của chế độ, nhân dân tự nguyện hy sinh quyền được bác sĩ khám chữa bệnh để công an giữ trọn lời thề với đảng của mình. 


*



0 Lời Bình:

Đăng nhận xét

Facebook Twitter Stumbleupon More